Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Chiến tranh biên giới 1979: “Trong cuộc chiến tranh này, đồng bào mình bị giết bằng cách quá rùng rợn”

chiến tranh biên giới

Đã 4 thập kỷ trôi qua kể từ ngày cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 nổ ra. Dù chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn nhưng sự khốc liệt, sự ám ảnh của nó để lại trên đất nước Việt Nam không hề thua kém bất cứ cuộc chiến tranh nào.

Xem thêm  Chiến tranh biên giới 1979: Quân TQ thổi kèn tấn công bằng biển người nhưng vũ khí hiện đại nhất còn thua kém VN

Là người có mặt tại vòng vây Hoà An (Cao Bằng) ngay từ khi quân đội Trung Quốc bắt đầu đưa quân tiến vào biên giới lãnh thổ Việt Nam, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường đã ghi lại được gần như trọn vẹn 17 ngày đêm tàn khốc đó.

Hiện nay, ông vẫn còn lưu giữ được khoảng 1.000 bức ảnh về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979). Tất cả đều là những khoảnh khắc tư liệu lịch sử quý giá.

Ông không chỉ ghi lại những ký ức đau thương của dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, mà còn cả những khoảnh khắc thể hiện tình cảm quân dân vô cùng xúc động, hay thái độ đối xử khoan hồng của bộ đội ta với tù binh Trung Quốc.

Ở tuổi 83, ông tâm sự: “Trong thâm tâm tôi nghĩ chiến tranh thì không ai mong muốn cả, đặc biệt là dân tộc mình lại càng không. Thế nhưng nói vậy không có nghĩa là khi kẻ thù đến xâm lược mà mình sợ hãi chúng.

Mỗi dân tộc đều có cuộc sống, có lãnh thổ đất đai riêng của người ta, anh không thể nào xâm phạm được”.

chiến tranh biên giới

Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường – người hiện đang lưu giữ gần 1.000 bức ảnh về cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979.

“Chiến tranh xảy ra, phụ nữ và trẻ con là những người khổ sở nhất”

– Gần 4 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Trung Quốc đưa quân tràn sang lãnh thổ Việt Nam gây nên cuộc chiến biên giới năm 1979, là người có mặt và chứng kiến gần như trọn vẹn cuộc chiến đó, cảm xúc hiện tại của ông như thế nào?

Đầu tiên chúng ta phải nhìn nhận đó thật sự là một cuộc chiến tranh, dù chưa đến 20 ngày (từ 17/2 đến 3/3) nhưng mức độ tàn ác dã man của nó không hề khác được những cuộc chiến tranh khác.

Tôi còn nhớ thời điểm bên mình phát động chiến tranh chống lại quân xâm lược, toàn dân hăng hái lắm. Thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ đã vào độ tuổi trung niên rồi cũng vậy. Khi hay tin đất nước bị xâm lược, người dân yêu nước nào cũng cảm thấy trách nhiệm của một công dân với tổ quốc, sẵn sàng ra trận, không nề hà hiểm nguy.

Thế nhưng một thời gian sau tôi có cảm giác hình như người ta đã lãng quên cuộc chiến ấy, rất nhiều thế hệ con cháu tôi gần như không biết gì về nó. Tôi từng nhiều lần về lại Cao Bằng, gặp lại những người đồng đội năm xưa. Về cảm giác chung, mọi người đều cảm thấy có chút buồn.

– Ông còn nhớ hình ảnh 17 ngày đêm khốc liệt đó?

Thực ra phía Trung Quốc bắt đầu đánh mình ngày 17/2 nhưng trước đó đã xâm phạm biên giới và nhiều lần gây hấn rồi.

Trước tình hình đó, Bộ Văn hoá đã chỉ thị cho các văn nghệ sĩ như tôi, nhạc sĩ Thái Cơ, nhạc sĩ Phó Đức Phương lên Cao Bằng làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân chuẩn bị cho cuộc chiến.

Tết nguyên đán tất cả đều về. Đến sau Tết các anh ấy không lên nữa mà chỉ có tôi lên. Tôi có mặt tại Hoà An ngày 16 thì sáng 17 Trung Quốc bắt đầu đánh, vì thế tôi có điều kiện ghi lại trọn vẹn cuộc chiến.

Dân tộc mình đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta biết thế nào là sự tàn bạo của kẻ thù. Thế nhưng nếu lính Pháp lính Mỹ giết người bằng súng bằng bom, thì lính Trung Quốc giết dân ta bằng những dụng cụ thô sơ. Họ đập đầu, chặt chân, chặt cổ.. rất kinh khủng.

Không những vậy, họ còn đốt kho thóc, những khu vực không hề liên quan tới cuộc chiến này như nhà trẻ, cơ quan bà mẹ trẻ em cũng bị đập phá.

Đồng bào mình bị chết thì tôi cũng từng được chứng kiến, thế nhưng trong cuộc chiến tranh này, đồng bào mình bị giết bằng cách quá rùng rợn.

