Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Bị Tống Giang lừa đến tan cửa nát nhà, vì sao Lư Tuấn Nghĩa vẫn lên Lương Sơn làm giặc cỏ?

Ảnh minh họa

Là một trong số ít những nhân tài bị Tống Giang dùng kế lừa lên Lương Sơn, thế nhưng Lư Tuấn Nghĩa sau đó vẫn chấp nhận xóa bỏ hận thù với những người ông từng coi là giặc cỏ.

Nguyên nhân nào đã khiến Ngọc Kỳ Lân đưa ra quyết định trái với lẽ thường như vậy?

Nhìn lại xuất thân của 108 đầu lĩnh Lương Sơn, có thể dễ dàng nhận thấy không phải tất cả họ đều sở hữu xuất thân bình dân hay đến từ những nơi thôn dã.

Sự thực là có số ít các hảo hán từng sở hữu cuộc sống đầy đủ, an nhàn, thế nhưng họ lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau như bị lừa gạt, hãm hại, thậm chí còn vì bị “bắt” mà phải lên Lương Sơn, mà Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa chính là một minh chứng tiêu biểu cho những trường hợp này.

Tấn bi kịch của nhân tài hiếm hoi bị lừa lên Lương Sơn

Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa ngồi ghế thứ 2 trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn, được sao Thiên Cương Tinh chiếu mệnh. (Ảnh minh họa).

Giờ đây mỗi khi nhắc tới những cao thủ sở hữu võ công xuất sắc nhất Lương Sơn, nhiều người sẽ nhớ ngay đến tên tuổi của Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa – vị hảo hán ngồi ghế thứ hai trong số 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc.

Ông vốn là người Hà Bắc, từng được liệt vào hàng Hà Bắc tam kiệt. Trong tác phẩm Thủy hử, Lư Tuấn Nghĩa được Thi Nại Am miêu tả với hình tượng thân cao chín thước, mắt sáng như sao, tướng mạo tựa thần, tuổi tác áng chừng 37, 38.

Theo nhận định của báo Phượng Hoàng (Ifeng – Trung Quốc), cùng với Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, Lư Tuấn Nghĩa chính là một trong số những vị tướng hiếm hoi của đội ngũ Lương Sơn Bạc xứng với danh hiệu trăm trận trăm thắng.

Chẳng những sở hữu võ nghệ cao cường với biệt tài côn quyền không ai địch nổi, ông còn là chiến tướng có sức địch trăm người.

Nếu như Hoa Vinh trăm trận trăm thắng phần nào nhờ thông hiểu bắn cung và sử dụng ám khí tấn công tầm xa, thì Lư Tuấn Nghĩa lại giành được những chiến công vang dội nhờ những màn so chiêu trực diện với hàng loạt đối thủ khét tiếng.

Do đó mà khi tranh luận về đệ nhất cao thủ của Lương Sơn Bạc, nhiều người vẫn cho rằng chỉ có duy nhất Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa mới thực sự xứng đáng với danh hiệu ấy.

Cũng bởi nắm trong tay gia thế, tài năng và danh tiếng xuất chúng, Lư Tuấn Nghĩa năm xưa đã từng tự tin khẳng định với Ngô Dụng:

“[…] tôi ở đất Bắc Kinh, sinh trưởng vốn nhà hào phú, trong họ không có con trai nào phạm pháp, trong nhà không có con gái nào hai chồng. Vả chăng tôi đây xưa nay tính nết cẩn thận, việc gì vô lý thì không làm, của nào phi nghĩa thì không lấy…”.

Vì thế sẽ không hề quá lời nếu nói rằng, trước khi lên Lương Sơn, Lư Tuấn Nghĩa từ sớm đã sở hữu cuộc sống mà trăm ngàn người mơ ước. Thế nhưng vì được Trại chủ Tống Giang nhìn trúng, cuộc đời của Lư Tuấn Nghĩa sau đó đã đột ngột rẽ sang một hướng khác.

Có ý kiến cho rằng, mưu kế mà Tống giang dùng để chiêu mộ Lư Tuấn Nghĩa thực chất chẳng khác nào thủ đoạn mua chuộc, hãm hại của Bá Kiến đối với Chí Phèo. (Ảnh minh họa).

Bấy giờ, Tống Giang vì muốn chiêu mộ nhân tài vừa có gia thế lẫn danh tiếng như Lư Tuấn Nghĩa nên đã phái Ngô Dụng cùng Lý Quỳ xuống núi để bày mưu.

