Thứ bảy, Tháng mười một 2
Shadow

Chiến tranh biên giới 1979: Quân TQ thổi kèn tấn công bằng biển người nhưng vũ khí hiện đại nhất còn thua kém VN

Chiến tranh biên giớiChiến tranh biên giới

Các loại vũ khí mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 nhìn chung không hiện đại hơn chúng ta, thậm chí còn kém hơn.

Xem thêm  Hiền Mai: Trầm cảm, "chiến tranh" với chồng vì mẹ đẻ, mẹ chồng ở chung một nhà

Cách đây 40 năm về trước, rạng sáng ngày 17/2/1972, Bắc Kinh bất ngờ xua hơn nửa triệu quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam sau một thời gian dài tiến hành nhiều hoạt động gây hấn.

Theo các tài liệu phía ta tổng kết sau này, quân xâm lược Bắc Kinh huy động tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với tổng số binh sĩ lên tới 600.000 người. Đây được xem là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.

Về mặt vũ khí, chúng triển khai đến 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 948 máy bay sẵn sàng phía sau.

Số lượng thì đã rõ, tuy nhiên bây lâu nay không nhiều tài liệu nhắc tới cụ thể chủng loại vũ khí mà Bắc Kinh sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979.

Vậy Quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam đầu năm 1979 đã sử dụng những loại vũ khí nào, có vượt trội hơn chúng ta khi đó hay không?

Huy động vũ khí hiện đại nhất cũng chỉ ngang ngửa!

Thực tế không có tài liệu nào ghi rõ chi tiết về chủng loại vũ khí mà quân Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Hoặc cũng có thể những tài liệu như vậy chưa bao giờ được giải mã.

Chỉ biết rằng căn cứ theo hình ảnh tư liệu về cuộc chiến, thời điểm năm 1979, quân đội Trung Quốc có thể nói đã huy động tất cả những gì họ có trong tay, trừ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân ném vào cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

– Tiểu liên

Về mặt trang bị cá nhân, phần lớn các binh sĩ Trung Quốc sử dụng khẩu súng trường tấn công Type 56 (Việt Nam gọi là K56) được nước này tự sản xuất theo mẫu AK-47 và AKM Liên Xô.

Type 56 có cấu tạo và nguyên lý hoạt động tương tự AK-47, chỉ có chút khác biệt nhỏ ở lưỡi lê và đầu ruồi. Súng dùng đạn 7,62x39mm, tốc độ bắn 600-650 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 300-400m, xa nhất 800-1.000m.

Ngoài Type 56, các binh sĩ Trung Quốc còn sử dụng phiên bản báng gấp Type 56-I (tương đương mẫu AKMS của Liên Xô). Thường khẩu này hay trang bị cho các đơn vị trinh sát đặc nhiệm hay lính tăng đòi hỏi khẩu súng gọn nhẹ.

Chiến tranh biên giới

Trang bị của một lính Trung Quốc bị quân dân phía Bắc bắt sống năm 1979. Vũ khí ngoài lựu đạn còn có khẩu súng carbine Type 56.

Đáng chú ý, cũng căn cứ vào tư liệu hình ảnh, ngoài tiểu liên Type 56, một phận không nhỏ binh sĩ Trung Quốc súng carbine bán tự động Type 56 sản xuất theo mẫu SKS của Liên Xô (Việt Nam thường biết tới cái tên CKC).

Cơ bản thì carbine Type 56 cũng không khác gì nhiều SKS khi dùng đạn 7,62x39mm, tốc độ bắn 35-40 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 400m.

Ngoài ra, lính Trung Quốc được ghi nhận là sử dụng mẫu súng trường tấn công Type 63 – thiết kế sản xuất trên cơ sở kết hợp khẩu Type 56 carbine và tiểu liên Type 56.

Type 63 có hình dáng khá giống khẩu carbine, tuy nhiên nó sử dụng hộp tiếp đạn kiểu AK-47 nhưng chỉ có 20 viên. Tất nhiên, khẩu súng này bên trong có cơ cấu cơ khí khác biệt cho phép đạt tốc độ bắn liên thanh 680-725 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 100-800m.

