Có lần tôi đến nhà đúng lúc mâm cơm của ông được dọn lên: Chỉ có một đĩa rau luộc, một đĩa thịt nho nhỏ và một bát canh suông.
TS Lê Kiên Thành – con trai cố TBT Lê Duẩn từng gặp cố TBT Đỗ Mười nhiều lần khi còn bé, khi TBT Lê Duẩn vẫn còn sống. Nhưng ông luôn coi cuộc gặp với TBT Đỗ Mười năm 1991 là cuộc gặp đầu tiên. Vì đó là cuộc gặp mà Lê Kiên Thành có cái nhìn rõ nét đầu tiên về ông Đỗ Mười. Cũng là cuộc gặp mà nhờ đó, Lê Kiên Thành đã không phải ra khỏi Đảng.
Sau khi nguyên TBT Đỗ Mười từ trần, Báo Điện tử Trí Thức trẻ đã đề nghị TS Lê Kiên Thành chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt ấy
Lần đầu tiên tôi gặp chú Đỗ Mười là năm 1991. Thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh là nơi tiên phong trong việc cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân. Mà tôi thì lại chính là một trong số những Đảng viên đầu tiên rời bỏ nhà nước để ra ngoài làm kinh tế. Dù tôi là con trai của cố TBT Lê Duẩn, thì vẫn có những người đã gây sức ép, đề nghị tôi phải ra khỏi Đảng.
Không hiểu tại sao có ai đó nói đến tai chú Đỗ Mười rằng tôi viết đơn xin ra khỏi Đảng. Một ngày, thư ký của ông gọi điện cho tôi, đề nghị tôi ra Hà Nội gặp ông nói chuyện. Cuộc gặp diễn ra lúc 5 giờ chiều – tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân – là nơi ông làm việc.
Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm đó , câu đầu tiên ông hỏi tôi là: “Thành, tại sao cháu lại xin ra khỏi Đảng?”. Tôi trả lời: “Thưa chú, ba cháu là một người Cộng sản và cháu cũng là một người Cộng sản. Cháu không xin ra khỏi Đảng và cũng chưa bao giờ có ý định đó. Thực ra là ngược lại, người ta đưa cháu vào danh sách những Đảng viên sẽ phải ra khỏi Đảng vì cháu đã chọn lựa đi làm kinh tế tư nhân”.
Thành uỷ TPHCM quy định Đảng viên không được đứng đầu một doanh nghiệp tư nhân có quá 13 người. Đảng viên cũng không được tham gia quá 30% vốn của công ty đó. Và tôi rơi vào cả hai trường hợp đó.
Tôi nói với chú Đỗ Mười: “Nếu mà bóc lột, thì bóc lột 1 người cũng là xấu. Chú hãy cho cháu biết, tại sao người ta lại cho rằng bóc lột 13 người thì được? Và tại sao bóc lột 13 người thì lại ít xấu hơn bóc lột 14 người? Công ty cháu thực hiện mọi quy định về bảo hiểm, về lương cơ bản, về giờ làm theo Luật Lao động. Công ty nhà nước cũng chỉ thế. Thậm chí,ở công ty cháu – cùng một công việc – người lao động sẽ được trả cao gấp đôi so với công ty nhà nước. Thế thì tại sao lại cho rằng cháu đang bóc lột người lao động của mình? Bởi vây, những lý lẽ đó không thuyết phục được cháu.
Nếu Thành uỷ TPHCM ép cháu phải ra khỏi Đảng, cháu sẽ xin chuyển sinh hoạt Đảng về Vũng Tàu. Chừng nào Vũng Tàu bắt chước TPHCM, cháu sẽ xin chuyển Đảng về Đồng Nai, về Cà Mau, về bất cứ nơi nào mà cháu có thể sinh hoạt Đảng. Chỉ đến khi không còn nơi nào trên đất nước này cho phép cháu tiếp tục là Đảng viên, thì thưa chú, đến lúc đó cháu mới chấp nhận ra khỏi Đảng”.
