Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

“Cầu người” – bức ảnh chiến tranh quí hiếm

Một tình huống hy hữu trong chiến tranh đã đem đến bức ảnh đẹp, có một không hai. 40 năm sau, người chụp mới được gặp lại nhân vật của mình. Ông Phạm Văn Thính, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), tác giả bức ảnh độc đáo Cầu người, kể:

“Đấy là những ngày căng thẳng  ở chiến khu D trong đợt tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Trên đường hành quân từ mặt trận về căn cứ, trời âm u, mưa từng cơn xối xả như trút nước. Tới suối Nhum, tôi thấy dòng nước dâng cao. Bên này bờ suối thương binh tập kết khá đông. Không xuồng bè, không cầu cống, tiếng súng vẫn còn ở phía sau. Làm thế nào đưa được thương binh sang bên kia suối nhanh nhất về “cứ” để cứu chữa?

cầu người, chiến tranh, bức ảnh chiến tranh

“Cầu người” – bức ảnh chiến tranh quí hiếm Tôi đang bồn chồn thì thấy anh chị em thanh niên xung phong (TNXP) kéo những tấm ván cũ, những đòn tre, cọc gỗ, nối nhau bắc cầu. Mỗi người là một trụ cầu vững chắc. Trong chốc lát, trên vai họ hình thành chiếc cầu nổi vắt ngang dòng nước. Người phụ trách đội TNXP bước lên cầu, đi một đoạn kiểm tra an toàn, rồi ra lệnh cho đội cáng thương đi qua. Chiếc cáng thương đầu tiên từng bước nhích trên mặt ván. Thế là tôi lấy máy ảnh từ ba lô ra, vội vàng bấm mấy kiểu! Về đến căn cứ rửa phim, chọn được kiểu này ưng nhất. Sau đó, tôi viết chú thích kẹp với phim, giao cho biên tập viên gửi ra Hà Nội. Chú thích ghi rõ: “Thanh niên xung phong chiến khu D, Tây Ninh dùng ván cũ của nhà kho hậu cần làm cầu bắc trên vai, chuyển thương binh vượt suối Nhum trong chiến dịch Mậu Thân 1968”.

Xem thêm  Cảnh báo: Top con giáp ‘xui tận mạng’, bị tiểu nhân hãm hại trong tháng 8/2017

Năm 2008, đúng 40 năm sau câu chuyện này, Bảo tàng Phụ nữ TPHCM làm cuộc sưu tầm ảnh nữ TNXP thời chống Mỹ cứu nước. Bức ảnh Cầu người của Văn Thính được chọn trưng bày. Bất ngờ, một nhân vật trong bức ảnh tình cờ tham quan bảo tàng và đã thấy hình ảnh của mình. Bà là Giáp Thị Thanh Tiến, vốn là cán bộ Trường Tuyên huấn TPHCM. Bà chính là người con gái xinh xẻo, tươi tắn đứng làm trụ cầu ở góc ảnh bên phải.

Trước kia bà Tiến chưa nhìn thấy tấm ảnh bao giờ, cũng không biết tác giả là ai. Nhưng sự việc đột xuất lấy thân mình làm trụ cầu cáng thương năm ấy thì không bao giờ bà quên. Sự việc xảy ra rất nhanh, ngoài dự kiến. Xót xa anh em bị thương, cả đội TNXP nảy sáng kiến bắc cầu để cứu thương binh.

Biết được câu chuyện, nhà văn Trầm Hương bèn tìm đến tác giả và nhân vật trong ảnh hỏi chuyện, viết bài về một tình huống hy hữu trong chiến tranh. Đây có lẽ cũng là bức ảnh có một không hai, quí giá, hiếm thấy trên thế giới. Hình ảnh những người TNXP ấy, cái cáng cứu thương ấy, nó là tình người kết tinh trí thông minh, lòng quả cảm, truyền thống nhân văn của nhân dân Việt Nam.

Mấy chục năm, ông Văn Thính mới gặp lại nhân vật của mình. Họ tay bắt mặt mừng, rớt nước mắt kể về sự việc bất chợt năm xưa trên dòng nước thời lửa đạn, kể về các đội viên TNXP đã nhanh trí làm nên chiếc cầu kỳ diệu.

Xem thêm  Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: "Trinh tiết bây giờ cũng phải đặt cho đàn ông nữa"

Tuần qua, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đài truyền hình Việt Nam trình chiếu phóng sự Đi trước mở đường. Câu chuyện về bức ảnh lại được nhắc tới với nhân vật Giáp Thị Thanh Tiến. Bà Tiến hiện sống ở quận 9 TPHCM, gia đình đông vui con cháu. Còn nhà báo nhiếp ảnh Phạm Văn Thính và vợ, nhà báo Nguyễn Thị Kim Liên ở chung cư TTXVN trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM. Vợ chồng nhà báo sinh được hai con, không may các cháu bị di chứng chất độc da cam bố mẹ truyền lại, nên đã mất từ nhỏ. Căn hộ của họ trống vắng. Nhắc tới bức ảnh Cầu người, cả hai ông bà trở nên hồ hởi, phấn chấn. Thời chiến tranh ác liệt năm xưa, tuổi trẻ hăng hái năm xưa lại rộn ràng trở về- một trong những kỷ niệm chiến tranh đẹp nhất của họ.

Nguồn báo Tiền Phong