Nhìn chung, trang bị cá nhân của binh sĩ Trung Quốc thời điểm năm 1979 chỉ ngang ngửa với Việt Nam, không có gì vượt trội hơn. Lúc bấy giờ, bộ đội ta cũng chủ yếu sử dụng AK/Type 56, CKC và có cả khẩu Type 63.

– Trung liên – đại liên

Đối với loại vũ khí quan trọng dùng để tiêu diệt sinh lực địch tập trung, chi viện cho bộ binh chiến đấu, lính Trung Quốc năm 1979 được cho là chủ yếu sử dụng khẩu súng cũng tên là Type 56.

Nó được Trung Quốc sản xuất trên cơ sở tham khảo khẩu RPD của Liên Xô. Súng sử dụng cỡ đạn 7,62x39mm với hộp tiếp đạn tang trống 100 viên, tốc độ bắn lý thuyết 650 phát/phút.

Ngoài ra, bộ binh Trung Quốc còn được cho là đã sử dụng khẩu trung liên đa công dụng Type 67 có chút tương đồng với dòng PK Liên Xô. Nó dùng đạn 7,62x54mmR, tốc độ bắn 650-700 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 800-1.000m.

Với đại liên, quân Trung Quốc có thể chủ yếu sử dụng khẩu Type 54 – chế theo mẫu DShK 12,7mm của Liên Xô với cùng tính năng.

Chiến tranh biên giới
Lính Trung Quốc sử dụng súng chống tăng Type 69 và trung liên Type 56.

– Súng chống tăng

Thời kỳ này, hỏa lực chống tăng của quân Trung Quốc cũng không hiện đại hơn Việt Nam. Chúng chủ yếu sử dụng khẩu Type 69 được làm trên cơ sở khẩu RPG-7 mà chúng ta thường gọi là B41.

Khẩu này được Trung Quốc sản xuất vào năm 1969 để thay thế Type 56 (sản xuất trên cơ sở RPG-2, Việt Nam gọi là B40). Nó có cỡ nòng 40 mm, trọng lượng 5,6 kg, dài 910 mm, tầm bắn hiệu quả 200 m và xa nhất đạt tới 600 m.

Các loại đạn dành cho Type-69 đều do Trung Quốc sản xuất, khác biệt với đạn RPG-7 và không thể lắp chung cho nhau.

Đối với tên lửa chống tăng, năm 1979 được xem là năm ra đời của tổ hợp tên lửa HJ-73 (Hồng tiễn – 73) được Trung Quốc chế tạo theo mẫu AT-3 của Liên Xô. Tuy nhiên, không rõ việc chúng có sử dụng trong chiến với Việt Nam hay không.

– Pháo – súng cối

Về loại hỏa khí quan trọng trong thành phần lục quân chuyên dùng để tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy các công sự kiên cố, Trung Quốc năm 1979 đã tung vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam toàn bộ các khẩu pháo tốt nhất của mình từ cỡ 76-152mm.

Tuy nhiên, nhìn chung “vua chiến trường” Trung Quốc không có gì tốt hơn Việt Nam, quá lắm chỉ là ngang ngửa. Bởi đa số các loại pháo Trung Quốc sử dụng đều được sản xuất theo mẫu Liên Xô, mà Việt Nam cũng có trang bị y hệt. Thậm chí, nói một cách chủ quan, “hàng chính hãng” Việt Nam có thể tốt hơn hẳn.

Chiến tranh biên giới
Lựu pháo Type 54 122mm của lính Trung Quốc.

Có thể điểm qua một vài loại pháo, súng cối như khẩu lựu pháo Type 54 122mm được làm theo mẫu M30 122mm của Liên Xô. Pháo có tầm bắn 11,8km, tốc độ bắn 5-6 phát/phút.

Hay khẩu Type 66 152mm được làm theo khẩu D20 152mm của Liên Xô (cũ). Pháo có tầm bắn 17-18km với đạn pháo thông thường.

Hỏa lực pháo kéo bắn xa nhất mà Trung Quốc huy động xâm lược Việt Nam cũng chỉ là khẩu Type 59 130mm làm theo mẫu M46 130mm (bắn xa 27-28km) mà Việt Nam sử dụng rất thành công trong kháng chiến chống Mỹ.

