Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

BS Việt ở Mỹ tiết lộ bí kíp thắng ung thư: Ăn uống bồi dưỡng có nên kiêng khem?

Thắng ung thư

Kỳ này, BS sẽ phân tích những khó khăn và sai sót rất hay gặp trong việc bồi dưỡng thể chất cho người bệnh ung thư.

Trong bài trước, BS Phạm Lương Giang đã trình bày yêu cầu của việc dinh dưỡng đủ (không thiếu, không thừa) cho bệnh nhân ung thư, cũng như các dặn dò về uống nước, hít thở, tắm nắng, dùng màu sắc tại nơi ở và lắng nghe âm nhạc, âm thanh thiên nhiên và âm thanh thực của đời sống để người bệnh cảm thấy vui tươi.

Kỳ này, BS sẽ phân tích những khó khăn và sai sót rất hay gặp trong việc bồi dưỡng thể chất cho người bệnh ung thư.

• Chán ăn

Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Cơ thể không muốn nhập thêm chất (đã đủ chất, nếu thêm dư sẽ làm ung thư phát triển mạnh; hoặc cơ quan tiêu hóa, bài tiết đã suy – khó tiêu hóa).

Người già hoặc người bệnh thường hay có tâm lý thèm các món ăn, trái cây hồi còn khỏe mạnh thấy ngon miệng. Nhưng khi nhận được thì sẽ thấy món ăn bây giờ không ngon như hồi xưa nữa, chỉ vài ba miếng là không muốn ăn tiếp.

Khi một người bệnh ung thư thèm ăn món gì, hãy chiều nguyện vọng của họ, nhưng bước đầu chỉ mua ít thôi. Để khắc phục hiện tượng chán ăn, bản thân người bệnh phải ráng ăn. Không ăn được nhiều một lúc thì chia ra làm nhiều bữa nhỏ, thay đổi các loại thực phẩm và hình thức món ăn để chống nhàm chán trong ăn uống.

Người bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân chủ yếu gây chán ăn, có thể cho bệnh nhân dùng thêm thuốc để tăng cường tiêu hóa và tăng cảm giác ngon miệng. Nhưng quan trọng nhất là hướng dẫn bệnh nhân sinh hoạt cho đúng để cơ thể tăng nhu cầu về chất, đòi hỏi được ăn uống thêm một cách tự nhiên mà không dư chất trong cơ thể.

• Ăn chay hay ăn mặn?

Ăn kiểu gì cũng được, miễn là tuân thủ nguyên tắc ăn đủ chất và lượng. Ăn chay dễ bị thiếu chất, ăn mặn dễ bị dư chất. Không nên bắt người không quen ăn chay phải chuyển qua ăn chay; cũng không nên bắt người quen ăn chay phải ăn mặn.

Ăn chay giúp cho người ở xứ giàu khắc phục được tình trạng dư thừa chất, do đó có vẻ như là món ăn tốt cho sức khỏe hơn so với ăn mặn. Nhưng ăn chay muốn không bị thiếu chất thì bữa ăn phải phong phú chủng loại rau xanh, đậu, nấm, củ, quả… thật ra là đắt hơn ăn mặn và việc chuẩn bị tốn thời gian hơn.

Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng, bướu lớn, việc hạn chế ăn uống để thiếu chất đưa vào cơ thể đôi khi làm bướu giảm kích thước rõ, kéo dài thời gian sống thêm một chút cho người bệnh. Nhưng cực hiếm người bệnh chữa khỏi bằng phương pháp tiết chế ăn uống này. Bản thân tôi chỉ có nghe tin đồn chứ chưa tận mắt chứng kiến một trường hợp nào cả.

Câu hỏi đặt ra, quyết định trả lời tùy thuộc mỗi người: có nên bắt người bệnh kham khổ để sống thêm vài ngày hay không?

• Tránh kiêng khem quá đáng

Thắng ung thư

(Ảnh minh họa)

Sợ bệnh tim mạch nên không dám ăn dầu mỡ làm cơ thể thiếu hụt vitamin A, D, E, K gây ra đủ thứ rối loạn trong cơ thể. Giảm cholesterol trong máu sẽ thiếu hormone sinh dục của cơ thể gây hàng loạt hệ quả tiêu cực khác.

