Tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành từng kể lại một chuyện cũ xảy ra năm ông 14 tuổi. Đó là năm ông được một thầy tướng già xem tướng và phán 1 câu chắc như đinh đóng cột.
Ngày lễ hiến chương các nhà giáo hôm đó, tôi nhận được sự nhờ giúp đỡ từ bố mẹ một cậu học sinh.
Bốn năm trước, tôi là giáo viên chủ nhiệm của em học sinh này. Thành tích thi đại học của cậu học trò năm đó rất tốt, đậu vào trường danh tiếng, vừa tốt nghiệp đại học hồi tháng 7 năm nay.
Về lý mà nói, học sinh của tôi phải đi làm rồi.
Thế nhưng không ngờ, phụ huynh của em đó lại rầu rĩ cho biết, con mình cũng đã tìm được vài việc nhưng việc thì chê nặng nhọc vất vả, việc lại chê ít tiền, những việc nhiều tiền người ta không thuê cậu, những việc ít tiền cậu lại xem thường, thế nên cậu cứ ở lỳ trong phòng chơi điện thoại, chơi game cả ngày giết thời gian.
Vị phụ huynh này trình độ văn hóa dù mới chỉ hết cấp 2, đến Thâm Quyến (Trung Quốc) làm thuê từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng sau nhiều năm nỗ lực làm việc, vợ chồng họ cũng đã làm nên sự nghiệp, có nhà, có xe, thầu công trình xây dựng cũng có của ăn của để.
Vậy nhưng điều đáng buồn là họ đã không truyền lại được cho con tinh thần phấn đấu nỗ lực không ngừng ấy. Vì cho rằng đời mình đã khổ đủ rồi, không muốn con phải chịu khổ thêm nữa mà họ rất mực nuông chiều con cái, sẵn sàng thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất của con.
Giờ đây, con ra nông nỗi này, họ cảm thấy thực sự bế tắc và muốn nhờ tôi tìm giải pháp và tác động giúp.
Chia sẻ của vị phụ huynh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo chung đến những người làm cha mẹ hiện nay, rằng đừng nên chiều hư con trẻ, để rồi sau này khi lớn lên, ngay đến cuộc sống của chính mình chúng cũng chẳng thể tự lo nổi chứ chưa nói đến việc lo cho cha mẹ và những người thân xung quanh.
Hãy luôn chọn thời điểm để nói và dạy trẻ bằng hành động thực tế, rằng cuộc sống hạnh phúc mà con được hưởng hiện tại là do bố mẹ nỗ lực cố gắng không ngừng mới có được.
Đó là cuộc sống của bố mẹ. Còn cuộc sống của con, tương lai của con, con phải dùng chính đôi bàn tay của mình gây dựng lên.
Bản thân những người trẻ tuổi cũng luôn phải tự ý thức về việc xâu dựng cuộc sống của chính mình bằng bàn tay, khối óc của chính mình chứ không thể nhờ cậy vào ai khác.
Dưới đây là 3 việc những người trẻ tuổi cần kiên trì thực hiện để không phải sống một cuộc đời vô nghĩa.
1. Nỗ lực tự xây dựng bản thân
Trong cuốn “Hành động anh hùng” của mình, tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành đã kể lại một chuyện cũ xảy ra năm ông 14 tuổi.
Theo đó, một thầy tướng già từng nói với mẹ của Lý Gia Thành rằng: “Con trai cô thứ nhất ánh mắt vô hồn, thứ hai gầy gò như que củi, sau này khó mà có thể làm được việc gì to tát.”
Mẹ của Lý Gia Thành khi đó rất lo lắng và buồn bã. Song bà vẫn an ủi con: “Thành à, mệnh trời khó tính, ông trời nhất định sẽ hậu đãi những người lương thiện và nỗ lực.”
Lý Gia Thành bảo mẹ yên tâm. Và ông luôn tin rằng, chỉ có tương lai do chính đôi bàn tay mình kiến tạo ra mới là vận mệnh duy nhất có thể tin tưởng được.
Khi đó, bố của Lý Gia Thành vừa qua đời, lại phải đối mặt với thực trạng chiến loạn, nghèo khó, cuộc sống trước mắt thật vô cùng tối tăm mù mịt.
Để nuôi mẹ và ba em nhỏ hơn mình, 14 tuổi, Lý Gia Thành nghỉ học, chính thức bước vào cuộc sống mưu sinh.
Từ một cậu học việc, dọn vệ sinh ở quán trà, Lý Gia Thành trải qua vài lần đổi việc, lúc thì làm nhân viên ở tiệm đồng hồ, lúc thì làm nhân viên bán hàng ở xưởng ngũ kim, cuối cùng ông tự tay gây dựng tập đoàn Trường Giang và trở thành một tỉ phú giàu có, được người người kính nể.
