Người có chỉ số cảm xúc thấp, một khi tâm trạng tồi tệ sẽ chỉ muốn trút bực tức ra ngoài, làm tổn thương người khác, đừng nói đến giãi bày tâm sự hay giải quyết việc khác.
Một người đàn ông tính tình nóng nảy đến thăm một cao tăng nổi tiếng.
Hôm đó lúc ra khỏi nhà, tâm trạng anh rất tệ, mặt hằm hằm khó chịu. Người ngoài chỉ nhìn là biết.
Khi đến nơi, cởi dây mãi mới bỏ được giầy ra, anh ta liền cầm chúng ném vào góc. “Rầm” một tiếng, đôi giầy đập mạnh vào cánh cửa lớn khiến ai ở đó cũng giật mình.
Tới trước mặt cao tăng, vị khách này mới thay đổi thái độ tồi tệ vừa rồi, kính cẩn chào nhà sư.
Nhưng nhà sư đó nói với anh ta: “Xin lỗi. Bần tăng không thể bình tĩnh nói chuyện với thí chủ được. Trừ phi thí chủ xin lỗi cánh cửa kia và đôi giầy vừa bị thí chủ trút giận trước.”
Người đàn ông nghe xong thấy hơi bực mình hỏi lại: “Người đùa sao? Xin lỗi cánh cửa và đôi giầy ư?
Tại sao? Chúng đâu phải là con người. Lẽ nào chúng cũng cảm thấy bị xúc phạm sao?”
Nhà sư đáp lại: “Dù là người hay vật cũng đều cần được tôn trọng. Khi thí chủ trút cơn giận của mình lên đôi giầy và cánh cửa, thí chủ cũng nên chuẩn bị tinh thần xin lỗi chúng.
Thế nên, xin hãy làm như thế. Nếu không bần tăng cũng không cần tôn trọng thí chủ, càng không cần nói chuyện tiếp nữa.”
Vị khách nghĩ: “Khó khăn lắm mới gặp được cao tăng, nếu vì chút chuyện nhỏ này mà để hỏng cuộc nói chuyện mình mong đợi từ lâu thì thật sự rất đáng tiếc.”
Thế là anh đến chỗ đôi giầy của mình nói: “Xin các bạn thứ lỗi cho cử chỉ bất lịch sự của tôi.”
Sau đó, anh lại nói với cánh cửa: “Tôi xin lỗi vì hành động lỗ mãng của mình vừa rồi.”
Xin lỗi xong, vị thí chủ này quay lại ngồi xuống bên nhà sư.
Cao tăng cười nói: “Giờ tâm trạng của thí chủ đã khá bình tĩnh, giữa chúng ta đã thiết lập mối quan hệ hài hòa, có thể bắt đầu nói chuyện rồi.”
Sau này, người đàn ông đó đã viết lại theo hồi ức của mình rằng: “Ban đầu, tôi cảm thấy bản thân rất buồn cười nhưng xin lỗi xong, đột nhiên có một cảm giác tuyệt vời đi vào tim, tâm trạng trở nên rất yên bình.
Thật khó tưởng tượng chỉ là một cử chỉ nhỏ mà cảm xúc lại có thể thay đổi lớn như thế.”
Khi tâm trạng chúng ta tồi tệ, chẳng phải chuyện gì cũng không thể làm được sao?
Giống như vị khách trong câu chuyện mang theo sự bực tức đến nhờ cao tăng chỉ bảo, tâm trạng không thể bình tĩnh thì làm sao có thể nghe lời khuyên của người khác?
Đừng giải quyết sự việc theo cảm xúc. Điều đó sẽ chỉ khiến cho sự việc càng tồi tệ hơn. Hãy học theo cách của vị cao tăng kia, để tâm trạng bình tĩnh lại đã, cho dù là xin lỗi cánh cửa và đôi giầy cũng đừng ngại.
Bởi lẽ khi vị khách đó xem xét lại bản thân, anh ta sẽ thấy được việc thiếu hiểu biết và sự mất kiềm chế cảm xúc của mình, đồng thời dần dần xoa dịu tâm trạng, kiểm soát cơn bực tức.
Chúng ta cũng có thể làm được như vậy.
Tuy xin lỗi về sự mất kiềm chế cảm xúc của mình chỉ là cử chỉ nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn.
Đừng để cảm xúc khống chế cuộc sống của bạn. Càng đắc tội với nhiều người thì kẻ thù của chúng ta càng nhiều.
Học được cách kiềm chế cảm xúc của chính mình, bạn mới có thể tạo được quan hệ tốt với mọi người, chuyện gì cũng suôn sẻ, viên mãn.
Theo Hồng Ánh, Trí thức trẻ, Cafebiz