Cặp vợ chồng danh y này đã duy trì 3 nguyên tắc dưỡng sinh trong hơn 20 năm. Họ vốn yếu ớt nhưng đã trở nên khỏe mạnh, tươi trẻ. Bí quyết đơn giản ai cũng có thể thực hiện được.
Tuổi trẻ ốm yếu bệnh tật, tuổi già khỏe mạnh trẻ trung
Chuyên gia cao cấp Đông y cổ truyền, giáo sư Sử Tải Tường, Chủ tịch hội chuyên gia Tim nội khoa Đông Tây y kết hợp, Bệnh viện Trung Nhật (TQ) cùng với vợ của mình là Hoàng Liễu Hoa, chuyên gia Đông y, Trưởng khoa Lão khoa Bệnh viện Trung Nhật được xem là một “cặp đôi” chuyên gia nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ.
Họ là 2 bác sĩ đã có hơn 50 kết hôn, sống và làm việc cùng nghề với nhau, cùng tiếp xúc, nghiên cứu và ứng dụng những kiến thức y học vào chính bản thân mình, cuối cùng, họ rút ra được một bí quyết rằng, muốn dưỡng sinh, ít nhất phải có “bảo bối”.
Vốn dĩ cả hai ông bà đều có thể chất kém. Từ thời trẻ, ông bà đều có bệnh, nhưng hiện nay, tinh thần vô cùng vui vẻ, thể chất khỏe mạnh là nhờ việc họ đã áp dụng những bí quyết dưỡng sinh hàng ngày một cách đều đặn.
Nhìn vào hình ảnh tươi tắn của họ khi gần chạm ngưỡng 80 tuổi, không ai nghĩ rằng vợ chồng giáo sư Tường từng phải điều trị bệnh khi còn trẻ, thể chất yếu mà lại có thể cải thiện được như vậy.
Giáo sư Sử Tải Tường vốn mắc bệnh xuất huyết dạ dày, 3 lần phát bệnh, trong đó có một lần bệnh diễn tiến nặng suýt phải phẫu thuật cắt dạ dày.
Trong khi đó, vợ ông, bác sĩ Hoàng Liễu Hoa thể chất yếu ớt, thường xuyên bị cảm sốt, đau bụng đi ngoài. Không những thế, bà còn mắc bệnh lao phổi, bệnh sưng tuyến vú.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông bà đã thử nghiệm và áp dụng món cháo bát bảo làm thức ăn sáng để cải thiện sức khỏe và thể lực. Ông bà ăn hàng ngày, hàng năm và kiên trì như vậy, cơ thể tự nhiên nhờ đó mà khỏe mạnh hẳn lên. Cho đến nay, dù đã gần bước vào tuổi 80 nhưng tai vẫn thính, mắt vẫn tinh, đầu óc minh mẫn, khí sắc hồng hào, cơ thể tráng kiện.
Đây là món cháo phù hợp với cả người già và người trẻ, rất phù hợp cho bữa ăn sáng của các gia đình.
Bác sĩ Hoa vốn là trưởng khoa Lão khoa, nên bà đã có hàng chục năm tiếp xúc và làm việc với các bệnh nhân cao tuổi. Bà tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sức khỏe người gia, từ đó bản thân mình cũng đã áp dụng ăn món cháo này trong vòng 20 năm qua.
Cháo bát bảo là sự hội tụ của nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng bổ gan thận, ích khí huyết, kiện dạ dày, sinh tân (nước bọt/dịch tiêu hóa), làm đẹp da, hỗ trợ tiêu hóa, giảm béo, hương vị vừa ngon vừa thơm ngọt, ăn hàng ngày không có cảm giác ngán, đặc biệt tốt cho người cao tuổi.
3 “bảo bối” giúp vợ chồng danh y “biến hóa” từ yếu ớt sang khỏe mạnh
1. Cháo bát bảo
Trong căn bếp nhỏ của gia đình giáo sư Tường, có rất nhiều chai lọ đừng thực phẩm, và những lọ này đều là nguồn thực phẩm để chế biến bữa ăn sáng hàng ngày. Cặp lão niên sống thọ này cho rằng, họ khỏe mạnh và hoạt bát như vậy là nhờ vào nguồn dinh dưỡng ăn vào bữa sáng.
Thực tế, cặp đôi bác sĩ này đã duy trì bữa ăn sáng đặc biệt của mình trong vòng hơn 20 năm qua. Cháo bát bảo có nguồn dinh dưỡng phong phú, có tác dụng bổ gan thận, ích khí huyết, khỏe dạ dày, sinh nước bọt/dịch tiêu hóa, giúp làm đẹp, dưỡng da và giảm cân. Có hiệu quả đặc biệt đối với người già hoặc người có bệnh về táo bón.
