Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

‘Cơn sốt’ tiền ảo – Tương lai hay bong bóng?

Chỉ trong một ngày, giá Bitcoin biến động với biên độ hơn 2.000 USD khi tăng vọt lên 11.300 USD vào buổi sáng, rồi nhanh chóng giảm xuống đáy 9.300 USD chỉ sau 3 giờ.

Cryptocurrentcy, tiền kỹ thuật số hay tiền ảo là những cụm từ để chỉ một phương thức thanh toán kỹ thuật số đang trở thành “cơn sốt” trên thế giới. Dữ liệu Google Trends cho thấy, số lượt tìm kiếm với từ khoá “mua Bitcoin” đã lần đầu tiên vượt qua từ khoá “mua vàng”. “Lending”, “đầu tư tiền ảo” hay “ICO” cũng đưa ra hàng triệu kết quả chỉ với một cú click chuột tìm kiếm thông tin.

“Em chưa từng nghĩ mình sẽ đầu tư”, Đăng Tùng, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ. Giờ đây, Tùng cùng những người bạn đã có hoạt động khác thay vì những giờ chơi game như trước. Họ lang thang trên các diễn đàn, nói chuyện với những người khác về tiền ảo và tìm kiếm cơ hội từ những đợt ICO.

“Bitcoin quá đắt với bọn em, nhưng mỗi ngày lại có vô số đồng tiền ảo mới ra đời và giá của nó thì rất rẻ”, Tùng nói. Câu chuyện của một sinh viên đại học năm 3 như Tùng đã gợi mở phần nào bức tranh về thị trường tiền ảo, không chỉ có Bitcoin hay Ethereum, nhắc tới cryptocurrentcy giờ là hàng nghìn đồng tiền khác nhau được tạo ra liên tục. Ở đó có cơ hội để đầu tư, sinh lời với con số khủng khiếp, nhưng cũng có “hàng thật, hàng giả” lẫn lộn, có cả những người chỉ chờ đợi để lừa người khác. Và cũng như nhiều người chơi khác, Tùng đã phải trả một mức “học phí” khá đắt để trở thành một Trader (người giao dịch).

Anh Nam, một nhân sự từng làm việc trong ngành tài chính đã quyết định từ bỏ công việc để theo đuổi cơn sốt tiền ảo từ 2 năm nay. “Bitcoin, Ethereum, Dash, Monero, Zcash và vô số các đồng tiền ảo khác đang tạo ra cơn sốt không chỉ trên thế giới mà còn cả Việt Nam. Nhiều người không thể kìm lòng trước nó”.

Giờ đây, một ngày của anh Nam xoay quanh những cuộc cà phê với bạn bè trong cộng đồng đầu tư, thảo luận về những đồng tiền mới ra đời, lướt bảng điện tử và canh những đợt ICO hấp dẫn. “Tiền ảo cũng như chứng khoán, nhưng không có biên độ và giao dịch rất nhanh. Điều này mang đến khả năng, hoặc bạn sẽ có rất nhiều tiền hoặc bạn sẽ mất rất nhiều tiền”.

bitcoin, eth, bong bóng, cơn sốt, tiền ảo, tiền số

Bitcoin – từ phương tiện thanh toán đến tài sản đầu cơ ‘điên rồ’

Ý tưởng về Cryptocurrentcy – loại tiền kỹ thuật số thuận tiện, ẩn danh và không chịu sự quản lý của bất kỳ Chính phủ hay ngân hàng nào, luôn là chủ đề nóng xuất hiện ngay từ khi Internet ra đời. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại, tính tới trước thời điểm Bitcoin ra đời.

Ecash, một hệ thống ẩn danh được tung ra đầu những năm 1990 bởi chuyên gia mật mã David Chaum đã thất bại vì phải dựa vào cơ sở hạ tầng sẵn có của Chính phủ và các công ty thẻ tín dụng. Các dự án khác như bit gold, RPOW, b-money cũng nhanh chóng đi vào quên lãng.

Chỉ đến khi Bitcoin – một loại tiền kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi một người (hoặc nhóm) có biệt danh Satoshi Nakamoto, ý tưởng này mới dần trở thành hiện thực. Bitcoin mất 5 năm để khẳng định được vị thế. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.

Tích hợp sẵn trong giao thức Bitcoin là công nghệ blockchain. Công nghệ này cho phép tất cả giao dịch mua và bán đều được cập nhật trên hệ thống lưu trữ máy tính ngang hàng, hay nói nôm na đây là một cuốn sổ cái ghi lại số dư của mỗi tài khoản và lịch sử tất cả tài khoản tham gia giao dịch trước đó.

Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Chưa tính tới Bitcoin thì công nghệ này đã mang lại những lợi ích rất lớn cho thực tiễn. Nó cũng mở ra tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Công ty quản lý tài sản Everledger đã đăng ký thông tin cho hơn một triệu viên kim cương để theo dõi chúng tốt hơn bằng công nghệ blockchain. Maersk – công ty vận tải biến lớn nhất thế giới – đã hoàn tất việc thử nghiệm ứng dụng blockchain vào theo dõi hàng hóa. Các ngân hàng muốn áp dụng blockchain để giảm thiểu bộ máy quản lý các giao dịch chuyển tiền hay đầu tư hiện đang cồng kềnh và thiếu chính xác. Một số công ty khác thì muốn sử dụng blockchain để theo dõi con người.

Tuy nhiên, khi mà mục đích “lịch sử” của Bitcoin là trở thành một loại tiền tệ ưu việt vẫn chưa được nhiều quốc gia thừa nhận, thì loại tiền ảo này lại trở thành một thứ mà ngay cả “cha đẻ” của nó cũng không ngờ tới: Một tài sản đầu cơ có mức giá biến động điên rồ nhất trong lịch sử.

Ra đời từ năm 2009, tính đến nay Bitcoin đã có 8 năm tuổi. Tuy nhiên, phải tới 2 năm gần đây, đồng tiền này mới thực sự trở thành cơn sốt trên toàn cầu.

Với giá tăng từ mức gần bằng 0 khi mới ra đời lên mức đỉnh 11.300 USD mới xác lập, một người đủ thông minh hoặc may mắn để bỏ 1.000 USD mua bitcoin trong tháng 7/2010 (khi giá là 0,05 USD đổi 1 bitcoin), thì giá trị cho số tài sản này hiện đạt hơn 200 triệu USD.

Tuy nhiên khi mang bản chất của một tài sản đầu cơ, quá trình tăng giá của Bitcoin quả thực không dành cho người yếu tâm lý.

Mới đây nhất, chỉ trong một ngày Bitcoin có thể liên tục phá 2 kỷ lục vào buổi sáng khi vượt qua 10.000 rồi 11.000 USD và xác lập đỉnh 11.300 USD, nhưng chỉ 3 giờ sau đồng tiền này giảm xuống đáy 9.300 USD. Khi mà biên độ biến động của một tài sản trong một năm chỉ tăng gấp đôi đã là lớn thì tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá Bitcoin quy đổi ra USD đã tăng hơn 10 lần.

bitcoin, eth, bong bóng, cơn sốt, tiền ảo, tiền số

Tiền ảo – tiền thật

Theo anh Nam, hiện giờ có vô vàn cách để kiếm tiền trên thị trường tiền ảo. Từ việc trở thành những “thợ mỏ” để đào các đồng tiền này, trở thành các “trader” để giao dịch, cho tới các “leader” có tiếng nói trong một cộng đồng để thực hiện việc đầu tư vào các ICO hay đứng ra lending.

Xem thêm  Giá xăng có thể giảm mạnh vào thứ Hai

Trong đó, đơn giản nhất là trở thành những “thợ mỏ”. Hoạt động này sử dụng chính cho những đồng tiền lớn như Bitcoin, Ethereum hay Dash.

Khái niệm “đào” thực tế là việc các đồng tiền ảo được cấp tới các máy tính để trả công cho việc chúng tham gia vào hoạt động xác minh giao dịch và ghi chúng vào một cuốn sổ cái (blockchain). Cuốn sổ này được phân tán trong mạng ngang hàng và sử dụng Bitcoin là đơn vị kế toán.

Ban đầu, những người tham gia sử dụng máy tính thông thường để “cày” Bitcoin. Khi độ khó của việc đào tăng dần, những máy tính của “thợ mỏ” cũng được nâng cấp lên. Một bộ máy tính để cày Bitcoin hiện nay thường được gắn từ 6 tới 8 card đồ họa, có giá hàng chục triệu đồng.

