Tôi tin rằng, bất cứ người mẹ nào trên đời này cũng yêu thương con cái của mình cả. Từ khi học mẫu giáo, tiểu học, trung học, trung học phổ thông, đại học cho đến khi đi làm, kết hôn và sinh con, không bà mẹ nào là không lo lắng cho con cái từng phút từng giây cả. Dù có lo lắng đến vụn nát con tim, các mẹ vẫn không oán trách nửa lời.
“Con trai à,
Hôm nay trong bữa cơm con lại giả vờ như không có chuyện gì để ám thị với mẹ rằng giá nhà trong trung tâm thành phố lại tăng cao, nếu không mua ngay thì sau này con và vợ con đến một căn nhà nhỏ để neo đậu cũng không có.
Mẹ lạnh nhạt nhìn con, hôm nay biểu hiện của mẹ không còn giống như con mong đợi để mà nói rằng “mẹ sẽ mua cho con”.
Còn con trong sự im lặng bối rối, đã tức giận đặt bát đũa xuống, rồi vùng vằng bước thật nhanh ra khỏi nhà. Mẹ trông theo dáng con bước đi từ cửa sổ, gầy gò, lười nhác và buông thả. Con vẫn cứ dựa dẫm vào bố mẹ mãi mà không chịu sống tự lập sao?
Thế nhưng, con trai à, con đã 25 tuổi rồi, con đã có một công việc ổn định, có một người con gái mà con yêu thương và còn có cả bố mẹ đang ngày càng già đi cần tới sự chăm sóc và lo liệu của con.
Lẽ nào những thứ này vẫn chưa đủ để khiến con trưởng thành hơn, thoát ly khỏi sự che chở của cha mẹ, bớt lười biếng để gánh vác những trách nhiệm mà một người trưởng thành cần phải gách vác sao?
Mẹ nhớ từ khi con còn nhỏ, con đã quen với việc có chuyện gì là tìm tới mẹ. Con thường nói: “Mẹ ơi, quần áo của con bẩn rồi, mẹ giặt giúp con”, “Mẹ ơi, ngày mai con đi dã ngoại, mẹ giúp con chuẩn bị đồ đạc”, “Mẹ ơi, bạn gái con thích ăn sườn xào chua ngọt, mẹ nhớ làm cho cô ấy ăn nhé”…
Từ trước tới nay, mẹ cũng đã quá quen thuộc với những lời dặn dò đó của con. Mẹ cứ nghĩ rằng, mẹ đối xử tốt với con, con sẽ ghi nhớ, để rồi mai này khi mẹ già đi mẹ cũng sẽ nhận được sự che chở và chăm sóc tận tình từ con.
Những đồng tiền mà bố mẹ tiết kiệm được đều bỏ vào trong tài khoản ngân hàng riêng mà bố mẹ bí mật mở cho con. Để mai này khi con có gia đình riêng có thể rút bớt một phần để giúp đỡ con, như vậy sẽ thiết thực hơn.
Nhưng đến hôm nay, mẹ chợt nhận ra rằng, cái cách mà mẹ đang hy sinh chính bản thân mình, dốc toàn tâm sức vì con này lại không thể nuôi dưỡng ra một đứa con biết trân trọng, biết báo đáp như bố mẹ mong muốn, ngược lại khiến con trở thành đứa trẻ ỷ lại, lười biếng và mai một ý chí phấn đấu một cách trầm trọng.
Bố mẹ càng yêu thương con, bao dung con thì con lại càng dựa dẫm và bòn rút của bố mẹ một cách vô giới hạn. Virus ích kỷ và lười biếng đang không ngừng sản sinh trong cõi lòng con giống như những tế bào ung thư được tiếp thêm dinh dưỡng.
Khi con 5 tuổi, mẹ phải giúp con dọn dẹp đống đồ chơi bày đầy dưới sàn nhà. Khi con lên 10, con thấy bạn học có đôi giày đẹp, con khóc lóc đòi mẹ mua bằng được. Năm con 15 tuổi, con viết thư tình cho bạn nữ trong lớp, con nói rằng: “Mẹ tớ quen biết rất nhiều người, ai bắt nạt cậu cứ nói với tớ”. Năm con 20 tuổi, khi con đang học đại học, mỗi lần gọi điện cho mẹ con đều phàn nàn về vấn đề cơm ký túc xá khó ăn và tồi tệ như thế nào.
Giờ đây, ngày nào con cũng về nhà ăn cơm, thi thoảng lại đưa cả bạn gái về cùng. Mẹ vừa đi làm vừa phải lo liệu 3 bữa cơm cho con. Bận rộn và mệt mỏi, đến gượng cười thôi mà mẹ cũng không đủ sức.
Mẹ cuối cùng cũng phải thừa nhận, sự nuông chiều của mẹ đối với con suốt 25 năm qua là một sai lầm lớn.
Con trai à, mẹ không thể không tàn nhẫn để nói với con rằng, từ ngày hôm nay trở về trước, cuộc sống của con có liên quan mật thiết với mẹ, nhưng kể từ hôm nay trở đi, mẹ sẽ không can dự thêm vào cuộc sống và đường đi của con nữa.
Mẹ mong con sẽ giống như những người khác tự lập tự cường, dọn ra khỏi sự che chở của cha mẹ. Thuê nhà ở bằng tiền lương của con. Mẹ sẽ khích lệ và động viên con, cho con thêm dũng khí nhưng sẽ không giúp đỡ con về vật chất và tiền bạc nữa.
