Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

5 phút đúng cách mỗi ngày là đủ nuôi con nên người

Đứa con nghịch, phá hỏng đồng hồ bố mới mua. Bố tức giận chửi mắng, Đào Hành Tri trách bạn: “Anh đã phá hỏng một Edison rồi”.

Đào Hành Tri (Tao Xingzhi), nhà giáo dục, nhà cải cách nổi tiếng Trung Quốc từng nhận định: “Giáo dục chân chính là hoạt động kết nối các tâm hồn. Chỉ bằng trái tim, bạn mới có thể chạm vào sâu thẳm trái tim. Đó chính là bản chất giáo dục”.

Trẻ em trước khi bước vào một thế giới rộng lớn hơn, “trường lớp” đầu tiên mà trẻ theo học chính là gia đình, nơi xây những nền móng đầu tiên cho nhân cách trẻ. Vậy làm thế nào cha mẹ giáo dục được con mình, đó là nhờ “quy tắc 5 phút mỗi ngày” dưới đây:

1. Một phút để lắng nghe

Nhà giáo dục Đào Hành Tri nhấn mạnh: “Bạn luôn nghĩ rằng trẻ em không hiểu chuyện vì còn nhỏ, chưa biết gì, không cần phải nghe chúng nói. Tuy nhiên, nếu nghĩ như vậy, bạn còn ấu trĩ hơn một đứa nhỏ. Hãy cứ lắng nghe đi, bạn sẽ thấy chúng biết rất nhiều”.

Trong thực tế, trẻ từ trong bụng mẹ đã tự hình thành thế giới quan riêng biệt. Theo thời gian, trẻ tích lũy cảm xúc, suy tư và có cách nhìn nhận vấn đề của mình. Cha mẹ – người gần gũi nhất với con – cần bước vào thế giới của bé, lắng nghe những tiếng nói của con để hiểu mong muốn, quan điểm của bé. Đây thực chất là một lợi ích mang tính lâu dài, giúp thúc đẩy kỹ năng xã hội của trẻ và phát triển EQ tốt nhất.

Trẻ không được lắng nghe dần trở nên thiếu tự tin, mạnh dạn vì tâm lý “không ai quan tâm, không ai cần”, và cho đến khi được chú ý, chúng trở nên rụt rè,  xấu hổ, không dám phát biểu ý kiến, bởi không có thói quen “được lắng nghe” ngay trong gia đình.

Ảnh: educationworld.

2. Một phút để bày tỏ tình cảm

Một chuyên gia về giáo dục từng nhận định: “Tình yêu có sức mạnh vĩ đại. Không có tình yêu, sẽ không có giáo dục”. Vậy thì, mọi nền tảng giáo dục buộc phải xuất phát từ tình yêu. Bày tỏ tình yêu với con chính là điều mà mỗi ngày cha mẹ nên làm, bởi đó cũng chính là giáo dục. Thông qua việc giao tiếp, bố mẹ bày tỏ cảm xúc với con, có thể giản đơn bằng ánh mắt khích lệ, động viên, dành cho con những cái ôm ấm áp nhất. Đối với trẻ, không gì tuyệt vời hơn là có được tình yêu của gia đình.

Xem thêm  Bảy 'điểm mù' trong cách dạy con

Trong cuộc sống đời thường, có thể bắt gặp sự giáo dục sai cách, dù có xuất phát từ tình yêu. Có người đánh con khi dạy con học. Có người mạt sát khi đứa trẻ sai lời, nghịch phá. Có người cấm cản con khi con chọn một con đường không như ý mình, vì sợ con vấp ngã, con đau… Tuy nhiên, đây là sự giáo dục sai cách, xuất phát từ tình yêu sai lầm. Tình yêu con chân chính phải xuất phát cả từ ý thức trách nhiệm, sự tôn trọng đứa trẻ, thay vì mong muốn bảo bọc con cả đời.

3. Một phút để tham dự

Sự tương tác của cha mẹ với con cái vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục. Bước quan trọng của quá trình này chính là tìm kiếm các hoạt động chung để cùng tham dự, qua đó kết nối chặt chẽ tình cảm cha mẹ – con cái.

Cùng tham dự vào một công việc nào đó còn giúp trẻ hiểu biết hơn về thế giới của người lớn, từ đó tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành hơn. Chiều ngược lại, khi bạn tham dự vào các hoạt động của con, bạn cũng sẽ hiểu thêm về nội tâm trẻ.

