Lợi dụng những thủ đoạn tinh vi để hốt bạc từ triều đình và thiên hạ, những tham quan khét tiếng này sở hữu khối tài sản kếch xù tới nỗi vàng bạc châu báu có thể tính theo tấn.
Nhìn lại mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, không khó để nhận thấy bên cạnh những trung thần lưu danh muôn thuở còn có không ít tham quan lộng hành tới mức khét tiếng.
Theo xếp hạng của Qulishi, trong số những quan viên tham ô, lộng quyền vào thời phong kiến, tứ đại tham quan dưới đây là những kẻ thủ đoạn và tai tiếng hơn cả.
Vị trí thứ tư: Thạch Sùng thời Tây Tấn
Thạch Sùng (249 – 300), làm quan vào thời Tây Tấn, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như An Dương hương hầu, Trung Lang tướng, Thứ sử Kinh Châu… và là nhân vật xa hoa giàu có nổi tiếng đương thời.
Theo lý mà nói, một người quyền cao chức trọng, bổng lộc không thiếu như vậy hẳn là nên cúc cung tận tụy để báo đáp hoàng ân. Thế nhưng Thạch Sùng chẳng những không đền đáp công ơn của triều đình mà còn lợi dụng quyền lực để mua quan bán chức, cướp bóc của cải từ bách tính.
Thậm chí tham quan họ Thạch này còn từng tư thông với giặc cướp để cướp của những người đi buôn. Nhờ nhiều thủ đoạn tham ô một cách liều lĩnh, tinh vi, số gia sản kếch xù của tham quan họ Thạch này từ lâu đã trở thành giai thoại.
Sinh thời, Thạch Sùng từng xây cất một biệt phủ tráng lệ ở Lũng Kim Cốc, lại thường hội họp với bằng hữu tại đây để hưởng thụ.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, tham quan họ Thạch này từng xây cất không ít lầu các nguy nga, giăng toàn gấm vóc, đồ trân quý nhiều không kể hết, tài sản được xem là giàu có bậc nhất thiên hạ thời bấy giờ.
Tương truyền rằng năm xưa có vị hoàng thân quốc thích tên là Vương Khải nghe tiếng nhà Thạch Sùng có nhiều của cải nên đã tìm cách khoe của để so bì với tên quan này.
Bấy giờ, Vương Khải lấy trướng lụa đem ra trải đường được 40 dặm, Thạch Sùng cũng đem trướng gấm ra trải, dài được 50 dặm.
Vương Khải lại dùng phấn đá đỏ để quét vôi nhà, Thạch Sùng liền dùng hồ tiêu trát vách. Cứ như vậy, Thạch Sùng đã trở thành người thắng cuộc với số của cải thậm chí còn vượt mặt hoàng thân quốc thích.
Thế nhưng sự thực là hết thảy những tài sản đem lại sự giàu có và nổi tiếng cho tham quan họ Thạch đều là tiền bòn rút từ quốc khố và bóc lột từ bách tính.
Bởi làm ra không ít việc tác oai tác quái, Thạch Sùng cũng chẳng có được kết cục có hậu. Vào năm 52 tuổi, tham quan này bị chém đầu, toàn bộ gia sản đều bị tịch thu.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, Thạch Sùng vì chết uất ức nên khí uất không tan mà hóa thành con vật thuộc lớp bò sát. Loài vật ấy thường hay tắc lưỡi như tiếc của, dân gian vì vậy mà lấy tên của tham quan Tây Tấn đặt cho, chính là loài thạch sùng sau này.
Vị trí thứ ba: Sái Kinh thời nhà Tống
Sái Kinh là một trong những quan lớn tham ô khét tiếng Tống triều. Vốn đã leo lên tới chức vị Tể tướng, bổng lộc được hưởng chẳng hề ít, thế nhưng tham quan này chẳng những không thỏa mãn mà còn trượt dài trên con đường sa ngã.
Thủ đoạn tham ô tinh vi của Sái Kinh thể hiện trong việc đem Thiên tử ra làm bình phong cho những phi vụ nuốt tiền của mình.
Mỗi dịp đến sinh nhật của nhà vua, khắp nơi đều dâng vật phẩm tiến công. Thế nhưng sự thực là số châu báu hiếm lạ ấy đều do Sái Kinh chọn trước một lượt, sau đó mới được dâng lên cho Hoàng thượng.
Bấy giờ, phàm là những quan viên muốn thăng quan tiến chức đều phải đến phủ Tể tướng dâng lễ, hơn nữa lễ vật còn phải vừa ý Sái Kinh thì may ra mới đổi lại được vài câu nói tốt trước mặt Thiên tử.
Sinh thời, Sái Kinh tham ô vô số của cải. Tương truyền rằng số tài sản mà Tể tướng này có được phải lên tới hàng triệu quan vàng quan bạc, hàng trăm ngàn xấp lụa, ruộng đất cũng tới trăm ngàn mẫu.
Thế nhưng có câu “ác giả ác báo”, kẻ tham ô như Sái Kinh cuối cùng cũng không giữ được gia tài của mình, thậm chí còn phải chết trong cảnh đói rách.
