Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới đưa vào trường học đã gây hàng loạt phản ứng tiêu cực đáng lo ngại.

Mặc dù thừa nhận cái mới gặp phải ý kiến trái chiều là điều tất nhiên, nhất là khi nó liên quan đến mọi người, mọi nhà và giáo dục con trẻ – lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm và hệ trọng.

Nhưng trước quá nhiều “sạn” được đông đảo người dân chỉ ra, thay vì bình tĩnh tiếp nhận, lắng nghe với thái độ cầu thị, thậm chí làm rõ những khác biệt để thấu tình đạt lý, thì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách “Cánh diều” đang cố chống chế chẳng mấy thuyết phục, như “thêm dầu vào lửa” làm nhiều người cảm thấy bức bối thêm.

Những kiệt tác của các đại văn hào thế giới La Fontaine hay Lev Tolstoy, những bậc thầy ngụ ngôn truyền đời từng để lại dấu ấn nhân văn cho bao thế hệ bỗng chốc trở thành chuyện khôi hài, vô cảm và nhảm nhí qua những mẩu truyện ê a kệch cỡm đầu Ngô – mình Sở, chân Bắc – tay Nam, râu ông nọ xọ cằm bà kia.

Nhiều phụ huynh phải giật mình than vãn và lo sợ sách tác hại đến con trẻ khi đọc những mẩu ngụ ngôn “Hai con ngựa”, “Quạ và chó”, “Ve và gà”, “Cua, cò và đàn cá”… Đã vậy, còn hàng loạt từ ngữ nhạy cảm, những tiếng lóng “tợp, chộp, nhá, cuỗm” vô tư mang ra dùng. Sách còn dạy trẻ con đánh ghen kiểu như “Núi cao, sông hãy còn dài/Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” mà mục đích là chỉ nhằm để “đưa bốn thanh ngang vào mô hình”.

Xem thêm  2 câu hỏi đáng ngẫm khiến mẹ Việt từ bỏ ý định cho con học trước lớp 1

Học trò lớp 1 ngay năm đầu tiên tiếp xúc với con chữ, được học vần, học tiếng, nhưng cũng là học văn, học làm người chứ đâu chỉ ê a, i tờ, ú ớ. Vì vậy, trách chi phụ huynh không thể không lo với những cải biên của nhóm biên soạn sách.

Có lẽ, không cần phải nhắc lại về những thắc mắc trước những mẩu truyện ngụ ngôn, câu chữ, vần, từ lộn tùng phèo, láy qua đá lại dễ suy diễn lung tung, dễ gieo rắc mớ bòng bong vào đầu con trẻ. Cái mà dư luận chờ đợi là thái độ nghiêm túc, cầu thị của nhóm tác giả mà đứng đầu là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với tư cách tổng chủ biên.

Có quá nhiều người bức xúc, muốn đối thoại với ông Tổng chủ biên sách, nhưng sẽ không thể có cuộc đối thoại thẳng thắn nào nếu tác giả sách vẫn mượn Tolstoy ra để làm lá chắn “Một nhà văn vĩ đại như ông thì chắc chắn không có sáng tác nào là câu chuyện phản giáo dục”.

Vâng, đại văn hào Nga và các văn nhân không phản giáo dục, có chỉ ở người hiểu và dùng không đúng. “Mọi người bình tâm, đọc kỹ, hiểu công việc dạy học sinh lớp 1 trước khi đánh giá” là điều cần thiết, nhưng không thể cho rằng “Có bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục đâu” hay lập luận vì cạnh tranh giữa các bộ sách giáo khoa nên dẫn đến nhiều ý kiến chỉ trích để rồi phớt lờ dư luận.

Thưa ông, không ai muốn những người soạn sách “đẽo cày giữa đường”, nhưng cũng không thể thấy sai mà không sửa. Hãy lắng nghe ý kiến của đa số quốc dân đồng bào, nhiều người còn đề nghị bỏ luôn, chứ không chỉ là sửa sách!

Cũng theo Giáo sư Thuyết “Lần đầu tiên sau năm 1975 ở Việt Nam có SGK xã hội hóa, không làm bằng tiền của Nhà nước mà hoàn toàn bằng tiền tư nhân. Đây là điều rất mới”. Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề, vế còn lại rất quan trọng, là việc mỗi người dân, cha mẹ học sinh phải bỏ tiền ra mua sách cho con em học kèm theo gánh nặng “lợi nhuận làm sách giáo khoa” của các nhà đầu tư. Với tư cách những “khách hàng đặc biệt”, phụ huynh có quyền được chọn lựa sản phẩm tốt nhất cho con em mình. Nếu như những người “sản xuất sách” không lắng nghe ý kiến, nắm bắt nhu cầu chính đáng của “người tiêu dùng”, thì họ phải có quyền từ chối.

Xem thêm  Những “chiêu” tính toán cực hay mà sách giáo khoa hay trường học không hề dạy bạn

Nói thẳng, bộ sách “Cánh diều” được cho là chọn lựa tốt nhất của nhà quản lý giáo dục trong 5 bộ sách giáo khoa ứng thí. Sự thẩm định, chọn lựa của các nhà chuyên môn là rất quan trọng, nhưng đừng quên sự chọn lựa của nhân dân. Chính người dân bỏ tiền ra mua sách!

Việc những hạt sạn trong SGK lớp 1 mới có được nhặt ra hay không, sửa để dùng tiếp hay phải thay sách mới không, việc phụ huynh phải bỏ tiền ra mua sách đắt hay rẻ cần được quan tâm, nhưng quan trọng hơn vẫn là tương lai con em chúng ta.

Cá nhân tôi kính trọng Giáo sư Thuyết, một nhà giáo từng là đại biểu Quốc hội có những phản biện sắc sảo liên quan quốc kế nhân sinh, nhưng không thể dựa vào lập luận kiểu “một nhà văn vĩ đại thì chắc chắn không có sáng tác nào là câu chuyện phản giáo dục”. Điều tôi quan tâm là những gì Giáo sư và nhóm tác giả đối thoại với người dân – người dùng sách cho con cháu họ như thế nào?

Và quan trọng hơn, là sự quyết liệt làm rõ trắng đen của Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ quan có thẩm quyền cao nhất chịu trách nhiệm trước quốc dân đồng bào về việc dùng SGK lớp 1 mới như thế nào?

Theo NLD