Nếu trong cách hành xử của con có một trong 4 dấu hiệu sau đây, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để sửa cho trẻ càng sớm càng tốt!
“Con à, đồ gì ngon trong nhà đều là của con” hay “Con yêu, vì con bố mẹ có thể hi sinh tất cả!”, “Con chỉ cần học cho thật tốt, những việc khác cứ để mẹ lo”… Đó là những câu nói cửa miệng của rất nhiều các bậc phụ huynh hiện nay.
Họ cho rằng điều này sẽ tốt cho con mà không biết rằng làm như vậy con trẻ sẽ ngày càng tùy tiện, vòi vĩnh, không thấu hiểu và thương xót bố mẹ.
Việc nuôi dưỡng, hình thành nên một đứa trẻ hiếu thuận có liên quan mật thiết đến lời nói, hành động của mỗi bậc phụ huynh.
Một số hành vi của bố mẹ có thể trực tiếp dẫn đến sự hư hỗn, bất hiếu ở trẻ. Họ vận dụng nhiều cách khác nhau để giúp trẻ thành tài nhưng vô tình lại đưa con đến những cách hành xử thiếu tôn trọng, yêu thương bố mẹ.
Nếu phát hiện trẻ có 4 hành vi dưới đây, mỗi bậc phụ huynh cần ngay lập tức bỏ thời gian ra uốn nắn con.
1. Vô cớ cãi lời bố mẹ, khiến bố mẹ giận
Dùng những lời lẽ khó nghe phản bác lại, khiến bố mẹ giận, đó chính là biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ chưa hiếu thuận với người sinh thành.
Hiện nay, không ít trẻ là con một. Các gia đình cũng không đông con nên người lớn thường nuông chiều, luôn cố gắng đáp ứng những mong muốn của trẻ, đặc biệt là ông bà nội ngoại. Đôi lúc không thỏa mãn yêu cầu của trẻ, các bé sẽ lập tức vùng vằng, giận dỗi để đòi cho bằng được.
Có những trẻ không hiểu chuyện, về mặt nói năng, giao tiếp, chúng thậm chí không dành cho bố mẹ sự tôn trọng tối thiểu, cố tình làm trái lại ý người lớn, bố mẹ nói một đằng, con nhất định làm một nẻo, mục đích duy nhất là khiến bố mẹ tức giận.
Việc trẻ cãi lời, tỏ thái độ giận dữ, vùng vằng với bố mẹ là một trong những biểu hiện phổ biến, cho thấy trẻ chưa ngoan. Ảnh minh họa.
Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những đứa trẻ hiếu thuận nghe lời bố mẹ răm rắp.
Khi trẻ bắt đầu cãi lời, tỏ thái độ giận dữ với mình, các bậc phụ huynh cũng nên tự suy nghĩ lại, liệu bản thân mình đã sai ở điểm nào đó.
Nếu đúng là trẻ bắt đầu nóng nảy, tỏ thái độ chống đối, bố mẹ nên nhanh chóng hướng dẫn, dẫn dắt trẻ.
Khi bình tĩnh trở lại, cần nói chuyện nhẹ nhàng với con, hỏi con tại sao không vui, tại sao lại cãi lời người lớn. Hãy nhẫn nại để bảo ban con, giúp con điều chỉnh lối ứng xử, suy nghĩ đúng đắn hơn.
2. Không biết cảm ơn
Chúng ta thường xuyên nhìn thấy một bức tranh như thế này:
Sau khi ăn cơm xong, trẻ đẩy bát cơm ra và bỏ đi xem ti vi hoặc đi chơi, để mặc bố mẹ bận rộn thu dọn bát đũa.
Trong nhà có đồ ăn ngon, bố mẹ đều dành cho con thưởng thức, nhưng con rất ít khi mời bố mẹ ăn trước.
Con ốm, bố mẹ lo lắng quan tâm không rời mắt. Nhưng khi bố mẹ không khỏe, con rất ít khi hỏi thăm hoặc coi như không thấy…
Những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí như vậy, sẽ quen với việc đón nhận tình yêu thương, chăm sóc mà mọi người dành cho mình và sẽ cho rằng tình yêu mà mọi người dành cho mình là nghĩa vụ.
