Việc lạm dụng truyền nước (truyền dịch) có thể gây những hậu quả đáng tiếc. Đã có không ít trường hợp gặp tai biến, thậm chí tử vong vì tự ý truyền dịch khi người đang mệt.
Cứ mệt là truyền
Trên thực tế, không hiếm người hễ cứ thấy trong người mệt mỏi là thích đi truyền nước, truyền hoa quả. Nhiều người chỉ bị đau đầu nhưng cứ nằng nặc đòi được truyền. Khi gặp bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khuyên không nên thì họ tỏ ý không bằng lòng và tìm đến nơi khác để được thỏa mãn nhu cầu.
Họ không hiểu rằng việc làm này là không cần thiết, tốn kém tiền bạc, thời gian, chưa kể có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Việc tự ý truyền dịch khi người đang mệt là “đánh cược” với tính mạng. Ảnh minh họa
Bệnh viện Nhi từng tiếp nhận một trẻ mắc sốt xuất huyết bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều. Thấy bé sốt kéo dài, người nhà đưa đến một cơ sở gần nhà để điều trị. Bệnh nhân được truyền nước biển 3 ngày liền, đến chai thứ 9 bé trở nặng. Rất may các bác sĩ đã cứu được.
Không may mắn, ông Đ.V. L (Hoài Ân, Bình Định) đã tử vong vì tự ý truyền dịch khi người đang mệt. Trước đó, ông bị cảm sốt nên gọi người đến truyền nước. Sau khi truyền nước được vài phút, ông có biểu hiện co giật, sốc và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Y dược TP HCM cho biết, tự ý truyền dịch khi người đang mệt mỏi là không khoa học. Mọi người đừng nghĩ rằng, truyền dịch là giải pháp tối ưu cho sức khỏe vì chúng chỉ thực sự có lợi khi cơ thể chúng ta cần thiết. Dịch truyền là dạng thuốc cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Nhưng dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tùy vào từng trường hợp cụ thể và có sự theo dõi của thầy thuốc.
Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
“Kỹ thuật truyền tuy khá đơn giản nhưng có thể gặp tai biến. Nhẹ thì gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng gây sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Hơn nữa, truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải và dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận…”- PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Cẩn trọng khi truyền nước
Các chuyên gia cho rằng, việc truyền dịch làm sao cho an toàn, đảm bảo không tai biến, không dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải không phải ai cũng có thể kiểm soát. Truyền dịch ở nhà không có đủ phương tiện để xét nghiệm bệnh nhân thừa thiếu chất gì ở trong máu. Việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Như người bị suy tim, quả tim đã bóp yếu mà truyền dịch vào nhanh quá tim không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Người bị suy thận, đặc biệt ở thể thiểu niệu hay vô niệu mà đưa dịch truyền vào nhanh quá, thận sẽ không thải nổi cũng gây ứ nước trong cơ thể, gây phù…
Hay bệnh nhân choáng do chạy bộ đổ mồ hôi, mất nước nhiều truyền dịch thì cơ thể sẽ mất cả muối lẫn nước. Nếu thầy thuốc lúc này lại truyền một chai dung dịch ngọt sẽ chỉ bù nước mà không bù ion. Lượng nước này vào cơ thể dễ bị ngộ độc nước, gây phù não làm bệnh nhân lên cơn co giật mà chết.
Ngay cả việc một số người khỏe mạnh, tự ý truyền dịch hoa quả để bồi bổ sức khỏe, làm đẹp da cũng phải thận trọng. Người khỏe truyền hoa quả có thể sinh ra “lười ăn”, phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn. Do đó, việc truyền dịch cần tuân thủ theo chỉ định bác sỹ, được thực hiện ở cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn có dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến.
Tùy từng nhóm dịch truyền sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Trước khi truyền dịch cần được bác sĩ khám, xét nghiệm và kê toa:
– Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin chỉ nên truyền cho đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không ăn được bằng đường miệng, không tiêu hóa được thức ăn…
– Nhóm cung cấp nước, các chất điện giải như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%… dùng trong trường hợp mất nước, mất máu khi bị tiêu chảy, bỏng, ngộ độc.
– Nhóm đặc biệt như dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử… chỉ dùng cho trường hợp cần bù nhanh chất albumin, lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
P.T/ Báo Gia đình & Xã hội