Cầm bản đồ sư phụ đưa trước khi đi trên tay nhưng chú tiểu mù vẫn quyết tâm không mở ra cho đến lúc khó khăn nhất. Nhưng đó cũng là lúc, chú nhận ra đó chỉ là một mảnh lụa.
Chuyến đi xa của tiểu hòa thượng
Vị cao tăng nọ đã thu nhận một tiểu hòa thượng mù làm đồ đệ. Hòa thượng này thông minh lanh lợi nhưng vì khuyết tật mắt nên rất tự ti. Sư phụ thấy thế, vô cùng lo lắng.
Một hôm, người bảo đệ tử mang một bộ kinh thư đến ngôi chùa lớn nhất của đất nước nọ nằm ở phía Đông. Tiểu hòa thượng khó xử, người mù làm sao có thể đưa kinh thư đến nơi xa xôi nghìn dặm chứ?
Nhận ra sự lắng đó, cao tăng đưa cho đồ đệ của mình một cuốn lụa nhỏ và nói: “Đây là một tấm bản đồ. Khi con không tìm được phương hướng thì lấy tấm bản đồ này ra nhờ người khác xem để chỉ đường cho. Con phải nhớ, không đến mức bất đắc dĩ thì không được xem bản đồ.”
Đệ tử vâng lời sư phụ lên đường. Trên đường đi, tiểu hòa thượng đã phải hỏi vô số người đường đến đất nước ở phía Đông đó.
Đi qua rất nhiều vùng đất, chịu không ít khổ cực nhưng đồ đệ này vẫn đinh ninh lời dặn của sư phụ, không mở tấm bản đồ đó ra.
Cuối cùng đến lúc khó khăn nhất, tiểu hòa thượng đã lấy tấm bản đồ ra nhờ người đi đường xem giúp nhưng người ta nói, đó không phải là tấm bản đồ mà chỉ là một mảnh lụa trắng bình thường.
Đồ đệ này ngây người nghĩ, rõ ràng đây là bản đồ sư phụ đưa, sao có thể trống trơn được?
Thiền định hồi lâu, cuối cùng hòa thượng này đã ngộ ra ẩn ý của sư phụ là tạo dựng lòng tự tin cho mình. Nhờ vào sự thông minh dí dỏm, cuối cùng tiểu hòa thượng đã vượt qua khó khăn, thuận lợi tới được nơi cần đến.
Trí tuệ dạy con
Biết dò dẫm mới có tiền đồ. Cuộc sống chính là vừa đi vừa hát, vượt qua hết rào cản này đến rào cản khác. Tuy nhiên trong cuộc sống thực tế, có những ông bố bà mẹ luôn thiếu một thái độ dân chủ.
Họ cho rằng câu nào mình nói ra cũng là chân lý, việc gì cũng bắt con trẻ phải làm theo ý của mình, làm theo yêu cầu của mình.
Con bị động một thời gian dài, ý thức độc lập, tinh thần tự chủ của chúng bị áp chế, tính chủ động, tính tích cực và tính sáng tạo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi của trẻ.
Đương nhiên, để mặc trẻ tự do vô nguyên tắc, muốn làm gì thì làm, không dạy dỗ, giáo dục trẻ hình thành quan niệm về đúng sai, không cẩn thận bảo ban các quy tắc ứng xử trong cuộc sống thì đó cũng là sai lầm tuyệt đối, sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Mấu chốt là bố mẹ cần có tư tưởng chính xác và nghiêm khắc phân định giới hạn giữa tính độc lập và tự do tùy hứng của trẻ, nắm bắt được chừng mực và sự khéo léo trong giáo dục.
Để trẻ tự mình khắc phục khó khăn, niềm vui và cảm giác thành công khi đạt được mục tiêu sẽ tăng cường sự tự tin cho trẻ.
Các bậc cha mẹ nên đặt ra những nhiệm vụ có độ khó nhất định ở các lứa tuổi khác nhau để con hoàn thành nhằm bồi dưỡng ý thức tự chủ và tinh thần độc lập của trẻ nhưng chữ “độ” này bắt buộc là mức “độ” có thể hoàn thành thông qua sự cố gắng của con.
Nếu không sẽ phản tác dụng, trẻ sẽ vì vậy mà cảm thấy mệt mỏi, mất sự tự tin, nảy sinh cảm xúc trái ngược với bố mẹ.
Theo Hồng Ánh – Trí Thức Trẻ