Nếu muốn phát triển sự nghiệp và mở rộng con đường thăng tiến của mình, bạn nên khắc cốt ghi tâm những điều dưới đây.
Nguyên tắc thứ nhất: Tự biến mình trở thành người cộng sự không thể thay thế
Tại ngôi trường đại học nọ, có một cô sinh viên trẻ được giáo sư nhờ làm trợ giảng. Hằng ngày, công việc của cô là giúp thầy chuẩn bị tư liệu giảng bài, trả lời thắc mắc của sinh viên, sắp xếp lịch lên lớp và tham gia tọa đàm…
Tình cờ có một ngày, cô gái nói với giáo sư một cách hết sức chân thành:
Thầy ơi, em luôn khắc ghi sâu sắc một câu mà thầy đã từng dạy: “Thứ duy nhất hạn chế chúng ta chính là việc ta tự đặt ra hạn chế đó trong đầu mình”. Những lời này đã đem tới cho em nguồn dũng khí vô hạn và rất nhiều cơ hội quý giá….
Câu nói của cô nhận được một ánh mắt trìu mến và nụ cười cổ vũ từ vị giáo sư lớn tuổi.
Từ đó về sau, cô trợ giảng trẻ tuổi càng tận tâm tận lực giúp đỡ vị giáo sư ấy mà không quá bận tâm tới việc thầy có chú ý tới sự cố gắng của mình hay không. Cô không ngại làm thêm giờ, mặc cho lương trợ giảng thấp hơn nhiều so với những công việc bên ngoài.
Khi cô sinh viên trẻ ra trường, phòng làm việc của giáo sư vừa hay cũng có một trợ lý xin nghỉ việc. Lúc cân nhắc chọn người thay thế, giáo sư bất giác nghĩ tới cô trợ giảng trẻ tuổi của mình.
Mặc dù thành tích học tập của cô không quá xuất sắc, nhưng mấy năm kinh nghiệm thực tiễn cũng đủ giúp cô đảm đương tốt vị trí này.
Điều càng trọng yếu hơn nằm ở chỗ, cô trợ giảng trẻ tuổi từ trước tới nay vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đã trở thành một trợ thủ hết sức đắc lực cho giáo sư.
Nhờ vào điều ấy, cô sinh viên mới ra trường đã được cất nhắc trở thành trợ lý chính thức, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với mức trợ cấp ít ỏi trước kia. Thế nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.
Qua thời gian, năng lực vượt trội và thái độ làm việc chuyên nghiệp của cô ngày càng được bộc lộ rõ ràng. Rất nhiều giáo sư khác trong trường và quản lý của các công ty lớn đều một mực muốn chiêu mộ nhân tài trẻ tuổi này.
Vì vậy, cô hết lần này tới lần khác nhận được những lời mời từ nhiều công việc khác nhau. Các nhà tuyển dụng không chỉ đề nghị cho cô những chức vụ vô cùng tốt mà còn chủ động đưa ra mức lương hứa hẹn khiến người khác không khỏi hâm mộ.
Dù vậy, cô gái ấy vẫn quyết định ở lại trường làm trợ lý cho vị giáo sư của mình.
Đây vốn dĩ không phải là việc cô cố tỏ ra thanh cao hay duy trì nguyên tắc “không thờ hai chủ”, mà đơn giản là bởi mức lương đãi ngộ giáo sư dành cho cô còn cao hơn nhiều so với những công ty kia.
Thực tế, vị giáo sư ấy đã sẵn sàng trả cho người trợ lý trẻ của mình một mức lương cao hơn gấp 4 lần so với lúc ban đầu, bởi cô đã trở thành một cộng sự đắc lực không thể thay thế trong công việc của ông.
Bài học rút ra: Chỉ khi bạn không ngừng nâng cao năng lực của bản thân, biến chính mình trở thành nhân vật không thể thay thế, giá trị và không gian phát triển của bạn mới có thể ngày càng rộng mở.
Đây không chỉ là chiến lược sinh tồn trong công việc mà cũng chính là đạo lý mà bất cứ người nào muốn có được thành công cũng nên hiểu rõ.
Nguyên tắc thứ hai: Hãy cho người khác nhiều hơn thứ họ cần!
Có lần, tôi được một người bạn học cũ mời tới tham dự một buổi lễ cắt băng khánh thành do công ty cậu ta tổ chức.