Thực ra hôm ấy, trước khi vào gặp chú Đỗ Mười, thư ký của ông có dặn tôi: “TBT sẽ tiếp anh trong 30 phút rồi phải về nghỉ ngơi. Ông đã có một ngày làm việc mệt mỏi trước đó rồi”. Nhưng cuối cùng, tôi và chú Đỗ Mười đã có một cuộc trò chuyện dài gần 2 tiếng đồng hồ. Ông ngồi quay đầu lại phía cửa chính – đối diện với tôi. Cậu bảo vệ cứ thi thoảng đi qua đi lại, ra hiệu cho tôi kết thúc cuộc trò chuyện. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nói, vì khi nhìn vào mắt ông, tôi hiểu ông chưa muốn kết thúc cuộc trò chuyện đó.
Thú thật, bao nhiêu năm sau này, điều đó vẫn khiến tôi rất xúc động mỗi khi có dịp hồi tưởng lại. Vì không phải dễ dàng gì để một vị TBT – một người đứng đầu Đảng, sẽ dành thời gian cho một Đảng viên bình thường như tôi lâu như thế. Mà không chỉ thế, vị TBT ấy còn lắng nghe mọi thứ mà tôi nói – dù không ít điều trong đó là rất đụng chạm, rất trái tai.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông bảo thư ký kết nối máy cho ông gặp lãnh đạo Thành uỷ TPHCM ngay trước mặt tôi. Tôi nghe ông nói chuyện với ông Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi đó đang là Bí thư Thành uỷ – PV): “Theo tôi, anh nên gặp Lê Kiên Thành, để nghe nó nói về chuyện Đảng viên làm kinh tế”.
Tôi không biết ông Tư Sang nói gì với TBT Đỗ Mười, nhưng ngay khi tôi quay lại TPHCM, ông Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) – khi đó là Phó Bí thư Thành uỷ đã gặp và lắng nghe tôi phản biện về chủ trương cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân của thành phố.
Khi tiễn tôi ra về, ông Sáu Phong nói một câu cuối cùng rất gan ruột: “Cậu cứ làm kinh tế tư nhân đi. Nếu người ta còn bắt cậu ra khỏi Đảng, thì tôi sẽ đi ra cùng cậu”. Bao nhiêu năm nay, tôi luôn nhớ về hai người lãnh đạo ấy. Một người khi ấy là đương kim TBT, một người là lãnh đạo Thành uỷ TPHCM và sau này sẽ thành Chủ tịch nước. Họ đã dành cho tôi sự khích lệ vô cùng lớn lao trong những ngày đầu đi làm kinh tế tư nhân đầy khó khăn, để tôi vững tin rằng những việc tôi làm là đúng đắn.
Nhờ cuộc gặp với chú Đỗ Mười và chú Sáu Phong mà năm ấy, tôi đã không bị ép ra khỏi Đảng và vẫn được làm kinh tế. Nhưng phải đến hơn 10 năm sau, chúng ta mới chính thức cho phép Đảng viên được làm kinh tế tư nhân.
Sau cuộc gặp đầu tiên ấy, tôi đến thăm chú Đỗ Mười thường xuyên hơn – những cuộc gặp diễn ra trong cả ba giai đoạn cuộc đời ông: khi ông là TBT đương nhiệm, khi ông trở thành cố vấn BCH TW Đảng, và khi ông rút khỏi toàn bộ những công việc chính trị, dành thời gian an dưỡng tuổi già.
Không một lần nào tôi gọi điện ngỏ ý đến thăm mà ông từ chối. Lần nào đến nhà ông ở Phạm Đình Hổ, tôi cũng thấy ông đang ngồi đó, tay cầm kính lúp và chăm chú đọc sách. Bàn làm việc của ông lúc nào cũng ngập trong sách. Lâu lắm rồi tôi không còn thấy những nhà lãnh đạo đọc sách nhiều thế. Và ông luôn kể cho tôi về cuốn sách ông đang đọc, trước khi chúng tôi bắt đầu nói những câu chuyện chính.
