Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Câu chuyện về thế hệ trầm cảm ở Singapore: Khi công việc, bạn bè hay gia đình mất dần ý nghĩa

Những câu chuyện dưới đây được chia sẻ bởi 4 người Singapore khác nhau nhưng có một điểm chung: Họ đều đang phải hàng ngày đấu tranh với căn bệnh trầm cảm để tiếp tục những công việc thường ngày của mình.

Bên ngoài thì Mak Kean Loong trông giống một người đàn ông của gia đình khi ông luôn ở bên và chơi đùa cùng vợ và con gái. Nhưng điều ít ai biết là Mak Kean Loong đang chật vật với việc cảm nhận những cảm xúc tích cực như ấm áp hay vui vẻ.

“Trong vài năm trở lại đây tôi nghĩ rằng tôi chưa hề cảm nhận được thứ cảm xúc đó”, người đàn ông đeo kính 38 tuổi chia sẻ với giọng nói mệt mỏi.

“Tôi không nói với vợ của tôi”, ông nói. “Nếu như bạn muốn kết thúc cuộc sống của mình thì chẳng có lý do gì bạn lại nói với ai đó gần gũi bạn, phải không?”.

Ông Mak bị mắc chứng trầm cảm một năm trước khi đứa con đầu lòng ra đời

Mak đã không tự tử. Nhưng sau đó thông qua một thỏa thuận với cấp trên của ông, ông nghỉ làm kĩ sư cơ sở hạ tầng ở công ty để tập trung hồi phục.

Và đó là mất mát khiến ông cảm thấy cay đắng.

“Tôi cảm thấy đau đớn khi nhìn người khác mặc quần áo công sở. Tôi biết rằng hiện tại tôi không còn ở vị trí đó. Vai trò đó của tôi đã bị lấy mất. Đó là những ý nghĩa để tôi bấu víu vào”.

Khoảng 7% lực lượng lao động của Singapore có tiền sử về các bệnh liên quan tới tâm lý. Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần ở Singapore năm 2010 cho thấy trầm cảm đã ảnh hưởng tới 159.000 người trong cuộc sống của họ.

Như trường hợp của Mak, căn bệnh này khiến việc duy trì công việc trở thành một cuộc chiến căng thẳng. Mak phải đưa ra lựa chọn, hoặc là giả vờ như không có gì, hoặc là đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Trong phim tài liệu “Đối mặt với trầm cảm”, 4 người Singapore đã chia sẻ thẳng thắn câu chuyện của họ.

Bị coi là “phiền phức” và “yếu đuối”

Một trong những cuộc chiến mà người bị trầm cảm phải chống lại là sự kì thị của những người sử dụng lao động.

Điều này đã xảy ra với Mak khi anh công bố tình trạng của mình bằng cách viết blog và vẽ truyện tranh trên mạng nói về bệnh trầm cảm.

Mak tưởng rằng những chia sẻ của ông gửi tới thông điệp về bệnh trầm cảm và cách giúp những người bị căn bệnh đó. Nhưng một cấp trên của ông đã cảnh báo rằng nếu người trong ngành biết ông bị trầm cảm, ông sẽ bị “để ý”.

“Có những người sẽ nói rằng ‘anh bị trầm cảm – vậy anh có chắc là sẽ làm được không? Tôi không nghĩ là tôi thực sự muốn nhận anh’ hoặc là ‘anh cần tới gặp bác sĩ thường xuyên hơn, vì vậy tôi nghĩ tôi sẽ trả lương anh thấp hơn”, ông Mak chia sẻ thẳng thắn.

Ông Lim Yufan, người đã trải qua hơn nửa đời với căn bệnh trầm cảm, hiểu sống trong nỗi lo sợ bị đánh giá là như thế nào.

