Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào, gồm những gì là câu hỏi rất nhiều người quan tâm. Theo phong tục cổ truyền có thể cúng từ 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7 Âm lịch.
Cúng Rằm tháng 7 ngày nào thì tốt ?
Quan niệm của người Việt là “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Người Việt nói chung và đặc biệt là người Bắc rất quan trọng việc cúng bái. Cúng Rằm tháng 7 (hay còn gọi cúng cô hồn, cúng chúng sinh) với mong muốn sẽ không bị quỷ quấy rối, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, cùng với đó thể hiện được lòng thương, sự từ bi của con người. Ngoài việc cúng chúng sinh, cúng Rằm tháng 7 còn có một lễ cúng lên gia tiên.
Theo truyền thuyết, hàng năm đến ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan cho những linh hồn có thể tự do đi ở trần gian và nhận bố thí từ con người. Sau 12h đêm ngày 14/7 sẽ bắt buộc phải trở về địa ngục. Bởi thế nhân dân ta có nhiều người sẽ cúng cô hồn trước ngày Rằm tháng 7. Việc cúng cô hồn có thể thực hiện từ ngày mùng 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7 Âm lịch.
Ngày Rằm tháng 7 còn được gọi là ngày xá tội vong nhân. Khác với người Trung Quốc, họ sẽ thực hiện lễ cúng cô hồn tháng 7 vào đúng ngày Rằm tháng 7.
Nên cúng Rằm tháng 7 vào thời điểm nào trong ngày ?
Khi chọn được ngày cúng bạn cần phân biệt cúng gia tiên và cúng chúng sinh Rằm tháng 7. Đây là hai lễ hoàn toàn khác nhau. Ngày nay, có nhiều người đã gộp cúng gia tiên và cúng chúng sinh làm một nhưng đây là điều không nên. Bởi lẽ cúng gia tiên cần làm lễ ở trong nhà trước ban thờ tổ tiên thể hiện sự biết ơn đến cha ông, người quá cố. Đặc biệt nên cúng vào ban ngày.
Mâm cúng gia tiên ngày Rằm tháng 7.
Việc cúng chúng sinh (cô hồn) tháng 7 thì cần được thực hiện ở ngoài trời, có thể thực hiện ở chùa chiền. Cúng chúng sinh nên cúng vào buổi tối.
Cách sắm lễ cúng Rằm tháng 7
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình có thể bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép…
Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối cùng ngô, khoai lang luộc, cháo hoa… và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Phong Linh (tổng hợp)
——-
Nguồn: Người đưa tin