Xốn xang vài hôm, rồi dư luận dường như chẳng để ý, quan tâm đến cách giải quyết, xử lý hậu quả những vụ tai nạn gây chết người, do bất cẩn từ những công trình thi công trên các trục đường phố. Và dường như đang mặc định một điều: người ta (chủ đầu tư, đơn vị thi công) cứ dùng tiền để bồi thường là…xong chuyện?
Công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương – nơi “xuất phát” của thanh sắt khiến
2 người thương vong tối 27-9
Như ANTĐ thông tin, chiều tối 27-9, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Lê Văn Lương (đoạn thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Một thanh sắt cỡ lớn từ giàn giáo của công trình xây dựng bất ngờ lao từ trên cao xuống, khiến một phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ; 1 người đàn ông bị thương. Một người khác may mắn hút chết vì bánh xe chỉ mới lăn qua đó vài tích tắc.
Qua xác định ban đầu, cơ quan chức năng xác định danh tính người bị thương là ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Còn nạn nhân tử vong là chị Dương Thị Hằng (SN 1987, quê quán Bắc Ninh).
Theo ghi nhận của PV ANTĐ tại hiện trường, thanh sắt cỡ lớn trên thuộc giàn giáo của 1 công trình xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê ngay mặt đường. Công trình này theo bản thiết kết gồm 2 tầng hầm, 16 tầng nổi, hiện đã hoàn thành phần khung và đang hoàn thiện.
Lực lượng Công an làm nhiệm vụ tại hiện trường
Vụ việc thương tâm gây ùn ứ cả tuyến đường dài, khiến người dân hết sức bức xúc, lo lắng. Và ngày trong tối 27-9, CQĐT CAQ Thanh Xuân đã vào cuộc, mời chủ đầu tư cùng đơn vị thi công đến làm việc, đồng thời khẩn trương điều tra xác minh nguyên nhân sự việc trên.
Còn nhớ cũng trên trục đường Lê Văn Lương này, đêm 19-10-2017, thanh sắt dài khoảng 2m đã “vi vu’’ từ tầng 27 của dự án The Golden Palm xuống, xuyên thủng mái tôn cách giường ngủ của chủ nhà gần 1m.
Mười ngày trước đó, cũng từ dự án này, thanh sắt hộp dài khoảng 50 cm đã lao thẳng xuống đất, xuýt “đo ván” 1 nam thanh niên đi xe máy ngang qua. “Sau tiếng động lớn, tôi quay lại thì thấy thanh sắt vẫn đang nảy tưng tưng trên đường. Nhiều xe máy đi sau vội né tránh, dạt vào đường nhỡ…thanh thứ hai rơi xuống. Lúc đó mà chỉ chậm 1 chút chắc tôi… khó gặp được người nhà mình”, anh Nguyễn (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), kể lại sự việc từng xảy ra với mình.
Tại Hà Nội, có lẽ ám ảnh và thương tâm nhất trong các vụ tai nạn từ trên trời rơi xuống, là sự việc xảy ra sáng 6-11-2014, thuộc công trường thi công nhà ga đường sắt trên cao Hà Nội – Hà Đông, đoạn giáp ranh quận Thanh Xuân và Hà Đông. Chiếc máy cẩu đang cẩu 2 thanh sắt lên cao, bỗng dưng đứt cáp. Hai thanh sắt đổ sập xuống dòng người đang lưu thông phía dưới. Hậu quả đau lòng xảy ra, là 1 nam sinh viên tử vong tại chỗ, và ít nhất 2 người bị thương, phải nhập viện cấp cứu. Tại hiện trường, ba chiếc xe máy nằm ngổn ngang và bị các thanh sắt đè lên. Phía trên là dàn giáo bằng thép cỡ lớn, đầy đe dọa.
Hiện trường vụ việc chiều tối 27-9-2018
Sau nhiều, rất nhiều các vụ việc xảy ra; chưa thấy đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dường như mặc định một quy luật – một sự im lặng, là người ta dùng tiền để bồi thường cho các nạn nhân, là xong chuyện. Cách giải quyết đó, theo chúng tôi, mới chỉ là phần trách nhiệm dân sự, và chủ đầu tư hay đơn vị thi công phải thực hiện. Để tạo sự răn đe hơn, để hạn chế bớt “tử thần” từ trên trời rơi xuống, đã đến lúc, cần sự cương quyết, nghiêm minh trong thực hiện các chế tài, thậm chí là áp dụng xem xét trách nhiệm hình sự.
Trở lại vụ việc đau lòng tối 27-9 trên đường Lê Văn Lương khiến 1 cô gái thiệt mạng, trao đổi nhanh với 1 luật sư về vấn đề trách nhiệm, vị luật sư này khẳng định: đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình!
Linh Nhi- Theo ANTĐ