Sợ bệnh tiểu đường không dám ăn một tí đường nào cũng cực kỳ sai lầm vì đường là nguyên liệu chính tạo năng lượng hoạt động của cơ thể.

Xem thêm  Căn bệnh kinh khủng hơn cả ung thư, 80% người mắc phải đều muốn tìm tới cái chết

Sợ bị tội sát sinh không dám ăn thịt làm thiếu chất đạm trong cơ thể, làm trầm trọng teo yếu cơ. Sợ bột ngọt không dám đụng vào thức ăn có bột ngọt.

Cần nhắc lại rằng, thứ gì cũng ăn được hết, miễn là đừng ăn quá nhiều.

Mỗi cơ thể, trong một số tình cảnh nào đó có thể phải kiêng cữ ăn uống một số chất ví dụ như rau xanh, đậu đũa, bưởi, nho… thường là rất ít so với những chất cần bồi bổ. Người bệnh nên bàn bạc với bác sĩ để biết cần kiêng cữ những thứ gì, không nên kiêng cữ một cách thiếu hiểu biết.

• Bổ sung dinh dưỡng khi cần

Hiện nay, từ thành tựu dinh dưỡng cho các phi hành gia, trên thị trường có những sản phẩm dinh dưỡng cao cấp như những viên kẹo nhưng cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng như một ly sữa Ensure.

Rất thuận tiện cho bệnh nhân bị thu hẹp dạ dày hoặc ăn uống quá kém. Nhưng hình như các sản phẩm dinh dưỡng toàn phần dùng ngoài đường tiêu hóa (Total Parenteral Nutrition = TPN) chưa sẵn có ở bệnh viện ung thư ở Việt Nam.

• Thực phẩm chức năng (TPCN)

TPCN chỉ nên coi là một món ăn như mọi món ăn bình thường khác, nhưng đắt tiền. Có tiền thì cứ việc dùng, không có tiền mua cũng không có gì phải phiền lòng hay hối tiếc.

• Các chất kích thích và gây nghiện

Cấm ở trẻ nhỏ, nên loại bỏ ở người bình thường và người đang điều trị bệnh. Riêng đối với người già 80 tuổi, người bệnh ung thư giai đoạn cuối thì quan điểm của tôi là cho xài thoải mái. Khi đó, người ta thích gì hãy chiều cái đó.

• Thuốc bổ

Không để thiếu nhưng cũng không được lạm dụng các loại thuốc bổ, vì làm dư thừa vitamin và muối khoáng cũng gây rối loạn cơ thể. Ở Việt Nam tôi thấy đồng nghiệp tôi còn có quan niệm sai lầm khi dùng vitamin B12, ít biết đến acid folic, magnesium trong khi điều trị bệnh nhân ung thư.

Thắng ung thư

(Ảnh minh họa)

• Không tra tấn người bệnh bằng việc ăn uống

Có người con giàu có và rất thương mẹ. Bà cụ bị ung thư giai đoạn cuối. Anh bắt mẹ thực hiện đủ trò theo hướng dẫn của mấy “thần y”. Rồi lại bỏ cả đống tiền ra mua cho mẹ rễ cây đắng nghét mà bọn lừa đảo nói rằng đây là rễ cây sâm Trường Sơn nghìn năm tuổi.

Uống thứ nước đó bà cụ chịu không nổi vì đắng, ói mửa, đã mệt lại càng thêm mệt. Bà cụ không chịu uống, bác sĩ can ngăn nhưng anh con trai vì mong mẹ hết bệnh nên cứ ép mẹ uống. Đến khi mẹ mất anh con trai mới bừng tỉnh và ân hận vì đã tra tấn mẹ suốt những ngày tháng cuối cùng của đời bà cụ.

• Lưu ý an toàn trong ăn uống

Tôi đã chứng kiến người bệnh ung thư chết vì ăn chè trôi nước. Cục bánh lớn trôi tuột vào họng, người bệnh suy kiệt không khạc nổi cục bánh ra nên bị nghẹt thở. Phải thận trọng khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nuốt sặc.

