Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Bị cười nhạo vì gương mặt lấm lem trong cuộc họp phụ huynh, người cha mù chữ gây chấn động chỉ với vài câu nói

Câu chuyện trong buổi họp phụ huynh được một giáo viên chủ nhiệm người Trung Quốc chia sẻ đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Đúng 7h sáng, phụ huynh của các học sinh trong lớp đều đã có mặt, ký tên điểm danh rồi tìm đến chỗ của con mình và lần lượt ngồi xuống. Tất cả đều mặc quần áo chỉn chu và lịch sự, nhưng mỗi người lại có một thái độ khác nhau. Có người khiêm nhường, có người khinh khỉnh, có người cẩn thận và cũng có cả những người xuề xòa, thân thiện. Thậm chí có cả những người ăn mặc gợi cảm và trang điểm đậm khiến ai cũng phải chú ý.

Buổi họp sẽ bắt đầu lúc 7h30′, nên trong khoảng thời gian trước đó, giáo viên chủ nhiệm vừa trả lời 1 vài câu hỏi bên lề của phụ huynh vừa thỉnh thoảng kiểm tra đồng hồ. Đến đúng giờ, giáo viên ra hiệu cho các phụ huynh im lặng, nhẹ nhàng đóng cửa lại và bắt đầu cuộc họp. Thế nhưng, khi cô hắng giọng và chuẩn bị nói thì cửa lớp đột ngột được mở ra.

Đứng cạnh cửa là một người đàn ông trung niên, cả gương mặt lẫn quần áo đều lấm lem bùn đất. Anh nở nụ cười và nói xin lỗi cô giáo. Giọng anh không lớn nhưng sự xuất hiện bất ngờ cùng với vẻ ngoài của anh đủ để thu hút sự chú ý của toàn bộ các vị phụ huynh đang có mặt tại đó. Anh mặc một bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh lam dính nhiều đốm sơn, quần phủ kín bụi đất và ống thấp ống cao, còn đôi ủng lại dính đầy xi măng. Nhìn qua cũng có thể đoán được anh vừa từ công trường đến đây.

(Ảnh minh họa)

– Xin hỏi, anh là…?

– Tôi là bố của cháu Vương Chí Hào.

– Ồ… – Cô giáo thốt lên ngạc nhiên.

– Xin lỗi cô giáo, tôi có thể ngồi ở đâu?

Cả phòng học gần như đã kín chỗ nên người công nhân không tìm được chỗ của con mình. Thấy vậy, một tràng cười rộ lên từ những vị phụ huynh khác.

“Chính là chỗ trống bên phải anh đấy ạ. Và phiền anh kí tên vào đây, có bút sẵn rồi ạ!” – Cô giáo nói với bố của Chí Hào.

Thế nhưng, người công nhân đó cứ cầm tờ danh sách xoay ngang xoay dọc mà không biết ký thế nào. Tưởng anh không tìm thấy tên con trai nên giáo viên liền chỉ vào đúng chỗ và bảo:

 Đây. Anh ký vào đây.

– Tôi… Cô giáo… Tôi… Tôi không biết chữ. – Bố của Chí Hào vừa cúi đầu rất thấp vừa ấp úng. Ngay lập tức, phòng học lại rộ lên 1 tràng cười nữa.

– Ồ. Không sao, không sao đâu. Tôi sẽ ký thay anh. Bây giờ anh có thể về chỗ ngồi được rồi.

Nói xong, giáo viên chủ nhiệm quay lại và bắt đầu cuộc họp:

“Thưa các anh chị. Cuộc họp phụ huynh hôm nay là lần họp cuối cùng của học kỳ này. Cảm ơn các anh chị đã hết lòng hỗ trợ chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua. 

Thời gian có hạn mà câu chuyện rất dài nên tôi xin phép được nói ngắn gọn. Tôi biết rằng bố mẹ nào cũng sẽ quan tâm đến kết quả học tập của con cái mình và mong con thành tài là tâm nguyện to lớn nhất của mỗi người. Vì vậy mà cuộc họp hôm nay tôi muốn mời các bậc phụ huynh có con đạt thành tích cao nhất lớp chia sẻ 1 chút về phương pháp và kinh nghiệm của mình trong việc dạy dỗ con cái.”

Xem thêm  Đau vị trí này cảnh báo ung thư dạ dày cần đi kiểm tra ngay

Đương nhiên sự khác biệt này đã khiến cả phòng học xôn xao. Cô giáo vẫy tay ra hiệu cho mọi người im lặng và bắt đầu:

 Xin mời phụ huynh của em Hứa Hạo Kiệt lên bục giảng. 

Ngoài bố của Hạo Kiệt thì còn 2 phụ huynh nữa lên phát biểu về kinh nghiệm của họ. Nhưng nhìn chung đều không có gì mới mẻ, tất cả đều là quản lý con nghiêm khắc thế nào, cho con làm thêm nhiều bài tập về nhà ra sao và có người còn cho biết mình mời thêm cả gia sư nữa.

(Ảnh minh họa)

Và đến khi cô giáo mời bố của Vương Chí Hào lên chia sẻ thì cả phòng học đang ồn ào bỗng chốc im bặt vì bất ngờ. Làm sao một người công nhân mù chữ lại có thể dạy con trai học giỏi như vậy được?

Được mời lên phát biểu, bố của Chí Hào đứng dậy và đi ra khỏi chỗ với một vẻ ngượng ngùng khó che giấu. Thậm chí khi ra khỏi bàn, anh còn vô tình vấp phải băng ghế và gây ra âm thanh rất lớn. Anh liên tục xin lỗi và mau chóng kê lại ghế rồi mới từ tốn bước lên bục giảng. Đến lúc đó anh vẫn cười gượng và không dám nhìn thẳng vào tất cả những phụ huynh đang chăm chú quan sát mình.

