Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Ẩn số vũ khí của đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Giữa muôn ngàn điều kỳ bí đang dần hé lộ từ các cuộc khai quật, dàn vũ khí sắc bén, có sức sát thương lớn của 8.000 chiến binh đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn là một bí ẩn lớn mà các nhà khảo cổ học luôn khát khao giải mã.

Phát hiện khảo cổ chấn động thế kỷ 20

Tần Thủy Hoàng (259 – 210 trước Công nguyên) – vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, có công thống nhất đất nước và tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của quốc gia này. Ông để lại nhiều công trình khổng lồ, kỳ vĩ cùng nhiều “câu đố” hóc búa cho hậu thế dù đã yên nghỉ hơn 2.000 năm qua.

Những bí ẩn quanh lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với hậu thế. Ảnh minh họa: Internet.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cách thành phố Tây An 35km, phía nam là núi Linh Sơn và phía bắc là sông Vỹ. Từ xa xưa, nhiều nhà địa lý cho rằng vị trí này mang thế đất rồng, lăng mộ Tần vương nằm trong lòng núi Lệ, được xem là ở chính giữa khu vực mắt rồng. Do đó, có rất nhiều điển tích linh thiêng xoay quanh khu lăng mộ.

Những cao niên sống gần núi Linh Sơn vẫn thường kể cho con cháu một truyền thuyết nhuốm màu liêu trai, rằng cứ đến ngày rằm hàng tháng, đội quân đất nung lại sống dậy, hô vang câu thề quyết bảo vệ hoàng đế Tần vương bằng thứ ngôn ngữ cổ.

Còn hoàng đế thì ngồi trên ngai vàng, quan sát sự hùng vĩ của nơi cung điện tọa lạc với vẻ uy nghiêm và oai hùng. Theo tài liệu cổ để lại, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã xây dựng cả một thế giới ngầm dưới lòng đất với đền đài, cung điện nguy nga và “bầu trời đêm” đính đầy những vì sao làm từ ngọc trai.

Còn nhớ, việc phát hiện và khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1974 đã khiến toàn bộ giới khảo cổ học trên thế giới chấn động. Đây được xem là một bước tiến dài trong ngành khảo cổ và giúp các sử gia có cái nhìn sâu hơn về một triều đại từng rất hưng thịnh trong lịch sử Trung Hoa.

Dù muốn bảo tồn một trong những báu vật của thế giới cổ đại, các nhà khoa học vẫn luôn hy vọng mở được khu lăng mộ trung tâm của Tần Thủy Hoàng và những bí mật ẩn sâu trong đó.

Và không chỉ riêng giới nghiên cứu, công chúng ở khắp nơi trên thế giới đều tò mò về phần mộ của vị vua đầu tiên của nhà Tần. Dân gian đồn đại, vị vua bạo tàn đã chuẩn bị cho mình cả những phi tần bằng đất nung, nhưng đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy một bức tượng phi tần nào.

Xem thêm  Xem khoảnh khắc hỗn loạn cuối trận PSG và Neymar nhận thẻ đỏ phút 99

Lại có ghi chép thuật rằng: “Ngôi mộ hoàng đế lộng lẫy, tất cả đều bằng vàng, xung quanh được đính đá quý, rải châu báu từ trong ra ngoài”.

Một số tài liệu viết về lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn nhắc tới những hệ thống bẫy rắc rối và bí ẩn có thể làm bị thương hoặc lấy mạng bất cứ ai dám xâm nhập vào đây. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khảo cổ e ngại hơn là nguy cơ làm hỏng những hiện vật cực kỳ quý báu.

Ngoài ra, những đồn đại ly kỳ quanh lăng mộ Tần vương cũng đáng sợ tương tự những lời nguyền xung quanh lăng mộ Tutankhamun ở Ai Cập. Tuy nhiên, nếu những huyền sử là đúng thì lăng mộ Tần Thủy Hoàng đang chôn giấu một kho báu và đồ trang trí lớn hơn bất kỳ lăng mộ vua chúa nào trong lịch sử thời cổ đại.

