Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

11 gợi ý phòng chống ung thư của TS Việt được vinh danh tại Mỹ

2/3 số ca ung thư có thể được phòng tránh nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa ung thư. Sau đây là một số thông tin hữu ích có thể giúp các bạn giảm đáng kể nguy cơ ung thư.

phòng chống ung thư, ung thư vú, ung thư

LTS: TS Phan Minh Liêm là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson đặt tại Houston, Texas. Thời gian qua, anh đã có bài viết chia sẻ cho độc giả 11 bí quyết để phòng ngừa căn bệnh ung thư.

Nhận thấy vấn đề này được nhiều người quan tâm, TS Phan Minh Liêm đã 3 lần gửi bản update thông tin nhằm đem đến cho độc giả thông tin đầy đủ nhất về kiến thức phòng tránh và tầm soát ung thư. Bài viết gửi đến độc giả dưới đây là bản hoàn thiện nhất của TS người Việt đã được sự góp ý quý giá của các chuyên gia về ung thư tại Viện Anderson.

Chúng tôi xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết đầy tâm huyết của TS Phan Minh Liêm.

Ung thư là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm lấy đi sinh mệnh của hơn 8 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới mỗi năm. Hơn 14 triệu ca ung thư được phát hiện mới mỗi năm và số ca bệnh ung thư đang tăng nhanh tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tử vong do ung thư cao trên thế giới.

Tuy nhiên, 2/3 số ca ung thư có thể được phòng tránh nếu chúng ta áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa ung thư. Sau đây là một số thông tin hữu ích có thể giúp các bạn giảm đáng kể nguy cơ ung thư của bản thân và gia đình, người thân. Đây là phiên bản cập nhật với nhiều thông tin hơn so với phiên bản đã được công bố trước đây. Xin cảm ơn các bạn.

phòng chống ung thư, ung thư vú, ung thư

Hình 1: Những điều nên lưu ý để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

1. Tầm soát ung thư định kì theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế. Việc tầm soát và xét nghiệm phát hiện ung thư sớm rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Sau đây là khuyến cáo của Trung tâm Ung thư MD Anderson về cách tầm soát ung thư dành cho nam và nữ với nguy cơ ung thư ở mức trung bình.

phòng chống ung thư, ung thư vú, ung thư

Hình 2: Khuyến cáo tầm soát ung thư của Trung tâm Ung thư MD Anderson dành cho nữ với nguy cơ ung thư ở mức trung bình.

phòng chống ung thư, ung thư vú, ung thư

Hình 3: Khuyến cáo tầm soát ung thư của Trung tâm Ung thư MD Anderson dành cho nam với nguy cơ ung thư ở mức trung bình.

Đối với các trường hợp có nguy cơ cao, các bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ung thư để được tư vấn cách phòng ngừa, xét nghiệm phù hợp.

Việc tầm soát ung thư đặc biệt quan trọng khi nguy cơ ung thư cao (ví dụ như do tiền sử gia đình có người mắc ung thư, do tiếp xúc với tác nhân gây ung thư,…) hoặc khi cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo ung thư như sau.

Các bạn lưu ý đây chỉ là các dấu hiệu cảnh báo chứ không có nghĩa là chúng ta bị mắc ung thư thư khi có các triệu chứng bên dưới. Khi có một trong các biểu hiện dưới đây lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì chúng ta nên đi tầm soát ung thư và khám bệnh kĩ càng.

Xem thêm  Đây là 5 bệnh ung thư người Việt mắc nhiều nhất

phòng chống ung thư, ung thư vú, ung thư

Hình 4: 12 dấu hiệu cảnh báo ung thư.

2. Không hút thuốc và tránh xa nơi có khói thuốc. Khói thuốc chứa rất nhiều độc tố gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ung thư não, ung thư bàng quang,.. Hút thuốc thụ động, hút thuốc lá điện tử, shisha cũng làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư.

3. Tránh tiêu thụ các loại tương, tương đen, chao, đậu phụng, hắc xì dầu, nước tương, và thực phẩm bị nhiễm độc tố aflatoxin. Chỉ sử dụng các sản phẩm có chất lượng đảm bảo và đã được kiểm định hàm lượng độc tố aflatoxin.

Aflatoxin là một độc tố rất nguy hiểm làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan. Không ăn các loại thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc nấm mốc. Hạn chế ăn các loại dưa muối, dưa cải, củ cải muối. Tránh ăn các loại thức ăn quá mặn hoặc quá ngọt.

4. Tránh ăn các loại thức ăn bị cháy khét vì các loại thực phẩm cháy khét chứa rất nhiều độc tố gây ung thư, đặc biệt là các loại ung thư đường tiêu hoá (ung thư ruột, ung thư dạ dày,…). Hạn chế chiên, nướng, hạn chế sử dụng nhiệt độ quá cao trong quá trình chế biến thực phẩm. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt gia súc màu đỏ.

Nên ăn cá, tôm, hải sản, thức ăn chay, thực phẩm an toàn. Các thức ăn nóng, và có dầu mỡ không nên đựng trong các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, xốp, nylon. Thủy tinh, thép, sứ là các vật liệu an toàn đối với việc lưu trữ thực phẩm.

5. Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn, xúc xích, hot dog, paté gan, các thực phẩm có nhiều chất bảo quản, chất tạo hương, chất tạo mùi, phụ gia, hoặc phẩm màu độc hại.

6. Hạn chế tối đa việc sử dụng thức uống có cồn (rượu, bia, kể cả rượu thuốc cũng cần hạn chế hoặc tránh sử dụng nếu có thể). Việc tiêu thụ thường xuyên các loại thức uống có cồn sẽ tăng nguy cơ bị xơ gan, một tiền căn dễ dẫn đến bệnh ung thư gan.

7. Tập thể dục điều độ và nhẹ nhàng, sống nơi yên tĩnh, thoáng mát, thư giãn, ở nơi có nhiều cây xanh. Chú ý không để thừa cân, thiếu cân và phòng ngừa tiểu đường. Béo phì và tiểu đường làm tăng nguy cơ ung thư. Chế độ ăn uống đúng bữa, ăn vừa đủ no. Ngủ sớm và đủ 8 giờ mỗi ngày. Yoga, thiền tĩnh tâm, thư giãn, cầu nguyện, làm việc thiện nguyện rất tốt cho sức khỏe.

Nam giới nên tập thể dục ít nhất 40-45 phút mỗi ngày. Nữ nên tập thể dục thể thao ít nhất 35-40 phút mỗi ngày.

8. Sức khoẻ tinh thần rất quan trọng đối với việc phòng ngừa và điều trị ung thư. Khi chúng ta lạc quan, hạnh phúc, phấn chấn, vui vẻ thì hệ miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả và tiêu diệt ung thư tốt hơn. Ngược lại, khi chúng ta bi quan, buồn, chán đời thì hệ miễn dịch hoạt động yếu, cơ thể sản xuất ra các stress hormone làm kích thích ung thư phát triển.

Xem thêm  Sản phụ có 15 người con 'chưa có dấu hiệu ngừng sinh'

9. Phòng tránh các tác nhân gây bệnh như virus HPV, HBV, HCV, HIV, vi khuẩn HP bởi vì các tác nhân này làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư. Hiện nay đã có các loại vaccine phòng ngừa HPV, HBV (virus viêm gan siêu vi B).

Chúng ta nên tiêm chủng phòng ngừa các loại virus này. Đối với vi khuẩn HP, chúng ta nên tầm soát định kì và nếu bị nhiễm vi khuẩn HP thì chúng ta nên dùng kháng sinh đặc hiệu để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

10. Tăng cường sử dụng các loại rau xanh, hoa quả, thực phẩm an toàn, giúp giảm nguy cơ ung thư như nghệ, trà xanh, súp lơ xanh, súp lơ trắng, táo, lê, nho, cam, chanh, dầu ôliu,…

Nghệ có chứa nhiều curcumin và trà xanh có chứa nhiều EGCG. Theo các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ban đầu thì curcumin và EGCG là các hợp chất có hoạt tính kháng ung thư. Nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu đang được tiếp tục tiến hành để tăng hoạt tính và khảo sát chuyên sâu tiềm năng ứng dụng curcumin và EGCG trong điều trị và phòng ngừa ung thư.

Tuy nhiên việc sử dụng các chế phẩm, các chiết xuất curcumin, EGCG, thực phẩm chức năng,… cần có sự tư vấn của các chuyên gia y tế để tránh các tương tác thuốc và tránh các tác dụng phụ.

Các hoạt chất như curcumin, EGCG,… hiện nay vẫn chưa thay thế được việc điều trị ung thư bằng các phương pháp điều trị ung thư như hoá trị, xạ trị, phẫu thuật,…

Các hoạt chất như curcumin và EGCG và các biến thể liên quan đến curcumin và EGCG đang được tiếp tục nghiên cứu và tối ưu hoá nhằm ứng dụng trong điều trị ung thư nhưng các nghiên cứu này sẽ cần nhiều thời gian để hoàn tất.

11. Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư. Hạn chế tác hại của tia tử ngoại (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc cường độ tia tử ngoại cao nhất trong ngày), khói bụi, các hoá chất độc hại, chất phóng xạ,…

Một số hoá chất sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chăm sóc sắc đẹp, in ấn, da giày, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, mực in, chất tạo màu… có chứa nhiều hoá chất tăng nguy cơ ung thư. Do đó, mình cần mang bao tay, khẩu trang, tăng cường thông thoáng khí, sử dụng các hệ thống lọc.

Sử dụng kem chống nắng, dùng mũ, dù che nắng khi tiếp xúc với tia tử ngoại. Hạn chế tiếp xúc và cần đeo khẩu trang, đồ bảo hộ chuyên dụng khi tiếp xúc với amiăng cũng như các loại vật liệu và sản phẩm có chứa amiăng (asbestos) vì amiăng là tác nhân gây ra nhiều loại ung thư như ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư trung biểu mô, ung thư buồng trứng,…

Sau đây là tóm tắt về các biện pháp chúng ta có thể áp dụng để giảm nguy cơ ung thư. Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu chúng ta áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì có thể phòng tránh 2/3 số ca ung thư.

phòng chống ung thư, ung thư vú, ung thư

Hình 6: Những biện pháp giúp giảm nguy cơ ung thư

Theo soha.vn và ruybangtim.com