Thứ sáu, Tháng mười 18
Shadow

40 năm với xích lô Sài Gòn

Sài Gòn thời nay không còn mấy ai chạy xích lô chở khách, ngoại trừ khách du lịch. Ấy thế mà chú Sáu Phát vẫn còn gắn bó từng ngày với nghề sửa xích lô, làm ra các chiếc xích lô để trưng bày, xuất ngoại.

40 năm, xích lô, sài gòn

Chú Sáu Phát lắp ráp xích lô – Ảnh: N.TIÊN “Nghề sửa xích lô này là cái duyên và cũng là cái nợ với cuộc đời tôi Chú Sáu Phát

Căn tiệm nhỏ chuyên sửa và lắp ráp xích lô hiếm hoi tại TP.HCM mang tên Sáu Phát của chú Hồ Tấn Pháp (62 tuổi) ở số 206 Trần Phú (P.9, Q.5).

Cặm cụi với xích lô

Người đàn ông đầu đã hai màu tóc, mặt mũi quần áo lấm lem, đen nhẻm dầu mỡ và mùi hàn xì đang cặm cụi hàn từng miếng sắt khung xe xích lô.

Dù đã ngoài 60 nhưng ngày ngày chú Sáu vẫn cặm cụi bên những chiếc xích lô trong căn tiệm nhỏ ấy. Tới nay cũng đã 40 năm chú Sáu gắn bó với nghề sửa xích lô này.

Chú làm bây giờ không phải vì cơm áo gạo tiền, mà vì niềm vui của chú, niềm vui khi còn được sửa, lắp ráp từng chiếc xe và đặc biệt là cái tình cái nghĩa chú dành cho xích lô.

“Ai cũng bảo tôi thôi đừng làm nữa vì cũng có tuổi rồi. Con cái chúng nó đứa nào cũng nói ba ở nhà nghỉ ngơi chơi với cháu, nhưng tôi đâu chịu. Quen rồi, giờ bảo tôi nghỉ thì nhớ, kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng vui lắm, nghề này đã nuôi sống cả gia đình và nuôi các con tôi thành tài mà. Đó là chưa kể đến những khách quen của tiệm, là bạn của tôi bao nhiêu năm nay nữa, bảo nghỉ sao tôi nỡ” – chú Sáu chia sẻ.

Xem thêm  Bùng nổ trung tâm mua sắm ở rìa trung tâm Sài Gòn

Những năm sau giải phóng, xích lô là phương tiện giao thông phổ biến ở Sài Gòn. Đây cũng là lúc anh thợ sửa xe đạp Sáu Phát đổi nghề sang nghề sửa xích lô. Cái thời hưng thịnh, từ sửa xích lô vỉa hè, sau một thời gian chú Sáu đã có cho mình một cửa tiệm nhỏ. Những ngày “phát” nhất, tiệm có tới 4-5 đệ tử học nghề và phụ việc.

Rồi cuộc sống thay đổi, kinh tế người dân khá lên, xe buýt, taxi, xe máy… xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn. Rồi lệnh cấm chạy xích lô khiến không còn nhiều xích lô để sửa, chú Sáu mua lại xe cũ, nâng cấp thành xe mới bán cho những người cần. “Phụ tùng giờ cũng chẳng còn nơi nào sản xuất, tôi phải tìm hết chỗ này đến chỗ kia để mua. Mấy đứa đệ tử chuyển sang sửa xe máy, chạy xe ôm hết trơn. Cũng rầu lắm, giờ mình không làm nữa thì cái nghề này coi như hết” – chú Sáu nói.

Văn hóa xích lô

Người không phụ nghề, nghề cũng không nỡ phụ người thợ tình nghĩa. Những năm gần đây, người ta tìm đến tiệm sửa xích lô Sáu Phát nhưng không phải để sửa, họ đến đặt hàng, đặt làm những chiếc xích lô để trưng bày trong các nhà hàng, khách sạn, các quán cà phê…

Để hoàn thành một sản phẩm – chiếc xe xích lô hoàn chỉnh – phải mất tới nửa tháng. “Nếu tập trung làm thì chỉ mất khoảng một tuần là tôi hoàn thành một chiếc xích lô. Nhưng mình đâu bỏ những người khách đến sửa được, họ cũng là khách của mình mà. Những người tìm đến sửa xích lô giờ phần lớn là người nghèo. Họ dùng xích lô để vận chuyển hàng hóa là chính” – chú Sáu nói.

Xem thêm  Phu nhân thủ tướng Singapore: nữ lãnh đạo giản dị

Có hai loại xe xích lô để trưng bày. Loại xe làm bằng sắt và được sơn, thiết kế theo yêu cầu khách hàng thì giá khoảng 10 triệu đồng. Còn loại xe trưng bày được làm hoàn toàn bằng inox cao cấp, từ những con nhíp nhỏ đến những đòn gánh, khung xe có giá 30 triệu đồng/chiếc.

Ngoài những đơn hàng trong nước, các Việt kiều và người nước ngoài có hứng thú với văn hóa xích lô Việt Nam cũng tìm đến chú đặt hàng.

Tính đến nay, chú Sáu đã nhận rất nhiều đơn hàng và lắp ráp hàng chục chiếc xích lô cho các khách hàng muốn nhớ về một Sài Gòn xưa. Chú Sáu nói: “Mừng vì người ta còn nhớ đến xích lô, còn coi trọng nó, còn biết nó đẹp. Nhớ tới xích lô là nhớ về một giai đoạn lịch sử với rất nhiều kỷ niệm của mỗi con người. Tui cũng thế”.

Theo Tuổi Trẻ