Thứ hai, Tháng mười hai 9
Shadow

7 bộ xương nữ trong mộ Kỷ Hiểu Lam và sự thật gây sốc về vị quan nổi tiếng này

Phát hiện gây sốc về di thể của 7 người phụ nữ trong lăng mộ Kỷ Hiểu Lam đã khiến nhiều người ngạc nhiên về con người thật của chính trị gia nổi tiếng này.

Kỷ Hiểu Lam (1724 – 1805) là danh sĩ nổi tiếng và cũng là một cận thần nổi tiếng của vua Càn Long vào thời kỳ nhà Thanh. Sinh thời, ông nổi tiếng là một tài tử xuất chúng với trình độ học vấn vô cùng uyên bác.

Đa số các tác phẩm nghệ thuật đều miêu tả Kỷ Hiểu Lam với hình tượng của một đại thần chấp pháp công bình và thông minh khôn khéo. Tuy nhiên chỉ tới khi ngôi mộ của ông tình cờ được đào lên, người ta mới phát hiện ra một sự thật khó tin về tính cách của chính trị gia nổi tiếng này.

Thậm chí phát hiện gây sốc ấy còn khiến nhiều người ví Kỷ Hiểu Lam như một “Vi Tiểu Bảo thứ hai”. Số ít còn cho rằng, nếu xét về mức độ phong lưu đào hoa, vị quan này có lẽ chỉ xếp sau quân chủ mà mình đã phụng sự là Càn Long Hoàng đế.

Điểm mặt những giai thoại tình ái gắn liền với tên tuổi của Kỷ Hiểu Lam

Khác với vẻ ngoài ưa nhìn trên phim ảnh, Kỷ Hiểu Lam bị sử sách miêu tả là người “mạo tẩm đoản thị”. Trong đó “tẩm” là từ dùng để chỉ tướng mạo xấu xí, còn “đoản thị” là cách nói khác của người bị mắc chứng cận thị.

Sinh thời, Kỷ Hiểu Lam vốn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm và chấp pháp công bằng. Cũng bởi vậy mà ông đã trở thành một trong số ít những vị quan lại có tiếng dưới thời Càn Long Hoàng đế.

Khi nhắc tới những giai thoại về con đường quan lộ của vị quan họ Kỷ, hậu thế thường kể lại nhiều cuộc tranh đấu giữa ông và Hòa Thân – một sủng thần nổi tiếng trong triều lúc bấy giờ. Tuy nhiên theo đánh giá của các sử gia, mối quan hệ giữa Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân thực chất không xung khắc như nhiều người vẫn tưởng.

Bởi lẽ Hòa Thân vốn là con người khéo léo, còn Kỷ Hiểu Lam lại rất biết cách đối nhân xử thế. Mặc dù có những lúc bất hòa trong một số vấn đề, nhưng chung quy hai vị quan này giống những người bạn vong niên hơn là kỳ phùng địch thủ trên chính trường.

Theo KKNews, nếu Hòa Thân có một khuyết điểm chí mạng là tham lam, thì Kỷ Hiểu Lam cũng có một tật xấu không mấy ai biết tới.

Khác với hình tượng không gần nữ sắc như trong một số tác phẩm nghệ thuật, vị quan này thực chất là một tài tử phong lưu với số lượng thê thiếp không phải là ít.

Dù những giai thoại tình ái của Kỷ Hiểu Lam chỉ dừng lại ở con số 2,3. Tuy nhiên nhiều học giả khẳng định ông phải có ít nhất là 7 đến 8 thê thiếp. (Ảnh minh họa).

Theo Bách khoa toàn thư Trung Quốc (Baike), năm 17 tuổi, Kỷ Hiểu Lam thành thân với người vợ cả Mã thị. Tương truyền rằng sau khi gả vào phủ, vị chính thê này mới biết người chồng tưởng như hoàn hảo của mình lại có một tật xấu là háo sắc.

Vì tránh để gia tộc bị mang tiếng do thói trêu hoa ghẹo nguyệt hay những tin đồn tình ái mờ ám, Mã thị đã rộng lượng cho Kỷ Hiểu Lam tùy ý lấy vợ bé. Cũng chính bởi việc làm thấu tình đạt lý này mà người vợ cả họ Mã rất được Kỷ Hiểu Lam yêu thương và kính trọng.

Thế nhưng chính thái độ cởi mở của bà đã khiến vị quan họ Kỷ ấy được đà nạp vào phủ không ít tiểu thiếp. Trong số đó, nổi tiếng hơn cả phải kể tới hai tài nữ là Quách Thải Phù và Thẩm Minh Hiên (theo Baike).

Quách Thải Phù gả vào nhà họ Kỷ khi mới 13 tuổi. Mặc dù nhỏ hơn Kỷ Hiểu Lam tới 11 tuổi, nhưng bà rất được người chồng này sủng ái. Mỗi khi Kỷ Hiểu Lam làm việc, Quách thị thường kề cận ở bên để phụ giúp ông những việc nhẹ nhàng như bưng trà rót nước, mài mực thêm hương.

