Cuộc đua “bé bắt buộc phải đọc, viết thành thạo trước khi vào lớp 1”, những trẻ không học trước lại trở thành học sinh cá biệt… Và hậu quả của thực trạng này: phụ huynh, giáo viên và đặc biệt là con trẻ – kể cả những em học chữ trước và chưa học – đều khổ sở!
ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, Q. Bình Thạnh, TPHCM – người có tiếng với nhiều phương pháp đổi mới trong dạy học ở TPHCM chia sẻ “thẳng – thật” với Dân trí quanh “vấn nạn” trẻ học chữ trước lớp 1.
Trẻ không học chữ lại thành… cá biệt
Nhấn mạnh đến việc dạy chữ trước khi đủ tuổi, trước khi vào lớp 1 là phản khoa học, có thể khiến trẻ bị tốn thương về thể chất (các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện) lẫn tâm lý (căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng thần kinh…).
Nhưng ThS Vũ Hoàng Sơn cũng thừa nhận cuộc đua “bé bắt buộc phải đọc, viết thành thạo trước khi vào lớp 1”, những học sinh không học trước thì bỗng nhiên trở thành học sinh cá biệt,…vẫn ngày càng quyết liệt.
Một lớp luyện chữ cho bé trước khi vào lớp 1 ở TPHCM
Số trẻ biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 cứ năm sau cao hơn năm trước. Ở nhiều lớp học, số trẻ chưa biết đọc có thể đếm trên đầu ngón tay. Và hậu quả của thực trạng này: phụ huynh, giáo viên và đặc biệt là con trẻ – kể cả những em học chữ trước và chưa học – đều khổ sở!
Trên vai trò giáo viên, thầy Vũ Hoàng Sơn phân tích, hầu hết những em đã biết đọc không còn hứng thú nghe giáo viên dạy. Còn những em không học trước dễ lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng, khi thấy các bạn đọc ào ào. Điều này dẫn đến các em dễ khủng hoảng ngay từ những ngày đầu tiên đi học.
Đầu năm học, lớp đã phân hóa thành nhiều “trình độ” khác nhau, giáo viên rất vất vả. Nếu giáo viên dạy theo những học sinh chưa biết gì, lúc đó sẽ dạy gì với những em đã biết? Trẻ vào lớp 1 đúng ra chỉ cần thuộc âm, nhớ được bộ chữ cái nhưng trước phong trào học trước như hiện nay, những học sinh bình thường bỗng trở thành cá biệt, có vẻ thua kém trong lớp. Dần dần, giáo viên rất dễ đánh đồng trình độ theo số đông học trò.
“Tôi hiểu sự vất vả của một giáo viên tiểu học phải dạy một lúc khoảng 35 – 40 học sinh, đặc biệt là giáo viên lớp 1. Nhưng nhiều khi, áp lực không hẳn ở chỗ cuối năm các em này phải biết đọc, biết viết mà lại là ở những áp lực xung quanh như giấy tờ, sổ sách, thanh tra, hội họp, phong trào…”, thầy Sơn nói.
Thêm nữa, nhà trường lại đánh giá giáo viên qua điểm số của học sinh, qua việc cuối năm bao nhiêu em “thi lại” để trừ điểm thi đua giáo viên (điều này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay). Chính điều đó khiến giáo viên đẩy sức ép lên học sinh, phụ huynh thì đẩy sức em lên con mình. Cuối cùng chỉ đứa trẻ ở giữa phải hứng chịu.
Phụ huynh lúng túng
Thầy Vũ Hoàng Sơn chia sẻ, dạy chữ cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 trở thành vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Đã có nhiều trung tâm và thầy cô giáo mở các lớp học dạy chữ cho trẻ, thậm chí là mở các lớp luyện chữ đẹp cho trẻ 5 tuổi… để đáp ứng nhu cầu này.
Theo ThS Vũ Hoàng Sơn (áo trắng, đeo kính đứng giữa), giáo viên đang đánh đồng theo trình độ số đông học trò và trẻ không biết chữ trước khi vào lớp 1 lại thành cá biệt
Chỉ thị của Bộ GD-ĐT nhấn mạnh “Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ” hoàn toàn phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của trẻ. Đây là lứa tuổi còn non nớt nên việc dạy học chủ yếu chỉ nên dựa trên tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, cho trẻ làm quen với các chữ cái.
Việc thay cho điểm bằng ghi nhận xét nhằm giảm áp lực thành tích, cởi trói tâm lý “phải học trước cho bằng bạn bằng bè” của không ít phụ huynh. Tuy nhiên, theo thầy Sơn, sự lo lắng thái quá của nhiều bậc phụ huynh đã vô tình đẩy con em họ rơi vào tâm lý khủng hoảng, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ.
Có thể nói đi học lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ vì trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo sang hoạt động học tập là chủ đạo của học sinh ở trường tiểu học.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ được học trước chỉ có thể phát huy được khả năng ở giai đoạn đầu tiên khi vào lớp 1, sau đó khả năng tiếp thu của các em sẽ giảm hẳn. Những trẻ được học trước cũng thường có tâm lý ganh đua, tị nạnh hơn so với các bạn chưa được học. Điều đó có nghĩa chính việc phụ huynh bắt ép con học trước đã có tác động không tốt đến tâm hồn non nớt của trẻ.
ThS Vũ Hoàng Sơn cũng cho rằng, do hiện nay hoạt động tổ chức ngày hội “Trường tiểu học của em” giúp trẻ mầm non làm quen với môi trường học tập mới chưa được các trường tiểu học và bậc học Mầm Non quan tâm đúng mức. Buổi làm quen chỉ dừng ở việc quan sát cơ sở vật chất, giao lưu với các anh, chị lớp lớn trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, hoàn toàn không có các hoạt động dạy và học trên lớp – vốn tổ chức rất khác so với bậc mầm non.
Chưa tổ chức ngày hội tư vấn cho phụ huynh, khiến nhiều phụ huynh lo lắng không biết chuẩn bị gì cho con trước khi vào lớp 1. Kết quả, nhiều người đã tìm đến các lớp dạy chữ như một hình thức giúp con làm quen nề nếp sinh hoạt, phương pháp dạy học mới ở bậc tiểu học.
Con thầy có học chữ trước khi vào lớp 1 không?
Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi với thầy Vũ Hoàng Sơn: Là một giáo viên tiểu học và cũng là một phụ huynh, thầy có thể trả lời thẳng thắn: Con thầy có học chữ trước hay không?
ThS Vũ Hoàng Sơn: Con tôi năm nay cũng bắt đầu vào lớp 1. Do biết ở trường Mầm non, các cô cũng cho trẻ làm quen với chữ cái, với con số, các bé biết làm toán qua các hoạt động trên lớp nên tôi cho bé tiếp tục những hoạt động trên thông qua bộ chữ cái, bộ đồ dùng học Toán mà bé sẽ được sử dụng trong khi học môn Tiếng Việt cũng như môn Toán ở lớp 1. Chứ bé không ngồi tập viết chữ, luyện chữ.
Trong 3 tháng hè, tôi tập trung hướng dẫn cho bé biết cầm bút đúng cách, tư thế ngồi đúng. Cùng với đó là trang bị nhiều hơn về tâm lý, các kỹ năng tự phục vụ bản thân, hòa nhập tập thể để sẵn sàng bước vào môi trường tiểu học.
Theo Dân Trí