Ngày hôm đó, khi lễ cắt băng được tiến hành, năm vị lãnh đạo thành phố bước lên khán đài đúng như những gì đã chuẩn bị.
Thế nhưng ngay lúc đó, giám đốc công ty đột nhiên nhận ra rằng hàng ghế khách mời bên dưới còn có một vị lãnh đạo đã về hưu và từng giữ chức vụ rất cao trong thành phố.
Khi ấy, giám đốc buộc phải mời thêm cả vị lãnh đạo về hưu này lên sân khấu tham dự nghi thức cắt băng để cho “phải phép”.
Nhận thấy tình thế phát sinh đột ngột khi ấy, tôi thầm lo lắng cho bạn mình bởi buổi lễ ngày hôm nay toàn bộ đều do cậu ấy chủ trì.
Nếu bạn tôi không chuẩn bị thêm một cây kéo dự phòng, vị lãnh đạo vừa được mời lên trên sân khấu kia sẽ trở thành trò cười trong thiên hạ, mà giám đốc công ty chắc chắn cũng lâm vào tình huống khó xử.
Cứ như vậy, bạn tôi sau này sẽ khó mà có được những tháng ngày yên ổn trong công ty.
Thế nhưng khi tôi còn đang sốt ruột không biết phải làm sao thì đã thấy bạn mình lấy ra một cây kéo dự phòng từ trong túi ngực của áo vest để đưa lên sân khấu.
Sự việc diễn ra chỉ trong vòng vài phút, nghi thức cắt băng khánh thành cũng được tiếng hành một cách ổn thỏa trong tiếng pháo mừng và sự hân hoan vui vẻ của những người trên khán đài và khách mời phía dưới.
Đối với tôi mà nói, màn xoay chuyển tình thế của bạn mình quá thực quá đặc sắc. Sau khi buổi lễ kết thúc, tôi âm thầm kéo cậu bạn ấy ra một góc rồi hỏi: “Sao cậu biết giám đốc sẽ mời thêm một vị lãnh đạo lên sân khấu?”.
Nào ngờ cậu ấy cũng không khỏi ngạc nhiên mà hỏi lại tôi: “Tớ làm sao mà biết trước được? Tớ không biết đâu!”.
Lần này đến phiên tôi sửng sốt. Tôi hoài nghi hỏi lại: “Nếu cậu không biết trước thì sao lại vừa khéo chuẩn bị thêm một cây kéo dự phòng thế?”.
Nghe tới đây, cậu ấy nhìn tôi cười lớn: “Thì ra cậu hỏi cái này. Điều này có gì lạ đâu, kể cả sếp có mời thêm vài vị nữa lên, tớ cũng có thể đưa cho mỗi người họ một cây kéo để cắt băng”.
Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Vì sao vậy?”.
Cậu bạn ấy ung dung, vui vẻ giải thích: “Vì sao ư? Bởi vì tớ nhận ra từ trước tới nay mỗi khi phát sinh điều gì ngoài ý muốn cũng đều do cấp dưới chịu trách nhiệm.
Điều này khiến tớ hình thành một thói quen: Nếu sếp dặn chuẩn bị một phần, tớ liền chuẩn bị thêm hai, ba phần dự phòng, thậm chí nhiều hơn. Đó chính là lý do mà tớ có thể thăng tiến tới vị trí ngày hôm nay!”.
Mấy ngày sau, tôi lại nhận được một lời mời từ người bạn học cũ ấy. Thế nhưng lý do cho cuộc hẹn lần này không phải là lời mời đi tham dự lễ cắt băng mà là liên hoan chúc mừng cậu ấy được sếp thăng chức.
Tới lúc đó, tôi mới hiểu vì sao cậu bạn khi xưa nổi tiếng vụng về lại có thể đảm đương được một chức vụ cao trong khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bài học rút ra: Khi bạn tự nguyên đem tới cho người khác sự giúp đỡ và tương trợ nhiều hơn thứ họ muốn, thì lợi ích mà bạn được hưởng cũng không kém họ là bao.
Trao cho người khác nhiều hơn những gì họ cần, đó là cách mà chúng ta gây dựng cho tương lai của mình. Bởi lẽ, những gì người khác cần cũng chính là điều kiện để ta sinh tồn và phát triển.
Trần Quỳnh – TTt