Theo lối suy nghĩ đó, trẻ không biết cách làm thế nào để chia sẻ yêu thương, hiếu thuận với những người sống bên mình.
Hãy dạy trẻ lối sống biết tri ân, cảm ơn, trân trọng những gì nhận được từ bố mẹ và người khác. Thái độ sống biết ơn sẽ hình thành nên đức tính tốt đẹp trong suốt cuộc đời trẻ.
Là bố mẹ, chúng ta nên dạy trẻ học cách biết ơn và việc này, cần phải uốn nắn ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hãy bắt đầu từ những việc như:
Đừng hi sinh cho trẻ quá nhiều, cũng đừng can dự quá nhiều, tốt nhất là không nên giúp trẻ làm tất cả mọi việc.
Không cho trẻ “ăn độc”, không duy trì kiểu trẻ “đòi là được”, càng không nên để trẻ “chưa đòi đã được đáp ứng”. Các bậc phụ huynh không nên để trẻ có được mọi thứ một cách dễ dàng.
Bố mẹ có thể thường xuyên nói chuyện với con, kể cho con nghe những vất vả trong công việc. Song song với đó, bố mẹ cũng cần là tấm gương cho con, để cho trẻ có cơ hội “báo đáp” mình.
3. Chiếm lĩnh đồ đạc
Nhiều trẻ nhỏ nghĩ rằng mình là “công chúa”, “hoàng tử” trong gia đình. Đồ ăn, đồ chơi… tất cả đương nhiên phải thuộc về mình mới đúng.
Thế nên bất kể là thứ gì đó trong nhà mà trẻ thích, trẻ nhất định sẽ độc chiếm. Thực ra đây cũng là một biểu hiện, tiềm ẩn dấu hiệu bất hiếu ở trẻ trong tương lai.
Trên thực tế, nếu biểu hiện này duy trì lâu dài sẽ hình thành nên một thói quen rất xấu. Sau này, trẻ không chỉ không dành những thứ tốt đẹp nhất trong nhà cho bố mẹ mà thậm chí chúng có thể chiếm lĩnh mọi thứ một cách không khiêm nhượng.
Nhiều trẻ chỉ cần thấy trên bàn ăn có món mình thích là không cho bất cứ ai động đũa vào món đó; có những tiết mục mình thích xem đang chiếu trên ti vi là không cho ai động vào điều khiển; có đồ chơi mình thích, đến bố mẹ cũng không được động vào…
Lối suy nghĩ trong mắt chỉ có bản thân, không có người khác, kể cả bố mẹ một khi ăn sâu vào tiềm thức sẽ biến trẻ thành kẻ ích kỷ, khó có thể trở thành một đứa con hiếu thuận.
Trẻ cần được dạy cách sống sẻ chia, tránh hình thành nên lối sống ích kỷ cá nhân sau này.
4. Trẻ lì lợm, không biết nhận lỗi
Rất nhiều việc, trẻ biết rõ mình đã sai nhưng khi bị bố mẹ nói, trẻ lạnh lùng thoái thác, phủi sạch trách nhiệm, thậm chí còn đổ lỗi sai lên người lớn. Nói thêm câu nữa, trẻ sẽ lăn đùng ngã ngửa ra nhà khiến người lớn… hết cách.
Những đứa trẻ này đã quen với việc coi mình là trung tâm và điều này đến từ sự nuông chiều của bố mẹ. Nếu không kịp thời sửa đổi, sau này trưởng thành trẻ sẽ khó có thể trở nên đĩnh đạc, sống chuẩn mực.
Thói quen từ nhỏ có ý nghĩa quyết định đến cuộc đời của trẻ sau này. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “3 tuổi nhìn nhỏ, 7 tuổi nhìn già” nghĩa là từ thói quen của nhỏ có thể đoán được tương lai sau này khi trẻ trưởng thành.
Có nhiều lúc, người làm bố mẹ chỉ nghĩ được rằng phải làm thế nào để con xuất sắc mà vô tình quên đi việc phải dạy trẻ hiếu thuận. Một đứa bé từ nhỏ đã hiếu thuận với người sinh thành, may mắn nhất định sẽ đến, tương lai nhất định sẽ tốt đẹp.
Thói quen từ nhỏ có ý nghĩa quyết định đến cuộc đời của trẻ sau này.
Diệp Anh – Trí thức trẻ