Nếu chúng ta không cho phép trẻ con phạm sai lầm, điều đó giống với việc tự hủy hoại sự can đảm vốn có của chúng để ra ngoài khám phá thế giới.
Vốn là người thân nhất nhưng lại trở thành người cảm thấy sợ nhất
Mặc dù sự việc đã xảy ra gần 2 tháng, nhưng hình ảnh cậu bé 9 tuổi để lại bức thư tuyệt mệnh cho bà ngoại rồi nhảy lầu khiến ai cũng ám ảnh không ngừng. Theo đó, cậu bé 9 tuổi ở thành phố Cù Dung, Giang Tô, Trung Quốc sau khi làm vỡ kính ở nhà trường và sợ bị phạt nên đã có hành động dại dột.
Từ sự việc này, các chuyên gia tâm lý phân tích rằng, đứa trẻ đã quá sợ hãi và lo lắng trong suốt thời gian dài trước khi đi đến quyết định kia. Bản thân đứa bé không thể một mình xử lý vấn đề này, không những thế chúng còn tuyệt vọng hơn khi không dám nói với bà ngoại sự thật và rồi lại chọn một kết cục bi thảm khiến gia đình vô cùng đau lòng.
Bé trai 9 tuổi nhảy lầu vì làm vỡ kính ở trường.
Mặc dù đây chỉ là một sai lầm bình thường trong mắt người lớn nhưng lại là gánh nặng vô cùng to lớn đè bẹp lên tâm trí đứa trẻ. Tại sao một số đứa trẻ chỉ muốn giải thoát bằng cái chết và không nói với người lớn để yêu cầu được giúp đỡ? Lý do rất đơn giản, đó là trẻ con cảm thấy bất an trong lòng, sợ mắc lỗi, sợ làm bố mẹ thất vọng, sẽ dẫn đến những lời buộc tội gay gắt, thậm chí sợ rằng bố mẹ sẽ bỏ rơi chúng. Có hai cách lý giải cho cảm xúc này của trẻ.
Thứ nhất, mối quan hệ của bố mẹ và con cái không được hòa thuận, bố mẹ không cố gắng giao tiếp với con, không quan tâm đến cảm xúc của chúng. Thứ hai, trẻ con đã cố gắng nói chuyện với bố mẹ nhưng kết quả lại càng tệ hơn, vì vậy chúng đã quyết định khép lòng mình lại, không muốn giao tiếp thêm điều gì với bố mẹ.
Nếu như bố mẹ không có phương pháp giáo dục phù hợp, thì bố mẹ trong lòng trẻ không những không thể mang lại cảm giác an toàn, mà còn trở thành nỗi sợ hãi với chúng. Lúc này, bố mẹ đáng lý ra là người thân nhất nhưng lại trở thành người đáng sợ nhất.
Những đứa trẻ không dám phạm sai lầm thì sẽ không có tinh thần phiêu lưu mạo hiểm
Trên thực tế, bố mẹ nào cũng muốn bảo vệ con và luôn hy vọng chúng sẽ giỏi giang mọi thứ. Tuy nhiên, trên đời này không phải việc gì cũng như mình muốn. Bố mẹ đặt kỳ vọng ở con quá nhiều sẽ khiến chúng bị áp lực vô hình, thậm chí có những người không chấp nhận con mình vấp phải sai lầm, một khi chúng lỡ làm sai điều gì, họ sẽ chỉ trích, la mắng, thậm chí đánh đập. Theo thời gian, đứa trẻ sẽ trở nên rụt rè, không dám mạo hiểu, vì sợ rằng những việc mình làm sẽ sai, sẽ đổ bể, khiến bố mẹ tức giận. Nhưng, có đứa trẻ nào mà không sai lầm?
Đứa trẻ không phạm sai lầm cũng giống như những hạt giống không chịu lớn lên, chỉ muốn an toàn trong cái vỏ của mình và không bao giờ có khả năng đối mặt với những khó khăn, thử thách trong tương lai.
Nhà giáo dục Richard từng nói: “Những đứa trẻ thiếu tinh thần phiêu lưu thường quen tuân thủ các quy tắc, sẽ có tính cách yếu đuối, nhu nhược, lại càng không chịu đổi mới, sáng tạo”.
Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về hành vi học tập của trẻ con cho biết, những trẻ em học hỏi từ những sai lầm đều có khả năng thành công rất cao. Nếu chúng ta không cho phép trẻ con phạm sai lầm, điều đó giống với việc tự hủy hoại sự can đảm vốn có của chúng để ra ngoài khám phá thế giới.
Cha mẹ có lòng bao dung, con cái sẽ càng mạnh mẽ
Câu chuyện thời thơ ấu của nhà khoa học vĩ đại Stephen Robert Gray là một ví dụ điển hình. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi tại sao ông lại có sức sáng tạo lớn tới vậy, ông nói rằng tất cả nhờ vào phương pháp giáo dục của mẹ, đặc biệt hơn hết đó là sự bao dung của bà. Ông kể rằng, lúc nhỏ ông làm đổ chai sữa làm sữa bắn tung tóe trên mặt đất.
Lúc này, mẹ không những không la mắng mà còn tạo ra trò chơi trên vũng sữa đó, bằng cách bảo ông dọn dẹp một cách vui vẻ. Sau đó, bà lại tạo ra thử thách, bắt ông dùng hai tay để cầm chai nước lớn để không bị đổ. Thế là sau đó, ông biết bằng chỉ cần lấy hai tay cầm cổ chai thì sẽ không bị rơi xuống đất.
Qua câu chuyện này, có thể thấy được sự bao dung của bố mẹ là vô cùng quan trọng. Ông khẳng định: “Từ đó trở đi, tôi hiểu được rằng mình không phải sợ hãi bất kỳ sai lầm nào, bởi vì sai lầm thường là cơ hội để học hỏi nhiều điều mới mẻ”.
Tiến sĩ Susan Forward từng nói trong cuốn sách “Toxic Parents” rằng, trẻ em nên có quyền phạm sai lầm và sửa chữa sai lầm. Phạm sai lầm không phải là ngày tận thế, mà đây là cách chúng thử những điều mới mẻ và xây dựng sự tự tin. Cha mẹ có khả năng bao dung những lỗi lầm của con thì sự phát triển của chúng sẽ càng mạnh mẽ hơn.
Jia you- Helino