Vị trí thứ hai: Lưu Cẩn thời nhà Minh
Vào giai đoạn đầu thời nhà Minh, các Hoàng đế đều đẩy mạnh công cuộc bài trừ tham ô. Thế nhưng tới giai đoạn hậu kỳ, vương triều này lại rơi vào cảnh tham quan vô số, trong số đó có không ít kẻ xuất thân từ tầng lớp hoạn quan.
Nếu nói đến tham quan khét tiếng nhất của triều đại này, không thể không kể tới Lưu Cẩn – kẻ được mệnh danh là hoạn quan giàu có nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Sinh thời, Lưu Cẩn từng nắm trong tay quyền khuynh thiên hạ. Thậm chí, dân gian bấy giờ còn gọi hoạn quan này là “Hoàng đế đứng”, ám chỉ quyền lực của y sánh ngang với “Hoàng đế ngồi” Minh Vũ Tông.
Ngoài những thủ đoạn tham ô quen thuộc, Lưu Cẩn còn sáng tạo ra một chiêu trò rất mới. Đó chính thủ đoạn biến quan trường thành chốn thương trường, biến chức tước trở thành vật phẩm thu phí, buôn bán.
Dù ai hối lộ ít hay nhiều, Lưu Cẩn đều chẳng hề từ chối, thậm chí còn có không ít lần chủ động gợi ý cho các quan lại chuyện tiền bạc.
Phàm là vị quan lớn nhỏ nào được thăng chức mà muốn có thánh chỉ thăng cấp thì đều phải nộp tiền hạ ấn cho Lưu Cẩn, nếu không thì sẽ bị giáng chức hoặc đuổi khỏi kinh thành. Những quan lại địa phương muốn vào kinh trước nhất đều phải tới chỗ Lưu Cẩn để dâng tiền gọi là “lễ bái kiến”, người được thăng quan thì phải dâng tiền để làm “lễ tạ ơn”.
Nhờ những thủ đoạn ăn tiền tinh vi như vậy, Lưu Cẩn đã thu được số tài sản khổng lồ. Sử cũ ghi lại, số gia sản của hoạn quan họ Lưu khi bị tịch biên tổng cộng thu được 449.750 kg vàng và 9.682.470 kg bạc. Lượng bạc được tìm thấy ở nhà Lưu Cẩn thậm chí còn vượt xa ngân khố Minh triều khi đó.
Khi bị luận tội, Lưu Cẩn đã phải chịu án lăng trì và chết một cách đau đớn. Theo luật pháp thời bấy giờ, những kẻ mắc tội càng nặng thì số lần tùng xẻo càng nhiều. Riêng trường hợp của thái giám họ Lưu ấy thì phải chịu tổng cộng 3357 nhát lăng trì và thi hành án trong 3 ngày ròng rã.
Vị trí thứ nhất: Hòa Thân thời nhà Thanh
Đứng đầu trong tứ đại tham quan Trung Hoa chính là một tên tuổi từ lâu đã không còn xa lạ với hậu thế – đại tham quan khét tiếng Hòa Thân.
Sở dĩ Hòa Thân vẫn thường được hậu thế nhắc tới như một tham quan khôn ngoan hàng đầu là bởi ông đã trở thành một ngoại lệ hiếm hoi khi được Hoàng đế ngầm cho phép tham ô.
Nếu so sánh với những tên tuổi ở trên, điểm khôn ngoan của Hòa Thân nằm ở chỗ ông hết sức chịu chi. Mỗi lần tham ô hoặc kiếm chác được một phi vụ nào, đại tham quan này sẽ chủ động dâng cho Hoàng thượng một phần hoặc sung vào quốc khố một phần.
Cho nên có thể nói, Hòa Thân sở dĩ được Càn Long “mắt nhắm mắt mở” là bởi ông từ lâu được xem là chiếc ví để Hoàng đế bòn rút. Thế nhưng giai đoạn được nhà vua “chống lưng” của Hòa Thân đã chính thức kết thúc sau khi Càn Long qua đời.
Chỉ vài ngày kể từ khi tiên đế băng hà, Tân đế Gia Khánh đã hạ lệnh bắt giam và tịch biên gia sản nhà họ Hòa. Theo đó, tổng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương với 15 năm quốc khố thu vào của Thanh triều.
Cũng bởi số gia sản kếch xù ấy đã về tay triều đình nên dân gian bấy giờ vẫn thường truyền tai nhau câu nói châm biếm: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.
Sau khi bị hạch tội, Hòa Thân bị kết án lăng trì. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại bất ngờ miễn cho ông một cái chết đau đớn và bắt ông tự vẫn tại phủ vào ngày 22 tháng 2 năm 1799. Cả gia đình Hòa Thân cũng được tha chết.
Đây vốn được coi là kỳ tích đối với một đại tham quan mắc trọng tội như Hòa Thân. Người đời bấy giờ vẫn tin rằng, việc gia tộc họ Hòa được miễn tử là nhờ những báu vật bí ẩn ở phủ Hòa Thân, trong đó có bia chữ Phúc do đích thân Càn Long viết tặng mà tới bây giờ vẫn không ai dám đụng tới.
Theo Trấn Quỳnh- Trí thức trẻ/soha