Một số bậc cha mẹ luôn coi con là đứa trẻ, không cho con tham gia bất cứ công việc gì, và ngược lại, cũng không buồn ngó ngàng, tham dự vào các hoạt động của con vì coi đó là “trò trẻ con”. Đây thực sự là một sai lầm. Dành thời gian đồng hành với con trong các trò chơi của bé, và ngược lại, cho bé tham gia các hoạt động đời thường của gia đình: rửa bát, giúp dọn dẹp phòng, tưới cây… cũng chính là một cách để giáo dục hiệu quả.

4. Một phút để khuyến khích

Nhà giáo dục Đào Hành Tri từng kể lại một ví dụ: Con trai của bạn ông nghịch ngợm, phá đứt dây một chiếc đồng hồ đắt tiền bố mới mua. Người bố tức giận, chửi mắng con thậm tệ, dù con trai mày mò cố gắng mở đồng hồ ra để lắp lại. Đào Hành Tri trách bạn: “Anh đã tự tay phá hỏng một Edison rồi”.

Quan điểm của Đào Hành Tri trong vấn đề này là, thay vì trách mắng, hãy quan sát trẻ tự xoay sở sửa chiếc đồng hồ, hoặc đưa nó đến cửa hàng sửa chữa. Đứa trẻ sẽ rất biết ơn khi vừa được “chuộc lỗi”, vừa có cơ hội nhìn người thợ sửa đồng hồ để tích thêm kinh nghiệm, hiểu biết. Đây chính là sự khuyến khích trong giáo dục chân chính, và như Đào Hành Trì nói, là “bí mật của giáo dục”, bởi vì mỗi đứa trẻ đều có một lợi thế, một điểm mạnh của mình, khi được khích lệ, bé sẽ tự tin phát lộ lợi thế đó, thay vì chôn vùi nó thật sâu trong lòng, chỉ vì xấu hổ và thiếu tự tin.

Xem thêm  Những lưu ý cho bố mẹ khi định hướng tương lai cho con

5. Một phút để phê bình

Tâm hồn trẻ em là một tờ giấy trắng, nhưng không phải “mảng màu” nào được vẽ trên tờ giấy đó đều đẹp. Tác động của môi trường ngoại cảnh quyết định điều này. Và phụ huynh chính là người hiệu chỉnh. Mỗi ngày, cần dành một phút để phê bình, hiệu chỉnh hành vi sai trái của đứa trẻ, giúp con ý thức được lỗi lầm của mình và sửa chữa kịp thời. Trong quá trình “hiệu chỉnh” này, cần chú ý tới hai điểm: một là nguyên nhân hành vi của trẻ, hai là cách để giáo dục trẻ sửa sai.

Một ví dụ thực tế được đưa ra: Cậu học trò bị lên phòng hiệu trưởng vì đánh bạn rất đau, bố mẹ bạn tức giận đã “lôi cổ” cậu lên phòng hiệu trưởng để tố cáo. Người thầy thay vì vội vã trách móc đứa trẻ, đã mời nó ngồi, và cho nó một cái kẹo. Cậu học sinh rất sợ hãi, ngạc nhiên, nhưng vẫn giơ tay đón lấy cái kẹo. Khi ngồi đối diện thầy, nó khóc và kể rằng đã đánh bạn vì bạn đã bắt nạt một bạn gái khác trong lớp.

Thầy giáo nói: “Thầy thưởng kẹo cho con vì con có ý thức về công lý, biết bảo vệ các bạn yếu hơn”. Cậu bé khóc, nói: “Con biết con đã sai, vì đánh bạn”. Khi đó, thầy mới nhắc: “Con biết được lỗi lầm của mình là đánh bạn, như vậy là được rồi. Cần phải sửa lỗi lầm đó”.

Sự “hiệu chỉnh” khéo léo của những người lớn góp phần quan trọng với trẻ. Hơn thế nữa, so với người ngoài, bố mẹ “hiệu chỉnh” con dễ dàng hơn, vì trẻ sẽ ít tự ái, xấu hổ với bố mẹ, thay vì với những người lớn khác. Vì thế, một phút cho sự phê bình là vô cùng cần thiết, giúp nhắc nhở trẻ và uốn nắn bé, giúp bé trưởng thành đúng đắn về tư duy, nhân cách.

Thùy Linh (Theo Cmoney)