Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

7 khung giờ “vàng” quan trọng bậc nhất của trẻ nhưng đang bị người lớn “cướp” đi một cách không thương tiếc

Cha mẹ luôn muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con cái, thế nhưng khi áp dụng sai cách lại biến thành áp đặt và gây hại cho trẻ nhiều hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày cha mẹ đôi khi trở nên bị áp đặt quá vì luôn ép con làm những gì mà mình cho là đúng, là tốt. Nhiều cha mẹ còn đặt ra những áp lực học tập lớn đến nỗi trẻ không còn dám nghỉ ngơi, chỉ biết cắm mặt vào học, hoặc cũng có những phụ huynh vì quá bận rộn mà để mặc con đấy với chiếc điện thoại hay Ipad… Tất cả những điều mà chúng ta đang làm này đã vô tình cướp đi 7 khung giờ vàng quan trọng bậc nhất của trẻ, mà nếu đã như vậy thì sẽ thật khó để trẻ phát triển toàn diện được.

Mới đây Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – CEO Tổ chức Giáo dục IEG đã có một bài viết chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này chắc chắn sẽ làm nhiều cha mẹ phải bất ngờ.

Chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu về 7 khung giờ vàng cho con trẻ như sau:

“7 KHUNG GIỜ VÀNG CỦA CON TRẺ & CHÍNH TA. ĐỪNG ‘MÙ TỊT’ MÀ ‘ĂN CƯỚP GIỮA BAN NGÀY’

Trẻ con có cách NHÌN, NGHĨ và CẢM NHẬN RIÊNG của chúng. Và chẳng có điều nào ngu dốt hơn bằng việc lấy cái cách của người lớn chúng ta để nhồi nhét hay thay vào cách nhìn, nghĩ và cảm nhận của chúng.

Tuổi thơ của chúng bị đốt cháy thô bạo, lắm lúc chỉ là để làm vui lòng người lớn hơn là xây dựng hạnh phúc và thành công thật sự cho con trẻ. Gần như chẳng mấy ai chịu nhìn một cách tổng thể về CHIỀU SÂU và LÂU DÀI để hiểu là ngần ấy thứ gộp lại đang hại não tụi trẻ ra sao.

Nếu như người ta chịu tìm hiểu về những gì bộ não – cái cỗ máy quyết định cách mỗi người học tập, làm việc và sinh sống – thật sự cần gì để phát triển cân bằng và tốt đẹp nhất, thì có lẽ sẽ rất dễ cân bằng 7 khung giờ vàng trong “cái mâm” thời gian mà mỗi đứa trẻ và cả người lớn chúng ta nên có, cần có và… PHẢI CÓ.

Vì đó là QUYỀN LỢI của lũ trẻ.

Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu khiến nhiều cha mẹ bất ngờ vì đây là vấn đề nhiều phụ huynh chưa nghĩ đến.

1. GIỜ TẬP TRUNG CHÚ TÂM

Cái khung giờ một đứa trẻ tập trung học tập ở trường và ở nhà, cái lúc chúng chú tâm làm một việc gì đó đòi hỏi suy nghĩ, tư duy là lúc bộ não chúng đang được lớn lên. Vùng não kiểm soát cảm xúc, lập kế hoạch, tư duy logic, sức tập trung… sẽ được khỏe mạnh để sau này dẫu có kiến thức khó, bài tập khủng hay công việc ‘khó xơi’, thì cái não của chúng cũng đủ khỏe để gánh gồng và nhiều khi là xử lý nhẹ nhàng.

Thế mà giờ đây, dường như khung giờ tập trung chú tâm này đã bị lập trình rút ra khỏi thời gian ở nhà. Về đến nhà là tụi nhỏ cứ được tẹt ga cầm cái máy tính chơi game, điện thoại bấm bấm hay xem phim youtube thoải mái. Thảo nào mà đến trường, chúng khó tập trung học được cái gì cho ngon lành tử tế.

2. GIỜ NGỦ

Khi vừa ngủ và chưa đi vào giấc mơ, bộ não sẽ tự động đào thải một lượng kiến thức thông tin tích lũy trong ngày, và ‘nhập cảnh’ phần còn lại vào vùng ký ức dài hạn. Còn khi đi vào giấc mơ, não sẽ ‘tẩy gội’ những cảm xúc tiêu cực không tốt, để trả lại một thái độ tích cực và vui vẻ hơn. Ngoài ra, khi ngủ cũng là lúc vùng não kiểm soát tư duy logic được gia công để khỏe khoắn hơn, đủ sức điều phối các vùng não khác. Đó là chưa kể đến muôn vàn lợi ích khác của giấc ngủ đến lục phủ ngũ tạng, tùm lum tà la thứ.