Bấy giờ, Ngô Dụng đã giả danh làm thầy tướng số để vào phủ Lư viên ngoại, lại lừa cho Lư Tuấn Nghĩa tự tay viết bốn câu thơ có ý tạo phản lên tường nhà và cố tình dụ ông đến địa bàn của Lương Sơn với lý do tránh đại họa sát thân.

Sau màn chiêu mộ bất thành ở ngay địa bàn của mình, cũng chính Ngô Dụng đã vẽ đường cho Lý Cố phản bội khi khẳng định Lư Tuấn Nghĩa đã theo Lương Sơn và còn viết thơ tỏ rõ chí hướng lên vách nhà.

Hậu quả là khi trở về, Lư Tuấn Nghĩa đã bị quản gia họ Lý kia bán đứng, bị bắt giam và phải sống trong những ngày tận cùng đau khổ. 

Xem thêm  2 cách đơn giản của Đông y để chăm sóc phổi hiệu quả: Ai làm được phổi sẽ khỏe và ít bệnh

Sau đó nhờ có tâm phúc Yến Thanh và người của Lương Sơn cứu giúp, ông đã thoát nạn và trở về nhà để tận tay diệt trừ tên quản gia bất nhân cùng người vợ phản bội.

Dù vậy, đây lại chính là lý do khiến ông sau đó lại một lần nữa rơi vào cảnh tù đày. Dù được các hảo hán Lương Sơn ra tay cứu mạng, thế nhưng kể từ thời khắc ấy, một Lư viên ngoại với cuộc sống đủ đầy năm xưa đã rơi vào cảnh nhà tan cửa nát, không có lấy một nơi để quay về.

Từng là một người sở hữu cuộc sống trăm người mơ ước, Lư Tuấn Nghĩa đã bị đẩy vào bi kịch và trải qua không ít thảm cảnh trước khi lên Lương Sơn tụ nghĩa. (Ảnh minh họa).

Có ý kiến cho rằng, mưu kế của Tống Giang và Lương Sơn bày ra đã chiêu mộ nhân tài chính là nguồn cơn khiến Lư Tuấn Nghĩa vĩnh viễn đánh mất cuộc sống an nhà, đầy đủ của mình.

Từ một nhân vật giàu có nổi danh bậc nhất, ông đã rơi vào cảnh nhà tan cửa nát, buộc phải lên Lương Sơn mới có đất dung thân. 

Từ một viên ngoại đang sống trong cảnh an nhàn, ông đã trở thành đầu lĩnh tiên phong đem quân đi nam chinh bắc chiến, ngày ngày đối mặt với gió tanh mưa máu.

Cũng bởi vậy mà mỗi khi nhắc tới vị hảo hán hiếm hoi bị lừa lên Lương Sơn ấy, nhiều người vẫn cho rằng Lư Tuấn Nghĩa thực chất là một nạn nhân bị “mưu hèn kế bẩn” của Tống Giang hãm hại tới mức thê thảm.

Không chỉ vì báo ân, đây mới là những nguyên nhân thực sự khiến Ngọc Kỳ Lân chịu đầu quân cho Tống Giang

Mặc dù Tống Giang và Lương Sơn Bạc chính là những người khởi nguồn cho tấn bi kịch trong cuộc đời Lư Tuấn Nghĩa. Thế nhưng vì sao sau đó, vị hảo hán này vẫn chấp nhận gia nhập Lương Sơn – đội ngũ mà trước kia từng bị ông coi như những kẻ thảo khấu?

Theo lý giải của Sina, việc Ngọc Kỳ Lân chấp nhận gia nhập tập đoàn của Tống Giang không đơn thuần chỉ là để báo ân mà còn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa dưới đây.

Thứ nhất, Lương Sơn Bạc thực chất không phải là hạng thảo khấu tầm thường.

Dù bị quan lại triều đình xem như phường giặc cỏ, thế nhưng các hảo hán Lương Sơn trước nay luôn đề cao tinh thần trung nghĩa với ngọn cờ “thế thiên hành đạo”. (Ảnh minh họa).