Nhưng không giống thời kỳ đầu, giờ đây việc “cày” Bitcoin không phải cuộc chơi may mắn. Ai sở hữu dàn máy tính có cấu hình tốt, số lượng nhiều sẽ chiếm được khả năng đào nhiều Bitcoin hơn. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các dân “cày” cũng khiến cho tỷ lệ sinh lời giảm, khiến những nhà đầu tư nhỏ lẻ không bù đắp được chi phí và buộc phải tạm dừng cuộc chơi, nhường đất cho các đại gia.

bitcoin, eth, bong bóng, cơn sốt, tiền ảo, tiền số

Bên trong xưởng đào Bitcoin hàng chục triệu USD

“Ngày nay để đào được một BTC, mỗi thợ mỏ phải chịu chi phí từ 1.500 – 2.000 USD, chủ yếu là tiền điện. Bên cạnh đó là khoản chi phí giao dịch ngày càng tăng. Nếu hiện giờ bỏ ra khoảng 200 triệu đồng thì mỗi tháng đào liên tục có thể thu về từ 0,2 – 0,3 Bitcoin”, anh Nam cho biết.

Tại Việt Nam, những mỏ Bitcoin dù không đạt tới quy mô lớn như Trung Quốc, Iceland hay Nga nhưng cảnh “nhà nhà đi đào, người người đi đào” Bitcoin cũng không phải hiểm thấy. Giai đoạn Bitcoin tăng nóng từ 3.000 – 7.000 USD, đi dọc những con phố bán đồ điện tử cũng không thể kiếm được một chiếc card đồ họa GTX 1060 hay AMD RX 570 khi chúng được dân cày gom đến cạn kiệt.

“Lướt sóng” cũng là cách mà nhiều nhà đầu tư thực hiện trên thị trường tiền ảo. Chỉ vào màn hình với những biểu đồ hình nến xanh đỏ, được cập nhập mỗi 5 phút, anh Nam cho rằng cuộc chơi cân não này thậm chí còn căng thẳng hơn nhiều so với đầu tư chứng khoán.

“Nếu như cách đây chục năm, người ta lên sàn để lướt sóng chứng khoán thì bây giờ đầu tư tiền điện tử cũng vậy”, anh nói. “Có những nét tương đồng giữa chúng, nhưng tiền ảo rủi ro hơn nhiều khi không có biên độ, không được kiểm soát và đà tăng, giảm chớp nhoáng là điều thường trực xảy ra”.

Anh cũng cho biết bản thân từng đầu tư vào một đồng tiền trong top 10 đồng tiền ảo lớn nhất và mất 50% giá trị chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, về cơ bản với những nhà đầu tư có am hiểu, lướt sóng là một kênh “kiếm được”.

“Chỉ cần không phải tiền vay, thì cả trading hàng ngày hay mua và nắm giữ những đồng tiền lớn đều có rất ít khả năng thua lỗ bởi giá của những loại cryptocurrentcy này đang trong trend tăng. Nhưng vấn đề ở đây là tiền ảo không chỉ có Bitcoin và Ethereum”, anh Nam nói.

Đằng sau sự hào nhoáng của tiền ảo

Tự đào hay trading không phải là mảnh đất màu mỡ nhất cho dân đầu tư tiền ảo, thay vào đó “đi săn” ICO mới trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Nhưng đồng tiền luôn có hai mặt, lợi nhuận lớn luôn đi kèm với rủi ro tương xứng.

“Đầu tư thông thường đem về lợi nhuận vài chục phần trăm là đã là lớn, nhưng em nghĩ sao nếu lợi nhuận có thể lên tới 20 – 40 lần”, anh Giang, một chuyên gia “săn ICO” mở đầu về câu chuyện một phần khác của thị trường tiền ảo.

Khái niệm ICO có phần nào đó tương đồng với IPO trên thị trường chứng khoán, khi đây đều là những kênh huy động vốn. Nhưng khác với IPO, ICO là một kênh rủi ro hơn rất nhiều, với những dự án không thể xác định được tính khả thi. “Nó giống như đánh bạc hơn là đầu tư”, anh Giang nói.

Nếu như trong IPO, công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và các nhà đầu tư sẽ được quyền sở hữu cổ phiếu của công ty, thì ICO là những nhà đầu tư sẽ nhận về đồng tiền số được phát hành trong blockchain – nền tảng công nghệ đằng sau bitcoin. Đồng tiền số này cũng chính là loại tiền tệ được sử dụng trong dự án mà nhà đầu tư tài trợ, ví dụ như để thanh toán cho không gian lưu trữ trên Filecoin. Ngoài ra nó còn có thể được giao dịch như một tài sản đầu cơ với hi vọng đồng tiền số sẽ tăng giá khi dự án thành công.

Chỉ cần vài từ khóa đơn giản cũng có thể tìm thấy vài trăm ICO đang trong quá trình huy động. Mỗi ngày lại có những ICO mới được khai sinh. Mức giá trong những đợt huy động vốn ban đầu khá rẻ, chỉ từ 0,01 – 0,5 USD, với kỳ vọng khi được đưa lên những sàn giao dịch lớn nó có thể tăng lên 5 – 10 USD, hay thậm chí vài trăm USD.