Khác với cha mình, tôi không theo đuổi con đường chính trị mà lựa chọn trở thành một doanh nhân. Nhưng rất nhiều đêm không ngủ được, tôi vẫn thường vắt tay lên trán và suy nghĩ về những vấn đề của đất nước. Có những điều khiến tôi cảm thấy trăn trở, cảm thấy nặng nề và cần được sẻ chia – nhưng không phải lúc nào tôi cũng có thể tìm được người hiểu mình. Với chú Đỗ Mười, tôi có thể chia sẻ những nỗi niềm đó.
Kể từ lần gặp đầu tiên cho đến lần gặp sau này, tôi luôn cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa biết ơn khi ông – người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã luôn lắng nghe tôi – một Đảng viên bình thường. Khi trò chuyện, giữa chúng tôi không còn quá nhiều khoảng cách về thế hệ và vị trí trong Đảng. Chúng tôi chỉ là hai người Đảng viên cùng có chung một mối quan tâm.
Tôi là một người thẳng thắn và không ngại nói ra suy nghĩ của mình, kể cả với những nhà lãnh đạo như chú Đỗ Mười. Không phải chuyện gì chú Đỗ Mười cũng đồng tình với quan điểm của tôi. Có những chuyện mà khi đến gặp ông để chia sẻ, tôi thậm chí phải thu hết can đảm và chuẩn bị tinh thần rằng tôi nhất định sẽ khiến ông nổi giận. Nhưng thật ngạc nhiên, ông cư xử hoàn toàn khác.
Có một lần, tôi đến gặp ông và nói: ” Cháu cứ băn khoăn mãi, vì đến bây giờ vẫn có nhiều lĩnh vực mà Nhà nước mình cho là nhạy cảm và không cho tư nhân bước chân vào. Cháu không hiểu vì sao chúng ta e sợ nhiều thế? Vì cháu đang làm ngân hàng (khi đó TS Lê Kiên Thành là Chủ tịch Ngân hàng Techcombank – PV), cháu cứ nghĩ mãi một chuyện: Thời xưa chúng ta từng cấm tư nhân làm ngân hàng, vì cho rằng đó là lĩnh vực vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ và từ đó có thể đe doạ sự ổn định về chính trị của đất nước. Nhưng đến một thời điểm, chúng ta đã can đảm cho tư nhân làm ngân hàng và thực tế, khu vực tư nhân này đã làm cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng càng ngày càng phát triển cà trở nên lành mạnh hơn. Thế thì tại sao chúng ta lại không mạnh dạn phá rào với những lĩnh vực khác?
Ví dụ, nếu với ngân hàng, chúng ta đưa ra những quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, về lãi suất. Kể cả những nhân sự chủ chốt của ngân hàng cũng phải được thông qua bởi Ngân hàng Nhà nước. Thế thì với những lĩnh vực khác, chúng ta cũng có thể có biện pháp quản lý tương tự. Điều đó chỉ có lợi, chứ không thể nào có hại cho sự phát triển của đất nước”.
Lúc đó, chú Đỗ Mười trầm ngâm một lát. Tôi hiểu rằng có thể ông không đồng tình với suy nghĩ của tôi. Nhưng ông chỉ nói nhẹ nhàng: “Có lẽ bây giờ chưa phải lúc…”.
Thật ra tôi hiểu rằng, một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa một người lãnh đạo như chú Đỗ Mười với tôi – một Đảng viên bình thường chính là việc ở vị trí đó, họ sẽ bao quát được nhiều vấn đề hơn, và hiểu rằng có những việc có thể rất đơn giản nếu nhìn từ vị trí của tôi, nhưng lại không dễ dàng gì nếu đứng ở vị trí của ông.