“Vương Chí Hào là học sinh có thành tích tốt nhất lớp. Đặc biệt, điểm tổng kết môn Toán của em ấy luôn đứng đầu lớp. Em ấy còn rất chăm chỉ, không bao giờ đi học muộn và luôn luôn vui vẻ với các bạn cùng lớp. Bây giờ xin mời các anh chị lắng nghe bố em ấy chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình” – Cô giáo giới thiệu.

“Kinh nghiệm… Có lẽ tôi không thể nói vì tôi không có kinh nghiệm gì cả. Nhưng tôi thích nhìn con trai làm bài tập. Mỗi ngày đi làm về, dù mệt mỏi đến đâu, tôi vẫn ngồi cạnh con trai và xem con làm bài tập”, bố của Chí Hào nói đến đây thì dừng lại và liếc nhìn cô giáo. Cô liền mỉm cười khích lệ và ra hiệu cho anh nói tiếp.

“Có hôm, con trai tôi hỏi bố: “Bố, bố ngồi cạnh con mỗi ngày để xem con làm bài tập như thế thì bố có hiểu không?”. Tôi nói: “Bố không hiểu”. Nhưng con trai tôi lại hỏi: “Nếu bố không hiểu thì làm sao bố biết con có làm được bài hay không?”

Tôi nói: “Nếu con làm bài rất nhanh, chỉ cần cầm bút lên và viết thì bố biết rằng con có thể giải được bài và giải đúng. Còn nếu con bật quạt hay uống nước thì bố biết rằng con đang gặp phải bài khó.”

Lúc này, phòng học im lặng đến nỗi nếu có cây kim rơi xuống sàn thì người ta vẫn có thể nghe rõ mồn một. Phụ huynh các lớp khác cũng đã lần lượt ra về nên có những người hiếu kì dừng lại cạnh cửa sổ để nghe câu chuyện của bố Chí Hào.

Xem thêm  Không Biết Bơi Vẫn Có Thể Thoát Chết Đuối Nhờ Kĩ Thuật Này
(Ảnh minh họa)

“Tôi là một công nhân xây dựng. Công việc hàng ngày rất bận rộn nên dường như tôi không có thời gian dạy con. Nhưng tôi thường nói chuyện với con. Mỗi khi con rảnh rỗi và xem tôi xếp đá hay trộn xi măng, tôi đều nói chuyện với con.

Tôi hỏi: “Con trai, con có muốn ra nước ngoài học giống như lãnh đạo tỉnh mình không?”. Chí Hào nói: “Con muốn”. Thế là tôi nói luôn: “Nếu vậy thì con chịu khó học tập nhé!” và con tôi gật đầu đồng ý.

Có lần tôi nhìn lên tòa nhà cao tầng mà tôi đã góp công xây nên và hỏi con: “Con trai, con có muốn ở trong một ngôi nhà rộng rãi và đẹp đẽ không?”. Con trai gật đầu nên tôi nói tiếp: “Vậy thì con phải cố gắng học tập chăm chỉ nhé!”

Thấy trên đường có một chiếc xe hơi dài, đẹp và đen bóng chạy vụt qua, tôi hỏi: “Con trai, con có muốn lái một chiếc xe như vậy không?” Chí Hào nói rằng: “Muốn ạ!” và tôi lại nói: “Vậy thì con nên học tập chăm chỉ.”

Tôi chưa từng được đi học cũng không biết chữ nên không có nhiều đạo lý cao siêu để dạy con. Vì vậy mà tôi chỉ có thể thấy gì thì nói đó với con trong lúc tôi làm việc mà thôi. Mỗi lần nhìn con trai gật đầu lia lịa là tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Và những lúc như thế, tôi đều thích xoa đầu con.

Con trai tôi rất thích ngồi bên cạnh để xem tôi làm việc, có lúc còn lấy nước cho tôi. Tôi rất ít khi cho con tiền tiêu vặt, thậm chí là gần như không có. Thế nên con tôi không biết lên mạng, cũng không biết trò chuyện trên mạng và lại càng không mua đồ ăn vặt bên ngoài. Hàng ngày, Chí Hào dành phần lớn thời gian của mình để làm việc nhà và đôi khi giặt quần áo giúp tôi.

Tôi chỉ là một người công nhân, công trường ở đâu thì nhà ở đó nên có thể nói khắp nơi đều là nhà. Vì vậy mà nói đến kinh nghiệm, tôi thực sự không có. Tôi chỉ thích ở bên con, xem con làm bài tập, thích xoa đầu con và thích hỏi chuyện con… Cảm ơn nhà trường, cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ con trai tôi tốt như vậy. Các thầy cô đã vất vả rồi!”

Nói xong, anh cúi gập người cảm ơn cô giáo khiến tất cả các phụ huynh được chứng kiến sững sờ. Những người làm cha mẹ đã khi nào nghĩ đến giáo viên, đã khi nào có một lời cảm ơn giáo viên chưa? Hay chỉ là khi điểm của trẻ không cao, thành tích không tốt thì trách thầy cô không tốt; đến khi điểm cao, thành tích tốt thì nhận hết là công của mình?

So với người bố không biết chữ này, các bậc phụ huynh học rộng biết nhiều đều thật sự thấy xấu hổ. Nói xong, cha của Vương Chí Hào về chỗ, sau lưng là tiếng vỗ tay rào rào của tất cả mọi người.

>>Nhà có 7 người nhưng chỉ mua 6 cái bánh, người mẹ đã dạy cho con bài học cả đời không quên

Theo Afamily

Link