Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

Bất lực với phòng khám Trung Quốc?

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 11-10 phản ánh về phòng khám đa khoa Đại Đông (Q.Tân Bình, TP.HCM) “vẽ” bệnh, “chặt chém” người bệnh, sáng cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế TP đã chỉ đạo các phòng ban phối hợp với Công an TP đột xuất kiểm tra phòng khám này.

bất lực, phòng khám, trung quốc, đa khoa đại đông, chặt chém, vẽ bệnh

Bác sĩ người Trung Quốc khám bệnh tại phòng khám Đại Đông – Ảnh cắt từ clip L.T.H. – Đ.P.

Chỉ có hạn chế hoặc siết chặt danh mục kỹ thuật chuyên môn thì mới quản lý được các phòng khám Trung Quốc. Bây giờ có Luật doanh nghiệp rồi thì không thể đi kiểm tra hoài những phòng khám này

Ông Bùi Minh Trạng (chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM)

Chiều cùng ngày, thanh tra Sở Y tế TP đã mời giám đốc phòng khám Đại Đông và bác sĩ phụ trách chuyên môn của phòng khám này lên làm việc và yêu cầu giải trình, cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc khám chữa bệnh của hai bệnh nhân D. và N. mà Tuổi Trẻ phản ánh.

Đề xuất đóng cửa phòng khám Đại Đông

Kiểm tra đột xuất tại phòng khám Đại Đông, đoàn kiểm tra ghi nhận phòng khám có bốn bác sĩ người Trung Quốc hành nghề và có chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên, phòng khám tự bổ sung 7 phòng lưu bệnh, một phòng khám nam khoa khi chưa được Sở Y tế TP phê duyệt…

Ngoài ra, phòng khám còn thay đổi vị trí một số phòng chuyên môn và trang thiết bị so với các biên bản thẩm định của Sở Y tế TP.

Cụ thể, phòng cấp cứu đã thay đổi cơ sở vật chất, trang thiết bị không phù hợp tiêu chuẩn phòng cấp cứu theo quy định; phòng khám siêu âm sản khoa không có máy siêu âm, chỉ có máy soi tử cung; giường khám sản khoa không phù hợp; tự “chẻ” ba phòng tiểu phẫu được Sở Y tế phê duyệt thành nhiều phòng hơn…

Với các sai phạm nói trên, thanh tra Sở Y tế đã có tờ trình khẩn cho ban giám đốc Sở Y tế TP để cho đoàn kiểm tra đến thẩm định lại các điều kiện an toàn cho bệnh nhân ở phòng khám này vì việc thay đổi vị trí đi đôi với việc di chuyển máy móc và các điều kiện đi kèm.

Phòng khám này còn đối phó với đoàn kiểm tra vì không cung cấp đầy đủ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và bệnh án không ghi chép đầy đủ. Cụ thể, bác sĩ điều trị không ký tên vào bệnh án, hồ sơ bệnh án giống nhau, không có chữ ký nhân viên ghi bệnh án, sổ khám bệnh không ghi đầy đủ theo quy định.

Xem thêm  Điều quan tâm duy nhất sau phiên tòa Trung Nguyên: TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?

Qua kiểm tra, bước đầu thanh tra Sở Y tế yêu cầu phòng khám Đại Đông phải ngưng ngay các kỹ thuật trong khám chữa bệnh chưa được Sở Y tế TP phê duyệt; chấn chỉnh một số vi phạm khác. Ngoài ra, thanh tra Sở Y tế TP đã phối hợp với Công an TP và báo Tuổi Trẻ thu thập thêm chứng cứ để xác lập các hành vi vi phạm của phòng khám Đại Đông. Sau đó sẽ đề xuất Sở Y tế TP xử lý theo hướng đóng cửa phòng khám này.

Đối với bác sĩ Phan Văn Minh, người phụ trách chuyên môn phòng khám, thanh tra sở cũng sẽ xác minh dấu hiệu cho phòng khám Đại Đông thuê mướn bằng cấp để có hướng xử lý.

Khó quản phòng khám Trung Quốc?

Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề quản lý các phòng khám có yếu tố Trung Quốc, ông Bùi Minh Trạng – chánh thanh tra Sở Y tế TP – nói thời gian qua nhiều phòng khám Trung Quốc đã bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng các phòng khám này ngày càng hoạt động mang tính chất đối phó tinh vi.

Theo ông Trạng, rất nhiều người bệnh phản ảnh đến thanh tra Sở Y tế là họ bị phòng khám Trung Quốc thu tiền quá cao và vẽ vời bệnh này bệnh kia rất nặng. Và khi thanh tra sở làm việc với bệnh nhân, yêu cầu phòng khám giải trình thì lập tức phòng khám cho người liên hệ với bệnh nhân ngay.

