Rất lâu những năm tháng về sau, tôi vẫn còn nhớ rất rõ một tấm ảnh đã ngả màu chụp mẹ tôi đúng vào ngày mồng một tết xuân Quý Hợi 1983, cách đây vừa hơn 30 năm.
Tấm ảnh chụp mẹ tôi đứng dưới một gốc mai cổ thụ nở đầy hoa. Những ánh nắng sớm đầu tiên của một ngày đầu xuân chiếu xuyên qua những vòm lá còn ướt đẫm sương đêm bỗng tạo nên một hình rẽ quạt xung quanh mẹ tôi như một vầng hào quang khổng lồ.
Nhưng ai nếu để ý một chút sẽ dễ dàng nhận ra một điều hơi khác lạ: ngày tết trong miền Nam không lạnh lắm, thậm chí còn hơi nóng là khác nhưng mẹ tôi vẫn mang một đôi găng tay bằng len màu trắng…Tôi muốn kể câu chuyện của mình.
…Cho đến năm học tới lớp 11, hàng ngày tôi vẫn phải cuốc bộ hơn 5 cây số để tới lớp. Gặp ngày nào sáng đi học chiều đi thực hành thì tôi phải cuốc bộ đi đi về về tổng cộng hơn 20 cây số. Mẹ tôi thương tôi lắm nên bà hứa sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp mới vào dịp tết năm đó.
Nghe mẹ tôi hứa như vậy nhưng tôi cũng vẫn không một mảy may hy vọng nào vì nhà tôi lúc ấy rất nghèo, chạy ăn từng bữa còn chưa đủ thì lấy tiền đâu mà mua xe đạp cho tôi.
Tôi nhớ rất rõ hôm ấy là ngày rằm tháng chạp. Vừa đi học về tôi bỗng thấy nhà tôi chất đầy những đống đồ dơ. Hỏi ra tôi mới biết mẹ tôi vừa nhận giặt đồ thuê cho những người công nhân ở một công trường gần nhà.
Lúc đó chưa có nước máy, vào mùa gần tết những cái giếng xung quanh nhà tôi đều cạn nước, chỉ có cái giếng nhà tôi nhờ may mắn đào sâu trúng mạch nước nên vẫn còn nước. Mẹ tôi nhìn tôi mỉm cười rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc mới với một vẻ phấn khởi hiếm thấy…
Kể từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi sáng, tôi phải dậy sớm từ bốn giờ để múc đầy ba thùng phuy nước cho mẹ tôi giặt đồ. Bao nhiêu đồ dơ mùng mền chăn chiếu gối tích lũy bấy lâu nay, những người công nhân đều mang sang cho mẹ tôi giặt nên nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp đồ dơ. Mẹ tôi phải dậy sớm giặt đồ từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt nhưng cũng vẫn không kịp…
Ngày ấy chưa có nhiều loại bột giặt tốt như bây giờ. Mẹ tôi phải dùng một loại kem giặt sền sệt, sặc sụa mùi xút đựng trong những chiếc hũ nhựa nặng một kí lô. Cửa hàng bách hóa quốc doanh cũng chỉ bán mỗi lần cho khách hàng hai hộp chứ không bán nhiều nên ngoài công việc kéo nước cho mẹ, tôi còn phải thường xuyên mai phục ở đó để mua kem giặt cho mẹ.
Những loại kem giặt ăn tay khủng khiếp. Thỉnh thoảng lòng tôi lại như nhói lên khi nghe những tiếng xuýt xoa khe khẽ của mẹ. Đôi bàn tay của mẹ tôi bong tróc ra từng mảng loang lỗ, có khi rướm máu tươi
Có những đêm mẹ tôi phải dùng lá nha đam xát vào những vết thương cho đỡ xót. Mẹ tôi đã mấy lần mang thử đôi găng tay bằng cao su nhưng khi mang vào thì vướng víu rất khó làm nên bà lại lột ra.
Từ tận sâu thẳm tâm hồn, tôi cũng lờ mờ nhận ra rằng mẹ tôi đã cố gắng làm hết sức mình cũng vì tôi, bà muốn có đủ tiền để mua cho tôi một chiếc xe đạp đi học trong dịp những ngày đầu năm mới…
Tết năm đó, mấy mẹ con quây hết vào cái công việc giặt đồ thuê cho khách nên nhà tôi chẳng chuẩn bị được gì cho ngày tết. Chiều 30 may có một người bà con đến biếu hai đòn bánh tét nên nhà tôi có đồ ăn tết.
Gần 10 giờ tối giao thừa,mẹ tôi mới giao xong đợt mùng mền chăn chiếu gối cuối cùng cho khách hàng rồi đập con heo đất ra đếm tiền. Cho đến bây giờ tôi cũng vẫn chưa thể quên vẻ mặt đầy phấn khích của mẹ, một khuôn mặt rạng ngời với đôi mắt sáng long lanh.
Để mọi người vào những ngày đầu năm mới không nhìn thấy đôi bàn tay bong tróc từng mảng loang lổ của mình, mẹ tôi quyết định đeo một đôi găng tay bằng len màu trắng…
Mồng 4 tết năm đó, mẹ tôi hớn hở dẫn tôi ra một tiệm xe đạp rồi mua cho tôi một chiếc xe đạp mới. Khỏi phải nói tôi sung sướng đến dường nào, nhưng cứ mỗi lần nhớ tới hình ảnh đôi bàn tay bong tróc rướm máu của mẹ, tôi lại cảm thấy nao nao trong lòng một cách kỳ lạ….
Cuộc sống bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với 30 năm về trước. Hình ảnh những hũ kem giặt nồng nặc mùi xút với những đôi bàn tay bong tróc sần sùi có lẽ chỉ còn là những hoài niệm trong quá khứ. Nhưng điều còn đọng lại mãi mãi trong tôi vào những dịp xuân về tết đến đó là tấm lòng cao cả và sự hy sinh vô bờ bến của một người mẹ nghèo…
Theo Tuổi trẻ