Chú Đỗ Mười từng có lần nói với tôi: “Khi chú lên vị trí này, chú càng hiểu vai trò của ba cháu, càng hiểu khó khăn của ba cháu. Ở vị trí này, người ta phải đối mặt với quá nhiều gánh nặng. Có những việc mình buộc phải làm, không thể có lựa chọn khác. Có những việc mà người ở ngoài sẽ chê mình làm không tốt, nhưng sự thật là khi bắt tay vào làm thì mới hiểu rằng, để làm tốt việc đó khó khăn đến không tưởng”.
Tôi hiểu những gì ông nói. Ba tôi và chú Đỗ Mười đều từng là những người lãnh đạo Đảng trong những thời điểm khác nhau của lịch sử. Họ giống nhau ở một điều, có một vài việc họ làm gây tranh cãi cho đến tận bây giờ. Nhưng vì tôi có cơ hội tiếp xúc và sống gần họ, tôi hiểu một điều rằng, những việc mà họ làm đều dựa trên hệ quy chiếu là đất nước, đều được lọc qua lăng kính của lòng yêu nước.
Khi một người lấy lợi ích đất nước làm kim chỉ nam, lấy lòng yêu nước làm tiêu chuẩn – không có nghĩa rằng mọi quyết định của họ đều đúng đắn – nhưng nó sẽ giúp họ tránh được nhiều sai lầm nhất có thể, những lựa chọn gây hại cho đất nước, cho dân tộc cũng sẽ ít nhất có thể. Và tôi không bao giờ nghi ngờ một điều: mọi việc mà chú Đỗ Mười đã làm đều xuất phát từ niềm tin rằng đó là việc có lợi cho đất nước này, cho dân tộc này.
Lịch sử, không chỉ ở ta, mà thế giới cũng vậy, không phải lúc nào cũng công bằng. Có những người sẽ bị phán xét hơn những gì đáng nhẽ ra họ phải chịu. Cũng có những người sẽ được tụng ca hơn những gì mà họ xứng đáng.
Gần 30 năm qua, mỗi lần gặp chú Đỗ Mười, dù có bắt đầu câu chuyện bằng những lời hỏi thăm gia đình, dù có bàn luận về những cuốn sách, thì cuối cùng, những cuộc trò chuyện giữa tôi và chú Đỗ Mười luôn quay về đề tài đất nước, dân tộc.
Có không ít lần ông hỏi tôi: “Thành, bây giờ đất nước mình không còn chiến tranh nữa, không còn đói nữa. Nhưng cháu nói thật đi, cháu thấy đất nước mình đã mạnh chưa? “. Câu hỏi quá khó, tôi không biết phải trả lời thế nào.
Tôi và chú Đỗ Mười hay bàn luận về sự sụp đổ của Liên Xô. Người ta cứ nói Liên Xô sụp đổ vì các thế lực bên ngoài. Nhưng một đế chế đã hùng mạnh như thế thì đâu dễ dàng sụp đổ vì những tác động ngoại bang! Liên Xô sụp đổ khi trong lòng đất nước ấy không hề có bất cứ mầm mống tư bản nào. Và Việt Nam cần tránh được vết xe đổ ấy.
Khi Nghị quyết Trung ương 4- khoá XI diễn ra, tôi đến nói với chú Đỗ Mười rằng: “Cháu coi chú như chú của cháu, vì ba cháu không còn nữa. Chú vừa là người có vị trí trong Đảng, vừa là người trong gia đình. Nên hôm nay, cháu đến để xin phép chú, nếu lần này, Nghị quyết Trung ương 4 không thành công, cháu sẽ xin phép ra khỏi Đảng”.
Nghị quyết TƯ4 với một người đảng viên như tôi là một sự kiện quan trọng. Vì đó là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng đã can đảm thay mặt Đảng thừa nhận những tồn tại, những yếu kém trong Đảng, thừa nhận việc chúng ta có sửa chữa được những yếu kém đó hay không, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Đó là lần đầu tiên TBT thừa nhận trong Đảng đang có nhiều thành phần cơ hội. Đó cũng là lần đầu tiên chúng ta dám nhìn trực diện vào sự lâm nguy mà chúng ta đang đối diện. Cũng là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy sự lâm nguy ấy do chính chúng ta tạo ra. Đứng trước sự lâm nguy, người ta phải có hành động đặc biệt.
