Một người bạn quen biết 20 năm, có kể cho tôi một câu chuyện thế này
Tối qua, sau khi ăn cơm xong, như mọi ngày anh ấy nằm trên sofa lướt điện thoại, vợ dọn mâm xong đang giặt đồ. Con gái vừa làm xong bài tập liền chạy đến, dùng giọng điệu lạnh lùng bất bình nhìn thẳng vào mắt ba: “Bố, có phải bố đã không còn yêu mẹ con nữa đúng không?”
Anh kinh ngạc nhìn con gái, vội vàng đặt điện thoại xuống, giải thích: “Sao bố lại có thể không yêu mẹ con chứ. Mẹ là vợ của bố, là người đã sinh ra và nuôi con khôn lớn…”
Câu trả lời này dường như không làm cho cô con gái mới lên 7 hài lòng.
Con gái mở to mắt, giống như đã dồn nén từ lâu, chiếc miệng nhỏ xinh như súng liên thanh không ngừng phản bác:
“Nhưng tại sao con lại không cảm nhận được bố yêu mẹ? Bố đi làm về chỉ có chơi điện thoại, ngủ nướng, mẹ có bận rộn thế nào bố cũng không giúp. Lần trước mẹ đau lưng đến không đứng thẳng được, bố về vẫn chỉ gác chân lên ghế xem tivi, còn chờ mẹ nấu cơm..
Từ trước tới giờ chưa bao giờ con thấy bố mua quần áo và túi xách cho mẹ, càng không nói đến hoa hồng và dây chuyền. Còn nữa, trước nay con chưa bao giờ thấy bố mẹ như trên tivi, đi trên đường thì nắm tay, khi tạm biệt thì phải ôm hôn…”
Anh đang định giải thích: “Bố mẹ già rồi, mẹ con sẽ không thích những thứ đó nữa”, đúng lúc ngẩng đầu lên thì bắt gặp ánh mắt của vợ đang đứng ở cửa nhà vệ sinh, người đàn bà đã bên anh 15 năm, kết hôn 12 năm, nơi khóe mắt đang rơi lệ vì lời nói của con gái…
“Nếu không phải con gái lên án, tôi thực sự không cảm thấy có vấn đề gì cả, không phải rất nhiều cặp vợ chồng đều như thế sao..” – anh nói.
Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống có quá nhiều khó khăn, tình yêu sớm đã không còn nữa, những lãng mạn và cảm xúc ban đầu sớm đã hết, bản thân dần quen với suy nghĩ những hi sinh của vợ cho gia đình là điều đương nhiên, đã rất lâu không dành cho cô ấy những lời hỏi han ân cần.
Là những câu hỏi của con và nước mắt của vợ tối qua chợt làm anh nhận ra, mặc dù trước nay anh cố gắng làm việc và kiếm tiền nuôi nấng con cái, cũng chưa từng làm chuyện có lỗi bên ngoài, nhưng như vậy vẫn chưa chưa đủ để trở thành người cha tốt, người chồng có trách nhiệm.
Đã từ rất lâu anh không hề có cử chỉ nào để con cảm thấy bố mẹ yêu thương nhau, cũng không có hành động ân cần nào để vợ cảm nhận được tình cảm bền chặt của vợ chồng.
Bố mẹ có yêu thương nhau không, con cái có thể thấy được rất rõ.
Một bà mẹ vì con mắc chứng tự kỷ mà phải bỏ công việc đang thuận lợi để đưa con đến thành phố chữa trị. Vì khoảng cách, cộng thêm những khó khăn trong nuôi nấng con cái mà chồng cô ngoại tình. Tình nhân có con và anh ta đòi li hôn.
Một mình cô chấp nhận mọi khó khăn, vất vả và đau khổ để nuôi dạy con, mong con có môi trường tốt nhất để trưởng thành. Trong một lần xếp đồ học tập của con, cô thấy ba bức tranh được gấp kỹ sau quyển tập, trong đó là những nét vẽ nguệch ngoạc xiêu vẹo:
Bức đầu tiên là ba mẹ đang cùng dắt tay một bạn nhỏ. Bức thứ hai là ba quay lưng lại và bước đi, mẹ một mình dắt tay bạn nhỏ. Bức thứ ba là bức vẽ mẹ đứng một mình, nước mắt chảy đến tận gót chân…
Cô không kìm được mà nắm chặt ba bức vẽ, chạy vào nhà vệ sinh khóc nức nở.
Cô những tưởng rằng mình đã che giấu thật tốt, nhưng không ngờ đứa con chưa tròn 5 tuổi của mình lại có thể cảm nhận được rõ sự việc như vậy, không chỉ là những rạn nứt trong tình cảm của cha mẹ, bé còn biết cả những buồn tủi áp lực mà cô đang chịu đựng.
Chất lượng cuộc hôn nhân của bố mẹ chính là những khái niệm đầu tiên về tình yêu thương trong mắt trẻ thơ.
Bố mẹ thù hận, trong tiềm thức trẻ sẽ tồn tại những bi thương và sợ hãi, trong suốt cuộc đời sẽ mang theo những ám ảnh về hoàn cành gia đình.
Giáo dục về tình yêu tốt nhất, chính là sự tương thân tương ái, yêu thương lẫn nhau của bố mẹ.
Nền giáo dục gia đình tốt nhất, chính là bố mẹ không ngừng trưởng thành.
Đối với trẻ nhỏ, một trong những cảm giác an toàn mà gia đình mang lại chính là tình cảm của bố mẹ.
Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều như một “quan sát gia” nhạy cảm.
Chúng không biết được thế nào là tình yêu, nhưng có thể cảm nhận được sự tồn tại của tình yêu thương trong gia đình, từ đó hoặc sẽ tự tin trưởng thành, hoặc sẽ trở nên nổi loạn hay tự kỉ, như nhắc nhở bố mẹ về chất lượng cuộc hôn nhân của mình.
Chúng ta thường viện cớ: “công việc quá bận rộn”, ” cuộc sống quá bộn bề”, ” đều đã già cả”… mà lạnh nhạt với vợ chồng rồi lại đổ lỗi hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng, chúng ta trở nên bận rộn không chỉ do công việc mà còn do chúng ta sống quá vội vàng, mặc cho bộn bề cuộc sống cuốn đi theo thời gian.
Cho đến một ngày, đối phương, chỉ vì một vài lời nói ngọt ngào, hay những món quà nhỏ mà thay lòng đổi dạ, trở thành kẻ phản bội trong hôn nhân.
Còn trẻ nhỏ, trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ sẽ chịu ảnh hưởng về tâm lý, hoặc đi theo vết xe đỏ của bố mẹ và cuộc hôn nhân không hạnh phúc . Đến lúc đó chúng ta mới nhận ra, chúng ta không chỉ đánh mất đối phương, mà còn phá hỏng cả tương lai của trẻ.
Một gia đình hạnh phúc là bố yêu thương mẹ, mẹ yêu bố và các con!
Hy vọng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể nhìn thấy hình ảnh bố mẹ yêu thương đong đầy, hy vọng mỗi cặp bố mẹ đều là tấm gương về tình yêu cho con cái.
* Theo Trí Thức Trẻ/cafebiz