Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Chat không trả lời, mail không phản hồi: Đức tính tiêu biểu của những nhân viên đáng “vứt đi”

Bạn có thể bơ cuộc gọi nhỡ của cha mẹ, bơ tin nhắn của người yêu, nhưng cứ giữ mãi thói quen bơ “chỉ thị”, tin nhắn của cấp trên, đồng nghiệp, thì tin tôi đi, ngày tàn của bạn sắp tới rồi.

Những tin nhắn trôi vào hư vô và sự phẫn nộ âm ỉ

Trong chúng ta, những con người bình thường, cũng đã từng có nhiều lúc ức chế, căng thẳng đến độ chỉ muốn tắt hết các thiết bị di động đi, out ra mọi tài khoản xã hội và biến mất một thời gian. Nhưng không phải trong bối cảnh công sở.

Lướt Facebook sau một ngày mệt mỏi rã rời vì công việc và vì 3 vạn 9 nghìn các thể loại nhân viên, tôi hay bắt gặp các bạn trẻ than thở rằng: người yêu đang online mà không trả lời tin nhắn; chưa “seen” tin nhắn nhưng đã comment dạo ở các chỗ khác, bảo đi ngủ nhưng nick vẫn còn sáng như trăng rằm.

Họ đều kêu than đó là sự ức chế cùng cực. Nhưng nếu đó mà gọi là ức chế, là điều đáng để than thở thì hãy đến với môi trường làm việc, nơi bạn gửi một chặp hai chục tin nhắn qua tất cả các kênh: Messenger, Slack, Telegram, Whatsapp, thậm chí E-mail cho một (vài) người mà vẫn không nhận được bất kì sự hồi âm nào chưa?

Hôm nay, tôi đã nhắn tin cho một cậu nhân viên, nhắc nhở về lời hứa gửi bài cậu ta hứa từ hôm qua, cho một bài viết có deadline hôm kia, được cậu ta nhận làm từ… tuần trước.

Và điều bất ngờ là gì? Không hề có một tin nhắn nào hồi âm, trả lời cho chuỗi những thắc mắc dài ngoằng và xanh lét của tôi trong hộp thư Messenger. Công việc thì cứ bế tắc ở đấy, người nhận tháo nút thắt thì lặn không một sủi tăm, vô phương vô vọng kêu gọi, cậu ta thì cứ ì ở đâu đó mà tôi cũng không thể biết được vì đó là cuối tuần.

Tôi không muốn nặng lời với bất kì đồng nghiệp nào của mình bởi chúng ta đều đã là những người trưởng thành có tự trọng. Một lời nói nặng nề, một icon đầy ẩn ý trong tin nhắn có thể dẫn đến drama công sở dài vô cùng tận, và không hề chuyên nghiệp ở cái lứa tuổi chúng ta đều lớn này rồi. Tôi chỉ lắc đầu ngán ngẩm và nghĩ thầm: những người có thói quen “mặc kệ” tin nhắn công việc, rất khó để có thể tiến xa trong sự nghiệp.

Dân công sở

Ngoài 8 tiếng làm việc, chúng ta có 16 tiếng ngoài cơ quan, trong đó là 6 tiếng dành cho cuộc sống riêng. Trong 6 tiếng ấy, rất nhiều chuyện xảy ra khiến bạn mệt mỏi, ức chế và chỉ muốn yên tĩnh ở một mình.

Nhưng nên nhớ rằng, doanh nghiệp không phải là căn phòng trọ của bạn, nơi chỉ có những đồ vật vô tri bao lấy một con người đang mệt mỏi với mớ bòng bong của mình. Hoặc nếu không phải cố ý không check tin nhắn, thì đó cũng là ý thức công việc của bạn đang rất có vấn đề, và dường như bạn đang tự đặt mình ra khỏi các công việc chung liên quan đến đoàn thể.

Doanh nghiệp là một cỗ máy đang phải chạy hết công suất để đạt được những chỉ tiêu đề ra, để đóng góp cho xã hội và chi trả thu nhập cho chính bạn. Một mắt xích trong chuỗi vận hành của doanh nghiệp bị trì trệ sẽ dẫn đến sự lục đục của cả một cỗ máy.