“Ngoại trừ công việc đầu tiên của tôi, tôi đã không nói với bất kì nhà tuyển dụng hay đồng nghiệp nào rằng tôi bị trầm cảm”, người đàn ông 30 tuổi này chia sẻ. “Tôi lo sợ rằng điều đó sẽ khiến họ không tin tưởng tôi trong công việc”.

Ông Lim chật vật với căn bệnh trầm cảm ngay từ khi còn đi học

Mặc dù vậy, căn bệnh trầm cảm vẫn ảnh hưởng tới công việc của ông ấy: Ông ấy phải xin nghỉ thường xuyên và không thể làm việc trong thời gian dài, công việc ngắn nhất của ông ấy chỉ kéo dài một tháng.

Ông nói rằng phân nửa cấp trên của ông không thấu hiểu căn bệnh trầm cảm và đó là lý do khiến ông phải nghỉ việc. “Một trong số họ nói rằng, ‘Yufan, anh thật phiền phức. Anh thực sự khiến tôi thấy mệt mỏi vì điều đó đấy.”

Để nhấn mạnh ảnh hưởng của cấp trên – dù họ biết nhân viên của họ bị trầm cảm hay không – nhà tư vấn tâm lý Pauline Sim ở phòng khám LP nói rằng: “Nếu bạn có một cấp trên khó tính, cầu toàn, hay khiển trách và không cảm thông thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Bác sĩ Paul cùng với ông Lim

Trong trường hợp của ông Mak, cấp trên của ông cho ông một chút thời gian để hồi phục.

“Nhưng vì là người mới và quá trình hồi phục có thể kéo dài hơn, chúng tôi đã đồng ý rằng có lẽ tôi nên nghỉ việc thì sẽ tốt hơn”, ông nói.

Tuy vậy, sự kì thị không bắt nguồn hay chấm dứt ở người sử dụng lao động. Một nghiên cứu cấp quốc gia vào năm 2015 của Viện sức khỏe tâm thần đã chỉ ra rằng người mắc trầm cảm thường bị coi là “yếu đuối” chứ không phải “mắc bệnh”.

Chịu áp lực trước kỳ vọng lớn

Ngay cả những người mạnh mẽ vẫn có thể bị mắc trầm cảm. Một ví dụ đó là nhà đồng sáng lập Học viện tennis Ignite và cũng là huấn luyện viên trưởng Jaime Wong.

Ở độ tuổi 12, cô ấy từng là nhà vô địch tennis trẻ nhất Singapore. Cô ấy trở thành thành viên đội tuyển tham gia SEA Games một năm sau đó.

Wong từng vô địch tennis từ khi còn rất trẻ

“Tôi không biết cách đối diện với thất bại cho lắm. Sau khi tôi thua một trận tennis, tôi có thể cảm thấy buồn phiền hàng giờ, thậm chí hàng tuần liền, mà không nói năng gì. Tôi nghĩ tôi thực sự là một đại diện cho sự ưu tú, đôi khi là hoàn hảo của văn hóa chúng ta”.

“Tôi quá quen với việc chiến thắng. Suốt cuộc đời tôi, tôi là kẻ tốt nhất trong gần như mọi thứ tôi làm. Và tôi nghĩ đó là một phần quan trọng lý giải vì sao tôi có thể rơi vào căn bệnh trầm cảm”.

Xem thêm  Căn bệnh kinh khủng hơn cả ung thư, 80% người mắc phải đều muốn tìm tới cái chết

Nó bắt đầu bằng sự tích tụ của các yếu tố: cô ấy bị tổn thương bởi một mối quan hệ; một căn bệnh mãn tính khiến hệ thống tiêu hóa của cô bị sưng và nhiễm trùng; và rồi câu lạc bộ mà học viện của cô dựa vào đã bị đóng cửa để tái phát triển.

“Chúng tôi phải chuyển tới câu lạc bộ gần bãi biển Changi, và rồi chúng tôi mất tới 90% khách hàng”, cô kể lại. “Mọi thứ dường như trở nên tệ nhất có thể. Do đó, tôi đã cảm thấy cực kì suy sụp”.

