Chủ Nhật, Tháng mười một 17
Shadow

50 năm gìn giữ thi hài Bác Hồ và những chuyện bây giờ mới được kể..

Phải tới 50 năm sau ngày ‘Bác để lại muôn vàn tình yêu thương’ cho chúng ta, những thông tin về nhiệm vụ ‘tuyệt đối bí mật’ của Tổ y tế đặc biệt giữ gìn thi hài Bác lâu dài mới được tiết lộ với bao câu chuyện cảm động.

50 năm qua, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được bảo quản tốt – Ảnh tư liệu

Sau 50 năm, người dân Việt yêu kính Bác mới được biết, một nhiệm vụ “tuyệt đối bí mật” đã được Bộ Chính trị đưa ra 2 năm trước ngày mất của Bác, mà ngày nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đó là “quyết định lịch sử”.

Sau 50 năm, con cháu của Người mới được xúc động biết rằng ngoài Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi Bác yên giấc, mỉm cười đón con cháu về thăm suốt hơn 40 năm qua thì Bác đã từng có 6 chuyến đi lịch sử qua thành phố, xóm làng sau khi Người qua đời, để đến những điểm bí mật an toàn trong những năm chống Mỹ ác liệt, đợi một ngày đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam được ra thăm Người.

Những thông tin thú vị và cảm động này đã được Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ trong Hội nghị tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019) do Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, 29-8, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng dự.

Quân ủy Trung ương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác ở 75A – Ảnh: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – THIÊN ĐIỂU chụp lại

Tổ y tế đặc biệt và quyết định tuyệt mật của Bộ Chính trị

Vào tháng 5-1967, sau sinh nhật lần thứ 77, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu giảm sút. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có phiên họp bất thường do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn chủ trì.

Hội nghị bàn về 2 việc quan trọng. Thứ nhất là tiếp tục bằng mọi cách giữ gìn sức khỏe cho Bác. Thứ hai là không thể tránh quy luật của cuộc sống, Bộ Chính trị quyết định chuẩn bị nhiệm vụ tổ chức lễ quốc tang và giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời.

Sau khi quyết định sẽ gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu dài, hội nghị cũng thống nhất: phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, nếu không nhân dân sẽ lo lắng, Bác sẽ phê bình, không đồng ý thực hiện chủ trương này.

Đồng thời, phải chọn ngay một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Bộ Chính trị nhất trí giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm nhiệm vụ đặc biệt này.

Công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ảnh: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – THIÊN ĐIỂU chụp lại

Xem thêm  Tạp chí Mỹ trầm trồ với Công Phượng, gọi ĐT Việt Nam là "mãnh hổ châu Á"

Ngay sau đó, Ban Tổ chức Trung ương đã quyết định triệu tập 3 người: thiếu tá – bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, chủ nhiệm khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Việt – Xô, sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài. Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm tổ trưởng.

Sau 7 tháng miệt mài học tập, các bác sĩ đã nắm vững những kiến thức chuyên môn, ngày 7-4-1968 khóa học kết thúc, 3 bác sĩ trở về nước.

Tới tháng 6-1968, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt (sau đó là Đoàn 69 – tiền thân của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) thuộc biên chế của Quân y viện 108 và điều động các bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt.

Tổ thuộc biên chế của Quân y viện 108 khi đó gồm 6 bác sĩ: thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, đại úy Lê Ngọc Mẫn, thượng úy Lê Điều, thiếu úy Nguyễn Văn Châu, y sĩ Nguyễn Trung Hát, y tá Phạm Ngọc Ảm. Bác sĩ Quyền được Ban Tổ chức Trung ương chỉ định là tổ trưởng. Tổ y tế đặc biệt đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Lương Bằng.

Cùng lúc với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo khẩn trương xây dựng một công trình bí mật mang mật danh 75A ở ngay sau nhà tang lễ Quân y viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được giao cho Bộ tư lệnh Công binh thực hiện với mật danh 75B.

Nhà sàn tại K84 – Ảnh: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – THIÊN ĐIỂU chụp lại

Ngày 2-9-1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Theo đúng kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Quân y viện 108. Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời.

Sau lễ truy điệu được cử hành vào ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về công trình 75A chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài.

Lúc ấy, lo ngại chiến tranh leo thang nên ngoài việc củng cố xây dựng công trình 75A, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị phải xây dựng một công trình khác giống như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn khu vực K9 là nơi xây dựng công trình dự phòng. Ngày 15-12-1969, công trình K9 hoàn thành và được đổi tên thành K84.

Xem thêm  GS Hồ Ngọc Đại: "Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe"

Tới 23h ngày 23-12-1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84, mở đầu cho 6 hành trình thi hài Bác Hồ được di chuyển qua các địa điểm bí mật đặc biệt để được an toàn qua bom đạn, thiên tai, đợi ngày đón đồng bào miền Nam ra thăm Người.

Xe Páp từng được dùng để chở thi hài Bác – Ảnh: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – THIÊN ĐIỂU chụp lại

Những chuyến xe đặc biệt

Theo Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 6 năm kể từ khi Người qua đời năm 1969 đến 1975, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển tổng cộng 6 lần do nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau, mà mỗi chuyến di chuyển ấy xứng đáng được gọi là kỳ tích của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Đoàn 69 và các chuyên gia Liên Xô.

– Chuyến đi thứ nhất vào đêm 23-12-1969. Khi ấy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84. Sau hơn bốn giờ hành quân, thi hài Bác đã đến K84 đảm bảo tuyệt đối an toàn.

– Chuyến đi thứ hai, rạng sáng 21-11-1970, trước cuộc tập kích bất ngờ của lính Mỹ bằng đường không vào một trại giam ở thị xã Sơn Tây, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác về công trình 75A ở Hà Nội để đảm bảo an toàn. Đêm 3-12, đoàn xe rời căn cứ K84 và về đến công trình 75A vào 3h sáng 4-12.

 Chuyến đi thứ ba, vào mùa thu năm 1971. Khi ấy miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn dữ dội, Hà Nội có nguy cơ ngập lụt nên đã có quyết định di chuyển thi hài Bác từ công trình 75A lên K84. Chuyến đi này diễn ra vào ban ngày, sau 6 giờ (sớm hơn thời gian mà trước đây đoàn chuyên gia Liên Xô yêu cầu) hành quân, thi hài của Bác được đưa đến địa điểm an toàn tuyệt đối.

Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow và các chuyên gia Nga – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

– Chuyến đi thứ , tháng 3-1972, Mỹ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc. Vì K84 nằm trên đường bay của không quân Mỹ nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới H21. 21h ngày 11-7-1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời K84 và đến H21 lúc 0h15 ngày 12-7, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối.

– Chuyến đi thứ năm, đó là nửa năm sau chuyến đi thứ tư, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đưa thi hài Bác về K84.

– Chuyến đi thứ sáu – chuyến đi cuối cùng được thực hiện khi Lăng Bác hoàn thành. Ngày 26-5-1975, Đoàn 69 nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt để đón thi hài Bác về Lăng. Đúng 16h ngày 18-7, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát, đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình. Những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng – ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử.

Theo Tuổi trẻ