Thứ năm, Tháng mười hai 19
Shadow

15 câu chuyện về bác Hồ và bài học kinh nghiệm ý nghĩa nhất (p1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người sinh ra từ chân lí – người Việt Nam đẹp nhất. Người đã đi xa “Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn” nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành bất tử. Người là kết tinh và toả sáng những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của trí tuệ và đạo đức Việt Nam. Phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho dân tộc Việt Nam noi theo.

Trong từng vần thơ câu ca cũng từng viết: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Ngày nay. Bác đã đi xa nhưng những gì là giá trị đạo đức, là truyền thống quý báu của Bác vẫn mãi là tấm gương sáng ngời cho nhân dân và nhân loại soi sáng. Với những mẩu chuyện ngắn sau đây sẽ giúp bạn cảm nhận hơn về vị cha già kính yêu của dân tộc. Từ đó, biết trân trọng hơn từng phút giây được sống và được làm theo lời Bác.

1. Chiếc áo ấm – Bài học về sự chăm lo của Bác Hồ

Một đêm mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về mang theo những hạt mưa lâm thâm làm cho khí trời càng thêm lạnh giá. Thung lũng bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Ở đây, Bác vẫn thức, vẫn làm việc khuya như bao đêm bình thường khác. Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây, chỗ tôi đang đứng gác.

– Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không?

– Thưa Bác, vâng ạ!

– Chú không có áo mưa?

Tôi ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp:

– Dạ thưa Bác, cháu không có ạ! Bác nhìn tôi từ đầu đến chân ái ngại:

– Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn…

Sau đó, Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ… Một tuần sau, anh Bảy cùng mấy người nữa đem đến cho chúng tôi 12 chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Anh nói:

– Bác bảo phải cố gắng tìm áo mưa cho anh em. Hôm nay có mấy chiếc áo này, chúng tôi mang lại cho các đồng chí. Được một chiếc áo như thế này là một điều quý, nhưng đối với chúng tôi còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha.  Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo mới nhận được đến gác nơi Bác làm việc. Thấy tôi, Bác cười và khen:

– Hôm nay chú có áo mới rồi.

– Dạ thưa Bác, đây là áo anh Bảy đem đến cho tiểu đội chúng cháu mỗi người một chiếc ạ.Nghe tôi thưa lại, Bác rất vui. Bác ân cần dặn dò thêm:

Trời lạnh, chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác.

Dặn dò xong, Bác trở lại ngôi nhà sàn để làm việc. Lòng tôi xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho chúng tôi trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Đáng lẽ chúng tôi phải chăm lo cho Bác nhiều hơn, còn Bác, Bác lại lo nghĩ đến chúng tôi nhiều quá. Từ đấy, chúng tôi cũng trân trọng giữ gìn chiếc áo Bác cho như giữ lấy hơi ấm của Bác. Hơi ấm ấy đã truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh trong mỗi chặng đường công tác.

Bài học kinh nghiệm: 

– Câu chuyện này tả lại tình yêu thương ân cần của Bác dành cho những cán bộ phục vụ quanh mình. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng khi thấy người chiến sĩ cảnh vệ canh gác dưới chân lán bị ướt và lạnh, Bác đã đôn đốc quân nhu chóng tìm áo ấm cho các anh. Chỉ một chiếc áo nhưng đã làm ấm cơ thể, ấm lòng anh chiến sĩ và hàng triệu triệu con tim người Việt.

– Như trong lời bài hát Thuận Nguyễn có viết: “Bác Hồ Người là tình yêu thiết tha nhất. Trong toàn dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương những cụ già xuân về gửi biếu lụa Bác thương đàn cháu nhỏ trung thu gửi quà cho. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương.”

Vị lãnh tụ vĩ đại

2. Chiếc đồng hồ – Bài học về sự đoàn kết

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:

– Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

– Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

– Thưa không được ạ. Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

– Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!

Sau câu chuyện của Bác Anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp dến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.

Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư – tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ này.

Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày  Việt Nam giành được độc lập.

Bài học kinh nghiệm:   

– Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta – một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc suy bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay lánh nặng tìm nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cả một tập thể.

-Từ một chiếc đồng hồ, Bác đã gợi lên trong mỗi người nhận thức về một bài học quý giá. Đó là hiện vật vô giá về tình đoàn kết trong mỗi đơn vị, trong một quốc gia và tình đoàn kết quốc tế. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới và sáng tạo, để làm nên tất cả bỡi lẽ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” .

3. Bài học về sự tiết kiệm

Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy.

Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi Báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.

Bài học kinh nghiệm:

– Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta phải biết tự nhìn lại mình, phải sống giản dị, chân thật và tiết kiệm, nhắc nhở bản thân cần phải ra sức phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, đấu tranh chống lại lối sống tham ô lãng phí. Tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Biết cân đối, chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, nhằm giảm bớt hao phí trong quy trình sản xuất, trong hoạt động nhưng vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

– Trong thực tế chúng ta đơn giản chỉ là tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa lại một vòi nước khi không sử dụng; tận dụng sử dụng hiệu quả thời gian, một tờ giấy, một cây viết,… cũng là học tập theo tấm gương của Bác chỉ đơn giản những việc đấy cũng làm góp phần giữ gìn tài sản của công góp phần giúp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh.

Học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ

4. Thời gian quý báu lắm

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được.

Bác bảo:

-Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp.

Bác hỏi:

-Chú đến muộn mấy phút?

– Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

– Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác…

Nhưng bác không đồng ý:

– Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.

Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập.

Bài học kinh nghiệm:

– Quỹ thời gian của con người có hạn. Người ta có thể làm lại một cái nhà, một con đường,… nhưng không thể lấy lại được một tích tắc thời gian đã mất đi. Thời gian quý hơn vàng, bạc. Vì vậy tiết kiệm thời gian là tiết kiệm thông minh, văn minh nhất. Mỗi người đều có thể tiết kiệm được thời gian của mình: đó là làm việc phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết; làm việc ngăn nắp, gọn gàng; thày cô chuẩn bị bài chu đáo trước khi lên lớp, lên lớp đúng giờ, sử dụng hiệu quả giờ học; chuẩn bị nội dung tốt trước khi tiến hành tổ chức hội họp, tiếp dân,… Đó chính là tiết kiệm thời gian của mình và của mọi người.

Học cách quý trọng thời gian

5. Nước nóng, nước nguội – Học cách ứng xử

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám.

Được tin nhân dân phản ánh về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

– Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

– Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

– À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

– Dạ có ạ.

Bác nghiêm nét mặt nói:

– Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.

Bài học kinh nghiệm:

– Câu chuyện đã cho ta hiểu sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, một bài học về tâm lý và cách ứng xử sâu sắc, khôn khéo và thâm thúy cho tất cả chúng ta. Khi giận giữ rất dễ mất kiểm soát bản thân mình, khi giận lên chúng ta có thể làm nhiều việc mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó, hoặc đưa ra một số quyết định không mấy sáng suốt, nói ra những điều không nên… chỉ để thỏa mãn cơn giận. Tồi tệ hơn, vì cơn giận bạn có thể vô tình làm tổn thương đến những người xung quanh. Lưu lại trong ký ức của họ một hình ảnh không tốt đẹp về bạn. Vì vậy, trong mọi trường hợp hãy thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất.

Suy nghĩ kỹ trước khi làm

Xem thêm  15 câu chuyện về bác Hồ và bài học kinh nghiệm ý nghĩa nhất (p2)

Comments are closed.