Ngay cả nhà thơ Bạch Cư Dị nổi tiếng thời Đường cũng đã ngộ nhận ngay khi vừa nghe vị thiền sự đọc 4 câu kệ này.
Bạch Cư Dị, hiệu Hương Sơn cư sĩ là nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường . Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn, người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ .
Không chỉ là một nhà thơ, ông còn là một cư sĩ của Phật giáo. Bạch Cư Dị cho rằng mình tinh thông Phật pháp, mỗi khi đi tới đâu, ông thường hay tìm đến các vị thiền sư nổi tiếng để đàm đạo.
Có một thời ông được cử đi làm quan tại Hàng Châu, vừa mới tới nơi ông đã được nghe tới danh tiếng của “Điểu Khoa Đạo Lâm Thiền Sư”.
Không kìm được lòng, chỉ vài hôm sau, Bạch Cư Dị đã tới tìm vị thiền sư xin chỉ dạy.
Ông hỏi: “Thưa thiền sư, đại ý của Phật giáo là gì?”
Vị thiền sư mỉm cười và đáp lại bằng 4 câu kệ: “Không làm các điều ác, siêng làm những điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy “.
Bạch Cư Dị nghe xong cảm thấy không thỏa mãn, không giống như những gì ông mong muốn. Ông nói: “Tôi từ phương xa tới đây, ngõ hầu mong được nghe Phật pháp cao thâm vi diệu, ngài còn có điều gì sâu sắc hơn có thể nói cho tôi nghe được không?
Tuy nhiên vị thiền sư vẫn không làm ra vẻ uyên thâm mà dùng những lời lẽ dễ hiểu nhất để giảng giải cho Bạch Cư Dị.
Song nhà thơ vẫn cho rằng lời của thiền sư quá đơn giản, nói như vậy đứa trẻ lên 3 tuổi cũng có thể nói được. Nghĩ vậy, ông liền hỏi: “Liệu có phải ngài coi tôi là trẻ con?”
Vị thiền sư liền đáp: “Những câu này tuy đứa trẻ lên 3 có thể nói được nhưng chưa chắc ông lão 80 tuổi đã làm được”.
Có thể những đứa trẻ đều đã nghe qua bài kệ đó, nhưng chưa chắc những người lớn, người già, thậm chí những ông lão 80 đã làm được những điều trong bài kệ nói, Phật giáo quan trọng nằm ở việc “thực hành”.
Trên thực tế, để chiến đấu với những dục vọng xấu ác trong con người chúng ta là điều không đơn giản. Người đánh bại những ham muốn bất chính của bản thân mới là người chiến thắng thực.
Viết Minh, theo Trí Thức Trẻ
——-
Link gốc: http://soha.vn/4-cau-ke-cua-nha-phat-dua-tre-len-3-cung-noi-duoc-nhung-ong-lao-80-co-the-khong-lam-duoc-20180621161015813.htm