Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Bị cáo: Không ai phải chịu trách nhiệm trong vụ án ông Đinh La Thăng

Sáng nay, phủ nhận căn cứ tính thiệt hại, cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cho rằng khó quy trách nhiệm trong vụ án này.

Ngày 10/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản xảy ra ở PVN và PVC tiếp tục với phần hỏi của các luật sư.

Ông Thăng mặc áo khoác sẫm màu với áo sơ mi và áo len bên trong. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh mặc áo khoác sáng màu, sắc mặt tươi tỉnh hơn hôm qua, nhìn quanh khắp phòng xử án.

Thiệt hại tính thế nào?

Khi đề nghị được hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN), luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh và Lương Văn Hòa) nêu giải thích ông Sơn phụ trách tài chính nên có thể giải đáp các vướng mắc. Luật sư thông báo với ông Sơn có hai nội dung trong giám định được trưng cầu gồm: giám định hành vi sai phạm và giám định thiệt hại.

“Bản giám định áp dụng điều 72 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của giám đốc, tổng giám đốc thì có phải là căn cứ tính thiệt hại?”, luật sư hỏi. Ông Sơn đáp: “Không phải là căn cứ”. Ông Hùng hỏi tiếp: “Bản giám định căn cứ khoản 5 Nghị định 142 quy định việc sử dụng vốn phải đúng quy định pháp luật, đó có phải căn cứ tính ra con số thiệt hại”. Cựu phó tổng giám đốc PVN nói ngắn gọn: “Không tính được”.

Câu thứ ba, ông Hùng nói: “Bản giám định dẫn khoản 6 điều 17 Nghị định 48 về trường hợp tạm ứng và thu hồi thì có được coi là căn cứ để tính ra được giá trị thiệt hại không?”. Lần nữa, ông Sơn đáp: “Không”.

Khi luật sư nói bản giám định này chỉ xác định phạm vi chịu trách nhiệm của phó tổng giám đốc và kế toán trưởng mà không xác định đến thành tố khác, ông Sơn trả lời: “Nếu là trách nhiệm thì không chỉ riêng ai”.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh với cùng câu hỏi đã nói “đồng ý với ý kiến của anh Sơn”.

Ông Đinh La Thăng cũng trả lời: “Tôi hoàn toàn đồng tình với câu trả lời của bị cáo Sơn và Khánh”.

Ai cũng nói không phải trách nhiệm của mình

Luật sư Hùng trong buổi sáng hôm nay dành hơn một tiếng để hỏi thân chủ là bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – cựu phó tổng giám đốc PVC, xung quanh việc ký hợp đồng 33 tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo cáo buộc, đây là bản hợp đồng để căn cứ vào đó, PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Khi được hỏi về một văn bản chỉ đạo thực hiện hợp đồng, ông Khánh nói ngay: “Thẩm quyền phê duyệt thuộc về Hội đồng thành viên của PVN, tôi không có trách nhiệm gì”.

Xem thêm  Nhà ngoại giao Việt Nam bị bắn chết trong chuyến bay bị không tặc

Ông Khánh cũng phủ nhận vai trò của mình tại nhiều văn bản được nêu tại tòa. Riêng việc thanh lý hợp đồng 33, ông nói đó là việc bắt buộc phải làm để sau đó ký lại hợp đồng 4194. Trước mỗi câu hỏi thân chủ Khánh, luật sư Hùng đều dẫn giải khiến HĐXX nhắc nhở “không đọc lại”.

Khi ông Hùng đáp “HĐXX nên bình tĩnh”, thẩm phán Trương Việt Toàn nói “luật sư không cần nhắc nhở vì HĐXX chưa bao giờ thiếu bình tĩnh”.

Trong phần trả lời tiếp theo với luật sư Nguyễn Hoài Linh, ông Khánh nói không được báo cáo gì về việc ký hợp đồng số 33, bởi việc này thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng thành viên. Sau khi nhận tiền, ông Khánh mới biết hợp đồng này thiếu căn cứ. Ông Khánh nhận có chỉ đạo nội dung đàm phán tiền tạm ứng chứ không chỉ đạo tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Ông không nhận được công văn xin tạm ứng của PVC.

Cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh sau đó khai ông Khánh không có chỉ đạo trực tiếp nào với mình. Ông Quỳnh căn cứ các công văn để thực hiện việc cấp vốn.

Cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn cũng khai không biết về việc ký hợp đồng. Việc PVN cấp vốn là theo kế hoạch của Ban quản lý dự án.

đinh la thăng, trách nhiệm

Ông Đinh La Thăng tại tòa trong sáng 10/1. Ảnh: VietnamPlus

Luật sư: “Tốt nhất là anh nói không trả lời cho nó nhanh”

Tiếp tục với phần hỏi giám định viên tài chính dang dở từ phiên xét xử chiều qua, luật sư Phạm Công Hùng muốn làm rõ cơ quan điều tra có yêu cầu giám định việc PVN chuyển tạm ứng hàng nghìn tỷ đồng cho PVC hay không?

Giám định viên cho hay bản giám định ông đưa ra là kết luận thành phần và thực hiện trên cơ sở trưng cầu giám định của cơ quan điều tra. Cơ sở, cách tính, thành phần tính đã gửi cơ quan điều tra, tòa án. Căn cứ vào đó, việc giám định thiệt hại số tiền tạm ứng, chi sai mục đích đã tính toán hợp lý, có tình có lý.

Cảm ơn và cho rằng câu trả lời rất “mở rộng”, ông Hùng tiếp tục hỏi: “Theo giám định, sai phạm của các bị cáo có vi phạm về quản lý không? Có gây thiệt hại kinh tế từ hành vi vi phạm?”. HĐXX ngắt lời và lưu ý giám định viên có quyền không trả lời. Giám định viên sau đó từ chối trả lời luật sư. Ông Hùng nói “không trả lời không sao”.

Sau đó với nhiều câu hỏi khác của ông, giám định viên đều nói đã có đầy đủ trong bản giám định. “Tốt nhất là anh nói không trả lời cho nó nhanh”, ông Hùng nói và tỏ thái độ bất lực.

Trong phần hỏi giám định viên, ông Hùng liên tục bị HĐXX nhắc nhở.

đinh la thăng, trách nhiệm

Cũng trong sáng nay, ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc PVPower, khai do bị tập đoàn ép tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nên hợp đồng 33 ký với mục tiêu để phục vụ việc khởi công, chứ không có căn cứ để thực hiện bất cứ hạng mục nào. Hợp đồng này cũng chỉ là nêu giá tạm tính dựa trên hợp đồng cũ…

Xem thêm  Ông Đinh La Thăng: Tôi không nói Bộ Chính trị chỉ định thầu

Trước câu hỏi của chủ tọa: “Hợp đồng như vậy thì có giá trị pháp lý không?”, ông Quang nói “biết rõ không có giá trị, không ký vẫn đúng”.

“Biết sai nhưng vẫn phải ký, đúng không?’, chủ tọa thẩm vấn, ông Quang nói trước khi ký đã biết không đủ điều kiện nên báo cáo tập đoàn bằng ba văn bản nêu chi tiết các vấn đề. Theo đó, PVPower đề xuất ký vào tháng 6/2011 để có thêm thời gian chuẩn bị căn cứ pháp lý, song tập đoàn chỉ đạo ký trước ngày 28/2/2011.

Theo ông Quang, trong một cuộc họp giữa ông Thăng với PVC và PVPower, ông nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển giao dự án (từ PVPower sang PVC) cùng quan điểm đây là hợp đồng cực kỳ thiếu sót cần ký lại. Ông Thăng sau đó yêu cầu Ban quản lý mới rà lại hợp đồng.

Cựu tổng giám đốc PVC Phùng Đình Thực cũng nói không có chỉ đạo nào về việc ký hợp đồng. Trong bốn lần chuyển tiền tạm ứng cho PVC theo cáo trạng quy kết, ông Thực chỉ chỉ đạo một lần với nội dung “xem xét giải quyết phù hợp với hợp đồng”. Ba lần còn lại, ông Thực khai không chỉ đạo nhưng PVN vẫn chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Ông Thực cho rằng vai trò, vị trí của mình trong việc chuyển tiền là mờ nhạt.

Ngày 2/7/2010, PVN phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.

Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc PVC) ký Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (viết tắt Hợp đồng EPC số 33) về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng…

Ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33. Theo đó chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower sang PVN.

Theo cơ quan điều tra, đến ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng, thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Theo Vnexpress