Hôm đó, tôi đã nín thở chờ đợi chú Đỗ Mười quát mắng mình. Nhưng thay vì đó, ông im lặng và nhìn tôi buồn bã. Sau này, ông chỉ nói với tôi rằng: “Có những việc chúng ta cần thời gian, có những việc chúng ta phải biết chờ đợi. TBT Nguyễn Phú Trọng nói đúng, có rất nhiều thành phần cơ hội đang tồn tại trong Đảng. Nhưng tìm ra họ không đơn giản. Chứng minh họ có hại càng không dễ. Và để loại bỏ những thành phần cơ hội đó, chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn, rất nhiều thời gian”.
6 năm đã qua kể từ khi Nghị quyết Trung ương 4 diễn ra, tôi đã hiểu một điều rằng, điều chú Đỗ Mười đã nói là đúng, điều mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã và đang làm trong 2 nhiệm kì vừa qua của ông là đúng. Có những cuộc cải tổ cần phải có thời gian, đôi khi là rất nhiều thời gian mới bắt đầu nhìn thấy những kết quả tích cực.
Gần 30 năm qua, tôi có rất nhiều kỉ niệm cá nhân với chú Đỗ Mười. Kể cả khi đã gần 100 tuổi, nhưng mỗi lần tôi đến nhà thăm ông, thì khi ra về,bao giờ ông cũng sẽ ân cần nắm tay, tiễn tôi ra tận cửa. Tôi luôn ngạc nhiên lẫn cảm động về sự giản dị quá mức của ông.
Có lần tôi đến nhà đúng lúc mâm cơm của ông được dọn lên: Chỉ có một đĩa rau luộc, một đĩa thịt nho nhỏ và một bát canh suông. Ông chẳng bao giờ để ý đến việc người ta sẽ cho mình ăn gì. Trong căn phòng làm việc chứa đầy sách của ông có kê một cái sập gụ. Trên đó có một cái chiếu cói cũ như chính cái sập ấy. Và ông thường ngả lưng trên đó sau những lúc làm việc căng thẳng.
Tôi không bao giờ nghi ngờ về việc ông là một người vô cùng thanh bạch, vô cùng liêm khiết. Vì tôi biết, con cái, họ hàng ông chỉ làm những công việc hết sức bình thường chứ không hề được ông nâng đỡ, không hề có đặc ân nào nhờ cương vị của ông. Nên với ông, tôi luôn cư xử rất chừng mực.
Tôi có một công ty sản xuất mì ăn liền. Mỗi lần đến thăm ông, nếu tôi cầu kì mua trái cây mang đến, ông chắc chắn sẽ càu nhàu. Nên quà của tôi tặng ông thường xuyên là những thùng mì tôm. Ông rất vui vẻ khi nhận những món quà đó, vừa cười nói, vừa gọi các chú bảo vệ của ông lên chia cho mỗi người một ít.
Chú Đỗ Mười và chú Sáu Dân là hai người đã động viên tôi ứng cử ĐBQH. Trước khi tôi ứng cử ĐBQH lần đầu tiên, một ngày chú Đỗ Mười nói với tôi: “Chúng mày kiếm ăn thế là đủ rồi. Giờ là lúc nên tham gia vào công việc chung đi”.
Tôi thật thà trả lời ông: “Thật ra thế hệ chúng cháu vừa may, vừa không may. Chúng cháu được sinh ra trong những gia đình cách mạng, đó là tiền đề may mắn. Nhưng không may là tất cả những ông bố, bà mẹ của chúng cháu đều không nghĩ rằng con mình nên tham gia chính trị. Nên đến bây giờ, có lẽ tất cả đã muộn màng rồi”.