Vào thời điểm Lư Tuấn Nghĩa bị Lương Sơn Bạc giăng bẫy bắt lên núi, Ngô Dụng từng nói:

“Viên ngoại không nên tức giận, Tống Công Minh ngưỡng mộ đại danh của ngài đã lâu, nên mới sai tôi tới tận nhà mời đón ngài lên núi, để cùng nhau mà thay trời hành đạo […]”.

Sau khi màn chiêu mộ này diễn ra bất thành, Tống Giang trước lúc thả Lư Tuấn Nghĩa cũng từng thuyết phục:

“Sơn trại chúng tôi đây tuy nhỏ hẹp, song Viên ngoại cũng nên xét đến hai chữ trung nghĩa mà lưu lại nơi đây […]”.

Những lời lẽ nhìn qua thì có vẻ thấu tình đạt lý này thực chất đều nhằm mục đích nhấn mạnh cho Lư Tuấn Nghĩa biết rằng: Hảo hán Lương Sơn tuyệt đối không phải hạng thảo khấu tầm thường. Họ có hoài bão chính trị, tương lai nhất định sẽ làm nên đại nghiệp.

Sau khi bị đẩy vào cảnh nhà tan cửa nát, thân mang trọng tội, Lư Tuấn Nghĩa biết bản thân không còn con đường nào để đi. Vì vậy dù cho từng bị Lương Sơn hãm hại, ông cũng chỉ đành bỏ qua chuyện cũ và phó mặc tương lai cho họ.

Thứ hai, Lư Tuấn Nghĩa hết lần này đến lần khác thất vọng về triều đình.

Mặc dù là một bậc trung lương, thế nhưng Lư Tuấn Nghĩa lại hết lần này đến lần khác bị tầng lớp thống trị đương thời “dội gáo nước lạnh”. (Ảnh minh họa).

Mặc dù nổi danh là nhân tài võ nghệ cao cường, thế nhưng Lư Tuấn Nghĩa lại không được triều đình cho cơ hội để thi triển tài năng. Do đó ông chỉ có thể chấp nhận sống trong cảnh yên ấm đề huề về của cải, còn tài năng thì lại không có đất dụng võ.

Tới khi bị Lương Sơn hãm hại, dù là một người có gia thế vững vàng, bối cảnh trong sạch, lại nổi danh là cẩn trọng, đức độ, nhưng Lư viên ngoại vẫn bị triều đình nghi ngờ và cố tình xử án oan sai.

Vốn dĩ, một người có tiền bạc và có ảnh hưởng xã hội như Lư Tuấn Nghĩa hoàn toàn có thể dùng của cải để mua một chức quan tương xứng với mình. Thế nhưng ông vốn là bậc lương trung coi thường những kẻ gian thần, do đó từ sớm vì bất bình với nội bộ triều đình mà không chấp nhận ra làm quan.

Xem thêm  Học tập nhiều hơn nữa trong công việc: Vừa tăng khả năng thăng tiến, vừa hài lòng với cuộc sống nhiều hơn

Tới thời điểm bị bè lũ gian thần đẩy tới đường cùng và chịu cảnh oan uổng, ông đã hoàn toàn thất vọng trước tầng lớp chính trị mục ruỗng thời bấy giờ.

Do đó giữa một triều đình không có tiền đồ và một Lương Sơn có hoài bão chính trị, Lư Tuấn Nghĩa cuối cùng quyết định đã lựa chọn vế sau.

Thứ ba, Lư Tuấn Nghĩa thực chất rất có tham vọng với con đường quan lộ.

Lư Tuấn Nghĩa kỳ thực cũng có điểm giống như Tống Giang, luôn xem việc làm quan là một con đường để tận trung báo quốc. (Ảnh minh họa).

Theo trang Sina, một số tác phẩm điện ảnh và truyền hình đều hư cấu tình tiết Lư Tuấn Nghĩa từng làm tướng quân, thế nhưng thực chất ông chưa từng làm quan cho triều đình. Cái danh “viên ngoại” của ông thực chất cũng chỉ là cách gọi thường được dùng cho những người giàu có thời bấy giờ.

Thế nhưng giống như bao bậc nhân tài nghĩa sĩ thời bấy giờ, Lư Tuấn Nghĩa cũng từng có khát vọng làm quan để tận trung báo quốc.

Tuy nhiên việc bị Lương Sơn hãm hại không chỉ khiến ông nhà tan cửa nát mà còn làm cho cuộc đời của Lư Tuấn Nghĩa dường như đã vô duyên với con đường quan lộ.