“Tôi quá quen với việc phải chiến thắng”, Wong chia sẻ

Ông Lim cũng từng là một học sinh ưu tú tại một trường cấp 2 hàng đầu, nơi mà “hiển nhiên là kì vọng lúc nào cũng cao”.

Vào năm thứ ba, ông là nhạc trưởng của ban nhạc giao hưởng của trường và là một người chơi trumpet “khá tốt”. Nó cho ông “sự công nhận, ý thức về giá trị và mục đích”.

Nhưng khi điểm số của ông ấy tụt xuống dưới mức chấp nhận được, vị trí nhạc trưởng của ông bị lung lay. “Tôi dường như bị áp lực, chủ yếu là từ chính bản thân, phải cố gắng kéo điểm số lên”, ông kể.

Ông trở nên ngày càng lo sợ về tình hình học tập và trải qua cơn trầm cảm nghiêm trọng đầu tiên. “Nó làm tôi sợ đến trường”.

Ông Lim là một học sinh luôn lo lắng về tình hình học tập của bản thân khi còn học cấp 2

Với ông Mak, chứng trầm cảm xuất hiện lần đầu vào năm 2006, một năm trước khi đứa con đầu lòng ra đời, sau những thất vọng chuyện gia đình và chuyện công sở.

“Bất kì lúc nào tôi làm những thứ đi ngược lại với giá trị cốt lõi của bản thân, tôi cảm thấy bản thân dần dần bị mất đi”, ông nói.

“Tôi cảm thấy bản thân dần dần bị mất đi”, Mak chia sẻ

“Có một thời điểm công ty bị chia rẽ bởi người này người nọ… Tôi buộc phải lựa chọn. Những lúc đó, tôi luôn đấu tranh với chính mình.”

Sau 3 năm – khoảng thời gian mà ông đã “làm việc khá tốt”, ông ấy nghĩ rằng ông đã đánh bại trầm cảm. Nhưng ông ấy lại rơi vào một chứng trầm cảm nhẹ khác có tên là chứng loạn dưỡng. Chứng bệnh này kéo dài hơn nhiều và biểu hiện bằng trạng thái tâm trạng luôn không vui và thiếu tự tin.

Không được chữa trị và công nhận

Mặc dù biết rằng bản thân luôn cảm thấy tiêu cực, ông Mak đã không coi những dấu hiệu của chứng loạn dưỡng là vấn đề. Điều này không hiếm – nhiều người rất khó có thể nhận biết được trầm cảm, bác sĩ Lim nói.

Ông Chris Tan là một ví dụ khác. Ông bị đột quỵ vào năm 2005 khiến tay trái của ông ấy mất một phần khả năng hoạt động. Sau khi xuất hiện ông trở nên dễ xúc động, nhưng ông không hề biết rằng đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Sau khi được chẩn đoán, ông nhận ra rằng có thể ông đã mắc trầm cảm từ khi còn học cấp 2. “Bố mẹ tôi hay mẫu thuẫn với nhau trong chuyện tiền nong”, người đàn ông 45 tuổi này chia sẻ.

Ông Tan rơi vào trầm cảm sau khi bị đột quỵ lần đầu vào năm 2005

Bố của ông là người đánh cá, và “cuộc sống thì rất cực khổ”. “Tôi chưa bao giờ hiểu được ông ấy khi tôi còn bé”, ông chia sẻ. Vào năm 2003, bố ông được chẩn đoán đã bị ung thư. Ông ấy qua đời trong năm đó, và ông Tan vẫn không thể nào tha thứ cho bản thân về những gì đã xảy ra khi đó.

“Tôi đã nhận được một cuộc điện thoại từ mẹ tôi vào buổi sáng. Bà ấy nói rằng bố tôi có gì đó không ổn”, ông kể lại.

