Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Có gì ‘Bên trong bộ não của Bill Gates’?

Tỉ phú Bill Gates chưa bao giờ xa lạ với thế giới phim ảnh, có hàng chục phim tài liệu và phim truyện về ông. Nhưng trong thập niên vừa qua, ông xuất hiện dày đặc với vai trò nhà hoạt động nhân đạo.

Trong thập niên 2010 và đặc biệt từ năm 2018, danh sách phim tài liệu có Bill Gates góp mặt ngày càng dài ra như: Coronavirus, Explained (2020, Explained, tập The Next Pandemic), Inside Bill’s BrainThe Agreement (2019), nhiều tập của chương trình 60 Minutes (2013-2018)…

Bên cạnh đó là hàng chục tập phim truyền hình và chương trình ông tham gia trong vai trò khách mời.

Nhà hoạt động nhân đạo

Trước thập niên 2020, các phim tài liệu về Gates tập trung hơn về vai trò nhà sáng lập Microsoft (ông rời ghế CEO vào năm 2000) và “tỉ phú giàu nhất thế giới”.

Đến nay, khi đang là người giàu thứ hai thế giới (sau Jeff Bezos), vai trò của Gates trong phim ảnh được điều chỉnh, thiên về nhà hoạt động nhân đạo, nhà sáng lập Bill & Melinda Gates – quỹ từ thiện lớn nhất thế giới. Đó là một “Bill Gates 2.0” như tên tập phim của 60 Minutes năm 2013.

Với một con người đa diện như Bill Gates, phim ảnh khó có thể phản ánh toàn diện, kể cả trong loạt phim tài liệu có ông xuất hiện dày đặc như Inside Bill’s Brain (Bên trong bộ não của Bill, 2019). Nhưng dù sao, Inside Bill’s Brain cho thấy một bức chân dung đầy đủ nhất từ trước đến nay.

Hình ảnh Gates được phác họa sinh động qua các thước phim tư liệu, các bức ảnh từ thời thơ ấu đến niên thiếu, các đoạn phim mới quay khi về già. Thậm chí có cả những thước phim hoạt hình dễ thương dựng lại những ký ức riêng tư như sống hướng nội, đọc sách suốt ngày hay khi lớn lên, hẹn hò cùng Melinda.

Xem thêm  Thời gian "sống" của Covid-19 bám trên 6 nhóm đồ vật bao lâu: Bạn cần biết để tránh lây nhiễm

Gates tham gia Inside Bill’s Brain từ đầu đến cuối, ngồi trả lời phỏng vấn, đi dạo trong rừng và trò chuyện bất tận với đạo diễn Davis Guggenheim. Bộ phim đã đề cập đến 3 vấn đề chính vợ chồng Gates đang góp phần giải quyết: loại trừ bệnh bại liệt, cải thiện vệ sinh để ngăn chặn bệnh tiêu chảy ở trẻ em châu Phi và chống lại biến đổi khí hậu. Bên cạnh thành công, phim cũng ghi nhận những thất bại và thất vọng của Gates.

Một trong những việc làm gây hoài nghi và bị phản đối nhiều nhất của Gates là khi ông tin năng lượng hạt nhân có thể là lời giải cho bài toán biến đổi khí hậu, đặc biệt là sau các thảm họa Chernobyl và Fukushima trong thế kỷ 20. Điều đó có nghĩa, trong 64 năm cuộc đời với gần 50 năm thành công và nổi tiếng, Bill Gates không hề xa lạ với việc gây chia rẽ dư luận.

Việc Gates hợp tác với giới phim ảnh có mục đích rất rõ ràng: để những gì ông đang làm được nhiều người biết đến hơn. Ông nói với tạp chí Vanity Fair về lý do tham gia Inside Bill’s Brain: “[Các vấn đề của nhân loại] sẽ chỉ thành công nếu có nhiều người xem chúng là mệnh lệnh đạo đức”.

COVID-19 và các thuyết âm mưu

Tất nhiên, không phải điều gì cũng nằm trong quỹ đạo mong muốn của Gates.

Hồi năm 2015, diễn thuyết tại TED Talks, ông cảnh báo nguy cơ lớn nhất của nhân loại không phải chiến tranh hạt nhân mà là một đại dịch toàn cầu đe dọa mạng sống hàng triệu người. Đến nay, khi COVID-19 hoành hành đúng như lời cảnh báo, người ta nhắc lại phát biểu của Gates nhưng theo cách tiêu cực.

Theo New York Times, phe cánh hữu và nhóm âm mưu đã sử dụng video phát biểu này như bằng chứng cho việc Gates “đã lên kế hoạch sử dụng đại dịch để kiểm soát hệ thống y tế toàn cầu”, hay nói cách khác là “người tạo ra COVID-19 để trục lợi từ vắcxin”.

Gates trở thành mục tiêu của các luồng thông tin sai lệch vì “ông quá nổi tiếng”, theo một nhận định trên New York Times. Riêng trong năm nay, có 16.000 bài đăng về thuyết âm mưu xung quanh Bill Gates trên Facebook, với gần 900.000 bình luận. Video phát tán giả thuyết “Gates tạo ra COVID-19” cũng có trên 5 triệu lượt xem. Hình ảnh của Gates được chế thành “meme” trên mạng xã hội.

Xem thêm  Lén đọc nhật ký của con trai, cuộc đời người bố bất ngờ rẽ sang một hướng hoàn toàn khác

Khi được hỏi “Nỗi sợ lớn nhất của ông là gì?”, Bill Gates trả lời: “Tôi sợ não mình ngừng hoạt động”.

Thật trớ trêu khi hồi tháng 3, một lá thư mạo danh Bill Gates có tên “COVID-19 thực sự dạy chúng ta điều gì?” được nhiều người chia sẻ, trong khi những phân tích nghiêm túc của ông với nhiều dẫn chứng khoa học lại vấp phải đồn đoán tiêu cực. Nhưng nếu có thứ gì Bill Gates không bận tâm, thì đó là “truyền cảm hứng”. Ông tư duy thực tế và xác lập mục tiêu cụ thể thay vì diễn tả chúng bằng những từ ngữ hoa mỹ.

Hôm 26-4, giữa lúc cái tên Bill Gates đang là tâm điểm của những luồng thông tin trái ngược, ông lại xuất hiện trong phim tài liệu Coronavirus, Explained (Giải mãi virus corona). Ông tái khẳng định quan điểm: “Đại dịch là rủi ro lớn nhất của chúng ta. Xét về số người chết, một đại dịch ngang ngửa các đại chiến trong lịch sử. Nền kinh tế sẽ ngừng hoạt động, nhân loại sẽ chịu tổn thất khủng khiếp. Không một quốc gia nào là bất khả xâm phạm”.

Mới đây nhất, hôm 2-5 trong một video trên GatesNote, ông khẳng định “có hơn 100 ứng viên vắcxin chống virus corona đang được điều chế và thử nghiệm”. Quỹ Bill & Melinda Gates cũng cam kết góp 250 triệu USD để chống đại dịch.

Tờ The Seattle Times cho rằng Bill Gates đang đứng lên để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong một thế giới thiếu vắng lãnh đạo thực thụ thời COVID-19. Trong Inside Bill’s Brain, một nhân vật đã nói: “Bill làm tốt nhất khi ván bài trở nên bất lợi cho ông ấy”.

Điều này có chính xác trong trường hợp COVID-19 hay không, hãy chờ thời gian trả lời.

Theo Tuổi trẻ