Xem thêm  4 bài học nuôi dạy con rất đáng học hỏi từ gia đình Hoàng gia Anh mà cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng

Con nít 6-13 tuổi thì nên ngủ 9-11 tiếng mỗi ngày, 14-17 tuổi là 8-10 tiếng, còn 18-21 tuổi thì 7-9 tiếng. Thế nhưng, giờ đây khối lượng bài tập về nhà, việc luyện thi cho hàng tá kỳ thi kiểu ‘con nhà người ta’, cùng với facebook mạng xã hội và video games, điện thoại máy tính xâm lăng, khiến cho nhiều đứa trẻ cấp 1 không được 8 tiếng một ngày, cấp 2-3 thậm chí còn không được 6 tiếng.

Thế thì chẳng khác nào đang phá não của chúng. Chúng ngủ dậy mà gần như không có bao nhiêu kiến thức lưu lại trong đầu dẫu rằng hôm qua bị thầy cô và bố mẹ, gia sư nhồi cho rất nhiều thứ. Chúng thức dậy trong cái tâm trạng không thoải mái, vì đâu có được mơ nhiều để não kịp tắm rửa cho các cảm xúc giận hờn, bực dọc, buồn bã… Và cái não tư duy logic, kiểm soát cảm xúc của chúng càng ngày càng suy yếu, thì kiểu gì rồi cũng có lúc… đứt gãy.

3. GIỜ VẬN ĐỘNG

Giờ vận động là một trong những khung giờ quan trọng nhất giúp trẻ tập trung, cân bằng và bình tĩnh

Vận động, thể dục thể thao là khung thời gian vàng gần như là duy nhất mà ở đó có sự sản sinh đồng loạt của cả 3 loại ‘tiên dược’ giúp cho con người được tập trung, nhạy bén trực giác, cân bằng và bình tĩnh, an yên. Đó là chưa kể đến việc sản sinh ra các tế bào não để bổ sung cho bao nhiêu “chú lính” đã bị sử dụng trong quá trình học tập, làm việc.

Nhưng ôi thôi rồi, nhiều lúc hỏi lũ trẻ là một ngày con vận động, thể dục thể thao bao nhiêu tiếng, tụi nó ngây thơ trả lời: 2 tiếng, nhưng đó là 2 tiếng cho cả một tuần thầy ạ.

4. GIỜ KẾT NỐI

Giờ kết nối là những khoảnh khắc tương tác giữa người với người, chứ không phải là giữa người với… máy. Một bữa cơm gia đình, một cuộc trò chuyện của bố mẹ con cái, một buổi ngồi tâm sự với bạn bè… Tất cả đều giúp cho trẻ con được phát triển trí thông minh về mặt xã hội, cải thiện các mối quan hệ và gia tăng hạnh phúc về lâu dài.

Mấy chục năm qua, gần như chẳng có một nghiên cứu khoa học nào ghi nhận tác dụng tích cực của công nghệ lên trên sự phát triển năng lực tư duy, sáng tạo của lũ trẻ, nhưng lại có vô vàn nghiên cứu chứng minh điều ngược lại.

Vậy mà giờ đây, dù ai cũng nói là muốn cho con được hạnh phúc, nhưng lại cho chúng nó tương tác với máy móc, trò chơi và app phần mềm – lắm cái được đóng tem ‘giáo dục’ – còn nhiều hơn là tương tác với bố mẹ, anh chị em, ông bà, bạn bè. Giờ đây, nhiều đứa trẻ cấp 1 dành hơn 4-5 tiếng một ngày với công nghệ, còn cấp 2-3 thì tổng cộng là 7-8 tiếng.

5. GIỜ CHƠI TỰ DO

Khi được chơi tự do, trẻ mới được phát triển tốt nhất về mặt tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và tư duy trừu tượng (Ảnh minh họa)

Chơi tự do là để cho lũ trẻ được tự do nghĩ ra những trò chơi, kiểu chơi trong thế giới tư duy của chúng, chứ không phải chơi theo sự sắp đặt chặt chẽ, đóng khung luật lệ của người lớn hay của mấy trò chơi điện tử, phần mềm ‘gắn mác’ giáo dục.

Chỉ khi được chơi tự do, lũ trẻ mới được phát triển tốt nhất về mặt tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và tư duy trừu tượng. Ngoài ra, các vận động trong chơi tự do – chứ không phải là mấy cái quẹt quẹt, bấm bấm trên màn hình điện thoại, bàn phím máy tính – mới thật sự phát triển các thao tác vận động và giúp cho bộ não trưởng thành.