“Tôi nói bà ấy rằng đừng có làm quá lên. Tôi vừa thay đồng phục và lái xe đi làm. Tôi định đi tới nơi làm và rồi nhận được cuộc điện thoại thứ hai. Người lái xe cấp cứu đã gọi tôi”.

Dừng một lúc để trấn tĩnh, ông nói tiếp: “Tôi ghét bản thân mình… Đây là vấn đề mà tôi vẫn phải nói chuyện với những nhà tư vấn”.

Bố của ông Tan

Hiện tại Tan sắp xếp lịch hẹn ở Viện sức khỏe tâm thần (IMH) bất kì khi nào ông cảm thấy sắp “tụt dốc”, ông cũng gặp một chuyên gia hỗ trợ cá nhân để vượt qua trầm cảm. Nhưng có rất ít người tìm đến các biện pháp chữa trị hay thậm chí là chỉ nghĩ đến chúng.

Khi được hỏi rằng những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm bệnh lý nên tìm trợ giúp đâu, 54% số người được hỏi trả lời là gia đình và bạn bè.

Và trong tổng số 7% lực lượng lao động của Singapore có tiền sử bệnh tâm thần, chỉ có 10% trong số đó tìm đến các biện pháp chữa trị, theo như giáo sư Chong Siow Ann từ IMH, người đã chia sẻ phát hiện này tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới khu vực 2013.

Với Wong, cô luôn “che đậy” chứng trầm cảm bằng cách làm việc hết sức mình

Với Wong, cô luôn “che đậy” chứng trầm cảm bằng cách làm việc hết sức mình. Nhưng điều đó đã phản tác dụng. “Tôi đã gần như bóc lột những đứa trẻ, ép buộc chúng quá sức, và một số đứa đã khóc trên sân tập”, cô kể lại.

“Tôi từng nói với bố mẹ chúng rằng: ‘Những đứa trẻ này tới đây để trở nên giỏi hơn, không phải tới đây để chơi. Nếu chúng muốn chơi thì hãy chơi chỗ khác ấy’. Tôi đã rất lưỡng lự và e ngại trong một thời gian dài về việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp – vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của tôi, rằng tôi không kiểm soát được bản thân”.

Trở về từ bờ vực

Bác sĩ Sim đã quá quen thuộc với những bệnh nhân “tỏ ra mạnh mẽ”. Bà chia sẻ: “Thật là buồn khi biết rằng một khi họ không thể đối mặt với nó, đôi khi họ sẽ nghĩ đến việc treo cổ hay nhảy lầu tự tử”.

“Trong điều kiện bình thường, hầu hết mọi người đều muốn sống và chiến đấu để sống. Nhưng khi bạn bị trầm cảm, bạn sẽ chỉ muốn biến mất”.

Xem thêm  Địa ngục trần gian của người di cư
Khi trầm cảm, bạn chỉ muốn biến mất

Khi cô Wong cảm thấy không thể làm gì được nữa, cảm giác “không còn lí do gì để sống” ập đến cho đến khi cô ấy “hoàn toàn vứt bỏ nó” trong một đêm. Cô ấy ngồi vào xe, ra đường Dunearn Road, và rồi cứ thế nhấn ga.

“Tôi chỉ biết là tôi nhấn ga. Cuối cùng tôi cũng tới Rochor, và tôi nhận ra rằng tôi vẫn còn sống, điều đó thật điên rồ”, cô nói.

“Tôi nhận ra những gì mình đã làm – rằng điều đó thật ích kỉ, vì tôi đã không nghĩ tới hậu quả của hành động của tôi, không chỉ với bản thân tôi.”

“Nếu tôi không bỏ cái suy nghĩ điên rồ đó, điều gì sẽ xảy ra với những người sẽ phải chăm sóc tôi nếu như tôi bị thương, hơn thế nữa, những người tôi đã có thể khiến họ bị thương?”