Tôi còn nhớ sáng 17, tôi thấy đồng bào mình chạy hớt hơ hớt hải, có hai em bé cõng nhau chạy sơ tán ngơ ngác lạc mẹ, rồi một em bé khác ngồi bên vệ đường cạnh bà mẹ máu mê đầm đìa. Lúc ấy tôi nghĩ bà mẹ đã chết, rồi may sao có chiếc xe ca chạy đến, một cô bộ đội xuống bế em bé và cả bà mẹ đưa lên xe.

Những khung cảnh đau thương đó đập vào mắt mình, tôi nhận thấy, chiến tranh xảy ra, phụ nữ và trẻ con là những người khổ sở nhất.

chiến tranh biên giới
Nhà trẻ thị xã Cao Bằng đổ nát tan hoang vì bom mìn

chiến tranh biên giới
Cô bộ đội cứu em bé trên đường hành quân ra trận

– Điều gì khiến ông cảm thấy xúc động nhất khi nhớ về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979?

Đó chính là tinh thần đoàn kết của quân và dân ta. Đặc biệt trong cuộc chiến đấu này, không chỉ các nam thanh niên trai tráng mà cả những chị em chân yếu tay mềm cũng đóng góp sức lực của mình. Đồng bào bà con thiểu số cũng tham gia theo lời kêu gọi, xung phong đi tòng quân ngay.

Họ cùng nhau vắt những nắm cơm mang cho bộ đội, vận chuyển lương thực ra chiến trường, xung phong đi tải thương…

Tôi cảm nhận được lòng yêu nước của dân mình, khi chiến tranh xảy ra, mọi người đều có trách nhiệm với tổ quốc. Điều đó làm tôi cảm thấy vô cùng xúc động.

chiến tranh biên giới

Các cô gái đang nắm cơm mang ra chiến trường cho bộ đội

chiến tranh biên giới

Các chị ở Hội phụ nữ Hoà An đang tải thương binh về tuyến sau

“Cái đồi cao như thế, tôi hùng hục leo lên, vừa thở vừa chụp”

– Tác nghiệp trong bom đạn ác liệt như vậy, ông hẳn đã gặp rất nhiều khó khăn?

Điều kiện tác nghiệp lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế. Chúng tôi chỉ dùng một loại máy ảnh duy nhất là Zenit của Nga. Thế nhưng cái máy đó không thích hợp với điều kiện khí hậu của mình.

Vào khoảng tháng 2, miền Bắc của nhiều sương mù ẩm, cái khẩu độ ống kính mở toác ra không đóng lại được, nên đa phần ảnh của tôi đều bị quá sáng. Cũng may do mình được học bài bản nên biết cách xử lý. Mọi khi tráng ảnh 4 phút chẳng hạn, nhưng lúc đó tôi chỉ tráng khoảng 2 phút xem ảnh lên rồi thì thôi.

Cuộc chiến tranh thì ác liệt vô cùng, thế nhưng cũng may là mình ghi lại được hết những hình ảnh cần ghi.

Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy lại hăng say thế. Nó chơi một phát đạn là mình chết. Nhưng lúc ấy không nghĩ gì cả chỉ cốt sao làm tròn nhiệm vụ của mình. Cái đồi cao như thế, tôi hùng hục leo lên, vừa thở vừa chụp.

Chiếc áo nato nhiều ngăn như thế, mà tôi chụp phim xong tháo bỏ vào ngăn bên này bên kia không kịp mở. Có những khi chụp xong, tôi buộc phải vứt chiếc áo đi vì mùi đạn bom lẫn mùi xác người quện vào nhau hôi không chịu nổi.

– Cảm giác của ông khi giơ máy lên chụp xác của những người dân vô tội đã bị chết vì cuộc chiến đó ra sao?

Nói thật cảm xúc của tôi lúc bấy giờ không còn nữa mà lý trí nhiều hơn, tôi chỉ nghĩ làm thế nào để mình có thể ghi lại được tội ác của quân thù. Thế nhưng khi về rồi mới ngấm, cái cảm giác đó thật là kinh khủng.

Trong thâm tâm tôi nghĩ chiến tranh thì không ai mong muốn cả, đặc biệt là dân tộc mình lại càng không. Thế nhưng nói vậy không có nghĩa là khi kẻ thù đến xâm lược mà mình sợ hãi chúng.

Mỗi dân tộc đều có cuộc sống, có lãnh thổ đất đai riêng của người ta, anh không thể nào xâm phạm được.

chiến tranh biên giới
Bộ đội hành quân lên chiến trường

chiến tranh biên giới

chiến tranh biên giới
Một tên giặc xâm lược bị ta bắt sống

chiến tranh biên giới
Tên tù binh đang được đội ngũ y tế của ta chăm sóc vết thương

Xem thêm  Biên giới 1979 trước 'biển người' phương Bắc

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link