Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trọn đời chăm sóc người vợ bị bệnh

Theo ông Năng, lúc sinh thời, mỗi khi đến thăm người vợ bị bệnh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn mang theo hoa, quà và ôm âu yếm, chải tóc cho bà.

Vợ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Hình ảnh vợ chồng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1948. Ảnh do gia đình cung cấp.

Mỗi lần gặp, cố Thủ tướng luôn tặng hoa cho vợ

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tiến Năng – trợ lý lâu năm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết, đến nay vợ chồng cố Thủ tướng đã đi xa nhưng những kỷ niệm, tình yêu của “anh Tô (bí danh của cố Thủ tướng – PV), chị Cúc” vẫn luôn in sâu trong tâm trí, đi theo ông đến suốt cuộc đời.

Theo ông Năng, phu nhân của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là bà Phạm Thị Cúc, con một gia đình thương gia, chủ hãng kem khá nổi tiếng thời Pháp ở khu vực Bờ Hồ (Hà Nội).

Ông bà thân sinh bà Cúc là những người yêu nước nên gia đình trở thành cơ sở cách mạng, từng giúp đỡ, cưu mang nhiều nhà cách mạng lớn, trong đó có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Dù đông con và là con người vợ thứ 2, nhưng cô nữ sinh xinh đẹp Phạm Thị Cúc lúc đó vẫn được cha cho học hành tại trường của Pháp.

Ông Năng cho hay, theo lời kể của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, qua những lần viếng thăm gia đình, đã khiến tình cảm giữa cố Thủ tướng và phu nhân nảy nở. Đến tháng 10/1946, ông bà tổ chức đám cưới tại Hà Nội với sự tham dự của gia đình, ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Duy Hưng…

Khi mới nên nghĩa vợ chồng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng hứa, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa vợ đi cùng. Nhưng sau này vì điều kiện công việc, nhiệm vụ cách mạng, ông đã không giữ được lời hứa với vợ.

Vợ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đám cưới của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc. Ảnh do gia đình cung cấp.

Cuối năm 1946, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được biệt phái vào Liên khu 5 và trong quãng thời gian này, thương hoàn cảnh vợ chồng xa nhau, Bác Hồ đã cho phép bà Phạm Thị Cúc vào đó.

Vì nhớ, yêu chồng nên khi đó, bà Cúc đã đi bộ vượt Trường Sơn trong 5 tháng ròng rã để vào Liên khu 5 gặp chồng. Đến năm 1949, được lệnh ra Bắc nên vợ chồng ông bà lại cùng nhau vượt Trường Sơn ra chiến khu.

Ra đến nơi, do ông bận việc nên ông bà lại phải ở mỗi người một nơi. Tuy nhiên, khi có điều kiện, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều đến thăm vợ. Tới năm 1951, sau 5 năm cưới nhau, con trai duy nhất của ông bà ra đời và được đặt tên là Phạm Sơn Dương.

Ngay sau khi sinh con, bà Cúc bắt đầu phát bệnh nửa quên nửa nhớ. Sau một thời gian phát bệnh, bà rơi vào trạng thái trầm kha khiến căn bệnh của bà càng khó lòng cứu chữa.

Ông Năng nhớ lại, trong suốt những năm sau đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa bà đi chữa bệnh ở cả Trung Quốc, Liên Xô (cũ) nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm cho đến nay.

Xem thêm  Hà Nội: Bé trai khoảng 10 ngày tuổi bị bỏ rơi ở xe rác trong đêm mưa tầm tã

“Khi đó, một số chuyên gia y khoa đầu ngành của nước bạn nghe về bệnh tình của bà đã chẩn đoán nguồn cơn căn bệnh là do xa vắng chồng lâu ngày.

Họ khuyên đưa bà về Việt Nam để có điều kiện gần gũi với chồng con, với hi vọng nhờ thế bệnh tình sẽ thuyên giảm.

Nghe theo lời khuyên của bác sĩ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dù bận rộn việc nước vẫn dành nhiều thời gian ở bên vợ, chăm sóc, động viên, gần gũi bà, nhưng bệnh tình không vì thế mà thuyên giảm”, ông Năng kể lại.

Cũng vì bà Cúc phát bệnh ngay sau khi sinh con nên những năm tháng sau này, theo ông Năng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vất vả để chăm sóc gia đình của mình.

Ông Năng kể, con trai ông bà là Phạm Sơn Dương được cố Thủ tướng đưa vào Phủ Chủ tịch để chăm sóc, còn bà Cúc sống ở căn nhà trên phố Khúc Hạo.

“Vì bà Cúc bị bệnh như vậy nên ngay từ khi được sinh ra Phạm Sơn Dương đã thiếu vắng hẳn bàn tay chăm sóc, chỉ bảo của mẹ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã rất vất vả khi vừa làm cha, lại vừa làm mẹ của con.

Dù bận việc nhưng ông luôn rất quan tâm và phải nhờ thêm các anh chị em trong cơ quan chăm từ những việc bú mớm cho đến việc học hành sau này của cậu Dương”, ông Năng nhớ lại.

Trợ lý cố Thủ tướng chia sẻ, dù bận rộn việc nước nhưng một tuần vài lần, ông đều đưa con trai đến căn nhà ở phố Khúc Hạo thăm bà hoặc mời bà đến chỗ ông.

Lần nào đến thăm vợ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng mang theo hoa, quà và luôn nói chuyện với vợ rất dịu dàng.

