Chủ Nhật, Tháng mười một 24
Shadow

Cậu bé 8 tuổi bị mẹ bắt đi nhặt phế liệu giữa trời rét: Bài học đáng ngẫm về cách dạy con

dạy con

Nhà văn người Liban là Kahlil Gibran từng nói: “Con cái thật ra không chỉ đơn thuần là con cái bạn, mà là tấm gương phản chiếu bộ dạng chân thực của bạn”.

Xem thêm  "Chơi trước, học sau" – triết lý dạy con của phụ huynh những nước hạnh phúc nhất thế giới

Những bài học thông qua các câu chuyện dưới đây sẽ trở thành minh chứng cho nhận định thấm thía về giáo dục: Đằng sau những đứa trẻ ngỗ nghịch là những bậc phụ huynh gặp vấn đề trong phương pháp dạy dỗ. Và ngược lại, đằng sau những đứa trẻ ưu tú chính là những bậc cha mẹ biết cách làm gương.

Câu chuyện về người mẹ bắt con đi nhặt phế liệu giữa trời đông giá rét 

Hình ảnh cậu bé 8 tuổi bị mẹ phạt đi thu gom phế liệu để đền bù tổn thất mà cậu đã gây ra cho nhà trường đang là chủ đề xôn xao trên các trang mạng Trung Quốc trong thời gian vừa qua. (Ảnh cắt ra từ clip: Nguồn Baidu).

Mới đây, dư luận Trung Quốc không khỏi xôn xao trước một video được lưu truyền trên mạng. Đoạn video này ghi lại cảnh một cậu bé 8 tuổi ở Quý Dương đi thu gom phế liệu trong tiết trời lạnh giá.

Lúc đầu, không ít người đã có suy nghĩ sai lệch và buông nhiều lời trách móc tới phụ huynh của nhân vật chính. Thế nhưng chỉ đến khi những người xung quanh tò mò và hỏi thăm cậu bé, chân tướng sự việc mới được làm sáng tỏ.

Hóa ra, cậu bé này thường xuyên nghịch ngợm ở trường, không ít lần đã phá hỏng cơ sở vật chất. Lần gần đây nhất cậu phạm lỗi là khi cố tình làm hỏng tấm biển trước cửa phòng học.

Sau đó, nhà trường đã yêu cầu gia đình bồi thường trước tổn thất này. Thế nhưng người mẹ của cậu bé không trực tiếp đóng số tiền đền bù đó.

Để con trai có thể ý thức rõ về lỗi lầm mà mình gây ra, người mẹ đã cho cậu một “cơ hội” sửa sai bằng việc để tự đi thu gom phế liệu mang bán.

Vì sự an toàn của cậu bé, trong suốt quá trình con trai ra ngoài “làm việc”, người mẹ luôn đi theo phía sau và duy trì một khoảng cách đủ an toàn.

Trong những đông giá rét ở Quý Dương, cậu bé được mẹ mặc cho những món đồ đủ ấm, khoác trên vai một bao tải lớn để đi thu gom phế liệu.

Thậm chí, cậu còn sẵn sàng bới lục thùng rác để tìm kiếm những chiếc vỏ chai, vỏ lon ngay trước mặt những đứa trẻ đồng trang lứa mà không hề ngần ngại.

Khi những người xung quanh hỏi rõ ngọn nguồn, cậu bé ấy còn nói một cách đầy ăn năn va hối lỗi:

“Cháu thực sự rất mệt, tay cũng rất đau, nhưng cháu phải tiếp tục kiên trì”.

“Sau này cháu tuyệt đối không nên làm hư hại của công nữa”.

Chính phương pháp giáo dục đứng đắn của người mẹ đã khiến cậu hiểu được một sự thật: Kiếm tiền chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bản thân cậu thông qua lần lao động này càng hiểu rõ sai lầm của mình, từ đó nhận ra bài học thấm thía về ý thức bảo vệ của công.

Bài học rút ra

Suy cho cùng, trẻ con chung quy vẫn là trẻ con, có đôi khi các em không biết ranh giới của việc mình làm, cho nên sai lầm cũng là điều khó tránh khỏi.

Thế nhưng con trẻ phạm sai lầm không đáng sợ, sự đáng sợ chân chính nằm ở thái độ dung túng và bao che của phụ huynh. Đó cũng là lý do tại sao câu nói “trẻ con thì có biết gì đâu” dường như đã trở thành câu cửa miệng của không ít ông bố, bà mẹ khi muốn bênh vực và lấp liếm sai lầm của con mình.