Để đầu tư vào ICO có hai cách chính: Một là sử dụng những đồng tiền lớn như Bitcoin hay Ethereum để mua những đồng tiền này, nắm giữ và chờ đợi tăng giá. Còn cách thứ hai là thông qua ICO Lending, mua những đồng tiền mới và nhận lãi trả hàng tháng, con số này có thể lên tới 45 – 48%.

Tuy nhiên, “kênh huy động này đã biến tướng khi khả năng sinh lời quá lớn. Họ nhận ra đây là hoạt động ẩn danh, việc huy động dù niêm yết bằng USD nhưng đa phần được quy đổi ra những đồng tiền lớn như Bitcoin hay Ethereum, khó có thể lần ra manh mối nếu bị lừa”, anh Giang nói.

Hoạt động ICO vì thế sẽ khó có thể kiểm soát và không ai có thể chắc chắn được rằng những người đứng sau các ICO này có thực hiện những “roadmap” đã vẽ ra hay không. Nhà đầu tư thì bị hút vào bởi những cam kết lợi nhuận kếch xù, họ không còn quan tâm đến chất lượng thực sự của các ICO, thay vào đó họ nhìn vào những hứa hẹn về việc tăng giá tới vài chục lần.

Xem thêm  Điểm nhấn kiến tạo: Bộ Công Thương cắt thẳng 675 điều kiện kinh doanh

Thị trường không thiếu những vụ việc lừa đảo. Những đồng tiền được tạo ra và biến mất chỉ sau một tuần. Sau khi những người đứng sau ICO đã bán hết đồng tiền ảo mới tạo ra, xóa website, xóa thông tin và biến mất một cách “vô thanh, vô tức”.

“Hãy khởi hành chuyến đi vào lúc bắt đầu nhưng đừng là người xuống tàu sau cùng”, anh Giang nói. Trung bình để chọn được một ICO chất lượng, xác suất chỉ khoảng 10 – 20%, với những người chưa có kinh nghiệm, con số này còn thấp hơn.

bitcoin, eth, bong bóng, cơn sốt, tiền ảo, tiền số

Tương lai hay “bong bóng”?

Sự biến động của Bitcoin đã khiến các nhà đầu tư nổi tiếng thế giới để mắt, với nhiều ý kiến khác nhau.

Ở nhóm tiêu cực, “bong bóng”, “mô hình lừa đảo Ponzi” hay “bong bóng hoa tulip” là những từ mà nhiều chuyên gia, nhà đầu tư hay CEO dùng để miêu tả về cơn sốt tiền ảo hiện nay, đặc biệt là đà tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin từ đầu năm 2017.

“Chúng tôi xem Bitcoin như một mô hình lừa đảo ponzi”, David Gledhill – người đứng đầu mảng công nghệ tại ngân hàng DBS chia sẻ với CNBC.

Ponzi được đặt tên theo Charles Ponzi – kẻ lừa đảo nổi tiếng nước Mỹ thập niên 20. Mô hình này cam kết trả lãi suất lên tới hàng chục phần trăm mỗi năm, dùng tiền của người sau trả cho người trước. Những vụ lừa đảo Ponzi nổi tiếng thế giới thường có quy mô hàng tỷ USD.

“Các giao dịch Bitcoin rất đắt và tất cả các khoản phí đều ẩn giấu thông qua các cơ chế mật mã. Chúng tôi không nghĩ DBS đang ở trong cuộc chơi này và Bitcoin sẽ không tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi”, Gledhill nói bên lề Singapore Fintech Festival.

CEO của JPMorgan là Jamie Dimon cũng đưa ra các lời chỉ trích đối với Bitcoin khi xem đây chỉ là một “trò lừa bịp”. Trong khi Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates cho biết ông không tin tưởng vào các đồng tiền ảo.

Các Ngân hàng Trung ương cũng đưa ra quan điểm trái chiều về Bitcoin. Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục cảnh báo sự nguy hiểm của hoạt động đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số. Tháng 9/2017, Phó chủ tịch ECB, Vitor Constancio đã nhận định Bitcoin không phải tiền tệ mà là một dạng của hoa tulip – ý muốn nói về hiện tượng bong bóng hoa tulip hồi thế kỷ 17 ở Hà Lan.

Đồng nghiệp của ông Constancio là Benoit Coeure cũng lên tiếng cảnh báo tính không ổn định của Bitcoin, tình trạng trốn thuế và tội phạm sẽ tạo ra rủi ro rất lớn.