Xem thêm  7 sai lầm phổ biến trong cách nuôi dạy con mà hầu như cha mẹ nào cũng mắc phải, nghiêm trọng nhất là lỗi thứ 2

Sau 30 năm, thời gian chơi tự do của lũ trẻ con bị cắt giảm từ 40%, xuống còn 25% và giờ đây ở nhiều nơi còn ít hơn 5% một ngày. Thảo nào, học sinh điểm thi có thể ngày càng cao, huy chương ngày càng nhiều, thành tích ngày càng ‘khủng’, nhưng sức sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức của chúng vào các tình huống thực tế lại không tỉ lệ thuận theo điểm số, thành tích hay huy chương mà chúng – và bố mẹ chúng thâu gom được.

6. GIỜ PHẢN CHIẾU

Giờ phản chiếu là khi được lắng đọng suy nghĩ qua một trang sách, đắn đo một bài luận, hoặc trải lòng trên nhật ký, nghĩ về những gì đã diễn ra trong ngày và cố gắng soi rọi rõ hơn vào tất cả sự kiện, nhìn ra thế giới bên ngoài và hướng vào thế giới bên trong.

Đó là lúc mà bộ não được tăng cường khả năng kiểm soát và kết nối sự chú tâm, tư duy và cảm xúc. Đồng thời, khi ấy, năng lực thấu cảm được tăng lên, không chỉ là với chính mình mà với cả người xung quanh.

Nhưng giờ đây, lũ trẻ nhiều khi cứ ‘trẻ trâu tăng động’, bạ đâu nói đó, thích gì làm nấy, hoặc cứ chăm chăm chạy theo những thứ đã được người lớn sắp đặt, lập trình sẵn cho chúng. Thế nên, nhìn vào chúng thì cảm giác như cái gì chúng cũng có, nhưng nhiều khi chính bản thân chúng cũng không biết mình thích gì, muốn gì, ước mơ gì, hay mình là ai và giá trị con người của mình ở đâu. Vậy nên, chúng cứ hòa tan và đâm đầu ‘chạy theo số đông’ vì nhiều khi bố mẹ chúng cũng thế.

7. GIỜ XẢ & ‘MƠ GIỮA BAN NGÀY’

Mơ mộng không hề là một điều xấu chút nào đối với trẻ (Ảnh minh họa)

Nghỉ ngơi không làm gì, ngồi nhìn phố xá, ngắm người đi đường hay ‘mơ mộng’ giữa ban ngày, chẳng chú tâm vào bất cứ một công việc gì cụ thể mà cứ để cho suy nghĩ đến rồi đi… trong con mắt của nhiều người ‘mịt mù’ thì cứ như là hâm hâm, dở hơi. Thế nhưng, chính họ lại không biết rằng những điều đó cũng có tác dụng y chang đi nghỉ resort, du lịch nghỉ dưỡng.

Đó là lúc phần não quá tải công suất được nghỉ ngơi và nạp pin, tránh đứt gánh giữa đường. Đó là lúc mà các ý tưởng đột phá hay sáng kiến tuyệt vời xuất hiện, như cái cách Newton ‘ngắm táo rơi’ hay Archimedes ‘đang tắm mà hét lên… eureka’ (nếu như câu chuyện là có thật). Và quan trọng hơn cả, đó là lúc các nhiễm sắc thể được ‘hàn gắn’, tránh nguy cơ bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.

Thế mà nhìn tụi nhỏ, nhiều đứa còn không có giờ xả hoặc thậm chí được quyền mơ giữa ban ngày, vì người lớn lắm khi ‘tham vọng’ và nhồi cho chúng rất nhiều thứ để ‘trái cây nhanh chín sớm’ với bao nhiêu kiến thức và kỹ năng – mà không hiểu là nhiều khi ‘bơm cho trái cây chín càng sớm, nó thối rữa càng nhanh’, chẳng khác gì hoa quả ‘thải ra’ từ anh bạn láng giềng Trung Quốc.

Một ngày 24 tiếng, một tuần 7 ngày, tuổi thơ, tuổi trẻ – và có khi là cả cuộc đời con người rồi cũng qua nhanh lắm. Đừng vì ‘mịt mù’ mà ‘ăn cướp giữa ban ngày’ những khung giờ vàng trong cái mâm thời gian của lũ trẻ, và lắm lúc là của chính bản thân người lớn chúng ta”.

TS. NGUYỄN CHÍ HIẾU, THEO HELINO

Link