Vì thế, câu chuyện về phương pháp giáo dục cứng rắn của bà mẹ trên đây được xem là hết sức đáng khen. Mặc dù có phần nghiêm khắc, thế nhưng cách làm của cô vừa không có đánh mắng, vừa không có bao che mà dùng hành động thực tế để giúp con trẻ chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình.

Để cho các bé biết chuộc lỗi trước những sai lầm mình gây ra không chỉ khiến các em hiểu được cái đúng, cái sai mà còn làm thức tỉnh ý thức trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ.

Và thậm chí, những phương pháp giáo dục vừa khoa học, vừa nghiêm khắc như trên lại càng khiến con em chúng ta biết được rằng, xã hội luôn có những ranh giới không nên vi phạm. Bản thân con trẻ qua đó cũng càng thêm tôn trọng những quy định chung của tập thể và cũng càng thêm kính nể cha mẹ mình.

Lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh đang âm thầm bảo vệ “ung nhọt” trong tâm hồn và nhân cách của con trẻ

Cách đây không lâu, những tờ báo tại Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin về một vụ bạo lực học đường chấn động xảy ra ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).

Nạn nhân của vụ việc là một nữ sinh 12 tuổi gãy 4 cái xương sườn vì bị 7 nam sinh liên tục đánh đập trong nhiều ngày. Điều khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình trước thông tin này còn nằm ở chi tiết, 7 học sinh có hành vi bạo lực đều là những cậu bé không quá 14 tuổi.

Những năm gần đây, các câu chuyện về sự ngỗ nghịch của con trẻ càng lúc càng xuất hiện nhiều hơn trên những phương tiện truyền thông.

Ngoài vụ việc nói trên, báo chí Trung Quốc cũng từng phẫn nộ trước vụ việc một đứa trẻ đẩy thai phụ trên máy bay khiến người này nguy kịch vì sinh non. Trong vụ khởi kiện sau đó, điều làm dư luận bức xúc nhất chưa hẳn là hành vi quá khích của trẻ nhỏ mà chính là thái độ cố chấp và dung túng của gia đình phía sau.

Những hành vi tiêu cực của trẻ em đang ngày ngày diễn ra xung quanh chúng ta vốn là minh chứng rõ nhất cho thấy tác hại của việc bao che con cái. Chính sự cưng chiều thái quá và bênh vực không đúng lúc đúng chỗ của người lớn mới là yếu tố chính khiến một số cô bé, cậu bé càng lúc càng cư xử thiếu phép tắc.

Bài học rút ra

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Thay con cái bao che và gánh vác sai lầm không làm các em ngày một trở nên tốt hơn mà còn khiến các em càng lúc càng trở nên tự tung tự tác, tự kiêu tự đại.

Sự dung túng của người lớn trước lỗi lầm từ con trẻ chẳng khác nào việc chúng ta đang vô tình nuôi dưỡng và bảo vệ cho một cái ung nhọt hủy hoại tâm hồn cũng như nhân cách của trẻ.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc cưng chiều thái quá từ cha mẹ chính là việc con cái đánh mất đi ý thức trách nhiệm và nảy sinh tâm lý trốn tránh trách nhiệm. Đó chính là thất bại lớn nhất của quá trình giáo dục từ gia đình.

Lời kết

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Vốn dĩ, mỗi một đứa trẻ sinh ra đều được coi như bảo bối trong lòng cha mẹ. Thế nhưng cưng chiều cũng nên có mức độ, các bậc phụ huynh cần phải kiên trì giữ vững ranh giới cuối cùng, một khi trẻ đã đụng chạm tới ranh giới đó thì tuyệt đối không thể mềm lòng.

Điều này nên được áp dụng thông qua những hành động thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như cấm con nói bậy, bắt nạt bạn, phạt khi trẻ nói láo hoặc có hành vi sai trái.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cố gắng trở thành tấm gương cho con trẻ noi theo. Bởi thực tế có rất nhiều trường hợp con cái có lối hành xử không đúng do bắt chước những việc làm của người lớn trong nhà.

Nghiêm khắc với chính bản thân mình cũng được xem là nghiêm khắc với con cái. Đó mới thực sự là chìa khóa của giáo dục.

Trần Quỳnh – Trí thức trẻ

Link