Hồi tháng 6/2017, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF), Francois Villeroy de Galhau, cho hay các quan chức Pháp tỏ ra cực kỳ thận trọng trước Bitcoin vì không hề có tổ chức Nhà nước nào đứng sau để củng cố niềm tin về đồng tiền này. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng phản đối các đồng tiền kỹ thuật số khi cho rằng chúng có thể là kênh rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Tuy nhiên ở khía cạnh ngược lại, cũng không ít người ủng hộ sự phát triển của loại tiền này. Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng mức giá 11.000 USD cho 1 BTC (Bitcoin) thậm chí vẫn chưa xứng đáng, họ kỳ vọng mức tăng vài chục phần trăm, gấp đôi, gấp 4 lần trong thời gian tới.

Michael Novogratz, từng là nhà quản lý quỹ đầu cơ Fortress, cho rằng giá Bitcoin có thể nhân gấp 4 lần trong vòng 13 tháng tới. “Bitcoin có thể đạt mức 40,000 USD vào cuối năm 2018”. Ngoài ra, ông dự báo Ethereum cũng có thể tăng gấp 3 lần tại thời điểm khép lại năm 2018.

Tom Lee, người đồng sáng lập Fundstrat Global Advisors, đã nâng mức giá mục tiêu của Bitcoin từ 6,000 USD lên 11,500 USD vào giữa năm 2018. Trong khi Ronnie Moas, nhà sáng lập công ty nghiên cứu tài chính Standpoint Research, cũng nâng giá mục tiêu từ 11,000 USD lên 14,000 USD trong năm tới.

Hà Lan là một trong những quốc gia có bước đi táo bạo nhất trong việc thử nghiệm các đồng tiền kỹ thuật số. Hai năm về trước, ngân hàng trung ương nước này đã tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số có tên DNBcoin – chỉ lưu thông nội bộ – để hiểu thêm về cách thức hoạt động của chúng. Trình bày các kết quả hồi năm ngoái, ông Ron Berndsen – người phụ trách dự án – cho biết Blockchain có thể áp dụng được trong việc giải quyết các giao dịch tài chính phức tạp.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney đánh giá các đồng tiền kỹ thuật số như là một phần của cuộc cách mạng tiềm năng trong lĩnh vực tài chính. Năm ngoái, BoE đã khởi đầu một chương trình vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp công nghệ tài chính (financial technology accelerator) nhằm khuyến khích các công ty non trẻ.

Ngân hàng Trung ương Brazil (Banco Central do Brasil) cũng cho rằng các đồng tiền kỹ thuật số không gây ra rủi ro tức thì đến hệ thống tài chính Brazil, nhưng vẫn cảnh giác trước tình trạng sử dụng những đồng tiền kỹ thuật số.

Tiền ảo có những đặc tính ưu việt, đó là điều được cả giới chuyên gia, CEO và những nhà đầu tư thừa nhận, nhưng vấn đề không thể kiểm soát cũng khiến nhiều người nghi ngại.

Bloomberg vừa liệt kê một loạt các lý do có thể khiến Bitcoin lao dốc, từ các rủi ro bị hack, lừa đảo, mất trộm cho tới quan điểm của các quốc gia có thể ảnh hưởng tới xu hướng của đồng tiền này. Tuy nhiên, có một lý do là “chẳng vì lý do gì” – nếu Bitcoin có thể tăng phi mã mà không cần lý do cụ thể, nó cũng có thể giảm rất bất ngờ.

Nhiều người kỳ vọng tiền ảo có thể hỗ trợ hoạt động thương mại hợp pháp. Tuy nhiên, chi phí giao dịch đắt đỏ và tiền điện cao (do hoạt động đào) đã lấn át tất cả. Nhà kinh tế học từng giành giải Nobel – Joseph Stiglitz gần đây cũng nhận định Bitcoin “đang sống ngoài vòng pháp luật” và “không thực hiện bất kỳ chức năng có ích nào cho xã hội”.

Dù vậy, những người như anh Nam, Giang và Tùng lại có một suy nghĩ khác. Họ nhận ra đây là cơ hội đầu tư sinh lời và họ không bỏ qua nó. “Khi mọi người vẫn còn bàn tán về tiền ảo, Bitcoin, về những ICO. Khi những diễn đàn, những cộng đồng vẫn thu hút hàng chục nghìn người tham gia và thảo luận. Điều này cho thấy tiền ảo vẫn còn sức hút, vẫn chưa tới hồi kết”.

.Theo Vnexpress