Những món ăn bồi bổ có thuốc bắc thì phải thận trọng, dễ bị ngộ độc bởi thần sa, chu sa. Đã có những trường hợp bà mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con làm con bị chấn thương, bỏng nặng.

• Truyền máu khi cần

Bệnh nhân ung thư bị thiếu máu nặng (do chảy máu và ăn uống quá kém) sẽ rất mệt mỏi và phù nề. Chỉ định truyền máu là cách bồi dưỡng cho kết quả nhanh và hiệu quả cao. Ngay sau buổi truyền máu thấy bớt mệt liền và da tay chân nhăn nheo vì giảm phù nề.

Xem thêm  Đa số các bệnh nhân ung thư, khi phát bệnh thường là giai đoạn cuối, tỷ lệ chữa khỏi là rất thấp. Thực tế, ở giai đoạn tiền ung thư, cơ thể đã có những tín hiệu cầu cứu đặc biệt nhưng lại ít được chú ý tới.

Người bệnh ung thư thiếu máu sẽ giảm tưới oxygen và cung cấp dinh dưỡng đến mô, làm bướu giảm nhạy điều trị hóa và xạ trị, chậm lành vết mổ. Thiếu bạch cầu sẽ giảm sức kháng bướu. Điều trị thiếu máu trước, trong và sau khi điều trị ung thư là một vấn đề chuyên môn rất hay. Có thời gian tôi sẽ bàn sâu với bác sĩ chuyên khoa ung bướu.

• Năng lượng vũ trụ?

Tôi không có kiến thức về chuyện này, cũng chưa thấy ai trong số người quen và bệnh nhân của tôi rèn luyện và thực hành kỹ thuật tiếp thụ năng lượng vũ trụ này. Về mặt lý luận khoa học và Phật học, tôi tin đó là chuyện nhảm nhí.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh lần nữa việc tăng cường bổ dưỡng trong khi đang điều trị ung thư là việc làm tối cần thiết. Bồi dưỡng khi phẫu thuật để lành vùng mổ. Bồi dưỡng khi hóa trị và xạ trị để làm tế bào ung thư tăng nhạy thuốc, nhạy tia – giúp hóa và xạ diệt được nhiều tế bào bướu.

Bệnh ung thư thường làm người bệnh bị suy nhược thể xác và tinh thần. Các phương pháp điều trị bệnh cũng rất nặng nề, cần nhiều sức khỏe để mà theo đuổi cuộc điều trị được đến nơi đến chốn. Cần phải bồi dưỡng cho cơ thể và tâm hồn người bệnh ung thưluôn ở trạng thái khỏe mạnh.

Khi mang bệnh ung thư, người bệnh có 3/4 cho đến 4/5 thời gian ban đầu (giai đoạn sớm) không có triệu chứng, hoàn toàn như người bình thường. Phần lớn và chính yếu của việc bồi bổ và nuôi dưỡng sức khỏe cho người bệnh ung thư thực chất cũng áp dụng đúng cho cả người không có bệnh.

Bất kể người nào cũng cần bồi dưỡng để thể xác vững mạnh và tinh thần có được trạng thái hưng phấn, tích cực, tăng cường sức đề kháng của cơ thể ngay từ khi tuổi trẻ. Sức đề kháng là yếu tố quan trọng nhất đề ngừa và điều trị bệnh nhiễm trùng và ung thư.

Nguyên tắc của việc bồi dưỡng là chủ động tích cực nhưng phải vừa đủ. Cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc này.

Bồi dưỡng là một công việc tổng hợp, gồm những nội dung phối hợp với nhau chặt chẽ:

• Bồi dưỡng thể chất

• Bồi dưỡng tinh thần

• Bồi dưỡng vận động

Do bác sĩ Phạm Lương Giang biên soạn và bác sĩ Phạm Nguyên Quý biên tập, loạt bài này sẽ lần lượt trình bày từng nội dung kể trên, dựa trên các trường hợp thực tế bác sĩ Phạm Lương Giang đã điều trị hoặc chứng kiến.

Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ, hiện làm việc tại khoa Dược – chuyên khoa Ung thư tại một bệnh viện ở Massachusetts , USA.

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý hiện đang làm việc tại Nội khoa, bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe.

Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Theo Trí Thức Trẻ

Link