“Dư chấn” về phát hiện tầm cỡ nhất trong thế kỷ 20 còn chưa biến mất thì các nhà nghiên cứu lại tìm ra những dấu tích đắt giá trong lăng mộ Tần vương. Trải qua hơn 40 năm không ngừng nỗ lực của nhóm các chuyên gia khảo cổ, hơn 8.000 bức tượng binh sĩ đất nung đã được hiển lộ sau hơn 2.000 năm “ngủ yên” và thực hiện sứ mệnh bảo vệ cho thế giới bên kia của hoàng đế.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách chế tác cung nỏ, mũi tên độc đáo cho đội quân hào hùng, có 1-0-2 trên thế giới cách đây 2.000 năm. Điều đáng kinh ngạc là, hầu hết tất cả những vũ khí trong lăng mộ hoành tráng bậc nhất trên thế giới đều được làm hoàn toàn thủ công qua các bàn tay, và sức sáng tạo tuyệt vời của những người thợ tài hoa lúc bấy giờ.

Công nghệ bậc thầy thời cổ đại

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Antiquity, các nhà khảo cổ học tiết lộ rằng những người thợ thủ công đã chia ra thành nhiều nhóm nhỏ và chế tác tỉ mỉ từng vũ khí của binh lính đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng từ các mảnh đồng với nhiều kích cỡ khác nhau.

Mọi thứ đều được làm cẩn thận, hoàn hảo và mang đậm dấu ấn của nhà Tần, triều đại bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc. Dù chịu tác động bào mòn qua hàng nghìn năm, nhưng những vũ khí của đội quân trong lăng mộ vẫn rất sắc bén và có sức sát thương lớn.

Theo các nhà khảo cổ học, có khoảng hơn 40.000 vũ khí bằng đồng được trang bị cho các chiến binh trong lăng mộ. Chúng không phải là các sản phẩm tạo tác mô phỏng hay trang trí mà là đồ thật hoàn toàn.

Xem thêm  Ăn trứng luộc bổ hay không bổ? Hãy xem ngay câu trả lời

Theo các nhà khoa học, những mũi tên được trang bị cho đội quân bảo vệ giấc ngủ của hoàng đế ở thế giới bên kia thậm chí còn có thể xuyên thủng áo giáp và giết chết kẻ địch chỉ với duy nhất một lần bắn.

Cung tên còn gần như nguyên vẹn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Ancientorigins.

Cách thức chế tác những mũi tên “hiểm hóc” này cũng rất tinh xảo. Theo đó, mũi tên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều được làm bằng đồng và được mạ một lớp chống gỉ sét ở bên ngoài. Trải qua thời gian dài nằm trong lòng đất, những mũi tên giờ đây vẫn sáng loáng và có sức sát thương đáng kinh ngạc.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều vũ khí thông dụng và phổ biến thời nhà Tần như đao, kiếm, cung nỏ, giáo mác,… hay thậm chí là máy bắn tên tự động, máy bắn tầm gần, tầm xa. Điều này cho thấy trình độ chế tạo vũ khí rất siêu việt ở nhà Tần và khoảng thời gian hoàng đế Tần Thủy Hoàng cai trị, quốc gia này đã lớn mạnh và phát triển đến nhường nào.

Việc bố trí và thiết lập một đội quân quy mô ở nơi yên nghỉ kèm theo những vũ khí thuộc hàng hiện đại và tối tân nhất vào thời điểm đó chứng tỏ Tần Thủy Hoàng rất chú trọng đến quân đội và lực lượng bảo vệ ông sang thế giới bên kia.

Ngay từ khi lên ngôi năm 13 tuổi (vào năm 247 trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng lăng mộ của mình ở gần thành phố Tây An, Trung Quốc. Quá trình xây dựng kéo dài 36 năm, huy động một lực lượng người và của khổng lồ, Tần Thủy Hoàng đã được an táng trong lăng mộ “vương giả” ngay khi nó vừa được hoàn thành vào năm 210 trước Công nguyên.

Dù rất cố gắng, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã hết bí ẩn ở lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, ngay cả đội quân đất nung và vũ khí của họ bên trong công trình kỳ vĩ này vẫn còn là một ẩn số mà các chuyên gia chưa khám phá được hết.

Dẫu vậy đến nay, quần thể lăng mộ rộng lớn của Tần Thủy Hoàng vẫn thu hút rất đông khách du lịch và những người đam mê khảo cổ.

Chiêm ngưỡng đội quân đất nung lên đến hơn 8.000 người sống động như người thật, được chế tác tinh xảo, độc đáo trong từng chi tiết là trải nghiệm khó quên, khiến người ta ngỡ ngàng như “lạc” vào thế giới cổ đại đầy huyền bí hơn 2.000 năm trước…

Theo NĐT

Link