Chỉ tiếc rằng vị tiểu thiếp họ Quách ấy dù sở hữu dung nhan nức tiếng một thời nhưng lại không may mất sớm. Sau khi nàng qua đời, Kỷ Hiểu Lam vì thương nhớ người xưa nên đã làm không ít bài thơ để tưởng niệm.

Cũng giống như Quách Thải Phù, Thẩm Minh Hiên được gả vào phủ nhà họ Kỷ khi mới lên 13. Tuy nhiên điều đáng nói nằm ở chỗ, Kỷ Hiểu Lam hơn bà tới 37 tuổi. Do đó nếu xét về vai vế thì ông có lẽ xứng đáng xếp vào hàng cha chú của Thẩm thị.

Tương truyền rằng Thẩm Minh Hiên sở hữu khí chất vô cùng thanh thoát, lại là một tài nữ thông minh. Chính vì vậy mà Kỷ Hiểu Lam vô cùng yêu thương và sủng ái vị tiểu thiếp kém mình tới gần 40 tuổi.

Nghi vấn về 7 bộ xương nữ được phát hiện trong lăng mộ Kỷ Hiểu Lam

Theo một số giai thoại truyền lại, Kỷ Hiểu Lam lúc sinh thời rất mực yêu chiều vợ cũng như các thê thiếp. Không chỉ vậy, ngay cả đối với những người hầu là nữ, ông cũng cư xử rất mực nhẹ nhàng và khoan hòa. (Ảnh minh họa).

Mặc dù những giai thoại tình ái của Kỷ Hiểu Lam chỉ xoay quay một vài nhân vật nổi tiếng như trên, tuy nhiên theo phỏng đoán của nhiều học giả, số lượng thê thiếp của ông có lẽ phải lên tới 7, 8 người.

Giả thiết này càng được nhiều người ủng hộ khi lăng mộ của Kỷ Hiểu Lam ở quê nhà Hà Bắc vô tình được đào lên vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, trong ngôi mộ được cho là của vị quan này vốn không có bất kỳ một bộ hài cốt nam giới nào nhưng lại có tới di cốt của… 7 người phụ nữ!

Phục trang và đồ tùy táng của những bộ hài cốt này đều cho thấy họ sống vào thời nhà Thanh với niên đại cách thời điểm bấy giờ đã hơn trăm năm.

Phát hiện gây sốc trong lăng mộ Kỷ Hiểu Lam đã khiến không ít người bất ngờ. Bởi trong ấn tượng của hậu thế, vị quan họ Kỷ này mặc dù là tài tử phong lưu nhưng kỳ thực không có quá nhiều giai thoại tình ái.

Thế nhưng nếu câu chuyện người vợ cả Mã thị cho phép chồng mình tùy ý nạp thiếp, thì việc một người có địa vị và quyền lực như Kỷ Hiểu Lam có nhiều vợ bé cũng không phải là điều khó hiểu.

Dù vậy, yếu tố khiến dư luận thời bấy giờ xôn xao không chỉ là số lượng thê thiếp đông đảo của Kỷ Hiểu Lam mà lại là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 7 người phụ nữ được tìm thấy trong mộ.

Khu lăng mộ Kỷ Hiểu Lam ở quê nhà Hà Bắc giờ đây đã trở thành một điểm tham quan được nhiều người biết đến của tỉnh thành này. (Ảnh: Nguồn Baike).

Có ý kiến cho rằng, vì Kỷ Hiểu Lam sống tương đối thọ (khoảng 80 tuổi), nên việc các thê thiếp qua đời trước ông và được an táng vào trong mộ cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên theo nhận định của các học giả hiện đại, khả năng có tới 7 vị tiểu thiếp đều đồng loạt mất trước Kỷ Hiểu Lam và cùng được mai táng ở 1 nơi là trường hợp rất khó có thể xảy ra.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, di cốt của 7 người phụ nữ này thực chất là những vị tiểu thiếp bị buộc phải hy sinh mạng sống để tuẫn táng theo chồng sau khi Kỷ Hiểu Lam qua đời.

Vào thời cổ đại, việc lăng mộ của một số nhân vật quyền lực có người sống tuẫn táng cũng không phải là điều hiếm hạ. Những người bị buộc phải chết theo có thể là người hầu, cũng có đôi khi là thê thiếp của chủ nhân ngôi mộ.

Tuy nhiên nếu giả thiết trên là sự thật, thì việc nơi an nghỉ của Kỷ Hiểu Lam có chôn theo tới 7 tiểu thiếp lại bị xem là một phát hiện gây tranh cãi. Bởi hành động thiếu nhân văn này không phù hợp với hình tượng và danh tiếng của một vị quan như Kỷ Hiểu Lam.

Do nơi an nghỉ của ông bị đào lên trong thời kỳ xảy ra nhiều biến cố nên việc khai quật và nghiên cứu không thể tiến hành kịp thời. Vì vậy mà thân thế thực sự cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của 7 người phụ nữ trong lăng mộ của Kỷ Hiểu Lam cho tới nay vẫn là một bí ẩn lịch sử chưa có lời giải đáp…

Xem thêm  Bí mật về ngôi mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hé lộ sự thật về lời đồn chấn động thời Càn Long

Theo Trí thức trẻ

Link