Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Ai là chủ 18 công trình trái phép trên đất rừng Sóc Sơn?

BQL rừng Phòng hộ – Đặc dụng Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã có báo cáo chi tiết về 18 công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc xã Minh Phú và chủ sở hữu.

Xã chứng thực mua bán đất rừng

Tại báo cáo số 537 về rà soát xây dựng trên đất lâm nghiệp tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), BQL rừng Phòng hộ –  Đặc dụng Hà Nội (BQL rừng) thống kê 18 công trình xây dựng trái phép tại xã này.

Đơn vị này cho biết, năm 2017 đã phát hiện tình trạng xây dựng nhà và làm lán trại trên đất quy hoạch lâm nghiệp trái phép.

BQL đã yêu cầu hộ vi phạm tự khắc phục tháo dỡ hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ tại khu vực khoảnh 11 và 12 (theo quy hoạch rừng năm 2008) trên địa giới hành chính xã Minh Phú không chấp hành.

Khu sinh thái Thiên Phú Lâm là 1 trong 18 công trình vi phạm

Lý do: Theo quy hoạch rừng năm 2008, diện tích các hộ đang vi phạm do Ban quản lý nhưng trên thực tế, các hộ đều có sổ lâm bạ do UBND huyện Sóc Sơn cấp từ năm 1990, có hợp đồng chuyển nhượng qua xã; trong hợp đồng có đất thổ cư, phiếu thu xây dựng cơ sở hạ tầng, hóa đơn nộp thuế.

18 hộ xây dựng, sửa chữa công trình trên đất rừng, BQL rừng cũng nêu đích danh:

Ông Phạm Mạnh Hà có diện tích 1.290m2; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận từ năm 2003.

Ông xây khung nhà thép với diện tích 85m2. BQL rừng lập biên bản từ tháng 6/2018 yêu cầu hộ dân tự tháo dỡ nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại.

Xem thêm  Biệt thự nhà vườn đẹp như mơ của gia đình ca sĩ Mỹ Linh là "công trình vi phạm lớn"

Hộ bà Tạ Phạm Bích Thúy, Lê Quỳnh Trang: 1.260m2; Lâm Thị Minh Phúc 2.000m2; Trần Thị Hồng Hạnh 2.018m2; Trần Thị Kim 3.350m2; Lê Xuân Long 3.251m2; Trần Thị Mỹ Hạnh 1.080m2; Đỗ Việt Anh 1.090m2; ông Ngô Văn Cam chủ sở hữu các lô 3-4-5, khoảnh 11…

Theo quy hoạch 2008 đây đều là đất bảo vệ, cải tạo nâng cấp, loài cây thông và nhiều cây ăn quả. Hợp đồng chuyển nhượng; đơn xin sửa chữa, cải tạo xây dựng công trình trên đất đều có xác nhận của UBND xã Minh Phú.

Cho rằng có sự chồng chéo trong phân cấp quản lý, BQL xin sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Minh Phú… có ý kiến chỉ đạo.

Trả lời báo chí ngày 31/10, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó đội trưởng Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn cho hay huyện đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế 18 công trình sai phạm về trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú.

“Hiện xã Minh Phú báo cáo lên có 3 hộ đang tự động tháo dỡ, còn 15 hộ thanh tra xây dựng huyện đang đốc thúc chính quyền địa phương vận động người dân tự tháo dỡ. Trong tháng 11, nếu các công trình không được tháo dỡ, huyện sẽ cưỡng chế”.

Ai là chủ thực sự của rừng Sóc Sơn?

BQL rừng Phòng hộ – Đặc dụng được giao quản lý rừng tại huyện Sóc Sơn.

Tiền thân Ban này là Vườn ươm Lạc Long, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1956, Vườn ươm Lạc Long đổi thành Lâm trường Kim Đa, năm 1969 thì trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 1983, Bộ Lâm nghiệp hợp nhất 3 đơn vị là Lâm trường Kim Đa, xí nghiệp giống cây con Minh Phú, trạm thí nghiệm cơ giới trồng rừng Minh Phú trên điạ bàn Sóc Sơn và đổi tên thành Lâm trường thực nghiệp Sóc Sơn.

Xem thêm  TS Thủy: Hà Nội cấm xe máy đường Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi "hoàn toàn không khả thi"

Trải qua nhiều lần “thay tên đổi họ”, năm 2017, UBND TP quyết định thành lập BQL rừng phòng hộ đặc dụng HN trên cơ sở hợp thành BQL rừng đặc dụng Hương Sơn và Trung tâm phát triển lâm nghiệp HN. BQL đang chờ UBND TP phê duyệt bổ nhiệm lãnh đạo mới của ban.

Phần diện tích rừng và đất thuộc Trung tâm phát triển lâm nghiệp HN quản lý là 2.095,5ha nằm trên 9 xã thuộc huyện Sóc Sơn (Minh Phúc, Nam Sơn, Quang Tiến, Tiên Dược, Hồng Kỳ, Phù Linh, Hiền Ninh, Minh Trí và Bắc Sơn).

Theo chủ rừng: đặc thù của rừng Sóc Sơn là dân có trước, rừng có sau. Dân ở rồi mới trồng rừng, dân ở xen kẽ trong rừng.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa đo đạc bản đồ địa chất lâm nghiệp và các loại đất khác nằm trong vùng quy hoạch rừng, chưa có bản đồ địa chính, chưa có quyết định giao đất rừng; Quy hoạch rừng vẫn còn có đất thổ cư, ruộng, vườn cây và nương rẫy cố định xen kẽ trong rừng phòng hộ.

Ngoài ra, chưa có ranh giới phân định rõ ràng giữa diện tích do BQL với các xã dẫn đến nhiều diện tích rừng bị giao 2 lần (quy hoạch cho BQL nhưng các địa phương cũng giao cho các hộ bằng sổ lâm bạ, có hợp đồng gia đất rừng).

Theo Thành Nam/ VietNamNet

Link gốc