Từ chỗ condotel chỉ cam kết lợi nhuận chỉ 6 – 8%/năm, đến nay, nhiều dự án đã đẩy mức cam kết này lên 10%/năm, thậm chí 12 – 15%/năm. Cuộc đua này không nằm ngoài quy luật, “lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn”.
Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp
Cam kết trả lãi cho nhà đầu tư lên đến 15%/năm tổng giá trị condotel, thậm chí mua lại sản phẩm với giá cao hơn giá bán ban đầu từ 5 – 20%, cùng nhiều ưu đãi khác, nhưng đến nay chủ đầu tư mất khả năng chi trả. Liên tục bị hàng chục khách hàng đòi nợ, chủ đầu tư này đã phải trả lại condotel cho khách hàng, đồng thời đề nghị giảm mức lợi nhuận cam kết từ 15% giá mua xuống còn 8%. Câu chuyện vừa diễn ra tại một dự án condotel ở Nha Trang như hồi chuông cảnh tỉnh những nhà đầu tư đang bị “ru ngủ”, bởi con số lợi nhuận cam kết khủng.
Condotel ‘đuối sức’ sau cuộc đua cam kết lợi nhuận
Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tranh chấp liên quan đến quá trình vận hành, chia lợi nhuận ở các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Cuối năm 2016, nhiều khách hàng mua condotel dự án Fusion Suites Đà Nẵng cũng đã lên tiếng sau nhiều bức xúc về phương thức phân chia lợi nhuận cho thuê và những khoản chi phí phát sinh khác. Một vấn đề khác cũng khiến khách hàng mua condotel ở đây bất an chính là dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động nhiều năm nhưng chủ condotel vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền.
Cam kết lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Tuy nhiên, cách đây không lâu, đại diện Savills Việt Nam đã đưa ra một số so sánh đáng chú ý. Theo đó, Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ cam kết lợi nhuận từ bất động sản nghỉ dưỡng, so với một số khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tại Việt Nam đang có cam kết lợi nhuận với tỷ lệ 10% trong vòng 5 – 10 năm, Phuket (Thái Lan) cam kết lợi nhuận 7% trong 3 – 5 năm và Bali cũng cam kết lợi nhuận 7% trong 2 – 3 năm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong vài năm tới, nguồn cung condotel tiếp tục có dấu hiệu phát triển nóng, tăng đột biến. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bội thực cung vượt cầu, trong lúc hiệu quả khai thác, kinh doanh có thể không đạt như kỳ vọng, nhất là giai đoạn sau sự kiện APEC cuối năm 2017. Hơn nữa, tỷ lệ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong lúc tỷ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44% là không bình thường, vì ở các nước khác tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn condotel. Chính những yếu tố bất cập trong phát triển loại sản phẩm này đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy trong tương lai.
Thận trọng với bẫy cam kết lợi nhuận cao
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BeeLand, cho rằng, đại đa số khách hàng khi tìm hiểu kênh đầu tư condotel hiện nay, đều bị “mờ mắt” bởi các con số lợi nhuận cam kết trong mơ. Không dừng ở mức 10%/năm cam kết lợi nhuận trong 10 năm, hiện một số chủ đầu tư mới đã nâng con số lên đến 12%/năm, thậm chí cao hơn nữa, để thu hút khách. Song, thực tế đã chứng minh, đằng sau những con số hấp dẫn đó là rất nhiều rủi ro có thể gặp phải.
“Đầu tư condotel, không nên mải mê chạy theo cam kết lợi nhuận bao nhiêu %, mà quên đi khả năng khai thác thực tế ra sao. Nếu cam kết quá cao so với khả năng thực tế thì nguy cơ tranh chấp rất dễ xảy ra.
Thông thường, chủ đầu tư và khách hàng ký hợp đồng khai thác 50 năm với mức cam kết lợi nhuận tối thiểu từ 5 năm đến 10 năm đầu tiên. Song không phải cam kết nào cũng sẽ thành hiện thực. Điều này nó phụ thuộc vào uy tín của chủ đầu tư có đủ lớn hay không. Và năng lực của chủ đầu tư và đơn vị vận hành condotel đó như thế nào?
Điều vô cùng nguy hiểm là sau thời gian cam kết lợi nhuận tối thiểu, con số lợi nhuận thực tế, chia sẻ 85% – 15% là bao nhiêu, có đáng tin cậy không? Nếu lựa chọn sai, khách hàng sẽ phải trả giá đắt ở giai đoạn này. Cần lưu ý, tính minh bạch của con số lợi nhuận khai thác thực tế phụ thuộc vào: Uy tín của chủ đầu tư; Uy tín và năng lực của đơn vị khai thác condotel sau này; Mức độ kiểm toán của dự án đó ra sao?” – ông Nguyễn Hoàng Anh khuyến cáo.
Mặt khác, theo ông Lê Hoàng Châu, đối với những dự án mà chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 – 12%, trong 8 – 12 năm, thì trong giá bán có thể đã bao gồm đủ khoản chi phí phải trả cho cam kết lợi nhuận này; cả chi phí trang bị căn hộ; chi phí quản lý khai thác kinh doanh. Đối với những dự án condotel mà chủ đầu tư không cam kết lợi nhuận thì nhà đầu tư thứ cấp phải chịu thêm chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý khai thác kinh doanh.
Các chuyên gia cũng lưu ý, nhiều hợp đồng mua bán căn hộ condotel có cam kết lợi nhuận. Tuy nhiên, chưa thấy chủ đầu tư đề cập các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết trả lợi nhuận thật chắc chắn cho nhà đầu tư thứ cấp. Chủ đầu tư cũng chưa có giải pháp rõ ràng, để hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận (sau 8 – 12 năm). Đây là những điểm nhà đầu tư cần lưu ý để cân nhắc khi đầu tư loại sản phẩm này.
Theo Vietnamnet