Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Bà hiệu trưởng, đừng tự tát vào “bộ mặt giáo dục của mình” như thế!

Khi học sinh bị tát 231 cái còn chưa hết hoảng loạn, bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đã tự tay tát vào “bộ mặt giáo dục của mình”.

“Phiếu điều tra sặc mùi hình sự” và chân dung 2 bà hiệu trưởng

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, người đã cho học sinh tát bạn 231 cái, đã phải nhập viện không chỉ vì áp lực, mà còn vì suy sụp, hối hận.

Nhưng thật khó nhìn thấy sự hối hận của hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh, khi bà này lập ra một bảng hỏi những 19 điều, đặt trước mặt 23 đứa trẻ còn đang bấn loạn, sợ hãi.

Đó giống như là những câu hỏi của nhà điều tra hình sự đặt trước mặt kẻ tội phạm, chứ không phải câu hỏi của một người làm sư phạm đặt trước mặt học trò. Cái phiếu ấy đã ghi rõ những cụm từ “lời khai của em…” và yêu cầu học sinh điền đầy đủ họ tên, giới tính.

Trường THCS nơi cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã cho học sinh tát bạn 231 cái

Bà Phạm Thị Lệ Anh muốn biết sự thực gì khi phát phiếu điều tra này? Tại sao sự thực ấy lại bị gạt đi những con số bất lợi khi báo cáo lên cấp trên kết quả điều tra “khách quan” ấy? (Đọc tin chính)

Nếu những phiếu điều tra vô cảm đó được đưa cho người lớn, chứ không phải những cô bé cậu bé non nớt, thì phụ huynh cũng sẽ nổ đầu khi đứng trước hai lựa chọn “chết người”: Một, nói thật và có nguy cơ bị trường ghi sổ đen; Hai, nói dối –sẽ an toàn với nhà trường, nhưng day dứt với bạn bè, day dứt lương tâm.

Khi hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc của trường Tiểu học Nam Trung Yên ngang nhiên đi taxi vào sân trường, đụng gẫy chân một học sinh, bà này cũng đã tiến hành một “điều tra” rất bài bản.

Trong cuộc khảo sát thần thánh dưới mác “lấy ý kiến của học sinh, giáo viên”, tổ bảo vệ cũng như nhiều học sinh, giáo viên đã khẳng định một điều dối trá trắng trợn: Hôm đó không có bất cứ chiếc xe nào ra vào sân trường.

Chưa dừng lại ở đó, kịch bản được đẩy cao hơn: Xuất hiện những tâm thư công khai, thống thiết hết mực, gửi lên cấp trên đề nghị xin giữ hiệu trưởng Ngọc ở lại.

Trong tâm thư ấy, hình ảnh bà hiệu trưởng được đặt biệt danh “dối trá từ đầu đến cuối” này, hiện lên như mẫu cán bộ tử tế đến mức sắp tuyệt chủng:

“Từ khi tôi chuyển công tác về trường tiểu học Nam Trung Yên. Trong quá trình công tác và làm việc ở trường tiểu học Nam Trung Yên quận Cầu Giấy, Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của đồng chí bí thư, hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc.

Tôi thấy đồng chí là một người sống đúng mực, giản dị, hết lòng với học sinh, với đồng nghiệp, luôn đối xử công bằng, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên được làm việc trong điều kiện tốt nhất.

Xem thêm  Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tiếng vụ hai nguyên tổng giám đốc bị bắt

Khi nói về đạo đức nhà giáo thì chúng tôi cần phải học tập rất nhiều ở đồng chí Ngọc. Tôi luôn lấy tấm gương về cách hành xử trong công việc, cách đối xử với mọi người nhất là tình thương yêu học sinh để học tập để phấn đấu…Đồng chí luôn hy sinh quyền lợi cá nhân cho tập thể, cho mọi người”.

Cuối cùng, rất nhiều tâm thư trong số ấy, được xác định là bị ép viết. Mũi kim thâm đen, nhọn hoắt cuối cùng cũng lòi ra khỏi bọc. (Đọc tin chính)

Trường học không phải sân khấu. Giáo viên, hiệu trưởng không phải diễn viên tuồng

Những giáo viên trưởng thành ở Nam Trung Yên mà còn bị sức ép nói trái với sự thật và lương tâm như vậy, thì bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh muốn tìm sự thật nào khi yêu cầu 23 em học sinh trả lời với đầy đủ tên thật, giới tính, đặc biệt là khi chúng vừa bị ép vung tay vào má bạn mình như kẻ thù?