Cơ quan đăng kí khai sinh và tử vong cho biết rằng khoảng một nửa số ca tự tử trong năm 2016 nằm trong độ tuổi từ 20 tới 49. Có nhiều đàn ông đã tự tử hơn phụ nữ.

Ông Mak cũng suýt chút nữa làm điều tương tự khi một cơn trầm cảm nặng ập đến vào tháng 7 năm ngoái. Vợ ông ấy, bà Tan Phay Shing thấy rằng ông có “tâm trạng không tốt” khi ông ấy gần như chẳng nói gì và “lạc trong suy nghĩ riêng”.

“Tôi nghĩ tôi không hiểu đầy đủ những gì mà anh ấy đang trải qua”, bà Tan chia sẻ ý kiến về căn bệnh của chồng bà

Nhưng ngay cả khi vậy, bà không hề biết những gì ông ấy đã lên kế hoạch khi ông đưa bà và các con đi ăn lần cuối cùng. Thảm kịch đã không xảy ra vì ông Mak đã tự hứa với bản thân mình một cơ hội cuối cùng: một cuộc gọi khẩn cấp tới IHM trước khi mọi thứ kết thúc.

“Tôi nói với bản thân rằng tôi sẽ không cúp máy trước. Vì vậy nếu như cuộc gọi của tôi bị cắt hay không ai bắt máy, hay ai đó cúp máy trước tôi, lúc đó tôi sẽ tiếp tục như kế hoạch”, ông nói trong nỗi buồn.

“Tôi nói với bản thân rằng tôi sẽ không cúp máy trước”, Mak chia sẻ

Ông ấy đã cầm máy trong 10 phút. Cuối cùng thì có ai đó đã nhấc máy. Ông được khuyên là đến IMH để khám, và ông đã nhập viện trong tối hôm đó.

Đó là một trong những lí do vì sao mà người có vấn đề thần kinh không nên bị kì thị, bác sĩ Sim nói. “Nếu họ được giúp đỡ, họ có thể trở về cuộc sống bình thường”, bà chia sẻ.

“Nếu họ được giúp đỡ, những thảm kịch sẽ ít đi”.

Học cách chống lại

Ngoài việc can thiệp và chữa trị sớm, bác sĩ Sim cũng khuyên rằng nên có một “cuộc sống cân bằng” và có những sự ưu tiên đúng đắn. Nhưng nói thì dễ làm thì khó, nhất là tại một quốc gia có giờ làm việc dài nhất thế giới.

Một nhân viên bình thường làm khoảng 2073 giờ trong năm 2016 theo số liệu của Bộ lao động, so với 2069 giờ ở Hàn Quốc và 1713 giờ ở Nhật Bản.

Bác sĩ Sim nghĩ rằng những người đang đi làm nên tự hỏi bản thân: Nếu như họ quỵ xuống, ai sẽ là người thực sự nhớ đến họ?

“Tùy thuộc vào vai trò của bạn trong công việc, người ta có thể cúi người 3 lần, cho bạn một ít tiền tang và có thể là thêm một vòng hoa – nếu như bạn nổi tiếng hơn, sẽ có ai đó đưa tang cùng – nhưng mọi thứ chỉ đến vậy thôi”, bà nói.

“Nhưng mà những người sẽ tiếp tục đau buồn và chịu ảnh hưởng là những người thân yêu xung quanh bạn”.

Ông Tan – người từng “luôn đạt chỉ tiêu” kinh doanh ở nơi làm việc trước khi bị đột quỵ, nhận ra rằng chứng trầm cảm khiến mọi thứ trở nên khó khăn khi ông cố gắng quay lại chốn công sở. Ông bị sa thải và sự nghiệp của ông chững lại.