Thế mới thấy, việc dùng đôi bàn tay của mình tự nhào lặn ra cuộc sống của chính mình với một thái độ tích cực và cầu thị có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời thế nào.
Dám vượt qua khó khăn thử thách, nhìn cuộc sống dần hình thành theo đúng cách mà mình đang theo đuổi, đó chính là hạnh phúc thực sự.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh chúng ta đang có không ít những người trẻ tuổi sống trong một vỏ bọc an toàn thoải mái do bố mẹ tạo ra, lãng phí thời gian một cách vô vị và tẻ nhạt hết ngày này qua tháng khác mà không hề có ý vận động cả về thể xác lẫn tinh thần.
Họ cũng chẳng bao giờ đặt câu hỏi: “Mình muốn gì, mình sống vì cái gì, mục tiêu tiếp theo của mình là gì?”
Lý Gia Thành từng nói: “Đời người như giấc mộng, 70 năm thoáng cái đã vụt qua, người xem tướng năm nào xem thường một cậu thanh niên gầy gò, ánh mắt vô hồn, nhưng tôi đã chứng minh rằng ông ấy đã sai bằng chính nỗ lực tự lập thân của mình.”
2. Kiên trì mơ ước
Chẳng có ai tự nhiên mà thành công trong cuộc sống. Thành tựu chân chính luôn phải đổi bằng mồ hôi và xương máu.
Có những lúc, chúng ta ngưỡng mộ những minh tinh nổi tiếng, cảm thấy họ kiếm tiền sao mà đơn giản nhẹ nhàng đến vậy.
Thế nhưng hãy ngẫm lại, xem có bao nhiêu người từ khi đặt chân vào nghề đã có thể lập tức chạm tới vinh quang?
Không ít người vì sợ khổ mà bỏ cuộc, mơ ước, mục tiêu vì thế mà luôn ở trong trạng thái dang dở. Không đủ kiên trì vượt khó, chúng ta sẽ trở thành người đạp đổ tiền đồ của chính mình.
Ảnh minh họa.
3. Sống thực tế, thực sự phấn đấu, đừng mơ mộng hão huyền
Là một người bình thường, chúng ta không nhất định phải công thành danh toại nhưng nhất định phải phấn đấu một cách thực sự.
Hàng xóm nhà tôi là một đôi vợ chồng trung niên, người chồng làm môi giới nhà đất, vợ làm việc ở nhà máy. Sống cạnh nhau lâu ngày, tôi dần trở nên kính trọng họ.
Họ đều là những người chỉ mới tốt nghiệp cấp 2, đến Thâm Quyến làm ăn sinh sống. Người chồng là ông Trương ban đầu chỉ là nhân viên bảo vệ trong khu dân cư nhưng ông làm việc rất cần mẫn, hài hòa và dễ chịu.
Ông nhớ rõ biển số xe của từng nhà, mỗi hộ có bao nhiêu người ông đều thuộc như trong lòng bàn tay, nhà nào có việc gì gọi ông đều nhiệt tình giúp đỡ.
Về sau, ông Trương đổi sang nghề môi giới bất động sản, vì nhà nào cũng quen biết và tín nhiệm, làm việc lại chu đáo nên các chủ nhà có nhu cầu bán hay cho thuê đều nhờ qua ông.
Còn vợ ông ngày mới đến Thâm Quyến từng làm giúp việc, sau bà tự học thêm lên, cuối cùng vào nhà máy làm việc. Theo thời gian, sự phấn đấu và kinh nghiệm, giờ đây bà đã là một quản lý cấp cao.
Hơn chục năm, từ tay trắng, họ gây dựng được cuộc sống sung túc đầy đủ, có nhà cửa, con cái đủ đầy, hạnh phúc viên mãn.
Vậy nhưng áp lực của họ vẫn rất lớn, họ vẫn phải ra sức kiếm tiền, nuôi con và để có một cuộc sống tốt hơn nữa. Cảm giác hạnh phúc của họ cùng với sự phấn đấu của bản thân mà không ngừng tăng lên.
Có lẽ, hồi đầu khi đến Thâm Quyến, họ nhỏ bé đến mức chẳng ai biết họ là ai; có lẽ, sự phấn đấu suốt 18 năm qua của họ cũng chưa là gì so với những cậu ấm cô chiêu được thừa hưởng gia tài từ cha mẹ.
Nhưng vậy thì đã sao, họ tôn trọng bản thân, trong mắt họ có sự nỗ lực hết mình của bản thân, vậy là đủ.
Ảnh minh họa.
Cũng như cậu học trò của tôi, có lẽ hiện giờ cũng đang có không ít bạn trẻ không muốn chịu vất vả, chỉ muốn giàu có, thành danh chỉ sau một đêm nhưng điều đó là hoàn toàn bất khả thi.
Đừng trách xã hội bất công, hãy xem lại bản thân và hành động tích cực trước khi đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan.
Nguyễn nhung – TTT