Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực “tố” thành phố phá vỡ cam kết, xử sai quy định

Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cho rằng, việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định. Đồng thời, chủ đầu tư này “tố” thành phố đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp trong việc bàn giao đất để không. 

Chủ đầu tư, 8B lê trực, thành phố phá vỡ cam kết, giấy phép xây dựng, bất động sản

Dự án 8B Lê Trực.

Tại buổi tiếp xúc, trả lời giới báo chí diễn ra chiều nay (29/8), ông Lê Văn Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực cho biết: “Thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định gây ra trong thời gian qua”.

Chủ đầu tư tuyên bố đã khởi kiện UBND thành phố

Ông Hùng cho biết, đối với dự án 8B Lê Trực, đến nay đã hơn 11 năm kể từ ngày làm thủ tục đầu tư và đã 3 năm tổ chức phá dỡ khi công trình đã hoàn thiện, dự án vẫn bỏ không, án binh bất động, không thể đưa vào khai thác do bị cơ quan chức năng thành phố phong toả.

“Việc này đã xâm hại tới quyền lợi chính đáng, quyền lợi của người mua nhà và của doanh nghiệp. Về trách nhiệm với khách hàng, chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm, chúng tôi đã làm hết sức, kêu cầu cứu, hết cách rồi. Bất đắc dĩ là phải khởi kiện UBND thành phố nhưng tròn 1 năm rồi, toà thụ lý rồi vẫn chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Cho rằng việc xử lý của cơ quan chức năng là “không đúng quy định”, đại diện May Lê Trực cũng đồng thời khẳng định, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt.

“Việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định. Trong khi giấy phép này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng”, ông Hùng nói.

Xem thêm  Khi cây xanh mọc trên bê tông cốt thép - giải pháp kiến trúc đột phá hoà hợp giữa Thiên nhiên và Con người

Ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng, thành phố đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp trong việc chủ đầu tư đã bàn giao đất mở đường Trần Phú và được phê duyệt quy hoạch chi tiết với chiều cao công trình là 70m và 20 tầng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nhắc tới việc phá vỡ giật cấp sẽ ảnh hưởng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình.

Nói rõ hơn, đại diện công ty May Lê Trực cho biết, để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng, Công ty cổ phần May Lê Trực đã cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích tương đương khác. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố, ép buộc cấp giấy phép với chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng, không giống với thiết kế ban đầu.

Không phản ứng từ đầu vì… “cho êm chuyện”

Khi được hỏi tại sao tại thời điểm bị hồi tố, cấp giấy phép không đúng với quy hoạch chi tiết (năm 2014) mà phía doanh nghiệp không có phản hồi ngay, LS Lê Văn Thiệp – VP Luật sư toàn cầu, đơn vị bảo trợ cho May Lê Trực cho biết: “Thời điểm đó chúng tôi chưa xác lập quan hệ, tham gia tư vấn pháp lý cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm đó nhận thức chung về giấy phép này, giữa May Lê Trực và UBND thành phố là dĩ hoà vi quý, người ta yêu cầu thì thực hiện chứ không biết là không đúng quy định”.

Còn theo ông Hùng: “Tại sao chúng tôi không kêu ngay từ đầu mà thậm chí khi bị kết luận sai phạm còn xin phá dỡ tầng 19 là để cho êm chuyện, để không có lùm xùm ra ngoài. Tuy nhiên, giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra. Đó là cách giải quyết của chúng tôi”.

Liên quan tới nội dung này, được biết, ngày 29/6/2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, những kiến nghị của chủ đầu tư về việc công trình thuộc diện miễn giấy phép xây dựng là “có cơ sở”. Tuy nhiên, để kết luận đúng sai, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra xem xét từng vấn đề.

Xem thêm  Điều gì khiến chứng khoán bị bán tháo?

Như Dân trí đưa tin trước đó, dự án 8B Lê Trực nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận trong thời gian qua bởi công trình này tuy chỉ “cơi nới” thêm 1 tầng so với giấy phép xây dựng được cấp nhưng về tổng thể chiều cao lại “vống” lên 16m (tương đương 5 tầng nhà) so với mức khống chế. Thêm nữa, chủ đầu tư cũng sai phạm về diện tích xây dựng khi không thực hiện việc xây giật cấp như phương án được duyệt khiến diện tích sàn “dôi ra” 6.000 m2.

Đến thời điểm này, Hà Nội khẳng định đã cơ bản cưỡng chế “cắt” xong tầng 19 của toà nhà nhưng đến phần phá dỡ diện tích sai phạm, buộc khống chế chiều cao toà nhà đúng như giấy phép xây dựng thì đang phải xin ý kiến để có hướng xử lý tiếp.

Trong quá trình “cắt ngọn” toà nhà 8B Lê Trực, phía lãnh đạo UBND quận Ba Đình từng cho biết, chủ đầu tư cũng gây nhiều khó khăn dù trực tiếp quận, phường đứng ra thực hiện cưỡng chế.

Trả lời chất vấn của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: “Hiện chúng tôi đã hạ được toàn bộ tầng 19, nhưng để hạ tiếp các tầng tiếp theo thì hiện chủ đầu tư và Hà Nội đang trình phương án kỹ thuật vì từ tầng 14 – 18 chủ đầu tư đều có giật cấp vào. Bộ Xây dựng đang mời nhà khoa học xem cắt tầng thì có đảm bảo cho dân ở hay không, hay trình phương án khác, vì chúng đặt vấn đề an toàn lên trên. Chậm là ở nguyên nhân này”.

Tuy vậy, với “trách nhiệm cá nhân”, ông Chung cũng hứa, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật và công bố công khai, kiên quyết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng với vi phạm của nhà 8B Lê Trực.

Theo Dân trí