Các điều tra viên người Pháp đã phát hiện những điểm nghi vấn mới trong vụ chiếc máy bay MH370 mất tích bí ẩn trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hơn 4 năm trước.
Cụ thể, anh Chyslain Wattrelos, người đã mất vợ và hai con trên chuyến bay định mệnh MH370, cho biết quy trình kiểm tra hành khách trên chuyến bay này “có vấn đề”.
Ảnh: Berita Daily.
Lý lịch “bất thường”
Chyslain Wattrelos cho biết, gần đây anh đã gặp gỡ người phụ trách điều tra của Cơ quan Vận tải Hàng không Pháp (Air Transport Gendarmerie), và biết được thông tin các nhà điều tra nước này đã phát hiện một hành khách có lai lịch bất thường ngồi ở ngay phía dưới vị trí module liên lạc vệ tinh của máy bay.
Cụ thể, trong hồ sơ, vị hành khách này có kinh nghiệm và kiến thức về hàng không. Các nhà điều tra cho rằng anh ta đã dùng những kiến thức ấy để xâm nhập vào hệ thống điều khiển của máy bay.
Ngoài hành khách người Malaysia nói trên, một số người khác trên máy bay cũng có lý lịch “bất thường”, trong đó bao gồm 2 công dân Ukraine, 1 công dân Mỹ, và 1 công dân Iran. Người hành khách Iran đã đăng tải một dòng trạng thái Facebook đáng ngờ để kêu gọi bạn bè cầu nguyện cho mình trước chuyến bay.
Hợp tác với Mỹ
Theo Wattrelos, các nhà điều tra Pháp cũng đang hy vọng có thể hợp tác với lực lượng FBI của Mỹ để có được kết quả phân tích dữ liệu ổ cứng từ chương trình mô phỏng chuyến bay tại nhà riêng của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, đồng thời họ cũng muốn gặp gỡ với đại diện của hãng Boeing để thảo luận về việc kiểm tra lại các dữ liệu gốc.
Trước đó, họ đã phải hủy chuyến đi hồi đầu tháng 9 do FBI lo ngại về vấn đề bảo mật, và hãng máy bay Boeing cũng sợ lộ bí mật thương mại.
Có “đơn vị thứ 3” sở hữu các dữ liệu mật?
Các nhà điều tra của Cơ quan Vận tải Hàng không Pháp còn phát hiện sự tồn tại của một đơn vị thứ 3, có tên gọi tắt là SITA, một công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ chuyên cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh cho hãng hàng không Malaysia Airlines.
Hiện nay, các nhà điều tra đang tiếp tục tìm hiểu liệu phần mềm của SITA có thể xâm nhập vào Satcom – ăng-ten truyền tín hiệu từ máy bay MH370 tới vệ tinh Inmarsat – hay không.
Bên cạnh đó, Wattrelos cũng chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong báo cáo của chính phủ Malaysia; ví dụ như các nhà điều tra Malaysia nói rằng chiếc máy bay đã lên tới độ cao khoảng 17.700m, tuy nhiên trong thực tế, một chiếc Boeing 777 chỉ có thể đạt được độ cao hơn 13.000m một chút.
Hơn nữa, có thông tin cho rằng phi công phụ đã thực hiện một cuộc gọi ngay trước khi chiếc máy bay này biến mất khỏi màn hình radar, tuy nhiên không có dữ liệu nào về 239 hành khách và các thành viên khác trong phi hành đoàn.
Pháp là quốc gia duy nhất vẫn tiếp tục điều tra vụ mất tích bí ẩn này, sau khi chính phủ Malaysia tuyên bố chính thức khép lại cuộc điều tra trong 4 năm trời ròng rã và đã tiêu tốn hàng triệu USD của họ.
Hồi tháng 7 vừa qua, Malaysia đã thừa nhận không biết điều gì đã xảy ra với MH370, tuy nhiên họ lại tiết lộ thông tin rằng trước khi biến mất, chiếc máy bay được chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay.
Một số người tuyên bố rằng máy bay MH370 đã rơi xuống vùng rừng rậm Campuchia, sau khi phát hiện một số vật thể trông giống thân máy bay qua Google Maps. Gần đây, một chuyên gia công nghệ người Anh đã đích thân sang Campuchia để tìm kiếm MH370, nhưng anh này đã phải bỏ cuộc vì chuyến đi quá nguy hiểm.
Hoàng Anh – Theo Trí thức trẻ