Với súng cối, binh sĩ Trung Quốc sử dụng phổ biến khẩu Type 67 82mm được làm theo mẫu PM-41 Liên Xô với tầm bắn khoảng 3km. Ngoài ra, quân Trung Quốc có thể còn sử dụng súng cối hạng nặng 160mm Type 56 làm theo kiểu 160mm M1943 của Liên Xô. Khẩu này có tầm bắn 5,1km, nạp đạn bằng đuôi.

Tuy không quá nổi bật, nhưng có nhiều hình ảnh xác nhận việc quân xâm lược Trung Quốc đã sử dụng một vài loại pháo phản lực phóng loạt. Ví dụ như Type 70 được chế tạo vào cuối những năm 1960.

Loại này thiết kế trên khung gầm xe thiết giáp chở quân Type 63 với bệ phóng 19 ống 130mm, tầm bắn khoảng 11km.

Ngoài ra, có thể quân Trung Quốc còn sử dụng cả các khẩu pháo phản lực Type 63 107mm (kéo xe hoặc là lắp trên thùng xe tải). Trong khi đó, Việt Nam đã có trong tay pháo phản lực BM-21 Grad thuộc loại hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

– Xe tăng – thiết giáp

Về tăng – thiết giáp, theo các thống kê sau này, quân xâm lược Trung Quốc trang bị khoảng 550 xe tăng biên chế cho 6 trung đoàn. Chiếm đa số các xe tăng được sử dụng là loại tăng hạng nhẹ Type 62.

Mặc dù lúc bấy giờ, quân Trung Quốc có trong tay loại Type 59 tương đương với T-54 của Việt Nam. Tuy nhiên, địa hình toàn đồi núi ở biên giới phía Bắc Việt Nam đã khiến chúng chỉ có thể sử dụng Type 62 với khả năng cơ động tốt.

Cho nên, có thể xem Type 62 là loại xe tăng hiện đại nhất mà quân đội Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Chiến tranh biên giới
Bộ đội ta bắt sống xe tăng Type 62 của quân xâm lược.

Type 62 là phiên bản giản lược từ Type 59 với giáp mỏng hơn (35-50mm), pháo nhỏ (rãnh xoắn 85mm), bù lại nó có tốc độ nhanh 60km/h trên đường bằng và 35km/h địa hình không bằng phẳng.

Đối với xe thiết giáp, quân Trung Quốc năm 1979 chủ yếu sử dụng loại xe thiết giáp chở quân Type 63 – “taxi chiến trường” tiêu chuẩn, tốt nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ.

Nói thêm một chút về Type 63, nó vốn là thiết kế “độc lập” đầu tiên của Trung Quốc mà không đi “tham khảo Liên Xô”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đánh giá, hình dạng Type 63 trông khá giống loại M113 của Mỹ.

Loại này nhìn chung bọc thép mỏng dày 14mm, trên nóc xe lắp giá súng máy 12,7mm nhưng thiếu tấm thép bảo vệ xung quanh khiến xạ thủ dễ bị tổn thương.

– Không quân – Hải quân

Mặc dù được ghi nhận là đã “dự trù” sẵn số lượng hàng trăm máy bay chiến đấu cùng toàn bộ hạm đội Nam Hải hướng biển, nhưng hai lực lượng này không tham chiến.

Nói chung, trang bị vũ khí của quân Trung Quốc năm 1979, dù đã huy động mọi thứ tốt nhất có thể nhưng không hề khá hơn Việt Nam. Nếu không muốn nói rằng, vũ khí Trung Quốc tương tự Việt Nam. Thậm chí, bộ đội Việt Nam có lẽ còn trang bị tốt hơn như thế khi mà chúng ta vừa thu được số lượng lớn chiến lợi phẩm năm 1975.

Ưu thế của Trung Quốc lúc bấy giờ có lẽ là yếu tố bất ngờ, quân số cực đông và điều kiện hoàn cảnh thuận lợi khi mà Việt Nam đang dồn toàn lực đối phó quân Khmer Đỏ trên tuyến biên giới Tây Nam.

