Nhiều bạn trẻ yêu nhau nhưng gia đình cấm cản. Cũng có cặp phải chia tay nhưng có những cặp nhất quyết đến với nhau. Thực tế này hiện hữu ngày càng nhiều và không ít câu chuyện đau lòng xảy ra.
Mấy ngày qua, dân mạng chia sẻ chóng mặt đoạn livestream (phát trực tiếp) của hai người trẻ là chị H.M.T (Đồng Xoài, Bình Phước) và anh T.Đ.L (Phú Yên). Họ yêu nhau nhưng nhà trai ngăn cấm. Tuy vậy, vì quá thương nhau nên cả hai đã trốn đi đăng ký kết hôn, rồi dẫn nhau vào TP.HCM sinh sống. Đoạn livestream cho thấy sự giằng co giữa cha mẹ và cặp đôi này. Cha mẹ muốn kéo bằng được con trai mình về, mặc cho L. và T. khóc lóc van xin thảm thương.
Câu chuyện của T. nhận được không ít ý kiến trái chiều. Cũng có người chỉ trích chàng trai nhu nhược và không nên hành xử với ba mẹ như vậy. Nhưng chiều ý kiến ngược lại thì nhiều hơn, thương xót cho 2 bạn trẻ và đã lên tiếng ủng hộ, an ủi cặp đôi hãy cố gắng vượt qua.
Không được áp đặt
Ở góc độ tư vấn, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình (Hội LHTN VN), nhấn mạnh: “Trong chuyện hôn nhân, hãy để người trong cuộc (tức là con cái mình) quyết định. Bởi chỉ có người trong cuộc mới biết được mình cần ai và tình yêu có lý lẽ riêng của nó. Cưới vợ, lấy chồng là cho họ, họ sẽ sống với nhau, phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, vì thế cha mẹ không thể làm thay con những điều này”.
Trong những trường hợp không tìm được tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái như thế này, bà Hiên cũng có lời khuyên: “Con cái phải kiên trì và cố gắng phấn đấu làm những điều tốt đẹp hơn để tạo thiện cảm với gia đình. Phải sống sao để ba mẹ hiểu được rằng mình đã chọn đúng. Đặc biệt phải tạo điều kiện để người bạn đời của mình có nhiều cơ hội tiếp xúc với gia đình. Trong trường hợp ba mẹ quá cứng nhắc thì nên tìm đến anh em, họ hàng. Chính những người xung quanh này sẽ có những tác động về lâu dài để cải thiện được tình hình. Về phía các bậc làm cha làm mẹ, hãy cho con những lời khuyên và chỉ ra những cái chưa được của người bạn đời mà con chọn. Không nên can thiệp quá sâu, thậm chí quá đáng rồi ép buộc con cái phải theo ý mình. Ép đến đường cùng nhiều khi con trẻ không biết làm sao để thuận được lòng của cha mẹ mà vẫn có được hạnh phúc của riêng mình nên tìm đến cách giải quyết tiêu cực. Như thế cha mẹ có thể mất tất cả”.
Nhìn nhận về thực tế này, luật gia Võ Thị Minh Huệ, Hội Luật gia TP.HCM, đánh giá: “Hiện nay có rất nhiều trường hợp bố mẹ không yên tâm về sự chọn lựa của con nên bắt đầu ngăn cản. Thậm chí có nhiều hành động bắt ép con. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh đang vô tình vượt quá giới hạn của quyền làm cha làm mẹ. Con đã lớn, đủ 18 tuổi là có quyền để quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình, cha mẹ chỉ nên góp ý chứ không phải can thiệp trực tiếp vào cuộc đời của con”.
Bà Huệ nhấn mạnh thêm: “Không có con cái nào muốn cãi lại cha mẹ cũng như không có cha mẹ nào muốn con mình không hạnh phúc. Tuy nhiên, do cha mẹ luôn có quan điểm có quyền sở hữu đối với con, tức là bố mẹ cứ nghĩ con từ nhỏ đến lớn là của mình nên mình sẽ quyết định cuộc đời của nó. Đến lúc con đã đủ tuổi để quyết định hạnh phúc thì cha mẹ vẫn cứ nghĩ quyền đó là của mình. Từ đó dẫn đến sự cố chấp và không tìm được tiếng nói chung”.
Hiểu sai về chữ “hiếu”
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, khuyên: Các bạn trẻ hãy lắng nghe lời khuyên của cha mẹ nhưng tuyệt đối không được để bất kỳ ai, kể cả cha mẹ, quyết định hôn nhân của mình. Bố mẹ có công sinh ra mình nhưng không có nghĩa là sẽ quyết định hạnh phúc cá nhân của mình. Cha mẹ can thiệp như vậy là đang xâm phạm quyền lợi và hạnh phúc riêng tư của con.
Cũng theo bà Thúy, mọi người thường áp đặt chữ hiếu nhưng lại hiểu sai về nó. Chữ hiếu lớn nhất là người làm con phải tự lo được cho bản thân và sống hạnh phúc. Trong những trường hợp này mà nghe lời cha mẹ lại là bất hiếu, vì sống với người mình không yêu thương rất dễ đổ vỡ, còn con thì mất hạnh phúc gia đình, cháu mất bố mất mẹ.
Còn thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, cho rằng: “Trong trường hợp này cả hai bên phải chịu ngồi lại, lắng nghe nhau để mà chấp nhận lẫn nhau. Các bạn trẻ nên tìm gặp những người thân khác trong gia đình ngoài ba mẹ để tìm tiếng nói chung rồi nhờ họ tác động. Chứ việc bỏ nhà ra đi cũng không phải là “thượng sách”. Các bạn nói là đã cố gắng thuyết phục hết sức, nhưng không có người cha người mẹ nào mà không thương con mình, chẳng qua là bạn chưa cố gắng hết mình hoặc sự cố gắng đó chưa đúng cách”.