Con à, mẹ rất xin lỗi, mẹ không nên yêu chiều con như vậy. Và con, cũng nên tự cảm thấy áy náy với tất cả những gì mà mình đã làm. Vậy thì chúng ta hãy cùng tha thứ cho nhau và bắt đầu lại từ đầu.”
Đó là bức tâm thư của một bà mẹ trải lòng về tình yêu bao la mà bà đã dành cho con trai, tưởng rằng tình yêu đó sẽ nuôi dưỡng ra một đứa con trưởng thành, tự lập và biết điều.
Nào ngờ, cái kết mà bà nhận được lại là trái đắng. Cậu con trai ấy không những không tự lập mà còn rất ỷ lại. Có lớn nhưng không có khôn.
Tôi tin rằng, bất cứ người mẹ nào trên đời này cũng yêu thương con cái của mình cả. Từ khi học mẫu giáo, tiểu học, trung học, trung học phổ thông, đại học cho đến khi đi làm, kết hôn và sinh con, không bà mẹ nào là không lo lắng cho con cái từng phút từng giây cả. Dù có lo lắng đến vụn nát con tim, các mẹ vẫn không oán trách nửa lời.
Thế nhưng yêu chiều và lo lắng cho con cái quá mức lại sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường. Cha mẹ thông minh cần phải biết cách yêu thương chừng mực và tàn nhẫn khi cần đối với con cái.
Một câu chuyện khác về Sa-La một bà mẹ người Do Thái, sinh được 2 người con trai và một người con gái. Sau khi ly hôn, Sa-La đưa ba con về sinh sống tại Israel. Lần đầu đến Israel, Sa-La dựa vào nghề bán nem rán dạo để duy trì cuộc sống gia đình.
Sa-La cũng giống như bao bà mẹ khác quen với suy nghĩ “khổ đến mấy cũng không được để con cái chịu khổ”. Thế là, hàng ngày sau khi đưa các con đi học, Sa-La bắt đầu vào công việc làm nem và bán nem mưu sinh của mình.
Sau khi các con tan học trở về nhà, Sa-La lại một mình bận rộn lo cơm nước, dọn dẹp còn các con của cô thì lại ngồi vây quanh lò sưởi ấm áp chờ mẹ nấu xong cơm và dọn sẵn lên bàn ăn.
Yêu cầu duy nhất của cô đối với các con đó là: chỉ cần thi đỗ đại học.
Cuộc sống cứ như vậy qua đi trong một thời gian dài, một hôm bà hàng xóm cảm thấy chướng tai gai mắt liền sang nói với người con trai lớn của Sa-La: “Cháu đã là một chàng trai lớn rồi, nên học cách giúp đỡ cha mẹ, chứ không phải chỉ đứng nhìn mẹ vất vả còn mình chả khác gì kẻ ăn hại”.
Sau đó bà hàng xóm còn bất mãn nói với Sa-La: “Đừng cho rằng sinh được con thì là mẹ, muốn yêu chiều ra sao thì yêu chiều, cách làm của cô bây giờ không phải là yêu thương con cái mà là đang hại chúng”.
Sau đó Sa-La mới phát hiện ra rằng, trong các gia đình ở Isarel, con cái đều phải tham gia vào lao động và làm việc nhà mà không có ngoại lệ. Những đứa trẻ nhà càng giàu lại càng bị cha mẹ chúng cho ra khỏi nhà trải nghiệm cuộc sống gian khổ. Thế là Sa-La liền thành khẩn tiếp nhận ý kiến của bà hàng xóm.
Nhằm để các con học hỏi kỹ năng sinh tồn, Sa-La sử dụng hình thức phục vụ có thù lao để các con giúp mình bán nem rán. Chỉ cần bán được một chiếc nem rán sẽ được hưởng 20% hoa hồng. Nhờ vậy, các con của cô học được cách giao tiếp với người lạ trong quá trình bán nem.
Ngoài ra Sa-La còn viết lịch trực nhật treo trên tường nhà, quy định ai giặt quần áo, ai nấu cơm, ai quét dọn nhà cửa… Kể từ khi ba người con cùng tham gia làm việc nhà, Sa-La có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.
Bậc làm cha làm mẹ nào trên thế giới này cũng đều biết yêu thương con cái cả, thậm chí là gà mẹ cũng biết yêu thương con của nó. Thế nhưng yêu thương con cái một cách “tàn nhẫn” như vậy thì chưa chắc ai cũng làm được.
Đến nay, các con của Sa-La đều đã trưởng thành và thành công trong kinh doanh buôn bán. Có được điều đó là nhờ sự nhắc nhở kịp thời của bà hàng xóm và lòng quyết tâm không nuông chiều con cái một cách quá mù quáng của Sa-La.
“Mềm lòng là hại, tàn nhẫn là yêu”. Những ai yêu chiều con cái quá mức sớm muộn cũng có ngày phải nếm trái đắng vì chúng. Yêu thương là điều cần thiết, nhưng hãy yêu thương một cách có chừng mực, yêu thương một cách “tàn nhẫn” khi cần để con cái tự lập hơn và biết quý trọng cuộc sống hơn!
Ngọc Thủy – Theo Trí Thức Trẻ