Hiện giờ làm công việc tự do, ông luôn chật vật nhưng vẫn nỗ lực học cách chống lại căn bệnh trong khi cố gắng hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình, như là gửi tiền cho mẹ tiêu hàng tháng. “Quan trọng không phải là số tiền mà là lòng thành”, ông chia sẻ.

Ông Tan và mẹ ông

“Nếu như tôi có thể làm quen với những triệu chứng và sống một cách có ích nhất có thể, với tôi, như vậy là tôi đã hồi phục rất nhiều rồi. Điều đó có nghĩa là tôi không đánh mất đi bản thân mình và tôi vẫn có thể hoàn thành trách nhiệm là một người con, người anh hay thậm chí là nhân viên”.

Còn với cô Wong, người đã trải qua chứng trầm cảm hơn một năm, niềm tin đã giúp cô ấy hồi phục đáng kể. Cô ấy đã không còn cần sử dụng thuốc chống trầm cảm từ năm 2014.

Khi con người hồi phục bằng tinh thần, họ nhận ra rằng “mọi thứ chúng ta có đều là thứ chúng ta được cho mượn, rằng mọi thứ không xoay quanh chúng ta”, bác sĩ Sim nói.

Bà cũng bổ sung: “Khi bạn đặt bản thân là một phần nhỏ trong cái lớn hơn, bạn học cách nhìn mọi thứ khác đi”.

Sự giúp đỡ và hi vọng có thể có nhiều hình thức khác nhau, như những gì mà ông Lim đã phát hiện ra. Ví dụ, tập gym khiến ông cảm thấy là “mình đang sống”, thậm chí đôi khi khiến ông quên mất là mình bị trầm cảm.

Tập gym khiến Lim cảm thấy là “mình đang sống”

Hiện giờ ông ấy có một trang bán hàng trên mạng bày bán các loại đồ chơi, vì vậy ông không “cảm thấy áp lực phải trả lời ai đó”. Những món đồ chơi cũng cho ông ấy “một số lí tưởng” mà ông ấy có thể dựa vào, như là công lí và đối xử bình đẳng.

“Những câu chuyện bắt nguồn của những siêu anh hùng này thường là những tấn thảm kịch: Batman, khi cha mẹ anh ta qua đời; Superman, khi hành tinh của anh ta bị phá hủy. Nó cho tôi một chút hi vọng rằng với tình cảnh của tôi, tôi có thể trở nên mạnh mẽ hơn”, ông chia sẻ.

Trong lúc đó, ông Mak đang đánh giá lại những gì ông ấy muốn trong công việc. “Tôi không muốn một công việc lương cao ngất ngưởng. Tôi chỉ muốn công việc đó có nghĩa đối với tôi”, ông nói với vẻ nuối tiếc.

“Nhưng với chứng trầm cảm, tôi nhận ra rằng những điều đơn giản lại tốt hơn. Nói cách khác, cuộc sống hiện tại quan trọng hơn bất kì thứ gì khác”

“Nhưng với chứng trầm cảm, tôi nhận ra rằng những điều đơn giản lại tốt hơn. Nói cách khác, cuộc sống hiện tại quan trọng hơn bất kì thứ gì khác”.

Ông được khuyên là không nên đặt ra thời hạn cho quá trình hồi phục. Vợ ông – một người dạy làm bánh, trở thành trụ cột gia đình trong lúc này.  Và ông ấy dựa vào gia đình để tiếp tục cuộc chiến chống lại căn bệnh trầm cảm.

“Tôi luôn đảm bảo rằng cô ấy biết tôi ở đâu và tôi đang làm gì. Tôi cũng giữ bản thân mình có trách nhiệm với cô ấy”, ông nói.

—————

NAM SPIDERUM, THEO HELINO Nguồn: Channel News Asia

Link gốc: http://kenh14.vn/cau-chuyen-ve-the-he-tram-cam-o-singapore-khi-cong-viec-ban-be-hay-gia-dinh-mat-dan-y-nghia-20180419064534986.chn