Ông từ đó cũng hiểu rõ hơn ai hết, bản thân mình chỉ có con đường lên Lương Sơn, giương cao ngọn cờ trung nghĩa thì may ra mới tìm được một “lối thoát” an toàn.

Thực chất, Lư Tuấn Nghĩa vốn rất có tham vọng bước chân vào chốn quan trường. Đây cũng là lý do khiến ông sau này phải chịu kết cục bi thảm không kém so với Tống Giang, Lý Quỳ.

Nếu không có ham muốn ấy thì sau khi bình định Phương Lạp, có lẽ ông sẽ nghe theo lời khuyên của tâm phúc Yến Thanh, cùng nhau mai danh ẩn tích và trải qua nửa đời cuối trong sự bình dị, thanh thản.

Thứ tư, Lư Tuấn Nghĩa muốn báo đáp ơn cứu mạng của các hảo hán Lương Sơn.

Mặc dù từng bị Lương Sơn bày mưu hãm hại và đẩy vào hiểm cảnh, thế nhưng những hảo hán này cũng từng nhiều lần liều mình để cưới mạng Lư Tuấn Nghĩa. (Ảnh minh họa).

Trước khi lên núi tụ nghĩa, Lư Tuấn Nghĩa là người có tiền bạc, có danh tiếng, lại sở hữu trong tay một đội ngũ tâm phúc mà ai ai ngoài mặt cũng tỏ vẻ trung thành.

Tuy nhiên chỉ tới khi trải qua biến cố do Lương Sơn đem lại, ông mới biết được bộ mặt thật của những kẻ thân tín bên cạnh mình.

Nếu không có mưu kế của Ngô Dụng thì có lẽ tới khi Lý Cố nắm trong tay quyền hành, Lư Tuấn Nghĩa còn bị kẻ phản phúc này hại cho thê thảm hơn nữa.

Do đó nếu đánh giá trên một khía cạnh tích cực, mưu kế chiêu dụ của Lương Sơn Bạc cũng phần nào giúp cho ông lật mặt những kẻ phản phúc bên cạnh mình.

Tuy thủ đoạn chiêu dụ của Tống Giang – Ngô Dụng không thể nói là quang minh chính đại, nhưng so với kẻ mang danh thân tín nhưng lại nuôi bụng phản phúc như Lý Cố, thì việc ông lựa chọn xóa bỏ thù cũ và cảm kích các hảo hán Lương Sơn cũng là điều hợp lý.

Thứ năm, Lư Tuấn Nghĩa nhìn ra sự coi trọng của Lương Sơn Bạc dành cho mình.

Giống như Hô Diên Chước hay Đại đao Quan Thắng, Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa là một trong số ít những kỳ tài được Tống Giang và Lương Sơn dốc lòng chiêu mộ.(Ảnh minh họa).

Ngay từ lần đầu chiêu mộ, Tống Giang đã bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng nhường ghế chủ trại cho Lư Tuấn Nghĩa. Điều này thể hiện sự coi trọng hiếm có của vị đầu lĩnh này với một nhân tài như Ngọc Kỳ Lân.

Cổ nhân có câu, kẻ sĩ có thể sẵn sàng chết vì tri kỷ. Do đó nếu Lư Tuấn Nghĩa không lên Lương Sơn thì quả thực có lỗi với tấm lòng của Tống Công Minh.

Đây cũng là một trong những lý do chủ chốt khiến Lư viên ngoại sau khi thoát khỏi hiểm cảnh thì đã quyết định xóa bỏ hận thù và tình nguyện sánh bước chung một con đường với Lương Sơn.

Lương Sơn Bạc hại Lư Tuấn Nghĩa là sự thật, thế nhưng mưu kế của họ xuất phát từ lòng ngưỡng mộ mà các hảo hán ấy dành cho một người có cả tài năng lẫn đức độ như Lư Tuấn Nghĩa.

Hơn nữa sau khi lên Lương Sơn tụ nghĩa, Ngọc Kỳ Lân mới thực sự có cơ hội để thi triển tài năng, sau cùng trở thành một nhân tài có đất dụng võ chứ không phải “chết mòn” trong cảnh cơm no áo ấm.

>>5 hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn: Lâm Xung không lọt bảng, ai mới đứng đầu?

Theo Trí thức trẻ soha

Link