Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Anh Nguyễn Văn Trỗi đã an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM

Hài cốt của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (Q.9) lúc 10h45 ngày 15-4.

nguyễn văn trỗi

Di quan hài cốt anh Nguyễn Văn Trỗi đến phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (Q.9) – Ảnh: Q.Linh

Phần mộ của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi nằm tại khu vực phần mộ liệt sĩ tiêu biểu, gần phần mộ các liệt sĩ Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, Quách Thị Trang.

Tinh thần anh dũng, quả cảm, dấn thân, hành động của anh Nguyễn Văn Trỗi là động lực, niềm tin cho lớp lớp thanh niên công nhân và tuổi trẻ thành phố không ngừng ra sức lao động, rèn luyện, sáng tạo, xung kích thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn

Trước đó, từ sáng sớm cùng ngày, hài cốt của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được cải táng tại nghĩa trang Văn Giáp (Q.2), và đưa về nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.

Việc di dời này thể theo nguyện vọng của gia đình, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, do Thành đoàn, Bộ tư lệnh TP và Quận ủy Q.2 cùng tổ chức lễ an táng.

Lễ an táng có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo TP.HCM, đại diện tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn (quê hương anh Trỗi), thân nhân của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) cùng rất nhiều đồng đội chiến đấu cùng anh Trỗi và bạn trẻ TP.HCM.

An táng anh Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa Trang TP.HCM – Video: QUỐC LINH

Xem thêm  Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải thanh toán án phí gần 100 tỷ đồng

Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn phát biểu tưởng niệm: “Hoạt động, sự hi sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã lay động hàng triệu người dân yêu nước Việt Nam và thế giới, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi sự hi sinh anh dũng, bất khuất ấy”.

Năm 1982, hội nghị của ban chấp hành Thành đoàn TP.HCM đã quyết định chọn ngày hi sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – ngày 15-10 – trở thành ngày truyền thống thanh niên công nhân TP.HCM.

36 năm qua, hoạt động và phong trào thanh niên công nhân của TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh, nhiều tấm gương công nhân với tay nghề cao, có kỷ luật, tác phong công nghiệp trong lao động đã được vinh danh.

Trong đó, từ năm 2008 đến nay, đều đặn hằng năm Thành đoàn vinh danh các công nhân có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động với giải thưởng mang tên người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi.

nguyễn văn trỗi

Lễ an táng hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ngày 15-4 – Ảnh: Q.L.

Ông Nguyễn Văn Nhung (88 tuổi) – người anh em con chú bác ruột và cũng là thầy giáo đầu tiên của anh Nguyễn Văn Trỗi – nói gia đình, gia tộc rất tự hào vì đã sinh ra người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Nguyễn Văn Trỗi sinh năm 1940 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 16 tuổi vào Sài Gòn, làm mướn, đạp xích lô trước khi theo học và trở thành thợ điện tại Sài Gòn.

Anh tham gia biệt động thành, chiến đấu trong Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn mà người vợ mới cưới Phan Thị Quyên không biết.

Xem thêm  Stockholm, thành phố được sưởi ấm bằng internet

Anh xung phong nhận nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý ám sát phái đoàn của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ McNamara nhưng bất thành và bị bắt đêm 9-5-1964.

Qua nhiều tháng giam giữ, chuyển qua nhiều nhà tù khác nhau với những đòn tra tấn dã man nhưng anh không khai nhận bất cứ điều gì, nhận hết trách nhiệm về mình thực hiện vụ đánh bom.

Dù đội du kích Venezuela đã đòi trao đổi anh Trỗi với một tù binh là sĩ quan Mỹ và sau khi tù binh này đã được trả tự do song 9h45 ngày 15-10-1964, anh Nguyễn Văn Trỗi bị đem ra xử bắn tại sân sau của nhà lao Chí Hòa, trước sự chứng kiến của nhiều nhà báo quốc tế.

Khi ấy, anh Nguyễn Văn Trỗi 24 tuổi, vừa cưới vợ được 6 tháng và hai vợ chồng trẻ sống bên nhau được 19 ngày.

Anh đã được truy nhận đảng viên Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam, huy chương Thành đồng hạng nhất.

Hai ngày sau khi hi sinh, anh Nguyễn Văn Trỗi được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 17-10-1964.

nguyễn văn trỗi

Thắp hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước giờ an táng hài cốt anh tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM – Ảnh: Q.L.

nguyễn văn trỗi

Phút tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – Ảnh: Q.L.

nguyễn văn trỗi

Phần mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi nằm trong khu vực các phần mộ tiêu biểu tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM – Ảnh: Q.L.

Theo tuổi trẻ