Chuyện gì đang xảy ra với ngành đường sắt khi trong 4 ngày có tới 4 vụ tai nạn làm 2 người chết và hơn 10 người bị thương?
Khắc phục hậu quả sau vụ tai nạn hai tàu hàng đâm nhau ở ga Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam – Ảnh: TAM KỲ
Trong khi phóng viên Tuổi Trẻ đang phỏng vấn ngành đường sắt về việc gần đây ngành này liên tục mất an toàn trong chạy tàu thì vào lúc 13h10 ngày 27-5, tại Nghệ An lại xảy ra vụ tai nạn giữa tàu khách SH3 với xe bồn.
Cú va chạm khiến xe bồn văng xa 10m, còn tài xế bị thương.
Đây là vụ tai nạn và sự cố tàu hỏa thứ 4 liên tiếp trong 4 ngày qua ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Nghệ An.
Hồi chuông báo động
Trở lại các sự cố nghiêm trọng của ngành đường sắt gần đây cho thấy dường như hệ thống tín hiệu, thiết bị chạy tàu của ngành này vẫn chưa đủ năng lực để bù đắp cho lỗi sai sót chủ quan của con người gây ra.
Trước đó, ngày 14-7-2017, hai tàu khách đối đầu cách nhau 80m tại ga Suối Vận (Bình Thuận). Nguyên nhân được kết luận do trực ban chạy tàu ga Suối Vận ngủ quên, khi giật mình tỉnh giấc mới luống cuống mở tín hiệu bằng tay đón hai đoàn tàu vào cùng một đường ray.
Hiện trường vụ tàu hỏa đâm xe bồn vượt đường ngang ở Diễn Châu, Nghệ An chiều 27-5 – Ảnh: X.BẢY
Điều đáng nói, ga Suối Vận là một trong những ga được đầu tư thiết bị tín hiệu do nhà thầu Cục 6 Đường sắt Trung Quốc lắp đặt với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Do có nhiều bất cập nên một số ga sử dụng loại thiết bị này vừa phải đón, tiễn tàu bằng công nghệ vừa bằng tay.
Thực tế là vậy, nhưng cả Bộ GTVT lẫn ngành đường sắt đều cho rằng các sự cố chạy tàu vừa qua không phải do lỗi của hệ thống thiết bị, mà là do kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ, một số khu đoạn chậm được cải tạo, nâng cấp.
Kèm theo đó, một phần do lỗi chủ quan của con người.
Không lâu sau vụ tai nạn trên, ngày 27-2-2018 tàu khách SE25 xác nhận nhầm tín hiệu vượt qua ga Dầu Giây (Đồng Nai) đối đầu với một tàu hàng. Cả hai tàu chỉ kịp dừng hẳn khi cách nhau chưa đầy 10m.
Nguyên nhân: do lái tàu nhìn nhầm tín hiệu, trong khi bên dưới mặt đất, nhân viên phục vụ công tác chạy tàu không làm đúng quy định.
Không chỉ việc điều hành chạy tàu tại các ga có vấn đề mà tại các gác chắn đường ngang cũng đã xảy ra các vụ tai nạn do sai sót chủ quan của con người gây ra. Cụ thể là vụ tai nạn ngày 24-5 tại Thanh Hóa mới đây.
Được biết, do chưa có vốn nên hiện hầu hết đường ngang có gác vẫn chưa được lắp thiết bị tự động báo cho nhân viên gác chắn biết tàu đang đến gần.
17h30 ngày 27-5, đường sắt Bắc – Nam đoạn qua Núi Thành đã thông trở lại – Ảnh: LÊ TRUNG
1.300 là số sự cố liên quan đến chạy tàu xảy ra trong năm 2017.
Ngoài chất lượng, phương tiện, cầu đường, hệ thống tín hiệu còn lạc hậu, còn có sự lơ là, chủ quan, cắt xén quy trình tác nghiệp chạy tàu của một bộ phận nhân viên đường sắt.
Sai lầm vì đã giải thể phân ban an toàn?
Vì sao nhiều vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng hiếm thấy trong lịch sử đường sắt lại xảy ra dồn dập trong hai năm qua? Một cán bộ an toàn của một công ty đường sắt (đã về hưu) cho rằng tất cả đều có nguyên do của nó.
Theo vị này: sai lầm lớn nhất là giải thể 3 phân ban an toàn đóng tại Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội. “Trước kia 3 phân ban này có nhiều bộ phận… và họ đi kiểm tra, giám sát chéo nhau. Khi sự cố xảy ra, phân ban này trực tiếp điều tra.
Quan trọng là vậy nhưng năm 2015 phân ban này bị “khai tử”.
Sau khi giải thể, việc giám sát được giao cho các chi nhánh khai thác quản lý. Nhưng chi nhánh khai thác lại chính là một trong những thành viên chịu trách nhiệm liên quan đến tai nạn, sự cố.
Điều nghịch lý là đối với các sự cố hiện nay, Tổng công ty Đường sắt VN lại giao cho chi nhánh khai thác chủ trì phân tích, đánh giá nguyên nhân.
“Việc này giống như vừa đá bóng vừa thổi còi. Kết luận không khách quan sẽ không thể là bài học chung của cả ngành”.
Hiện ngành đường sắt đã thành lập Ban an toàn – an ninh chịu trách nhiệm về lĩnh vực an toàn. Nhưng nhân sự của ban này chỉ chưa đầy 20 người và đóng tại Hà Nội nên theo vị cán bộ này: “Nước xa khó cứu được lửa gần”.
* Cục trưởng Cục Đường sắt VN VŨ QUANG KHÔI:
Họp khẩn để chấn chỉnh
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn tại Thanh Hóa, Cục Đường sắt đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc, đặc biệt tại các tỉnh thành có tuyến đường sắt đi qua phải chấn chỉnh ngay công tác an toàn, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các khâu gác chắn, an toàn hành lang đường sắt…
Các đơn vị cũng phải kiểm tra, giáo dục nhân viên trong tác phong, công tác…
Theo ông Khôi, hôm nay (28-5) đích thân một lãnh đạo Bộ GTVT tổ chức cuộc họp khẩn với sự tham dự gồm: Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN và các đơn vị liên quan.
Ngoài việc phân tích, đưa ra giải pháp rất cụ thể để phòng tránh các vụ việc tương tự, tại cuộc họp này bộ cũng sẽ yêu cầu chấn chỉnh nghiêm ngay trong nội bộ của toàn ngành.
Theo Ban an toàn giao thông Nghệ An, tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 95,5km qua tỉnh Nghệ An có 58 đường ngang và 155 lối tự mở.
Năm 2017, địa phương này đã cưỡng chế, đóng thành công 46 đường ngang và lối đi dân sinh trái phép, đồng thời bố trí cảnh giới tại một số đường ngang, làm gờ giảm tốc, đặt biển cảnh báo để hạn chế tốc độ phương tiện.
Theo Tuổi trẻ