Bạn nằm một góc trong phòng, không trả lời tin nhắn, mặc kệ công việc, cái tủ, cái giường không vì thế mà bị ảnh hưởng. Có thể bạn vẫn sống dư giả, nhưng công việc bạn đã nhận mà không làm, tin nhắn bạn đã đọc (thậm chí là không thèm đọc) mà không trả lời, làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp, cấp trên và tiến độ chung của cả dự án, thì ai chịu trách nhiệm cho bạn?

Xem thêm  Bắc Giang: Kinh hoàng ô tô 16 chỗ bị xe tải tông từ phía sau, 1 người chết và 2 người bị thương

Dân công sở

Trên đời này, chẳng ai cho không ai cái gì. Một khi đã dấn thân vào thị trường lao động, với tư cách người lao động, cầm đồng lương trên tay, bạn phải hiểu, số tiền đó được trả cho thời gian, công sức, sự hi sinh cuộc sống của bạn cho công việc và cả những ức chế, áp lực bạn phải chịu đựng. Trong đó, việc thường xuyên phải sát sao theo dõi, đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ công việc và hoàn thành cho kịp deadline bất kể ngày đêm, ngày làm hay ngày nghỉ; đây sẽ tạo cho bạn nhiều áp lực nhất. Nhưng nhận tiền của thiên hạ thì phải làm thôi. Đó chẳng phải là trách nhiệm của bạn sao?

Đã qua rồi cái thời “chat chit là để chơi chơi”

“Mình xin phép không trả lời tin nhắn nhé. Nếu ai đó có việc gấp hãy gọi điện cho mình. Không gọi thì mình mặc định coi là không gấp nên mình sẽ hồi đáp khi nào mình rảnh nhé”

Đó là status của cô bạn đồng nghiệp tôi, người nổi tiếng “ngâm” tin nhắn đến khi chúng lên men và đống tin nhắn, email mà mọi người gửi có thể sẽ biến thành rượu nếp để được vớt ra ăn vào Tết Đoan Ngọ.

Hiện tại đang có rất nhiều người, kể cả những người trẻ đang mang trong mình khái niệm về những công cụ chat chỉ mang tiếng cá nhân, tán gẫu mà quên mất rằng, bây giờ chúng ta đã bước vào thời đại công nghiệp 4.0 – nơi công nghệ trở thành hệ sinh thái làm việc chủ yếu. Không còn cái thời mà Facebook Messenger chỉ là nơi giao lưu với nhau giữa vòng quan hệ ảo, cũng chẳng còn cái thời mà công việc chỉ có thể được bàn bạc trên E-mail. Chúng ta có hàng loạt nền tảng sinh ra để chat-về-công-việc. Telegram, Slack, Skype đã quá phổ biến, kể cả Facebook Messenger hay Viber cũng thường được sử dụng như một ngách khác không chính thống hơn để hò hét giục giã nhau về công việc rồi.

Dân công sở

Đã là tin nhắn liên quan đến công việc, bạn phải mặc định coi đó là cần-trả-lời-gấp. Cho dù đó là tin nhắn của công việc có deadline là tuần sau, hay tháng sau, quý sau, việc thì không gấp, nhưng tin nhắn phải được trả lời ngay lập tức, dù chỉ là “vâng ạ”, “em biết rồi ạ”, “tuần sau chị nhé”. Hãy cho người hỏi bạn sự hồi đáp, như một hình thức hứa hẹn khẳng định bản thân và sự tôn trọng dành cho họ.

Tôi biết có những đồng nghiệp của tôi, người yêu hay crush nhắn tin thì vồ vập ngay lập tức để trả lời, nhưng nếu là tin nhắn của đồng nghiệp hay cấp trên thì chỉ cần đọc phần preview và để đấy để trốn tránh trách nhiệm, nếu bị quở trách thì chỉ cần bào chữa kiểu “dạ em bận quá chưa đọc được tin nhắn”  và cười thầm “thì đúng là em chưa đọc mà, chị đã nhìn thấy em “seen” chưa?”

Có những người bỏ lỡ tin nhắn vì bận thật. Nhưng cũng có những người ngồi online cả buổi sáng để chọn đồ ăn trưa và nghe nhạc trên Youtube, mặc kệ những gì đang diễn ra trong group chat của công ty, thậm chí là những tin nhắn đồng nghiệp gửi trực tiếp cho mình.