Nguyên liệu:
2-3 thìa bột hạt sen
1 thìa bột hạt óc chó
2 thìa bột vừng đen
2 thìa nho khô
2 thìa bột mầm lúa mì
1 thìa sữa bột
3 thìa bột yến mạch
Mật ong vừa đủ
Cách chế biến:
Pha 2-3 thìa bột hạt sen vào nước ấm cho tan loãng ra, đun nước này lên cho đến khi chín thành bột hồ trong suốt, tiếp tục cho 1 thìa bột hạt óc chó, 2 thìa bột vừng đen, 2 thìa nho khô, 2 thìa bột mầm lúa mì, 1 thìa sữa bột, 3 thìa bột yến mạch, khuấy đảo đều, chờ cho đến khi món ăn nguội ở mức ấm vừa ăn thì thêm mật ong vừa đủ vào là có thể thưởng thức.
Số lượng các nguyên liệu trên nên điều chỉnh theo nhu cầu của mỗi người, ăn được bao nhiêu thì nấu bấy nhiêu. Nếu có mục đích làm đẹp thì nên thêm nho, nếu chữa táo bón thì nên thêm bột mì, yến mạch, óc chó, vừng đen. Vị ngọt cũng có thể thay đổi theo khẩu vị, nếu là người tiểu đường thì nên hạn chế cho nhiều mật ong.
Vì sao món cháo bát bảo lại đặc biệt?
Các thành phần khác nhau trong bát cháo bát bảo chính là sự đa dạng nguồn dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Bột hạt sen có tác dụng làm khỏe lá lách, thông dạ dày, thông tiện, ngăn ngừa tiêu chảy, bổ máu, tăng cơ, cầm máu và tiêu viêm, có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bột yến mạch có tác dụng làm giảm cholesterol, hạ đường huyết, giảm cân, có thể giải quyết và loại bỏ những cơn đau do táo bón ở người cao tuổi.
Mầm lúa mì là thành phần chứa chất dinh dưỡng cao nhất trong lúa mỳ và có chức năng kép, vừa làm thực phẩm vừa có tác dụng chăm sóc sức khỏe. Mầm lúa mì rất giàu chất xơ và có tác dụng nhuận tràng.
Hạt vừng đen có tác dụng bồi bổ gan và thận, làm ẩm nội tạng, tốt cho khí, lực và tăng cường sức khoẻ cơ bắp.
Hạt óc chó có tác dụng bổ não, tốt cho trí nhớ, chống lão hóa, có tác dụng nhuận tràng thông tiện nhất định.
Nho khô tốt cho cả gan và thận, ích khí huyết, sinh nước bọt, dịch tiêu hóa.
Sữa là thực phẩm giàu nguyên tố vi lượng, protein, chất béo, carbohydrate, và tất cả các vitamin, canxi, sắt, phốt pho, kẽm, đồng,… có thể thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa, cải thiện khả năng miễn dịch và chống lão hóa.
Mật ong chứa glucose, fructose, có tác dụng thanh nhiệt và làm ẩm, giải độc, nhuận tràng, tăng cường vẻ đẹp và dưỡng nhan lâu dài.
Người xưa nói rằng, dạ dày và lá lách là gốc của tương lai, thận là gốc của hôm nay, trong khi món cháo bát bảo này có tác dụng cho hầu hết các bộ phận quan trọng trên cơ thể, khi tì vị khỏe mạnh thì toàn cơ thể sẽ khỏe theo, thận tốt thì mọi cơ quan sẽ được tác động, đó cũng là bí quyết giúp cặp vợ chồng giáo sư Tường trở nên bách niên giai lão.
Những lọ đựng nguyên liệu chế biến món cháo bát bảo của vợ chồng danh y
Vì sao nói, bữa sáng ảnh hưởng đến cả cuộc đời?
Liệu một bát cháo thì có thể thay đổi được tình trạng sức khỏe của một người hay không, điều này nghe qua rất khó lý giải. Nhưng trên thực tế, một bữa sáng tốt không chỉ làm thay đổi một ngày của bạn, mà có thể làm thay đổi cả cuộc đời của bạn.
Chúng ta không xa lạ gì với câu nói “Bữa sáng là vàng, bữa trưa là bạc, bữa tối là đồng”, hay “bữa sáng nên ăn ngon, bữa trưa nên ăn no, bữa tối nên ăn ít”. Hầu hết những lời khuyên ăn uống đều chọn bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
Vì sao bữa ăn sáng rất quan trọng, bởi vì sau một đêm dài, thức ăn đã được tiêu hóa hết. Nếu bữa ăn sáng được chiếu lệ một ngày, vấn đề không phải là chuyện lớn, nhưng nếu bữa ăn sáng không được coi trọng kéo dài thành thói quen, nó sẽ có ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể.
