Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

Có thể bạn không tin: Con người tồn tại được đến ngày nay chính là nhờ… cặp lông mày

lông mày, con người, khoa học

Cặp lông mày quan trọng thế à?Cuối cùng, khoa học cũng tìm ra mục đích thực sự của đôi lông mày ai cũng có mà chẳng biết tại sao.

Lông mày thì ai cũng có. Người đậm, người nhạt, người đẹp và có người chưa đẹp lắm. Nhưng dù thế nào thì sự thật vẫn là… chẳng ai biết nó để làm gì cả.

Lông mày có tác dụng gì? Nhiều chuyên gia cho rằng lông mày có tác dụng ngăn bụi, mồ hôi và nước rơi xuống mắt, nhưng kỳ thực thì lông mi thôi cũng có thể làm rất tốt việc đó rồi.

Trong một thời gian dài, mục đích tồn tại của cặp lông mày đã bị nghi ngờ rất nhiều. Nhưng cuối cùng qua một nghiên cứu mới đây, khoa học đã chính thức tìm ra một tác dụng khác rất quan trọng của lông mày. Nó có liên quan đến việc con người tương tác cùng nhau trong xã hội.

Trên thực tế, những gì chúng ta suy nghĩ và hành động ngày nay đều bắt nguồn từ nhu cầu của tổ tiên ngày trước.

Khi đó, con người cần hợp tác cùng nhau để tồn tại, giúp xã hội có thể phát triển. Và ngay cả đặc điểm hình thể của chúng ta cũng trợ giúp cho điều đó – ít nhất là với trường hợp của đôi lông mày.

Cụ thể theo như nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, thì trước kia có tồn tại một chủng tộc người cổ mang tên Neanderthal. Họ có vẻ ngoài khá giống với người hiện đại, chỉ khác đúng một điều: khuôn mặt có một dải lông mày vừa đậm vừa dài vắt ngang trán.

Khoa học từng cho rằng, người Neanderthal có thể đi dưới hầm tàu điện tại New York mà chẳng ai nhận ra, miễn là họ che đi dải lông mày rậm khủng khiếp ấy. Có điều, dường như chính sự khác biệt này lại là thứ giúp cho chủng tộc người hiện đại tồn tại, còn người Neanderthal thì không.

Xem thêm  Lương y Ngô Đức Vượng: Chúng ta ăn uống quá sai lầm! Con người có thể sống 120-140 tuổi với 7 tiêu chuẩn sau

lông mày, con người, khoa học

Bỏ qua phần lông lá, người Neandarthal gần như giống hệt con người hiện đại. Vậy tại sao họ tuyệt chủng?

Lông mày là thứ thể hiện sự thống trị – xưa rồi!

Darwin từ thế kỷ 19 đã nhận ra một điều về đôi lông mày của con người, đó là chúng ta thường có xu hướng nhướn mày một cách vô thức khi nhìn thấy người từ xa.

Đó là bản năng, cho thấy bản thân không phải là một mối đe dọa. Theo Darwin, đó là cách để chúng ta đồng điệu cảm xúc với nhau.

Để tìm hiểu kỹ hơn, Penny Spikins – chuyên gia từ ĐH York (Anh) cùng 2 cộng sự là Ricardo Godinho và Paul O’Higgins đã quay về nghiên cứu các mẫu hóa thạch của người cổ. Bằng công nghệ 3D, họ dựng lại khuôn mặt của người Kabwe – đặc biệt là dải lông mày rậm và dài.

lông mày, con người, khoa học

Hộp sọ của người Kabwe

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dải lông mày của người Kabwe chẳng mang lại lợi thế nào trong cuộc sống.

Nó không liên quan đến khả năng nhai, cũng chẳng giúp ích cho việc săn bắt. Điều này chứng tỏ, dải lông mày ấy có ý nghĩa về mặt xã hội, và nó cho thấy sự thống trị đối với các loài linh trưởng.

Với người hiện đại, chúng ta mất đi dải lông mày (đúng hơn là tách nó ra) đồng nghĩa với việc trở nên kém hung dữ hơn.

Nhưng bù lại, chúng ta làm được chuyện mà người xưa không thể, đó là cử động lông mày. Nó cho phép chúng ta tạo ra được nhiều biểu cảm trên khuôn mặt hơn, thể hiện thái độ thân thiện một cách dễ dàng với những người xung quanh.

Xem thêm  Ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo tử vong sớm

Lông mày – biểu tượng cảm xúc tự nhiên nhất của con người

Các bằng chứng lịch sử cho thấy sự thay đổi khuôn mặt của con người bắt đầu xuất hiện khi xã hội thay đổi. Đó là thời điểm các nhóm chủng tộc bắt đầu giao thương, trao đổi hàng hóa giữa những vùng rộng lớn.

Với khả năng cử động lông mày, con người hiện đại đã dễ dàng tạo dựng mối quan hệ với cộng đồng xa hơn, tạo ra một thể loại xã hội mới. Đó là nơi con người có “bạn bè” để chiến đấu và dựa dẫm.

Chủng con người hiện đại đã chung sống thành nhóm lớn và rộng hơn rất nhiều so với các chủng loài khác. Điều này làm giảm đi khả năng lai tạp, giúp chủng người chúng ta tồn tại đến tận ngày hôm nay.

lông mày, con người, khoa học

Cặp lông mày có vai trò rất quan trọng

Trên thực tế, hình thức tiến hóa theo xã hội không chỉ dừng lại ở con người, mà nhiều loài động vật cũng vậy.

Khi sói được thuần hóa thành chó, chúng cũng hình thành bản năng vẫy đuôi, khuôn mặt cũng dần thân thiện hơn so với tổ tiên của chúng.

Đặc biệt, chó cũng có khả năng “nhướn mày”, giỏi hơn rất nhiều so với sói.

Theo Spikins, đối với con người (và cả chó nữa), việc chung sống là chìa khóa của sự sinh tồn. Và để làm được điều đó, tạo hóa đã chọn việc thay đổi cặp lông mày, nhằm giúp chúng ta kết nối dễ dàng hơn.

Hay nói cách khác, nếu cặp lông mày của chúng ta không tồn tại, có thể chủng người hiện tại đã không còn nữa rồi.

Tham khảo: Science Alert

theo Helino