“Không biết họ thương lượng thế nào mà sau đó hầu hết những người đi khiếu nại lại viết cam kết không khiếu nại thắc mắc gì phòng khám. Phòng khám mang những giấy này lên thanh tra sở nộp. Chúng tôi gọi cho những bệnh nhân này thì không ai bắt máy, thậm chí từ chối cộng tác để thiết lập hành vi vi phạm của phòng khám, dẫn đến khó khăn khi xử lý” – ông Trạng cho hay.

Ngoài ra, ông Trạng cho biết từ tháng 7-2017 đến nay, thanh tra Sở Y tế không đi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất mà chỉ giải quyết từng vụ việc cụ thể khi có phản ảnh của bệnh nhân do ban giám đốc sở đã có chỉ đạo để cho đoàn đánh giá chất lượng phòng khám của Sở Y tế đi kiểm tra và đánh giá lại chất lượng của tất cả các phòng khám đa khoa…

“Vì vậy những phòng khám Trung Quốc này dựa vào đó để đối phó” – ông Trạng nói.

Như vậy, chẳng lẽ “bó tay” với những sai phạm của các phòng khám Trung Quốc? Ông Trạng cho rằng thanh tra sở đã đề xuất một số giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là phải xem xét kỹ càng khi cấp danh mục kỹ thuật cho phòng khám Trung Quốc.

Xem thêm  Chuyên gia chỉ rõ lỗi "chết người" vụ chó Becgie cắn chết anh trai của chủ tại Hà Nội

Đối với những chuyên khoa nhạy cảm liên quan đến sản phụ khoa, phá thai, trĩ, hẹp bao quy đầu, bệnh nam khoa mà các phòng khám này hay vi phạm thì cần phải thẩm định kỹ càng, cấp danh mục kỹ thuật thận trọng, siết chặt hơn bằng hàng rào kỹ thuật.

Lại “hù” ung thư, vô sinh

Sáng 11-10, một nạn nhân của phòng khám Trung Quốc (phòng khám Ba Tháng Hai (3-2) tại địa chỉ 1505 Ba Tháng Hai, P.16, Q.11) lại tìm đến báo Tuổi Trẻ phản ảnh bị hù dọa, vẽ bệnh và “chặt chém”.

Cụ thể, chị H. (23 tuổi) cho biết ngày 6-10 chị đến phòng khám 3-2 khám bệnh. Khi vào khám thì tiếp tân đưa lên phòng bác sĩ ở lầu 1, trong đó có một người nói tiếng Trung Quốc.

Nhân viên phòng khám nói đi làm xét nghiệm kiểm tra với giá 860.000 đồng. Chị H. đồng ý và khi kiểm tra họ bảo chị có vết loét ở cổ tử cung. Ngoài ra, họ còn bảo phải bơm thuốc tẩy độc cho bớt huyết trắng với giá 2,8 triệu đồng.

Sau đó, họ cho đi nội soi và nói chị H. bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nên phải phẫu thuật để sau này không bị vô sinh.

Bị hù dọa như vậy nên chị H. đồng ý phẫu thuật với chi phí 15,8 triệu đồng. Phẫu thuật xong phòng khám hẹn chị H. phải đến điều trị tiếp bốn lần, mỗi lần phải làm vệ sinh vết thương, truyền dịch và ngày nào họ cũng truyền cho chị hai chai dịch với chi phí truyền dịch là 1.460.000 đồng/ngày…

Tổng cộng chị H. đã đóng gần 24 triệu đồng cho phòng khám này mà việc điều trị không giống như họ nói.

“Sau đó lên mạng tìm hiểu tôi mới biết mình bị lừa nên không đồng ý điều trị tiếp” – chị H. kể.

Rời phòng khám này, chị H. đến Bệnh viện phụ sản Từ Dũ khám lại thì bác sĩ nói chị không bị bệnh gì! Quá bức xúc, chị H. quay lại phòng khám 3-2 khiếu nại thì người của phòng khám thương lượng trả lại chị 10 triệu đồng nhưng chị không đồng ý.

Sau đó, người của phòng khám thương lượng tiếp và đồng ý trả lại cho chị H. 20 triệu đồng. Người này bảo chị H. chờ lấy tiền, nhưng sau đó một người khác lại gặp chị H. bảo phòng khám chỉ trả lại 10 triệu đồng thôi. Chị H. không đồng ý và bỏ về.