Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), không nên coi tủ lạnh là ‘bảo bối’ tích trữ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.
Lý giải cho nhận định này, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, việc tích trữ số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh không chỉ khiến cho chất lượng bảo quản thực phẩm kém, mà tiềm ẩn nguy cơ khiến chúng trở nên độc hại cho người sử dụng.
“Nhiều gia đình Việt Nam có thói quen mua rất nhiều thức ăn để dành phục vụ trong những ngày tết, thường là các loại: cá khô, giò chả, thịt tươi,… rồi bánh chưng, mứt, rau sống,…
Mặc dù những năm gần đây các chợ mở cửa từ sớm, khoảng mùng 1 Tết bắt đầu kinh doanh, nhưng thói quen này vẫn được duy trì. Có gia đình tính toán mua thức ăn tích trữ bỏ tủ lạnh đủ cho 1 tuần.
Tuy thế, thời gian bảo quản thực phẩm hữu hiệu và an toàn nhất là từ 3 – 5 ngày. Mặt khác, tủ lạnh không phải là tủ đá, chỉ có khả năng kiềm hãm hoạt động của vi khuẩn trong một thời gian nhất định ngắn hạn hơn nhiều, chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn.
Bảo quản thực phẩm không đúng cách sẽ khiến cho vi khuẩn sản sinh nhanh, mất chất dinh dưỡng, nhiễm độc chéo, ngộ độc thực phẩm…
Do đó, chị em nên bỏ thói quen coi tủ lạnh là bảo bối tích trữ thực phẩm ngày Tết, không nên mua quá nhiều thực phẩm về tích trữ trong thời gian dài” – PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng lưu ý, người dân nên phân loại, chú ý tới những điều kiện thích hợp nhất nhằm bảo quản thực phẩm.
Chẳng hạn, thức ăn tươi sống như thịt, cá,… thì cần bảo quản ở ngăn đông lạnh, nhiệt độ thấp từ -14 độ.
Thực phẩm đã chế biến, làm chín thì tùy thuộc vào thời gian sử dụng mà lựa chọn ngăn bảo quản, đóng hộp chuyên dụng, bọc kín để vi khuẩn bẩn không có cơ hội lây nhiễm.
theo VTC