“Cứ mỗi khi rảnh hay thứ 7, chủ nhật, ông đến thăm bà luôn mang hoa, quà đến rồi ôm, hôn bà. Ông thường ngồi bên giường, lúc nắm tay vợ thật âu yếm, khi ngồi chải lại mái tóc cho bà.

Bệnh tình khiến bà lúc quên lúc nhớ, nhưng điều đặc biệt là bà nhớ rất kỹ những chuyện thời xưa nên lần nào đến thăm vợ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng kiên nhẫn gợi lại chuyện xưa với vợ, để bà vui.

Không những thế, khi đi nghỉ ở đâu ông cũng đưa bà theo, dù mỗi người ở một nhà riêng nhưng hàng ngày ông đều đến thăm bà.

Tôi còn nhớ, có lần đi nghỉ ở Đồ Sơn, ông không đến và cho người mời bà đến chỗ ông, thế là bà giận.

Nghe báo thế, ông đã đến ngay xin lỗi và vẫn giữ nguyên những cử chỉ ôm hôn âu yếm với bà. Lúc đó, bà mới trở lại bình thường.

Sau này, khi hòa bình lập lại, ông còn liên tục đưa, chuyển bà đến các nơi ở có khí hậu tốt cho sức khỏe với mong muốn bệnh tình thuyên giảm”, ông Năng kể.

Gia đình ngoại khuyên lấy người khác nhưng cố Thủ tướng quyết ở bên chăm sóc vợ

Xem thêm  Bước qua cái tuổi 30: Đàn ông không còn quyền nghèo khó, phía trước là bầu trời, nhưng sau lưng là cả gia đình, là cha mẹ, là vợ, là con

Người trợ lý lâu năm kể, với tình yêu rất lớn dành cho vợ nên dù bà Cúc bị bệnh khi còn rất trẻ và nhiều người, kể cả anh chị em bên ngoại khuyên lấy vợ khác nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng một mực từ chối.

“Ông yêu bà chân thành và luôn cảm thấy có lỗi, trăn trở về trách nhiệm của mình với vợ.

Lúc nào ông cũng muốn trọn vẹn tình nghĩa với bà nên dù mọi người, kể cả gia đình ngoại khuyên nên lấy vợ khác để giúp đỡ, chia sẻ các công việc nhưng cố Thủ tướng đã từ chối và quyết suốt đời ở bên, chăm sóc bà, dẫu cuộc sống riêng của ông vì thế chịu nhiều thiệt thòi.

Ông luôn dặn con trai phải thường xuyên quan tâm và yêu thương mẹ. Những ngày bận bịu công việc không qua Khúc Hạo được, ông thường dặn con trai Phạm Sơn Dương qua trò chuyện với mẹ”, ông Năng kể lại.

Vợ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ông Nguyễn Tiến Năng.

Theo ông Năng, những năm cuối đời, dù mắt kém, không nhìn thấy được nhưng cố Thủ tướng vẫn dành trọn tình yêu thương, chăm sóc và thường xuyên đến thăm, trò chuyện cùng vợ.

“Tôi nhớ mãi, hình ảnh, ông mắt kém không nhìn thấy nhưng vẫn trò chuyện âu yếm, đưa tay sờ lên má, tóc vợ, dù rằng, lúc đó, bà không còn biết đó là ai.

Đặc biệt, đến những năm cuối đời, ông vẫn rất trăn trở và nói với chúng tôi việc luôn mong người vợ trọn đời yêu thương có thể đi trước để ông lo mọi công việc cho bà được chu đáo, vẹn toàn và giúp ông thanh thản hơn, bởi cả đời ông luôn nghĩ mình nợ vợ quá nhiều.

Lúc đó, chúng tôi có nói, sợ khó được như thế vì ông hơn bà đến 20 tuổi và động viên ông, cứ yên tâm, nếu sau này có gì anh em ở lại, sẽ lo chu toàn. Ông lúc đó ngồi trầm ngâm rồi bảo, “vậy thì chỉ còn mong nhờ anh em thay mình lo chu đáo cho Cúc”. Sau này, ông đã bỏ bà ra đi đến nay đã 18 năm”, ông Năng chia sẻ thêm.

Người trợ lý lâu năm nhắc lại việc trước khi lâm chung, cố Thủ tướng gọi con trai Phạm Sơn Dương vào cạnh giường và ngoài những điều căn dặn chung, ông nhắc lại nhiều đến việc phải chăm sóc mẹ cho chu đáo, vẹn toàn.

Nhắc về bà Phạm Thị Cúc, ông Nguyễn Tiến Năng kể thêm, tuy bệnh tật, nhưng bà vẫn là một người phụ nữ rất dịu dàng và dù bà chịu cảnh bệnh tật từ khi còn trẻ, không có cơ hội an hưởng hạnh phúc bên chồng con nhưng vẫn may mắn có được sự yêu thương, chăm sóc hết mực của chồng.

“Thời còn trẻ, bà đã dành cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng một tình yêu vô bờ bến. Sau này, dù bị bệnh, lúc nhớ, lúc quên nhưng qua từng cử chỉ, ánh mắt, cách bà nghe ông nói chuyện có thể thấy bà vẫn luôn yêu ông”, ông Năng nói với đôi mắt đỏ hoe.

Hoàng Đan- Theo Trí thức trẻ/Soha

Link gốc