Năm đó tôi đã 46 tuổi. Kể cả nếu tôi có muốn quay trở lại hệ thống, thì cũng không còn cơ hội để được đề bạt. Chú Đỗ Mười hiểu điều đó, nên ông động viên tôi: “Cháu không vào được cơ quan nhà nước nữa, thì vào các cơ quan dân cử mà làm việc. Làm theo cách nào thì cũng là cống hiến cho đất nước”.
Chú Sáu Dân cũng nói với tôi những lời hệt như thế. Chính vì sự mong mỏi của hai nhà lãnh đạo ấy, chính vì không muốn phụ lòng tin của họ, mà tôi đã hai lần tự ứng cử ĐBQH – tự ứng cử kể cả khi biết rằng, mình chỉ có 5% cơ hội chiến thắng.
Trong kinh doanh, nếu chỉ có 5% cơ hội là coi như thất bại. Một doanh nhân như tôi sẽ không bao giờ thử sức với một thương vụ chỉ có 5% cơ hội như thế. Nhưng nếu là một chuyện tốt, nếu là một chuyện có thể cống hiến cho đất nước, thì dù chỉ có 5% cơ hội, tôi vẫn thấy đáng làm, vẫn thấy sẵn sàng làm.
Không nằm ngoài dự đoán, 2 lần tôi ứng cử ĐBQH đều trượt. Dĩ nhiên là tôi buồn. Nhưng tôi hiểu chú Đỗ Mười và chú Sáu Dân còn buồn hơn cả tôi khi tôi không thành công. Sau này, cả chú Đỗ Mười và chú Sáu Dân đều từng nhiều lần tìm cách tiến cử tôi, tìm cách đưa tôi quay lại hệ thống, quay trở lại làm việc cho nhà nước, nhưng có lần không thành công, có lần thì chính tôi đã không nắm lấy cơ hội đó. Vì tôi hiểu rằng, một người đã lựa chọn rời khỏi nhà nước đi làm kinh tế tư nhân quá lâu như tôi thì sẽ rất khó để quay trở lại hệ thống.
Tôi hay nói với cả chú Sáu Dân và chú Đỗ Mười rằng, cuộc đời của chúng ta đều có số phận. Như con chim sinh ra là để hót. Con cá sinh ra để bơi. Dù tôi là con trai của cố TBT Lê Duẩn, có nền tảng gia đình thuận lợi, dù tôi rất say mê chính trị và kể cả có nói với tất cả sự khiêm tốn – tôi vẫn nghĩ rằng mình có những phẩm chất để làm chính trị – nhưng tôi lại không có duyên với nó. Số phận không định tôi trở thành chính trị gia. Nên đã có lúc dù rất muốn, tôi cũng không thể vượt qua được số phận của mình.
Khi chú Sáu Dân mất, rồi bây giờ khi chú Đỗ Mười cũng ra đi, việc tôi không làm được những gì họ kỳ vọng chính là những điều khiến tôi ân hận nhất.
Hôm nay, khi chú Đỗ Mười vừa nhắm mắt, ông Sáu Nam (Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh -pv) đang nằm viện, tôi nhận ra rằng, vậy là những người cuối cùng của thế hệ khai quốc công thần của Đảng đã ra đi gần hết.
Đến giờ này, dù ai nói gì đi chăng nữa, dù có những băn khoăn chính tôi cũng chưa bao giờ dám mở lời hỏi ông, nhưng tôi có một niềm tin mạnh mẽ: Nếu là việc mà ông nhận thấy có hại cho đất nước, thì ông Đỗ Mười không bao giờ thoả hiệp. Ông là một người cả cuộc đời trung thành với lý tưởng Cộng sản của mình và sẽ không bao giờ rời bỏ nó cho đến tận hơi thở cuối cùng…
Tô Lan Phương – theo Trí Thức Trẻ/Soha
Comments are closed.