Xem thêm  Vụ xe Range Rover đâm nữ sinh: Không đủ điều kiện khởi tố hình sự

Tôi gần như phát điên khi cậu cấp dưới không trả lời tin nhắn của tôi nhưng vẫn vui vẻ đùa cợt trong nhóm gọi đồ ăn trưa. Các bạn ạ, làm gì thì làm, đừng để người khác mỉa mai: “Sao thả thính với ăn uống thì nhanh thế còn tin nhắn công việc thì để 8 thế kỉ sau mới buồn trả lời?”

Dân công sở

Là một người trưởng thành, một người lao động nghiêm túc trong thời đại 4.0, bạn cần hiểu, ngoài việc “chat cho vui” ra thì giao tiếp qua mạng còn là để nhận việc, làm việc, bàn về công việc. Đây là cách cư xử đòi hỏi một thái độ nghiêm túc. Anh chị em trong công ty nói chuyện có thể vui vẻ, thoải mái, sử dụng icon, đùa nhau giữa lúc đang bàn công việc. Nhưng hơn tất cả, tốc độ phản hồi tin nhắn sẽ nói lên nhiệt huyết của bạn đối với công việc.

Chẳng ai muốn làm việc với một người mà mãi không trả lời tin nhắn để người khác phải nhận xét: “Anh gọi điện trực tiếp cho chị ấy đi, nhắn tin không bao giờ trả lời đâu”. Dần dần, bạn sẽ trở thành kẻ “vứt đi” bởi người ta thà giao việc cho một người ít kinh nghiệm hơn nhưng chủ động và nhiệt tình hơn là một kẻ tài giỏi nhưng suốt ngày tỏ ra bơ lác.

Còn một kiểu người nữa, đó là có đọc tin nhắn, có nhận chỉ thị và cắm mặt vào làm mà quên mất phải phản hồi. Họ cứ nghĩ “đọc đã rồi lát trả lời sau”, một hành vi vô tình nhưng khiến người khác khó chịu hết sức. Bởi, cái “trả lời sau” ấy cứ dần dần trôi đi đâu mất vào quên lãng, còn người hóng hồi âm thì cứ è cổ ra đợi.

Không những chat mà còn cả email. Rất nhiều người có suy nghĩ email là để thông báo, không phải để phản hồi, mình đọc để biết rồi làm sau đó nộp sản phẩm là được. Sai rồi, khi bạn nhận mail, văn hoá tối thiểu là bạn phải hồi đáp một cách tử tế, thông báo với người ta là bạn đã nhận việc, đã biết việc rồi muốn làm gì cũng được. Một dòng xác nhận “vâng ạ” không khiến người yêu bỏ đi, cũng chẳng làm bạn mất đi phân nửa cuộc đời.

Nếu bạn là người quá bừa bộn trong cuộc sống, đến cả cái Email cũng đến 10 nghìn mail chưa đọc, phần mềm chat thì cứ đùn một đám thông báo chưa được duyệt qua thì làm ơn, hãy ngay lập tức sửa đổi cái tính ấy. Tập check các email vào khoảng thời gian thong thả đầu ngày, tập lựa ra một thời điểm nhất định để đọc cho bằng hết các inbox công việc đi.

Tôi biết có nhiều người, phần mềm chat của họ luôn bị tắt thông báo vì tham gia quá nhiều nhóm công việc, không thể để tiếng ting-ting làm họ phát điên, điều này dễ hiểu và hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng cái đáng nói là, chưa bao giờ họ bị mất thông tin và bỏ qua email nào không check cả. Theo tôi, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa những người thật sự coi trọng công việc và những kẻ hời hợt nửa vời, cũng là điểm khác biệt giữa người chuyên nghiệp và những kẻ lêu têu.

Năm 2018 rồi, những ai còn giữ tư tưởng: chat chit là để chơi, gấp thì gọi điện, siêu gấp thì gửi văn bản, hãy tin tôi đi, tờ giấy thông báo nghỉ việc sẽ sớm xuất hiện trên bàn bạn thôi. Cái này là siêu gấp!

Dân công sở

Theo Trí thức trẻ/Kenh 14

Link gốc