Một số người nghĩ rằng, nếu ăn sáng không tốt, thì có thể “ăn bù” vào bữa trưa và tối để cung cấp thêm dinh dưỡng, nhưng quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Nếu bữa sáng ăn không tốt, cơ thể sẽ mệt mỏi, khi bữa trưa và tối ăn quá nhiều sẽ tích tụ chất béo, trở thành gánh nặng cho cơ thể.
Theo kết quả của một khảo sát cho thấy, có khoảng 90% bệnh nhân bị sỏi mật là những người không ăn sáng hoặc ăn sáng không đầy đủ. Sau một đêm ngủ dài, cơ thể mất nước nhiều hơn, việc tiêu hóa giảm, khiến cho nồng độ mật trở nên đậm đặc hơn, nếu không ăn sáng, việc lưu trữ mật qua đêm không thể được thải ra ngoài, sau một thời gian dài như vậy dễ gây ra sỏi mật.
Trong thời gian dài không ăn sáng, có thể dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh thực vật, rối loạn nội tiết, do đó gây ra rối loạn mãn tính chức năng cơ quan nội tạng, tăng nguy cơ béo phì, tăng lipid máu và đái tháo đường, gây ra các vấn đề dạ dày, sỏi mật và bệnh tật khác.
Mặc dù cơ thể con người có khả năng bù đắp rất mạnh, có sự duy trì và bảo tồn rất tốt, nhưng khả năng đền bù này được giới hạn sau một thời gian dài không ăn sáng hoặc bạn tiêu thụ hết nguồn năng lượng dự trữ. Đây là một trong những nguy cơ làm xói mòn nghiêm trọng sức khỏe của người trẻ tuổi.
Một nghiên cứu tại Đại học Erlangen (University of Erlangen-Nuremberg) ở Đức cho thấy, những người không quan tâm đến bữa sáng đã làm rút ngắn trung bình là 2,5 năm tuổi thọ.
Hình ảnh vợ chồng danh y ăn cháo được phát trên truyền hình (TQ)
2. Nước hoa hồng
Bác sĩ Liễu Hoa dù đã cao tuổi nhưng làn da vẫn rất hồng hào mịn màng, vẻ đẹp bền bỉ nhờ lợi ích từ việc mỗi ngày bà uống 1 cốc nước hoa hồng. Dựa trên thể chất và đặc điểm sức khỏe riêng của cá nhân để tự chế gia giảm món đồ uống này. Do thời trẻ, bà bị bệnh về lao phổi, tì phổi khí âm hư.
Triệu chứng của bệnh lá lách phổi thiếu âm điển hình gồm chức năng tiêu hóa kém, không muốn ăn uống, đi ngoài phân lỏng, khô miệng, cổ họng khó chịu, vì vậy bà đã tự chế món nước hoa hồng theo công thức riêng của mình.
Cốc trà này gồm hoa hồng khô 2-3g, tây dương sâm 2-3g, thạch hộc 2-3g và hoàng kỳ 3-5g. Đun các loại nguyên liệu này thành nước, om nóng rồi uống cho đến khi nhạt vị. Bác sĩ Hoa rất thích dùng món đồ uống này để điều tiết sức khỏe cơ thể.
3. Thực hành 3 động tác vào buổi sáng
Lấy huyệt thần khuyết (lỗ rốn) làm trung tâm, tiến hành nhẹ nhàng xoa bụng, sau đó nằm trên giường và thực hiện động tác đạp xe, tiếp đến là động tác nằm ngửa ngồi dậy (lặp lại).
Đây là 3 động tác thể dục mà bác sĩ Hoa đã thực hiện đều đặn 20 năm nay, kiên trì và nhận được những lợi ích rõ rệt.
Theo bác sĩ Hoa, cơ thể con người là một cỗ máy hoạt động có tính chính xác rất cao và tinh vi, giống như chiếc đồng hồ, mỗi ngày đều vận động như vậy, nếu đến lúc nào đó nó không chuyển động, tức là đã nảy sinh vấn đề.
Vì thế, không kể là bao nhiêu tuổi, bạn đều phải chú ý đến việc vận động, lựa chọn những loại hình vận động phù hợp với thể chất của bản thân, duy trì việc vận động phù hợp, hài hòa, kết hợp tốt giữa động và tĩnh. Chỉ cần bạn tập thể dục đều đặn, là có thể hạn chế sự lão hóa các cơ quan trên cơ thể, mang đến một sức sống hoàn toàn tươi mới, khỏe khoắn.
Hãy lưu lại và chia sẻ để mọi người xung quanh chúng ta đều có thể trở nên khỏe mạnh hơn.
*Theo Health/Sohu
Theo Trí thức trẻ