Điều đó đã khiến lực lượng phòng thủ khu vực biên giới phía bắc Việt Nam có phần “mỏng đi” khi chủ yếu gồm các sư đoàn bộ đội địa phương, cảnh sát vũ trang, dân quân tự vệ…

Thế nhưng, diễn biến 30 ngày chiến tranh và kết quả cuộc chiến lại cho thấy điều ngược lại, đông hơn nhưng không có nghĩa quân Trung Quốc giành được thắng lợi “hoàn hảo”.

Ngược lại chúng vấp phải sự kháng cự dữ dội của quân dân biên giới phía Bắc Việt Nam và hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê từ phía ta, tổng lượng thương vong của quân xâm lược Trung Quốc lên tới 62.500 người, phá hủy hàng trăm xe tăng thiết giáp, thu giữ nhiều loại vũ khí.

Kết quả mỗi cuộc chiến, nguyên nhân thắng lợi hay thất bại vẫn luôn gây tranh cãi suốt hàng chục năm không thể ngã ngũ. Tuy vậy, việc Trung Quốc chịu thiệt hại tới 1/10 lực lượng xâm lược Việt Nam có lẽ một phần tới từ chiến thuật biển người cổ lỗ sĩ…

Chiến tranh biên giới
Bắt sống quân xâm lược Bắc Kinh năm 1979.

Đủ súng ống vẫn thổi kèn rồi dùng biển người tấn công!

Chiến thuật biển người là một chiến thuật quân sự mà trong đó, một bên dùng số lượng áp đảo của mình tấn công ào ạt đánh giáp lá cà, chấp nhận thương vong bởi lúc xung phong sẽ bị hoả lực của đối phương dễ dàng làm tiêu hao.

Chiến thuật này tuy không phải xuất phát từ Trung Quốc nhưng lại được nước này sử dụng liên tục kể từ chiến tranh Trung – Nhật, nội chiến Quốc – Cộng và tới cả chiến tranh Triều Tiên.

Cụ thể chiến thuật này bao gồm nhiều làn sóng người. Các làn sóng này liên tục tràn lên nhiều khi không có ranh giới rõ ràng giữa các đợt. Làn sóng đầu tiên được trang bị súng, các làn sóng sau thì không. Khi làn sóng đầu có vũ khí bị tiêu diệt thì những người sau nhặt súng và tiếp tục xung phong.

Ưu điểm của chiến thuật này là tiết kiệm trang bị số lượng súng trên đầu quân, có thể là một khẩu súng dùng cho ba đến bốn người lính.

Hơn nữa nó tận dụng được lợi thế số lượng đông đảo của người Trung Quốc, lại cho kết quả rất nhanh khiến đối phương không kịp phản ứng.

Tuy nhiên, ở thời điểm năm 1979 quân đội Trung Quốc cũng gọi là trang bị tương đối hiện đại, mỗi người lính đều có súng ống đạn được đầy đủ. Thế nhưng, điều lạ là họ vẫn sử dụng tiếp kiểu đánh biển người.

Thậm chí, họ vẫn áp dụng đúng “nguyên tác” thời xưa, thổi kèn tây làm hiệu lệnh rồi ào ào xung phong.

“Có một điểm rất buồn cười là họ tiến công rất cổ điển khi thổi kèn tây để làm hiệu lệnh cho lính xung phong. Tuy nhiên, cứ thấy nổ súng quân xung phong lại dừng lại”, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316 trả lời Đại Lộ.

Với kiểu tấn công “ồ ạt như thác lũ”, có lẽ quân Trung Quốc khi đó nghĩ rằng họ sẽ khiến bộ đội Việt Nam sợ hãi. Thế nhưng, chúng đã lầm, bộ đội ta đã kiên cường đánh trả nhiều đợt tấn công của đối phương. Việc xông lên ồ ạt như vậy cũng “tạo điều kiện” cho hỏa lực phía ta “khỏi ngắm cũng trúng”.

Có thể nói, kết quả cuộc chiến là minh chứng rõ nét việc chiến thuật biển người của Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại ở Việt Nam.

Xem thêm  Chiến tranh biên giới Việt-Trung: Đặng Tiểu Bình và những toan tính trước ngày 17/2/1979

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link