Một nữ nhân viên hãng hàng không Vietjet, giữa nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất và cần ứng xử văn minh nhất, chỉ vì không đồng ý chụp ảnh cùng 3 hành khách, mà đã bị tẩn lên bờ xuống ruộng, thì 23 em học sinh sẽ dám nói những sự thật gì trong “bản khai sặc mùi hình sự” của bà hiệu trưởng Lệ Anh?

Những đứa trẻ, dù lớn gan đến đâu, sẽ nói lên sự thật nào khi chúng vẫn ngồi trên ghế của ngôi trường có một hiệu trưởng từ đầu đến cuối vẫn luôn tìm mọi cách bảo vệ “danh hiệu” và “bộ mặt”, thay vì coi sự cố đó như một bài học xương máu trong sư phạm?

Sự thật nào trong lời khai của các học sinh khi 23/23 em đều khai rằng: nạn nhân “N. vào bệnh viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu”? Với lời khai này, bà hiệu trưởng đã biến các học sinh thành… bác sĩ rởm – khẳng định cả những điều các em không hề biết.

Sự thật là bác sĩ Lê Văn Hương – Phó trưởng khoa ngoại, Bệnh viện đa khoa Dinh Mười khẳng định: Qua thăm khám và điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu sang chấn tâm lý, các bác sĩ vừa phải cho thuốc uống để cắt giảm cơn đau vừa phải trị liệu tinh thần.

Một giáo viên hành động sai đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều học sinh. Một hiệu trưởng tư duy sai, hành động phản giáo dục, không chỉ ảnh hưởng đến rất nhiều học sinh mà còn có thể khiến nhiều giáo viên lệch lạc.

Sự gian dối và vô cảm có thể diễn ra nhiều chỗ trong xã hội, nhưng nếu nó được diễu hành công khai trong khuôn viên nhà trường và trên bục giảng, thì dây mỏ neo gần như cuối cùng giữ thăng bằng cho con tàu nhân cách của những đứa trẻ, sẽ bị cắt đứt.

Sai phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, và ai cũng có thể mắc lỗi trong quá trình công tác. Nhưng môi trường giáo dục phải khác nhiều nơi khác ở chỗ: Khi có lỗi, người ta biết hối lỗi, phải ứng xử với nó một cách cầu thị, chứ không ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm và vô cảm – những thứ mà thầy cô hàng ngày đang dạy học trò tránh xa.

Xem thêm  Nữ sinh Quảng Ninh tiết lộ lý do bị đánh hội đồng dẫn đến tụ máu ở đầu, phải nhập viện

Chỉ vì chưa làm hết trách nhiệm trong vụ cô giáo bị phụ huynh học sinh bắt quỳ, hiệu trưởng Huỳnh Công Sơn (tiểu học Bình Chánh, Bến Lức – Long An) đã xin thôi chức và bị cách chức.

Những động thái phản giáo dục – tự tay tát vào “bộ mặt giáo dục của mình” mà bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đang làm, sẽ bị xử lý thế nào? (Đọc tin chính)

Dù bà hiệu trưởng có bị xử lý như thế nào, thì xin bà hãy nhớ rằng: Nghề giáo khác nghề diễn tuồng vì thế giáo viên không lên bục giảng với chiếc mặt nạ. Trường học không giống sân khấu, vì thế không thể dùng sự sợ hãi, gian dối, bịa đặt để dạy học trò làm người tử tế.

Dưới bài báo về phiếu điều tra của bà hiệu trưởng đăng trên tờ plo.vn, có những comment thật đắt: “Cô giáo Thủy đã vả vào nền giáo dục một cái tát, nay nhà trường lại tiếp tục định vả cái nữa!”; “Nhà trường thật sự đã tát thêm 23 cái vào mặt 23 học sinh sau gần 1000 cái tát của cô giáo Thủy.

Khủng khiếp! Cần cách chức ngay bà hiệu trưởng vô cảm này ngay và luôn. Không cho bà làm giáo viên giảng dạy luôn”.

Khuôn mặt của bà hiệu trưởng chắc chắn không bao giờ bị ai tát thâm tím, thế thì xin bà đừng tự tay “tát vào bộ mặt giáo dục của mình” thêm một lần nào nữa.

Bộ câu hỏi điều tra học sinh gồm 19 câu, cụ thể như sau:

1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?

2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?

3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?

4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?

5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?

6. Bạn N. có nói tục không?

7. Khi bị tát bạn N. có khóc không?

8. Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?

9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?

10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?

12. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?

13. Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?

14. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?

15. Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?

16. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?

17. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?

18. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?

19. Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?

Theo Trí thức trẻ

LInk